Kính thưa quý Ông bà và anh chị em,
Mùa Vọng năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt, vì là Mùa Vọng Tiền Năm Thánh. Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 mang tên Spes Non Confundit (“Niềm hy vọng không làm thất vọng”) Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên ước mơ của Ngài rằng: “Uớc gì Năm Thánh, đối với tất cả mọi người, là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giê-su cách sống động và cá vị, Người là ‘Cánh Cửa’ ơn cứu độ, là ‘niềm hy vọng’ của chúng ta”. Chính uớc mơ này của Đức Thánh Cha đã truyền cảm hứng cho con trong việc lựa chọn đề tài “Chúa là Niềm Hy Vọng Của Con” để chia sẻ với quý Ông bà và anh chị em hôm nay.
“Chúa là Niềm Hy Vọng Của Con” là lời xác tín của một tâm hồn thưa lên với Chúa sau khi đã có một kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Người; một lời tuyên xưng rằng Chúa chính là Niềm Hy Vọng mà bấy lâu nay tâm hồn mình đang khắc khoải kiếm tìm và đã được gặp thấy.
Giờ đây, con xin kính mời quý Ông bà anh chị em cùng lắng nghe Lời Chúa, được trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca, chương 2, từ câu 22.25-32:
Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa… Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
Kính thưa quý Ông bà và anh chị em,
Mỗi người chúng ta xuất hiện trong dòng lịch sử như một “người lữ hành” (trong nguyên ngữ Latin là homo viator) – một người luôn lên đường đi tìm những chân trời mới. Trong tâm tư mỗi người luôn khát vọng tìm thấy một bến đỗ an yên và hạnh phúc. Trên hành trình này, khi phải đối diện với những thách đố như bệnh tật, mất mát, thất bại, hay khi phải chứng kiến những cảnh tượng bi thương của chiến tranh, đói nghèo, dịch bệnh, thì đâu là sức mạnh nâng đỡ chúng ta khi đôi chân chúng ta dường như đã mệt rã? Đâu là ánh sáng rọi chiếu chúng ta khi đôi mắt chúng ta “đã mờ đi vì quá nhiều đau khổ”? Ngay cả khi chúng ta cảm thấy cuộc sống dường như vẫn rất ổn nhưng nếu thành thực với lòng mình, từ sâu thẳm bên trong, chúng ta vẫn cảm thấy thiếu niềm vui, thiếu một lẽ sống, thiếu một động lực cao thượng hơn để vươn tới, là bởi vì đâu?
Chủ đề của Năm Thánh 2025 mang đến cho chúng ta một câu trả lời: Chúng ta không phải chỉ là những người hành hương; mà là những người hành hương của hy vọng. Thật vậy, ai được sinh ra cũng có một cuộc đời để sống và để bước đi, nhưng chỉ khi chúng ta bước đi với niềm hy vọng thì chúng ta mới thấy cuộc đời này vui, ý nghĩa, và đáng sống, dù có ở giữa những giây phút tăm tối của cuộc đời. Vậy niềm hy vọng mà chúng ta muốn nói tới ở đây là gì? Đâu là những phẩm chất của một tâm hồn sống niềm hy vọng nơi Thiên Chúa? Và làm thế nào để mỗi chúng ta có thể góp phần xây dựng nền văn minh của niềm hy vọng cho thế giới?
Đó cũng chính là 3 điểm gợi ý cầu nguyện liên quan đến đề tài của chúng ta ngày hôm nay.
- Điểm gợi ý thứ nhất: Niềm hy vọng của những người Ki-tô hữu.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hy vọng nhiều điều: các bậc cha mẹ hy vọng con cái mình nên người, các doanh nhân hy vọng sớm thành đạt trong công việc, các bác nông dân hy vọng vụ mùa bội thu. Nhờ có hy vọng mà chúng ta mới nỗ lực để biến những điều mong ước thành hiện thực. Tuy nhiên, ai cũng phải nhìn nhận rằng những gì chúng ta trông mong và hy vọng trong cuộc đời mình, luôn là những điều có bản chất giới hạn, bất toàn, và rất dễ thay đổi. Thế nên phải thừa nhận rằng có những niềm hy vọng cứ khiến chúng ta lo lắng, bất an và thất vọng.
Là người Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi sống niềm hy vọng vào chính Thiên Chúa – Đấng vô hạn, toàn hảo và không bao giờ thay đổi. Hy vọng vào Chúa không phải là một cảm giác lạc quan ngây thơ rằng mọi sự rồi sẽ ổn thỏa, nhưng là một niềm hy vọng gắn liền với niềm tin – một xác tín mạnh mẽ vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa trong tất cả những gì Ngài đã hứa, đã làm, đang thực hiện và chắc chắn sẽ đưa mọi sự đến viên mãn.
Một cách cụ thể hơn, niềm hy vọng Kitô giáo của chúng ta gắn liền với lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng của cụ ông Si-mê-on, một người đạo hạnh luôn mong chờ niềm an ủi mà Thiên Chúa hứa với dân tộc Israel. Suốt cuộc đời, ông cụ luôn có sự chắc chắn trên hành trình sống kinh nghiệm mong đợi được nhìn thấy Thiên Chúa của mình. Cụ Simeon: “đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa”. Và niềm hy vọng của ông được thành sự khi ông được ẵm bỗng Hài nhi Giê-su trên tay và thưa lên “chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ”.
Vâng, niềm hy vọng của một dân tộc trở thành xác tín của riêng cá nhân. Chính cụ ông nhìn thấy nơi Hài Nhi Giêsu ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa cho toàn dân Israel, nhìn thấy lời hứa của Thiên Chúa được kiện toàn.
Phần chúng ta – những Ki-tô hữu của năm 2024 hôm nay, chúng ta không chỉ được hòa mình trong mình niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã hứa với dân Israel. Đi xa hơn thế, dòng chảy lịch sử cứu độ đã cho những người Ki-tô hữu chúng ta tìm thấy bằng chứng thuyết phục hơn về niềm hy vọng chúng ta đặt nơi Thiên Chúa qua câu chuyện về cuộc đời Chúa Giê-su. Qua những trang Thánh Kinh của Thời Tân Ước, chúng ta được biết rằng: Hài nhi Giê-su là chính Con Thiên Chúa làm người. Chính Giê-su đó, sau ba mươi năm sống ẩn dật đã bắt đầu sứ vụ công khai để rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Câu chuyện về Chúa Giê-su, mà đỉnh cao là cái chết và sống lại của Người trở thành trung tâm điểm của niềm hy vọng Ki-tô giáo của chúng ta. Điều này muốn nói với chúng ta rằng: Niềm hy vọng mà chúng ta sống hôm nay không phải là một sự chờ đợi vào một thứ tương lai chung chung, vô định, nhưng như lời Đức Cố Giáo Hoàng Benedictô XVI dạy trong Tông điệp Spe Salvi (Được Cứu Rỗi Trong Hy Vọng), rằng: “hy vọng Kitô giáo là hy vọng vào tương lai đang tới của Đức Kitô. Tương lai ấy đã được mở ra cho ta thấy trong biến cố phục sinh. Tương lai ấy sẽ vẫn còn tiếp tục được thành toàn vì nó vẫn còn đang được mong đợi, vẫn còn đang được chờ đón trong hy vọng cánh chung.”
Được xây dựng trên đức tin, niềm hy vọng Ki-tô giáo của chúng ta có một sức bật từ bên trong chứ không phải chỉ là một thứ hy vọng bâng quơ bên ngoài. Niềm hy vọng ấy khởi đi từ Thiên Chúa, được trao ban cho chúng ta, cần được mỗi chúng ta để tâm nuôi dưỡng để có thể trở thành một xác tín cá nhân của bản thân.
- Điểm gợi ý thứ hai: 3 Phẩm chất của một tâm hồn chọn Chúa là niềm hy vọng của cuộc đời mình, đó chính là: Một tâm hồn Lạc quan vui sống – Một tâm hồn biết Kiên trì chờ đợi – và là Một tâm hồn Biết ơn.
Phẩm chất thứ nhất: Một tâm hồn lạc quan vui sống
Tuổi già thường gắn liền với xu hướng thích hoài niệm, sự mệt mỏi vì tuổi cao sức yếu, và dễ nhìn tương lai với thái độ hoài nghi, bi quan khi thấy cánh cửa cuộc đời mình dần khép lại. Thế nhưng hình ảnh cụ già Simeon thì rất khác. Ông cụ là mẫu gương về tinh thần lạc quan vui sống. Ông không để tuổi tác làm hao mòn niềm tin vào lời Thiên Chúa hứa. Thay vì phàn nàn hay để những lo lắng thường thấy của tuổi già chế ngự tâm hồn, chính niềm tin vào lời Chúa hứa đã giúp ông trung thành chờ đợi trong an vui và tin tưởng.
Chính trên hành trình của những người hành hương ngang qua sa mạc cuộc đời, chúng ta khám phá ra rằng chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện địa vị danh vọng, chuyện học hành thành bại hay các mối tương quan vốn có thể là quan trọng và là mối bận tâm hàng đầu của chúng ta nhưng không nên và không thể xem đó là giá trị thiết yếu nhất. Chính trong kinh nghiệm loay hoay đi tìm ý nghĩa cuộc sống mà chúng ta khám phá ra rằng ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mỗi người chúng ta không hệ tại ở nơi vật chất và những thứ chóng qua nhưng ở nơi Thiên Chúa. Hy vọng vào Thiên Chúa đem đến cho chúng ta niềm lạc quan và một niềm vui sâu xa không phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 84, Đức Giáo Hoàng Phanxico nhắc nhở chúng ta biết “Nói không với thái độ bi quan vô bổ” và “đừng để mình bị cướp mất niềm hi vọng vào Thiên Chúa!” Đừng để bất cứ người nào hay điều gì có thể lấy mất Niềm vui Tin Mừng, lấy mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa của chúng ta. Những điều xấu của thế giới, của Hội Thánh, của đất nước, của xứ đạo, chốn công sở, nơi trường học, của nội bộ gia đình và của chính bản thân chúng ta—không thể là cái cớ để chúng ta giam hãm mình trong sự u buồn, sự mệt mỏi nội tâm vô thời hạn, làm giảm bớt hay đánh mất lòng nhiệt tình dấn thân. Thay vào đó, với con mắt đức tin, mọi thử thách đều có thể giúp chúng ta lớn lên. Chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối. Đức tin của chúng ta được thử thách để biết rằng một khi chúng ta còn hy vọng, nước có thể biến thành rượu như thế nào và lúa mì có thể mọc giữa cỏ dại ra sao. Vì thế Thánh Tê-rê-sa Avila khuyên chúng ta: “ Đừng để gì làm bạn lo âu, đừng để gì làm bạn kinh hãi. Mọi sự đều qua đi, chỉ có Thiên Chúa không thay đổi”.
Phẩm chất thứ hai của một người đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, đó chính là: Một Tâm Hồn Biết Kiên Trì Chờ Đợi
Sống trong xã hội thời hiện đại, chúng ta dễ bị cuốn vào guồng máy tốc độ nhanh, áp lực cao của công việc và nhiều mối bận tâm khác. Một cuộc sống đề cao kết quả nhanh chóng và thành công tức thì, đề cao lối sống thực dụng và tìm kiếm hạnh phúc chóng qua dẫn đến việc ngày càng nhiều người thích sống “phông bạt” – xu hướng sống ảo, muốn khoe khoang những vẻ ngoài hào nhoáng nhằm được khen ngợi. Rồi khi đối mặt với những khó khăn trong công việc, gia đình, hoặc sức khỏe, chúng ta dễ tập trung vào những vấn đề trước mắt, sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Tất cả những điều đó là biểu hiện của một tâm hồn bất an, thiếu kiên nhẫn và cảm thấy mệt mỏi vì phải chờ đợi.
Tuy nhiên, trong đời sống Kitô giáo, sự chờ đợi chính là một yếu tố làm nên hy vọng. Hình ảnh cụ già Si-mê-on cho chúng ta thấy rằng chờ đợi Thiên Chúa hành động khi tới “Giờ của Người” không phải là điều vô nghĩa và uổng công. Hy vọng vào Thiên Chúa giúp chúng ta rèn luyện đức kiên nhẫn, vì mọi điều tốt lành đều cần có thời gian. Đức kiên trì chính là sức mạnh giúp ta đối diện với thử thách mà không mất đi sự bình an, giúp chúng ta đợi chờ ơn Chúa ban mà không nản lòng. Thực ra, chính Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta trước vì chính Người là “nguồn kiên nhẫn và an ủi” (Rm 15,5). Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta phải thành công, mà đòi hỏi chúng ta trung thành. Người mời gọi chúng ta đón nhận mọi sự với tâm hồn nhẹ nhàng, bình tâm vì biết rằng tất cả đều là một phần trong kế hoạch của Chúa và Ngài vẫn luôn là Chủ của lịch sử.
Phẩm chất thứ ba của một người sống niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, đó là họ sống với Một Tâm Hồn Biết Ơn
Cụ già Si-mê-on khi vừa bồng ẵm Hài Nhi Giê-su trên tay đã thốt lên bài ca Nunc Dimittis để chúc tụng Thiên Chúa vì đã thực hiện lời hứa cho ông được nhìn thấy Đấng Cứu Thế trước khi chết. Niềm vui và lòng biết ơn của ông không chỉ cho riêng bản thân ông, mà còn cho tất cả nhân loại, vì ông nhận ra rằng Chúa đã mang ơn cứu độ đến cho muôn dân. Tâm tình biết ơn đó không phải là một cảm xúc nhất thời trào dâng trong giây phút ông được nhìn thấy và ẵm lấy Hài Nhi Giê-su trên tay, nhưng là một tâm tình mà cụ Simeon đã thêu dệt dọc theo năm tháng cuộc đời mình, và coi mỗi ngày sống qua đi là một cơ hội để ông đến gần hơn với Thiên Chúa. Đôi mắt thể lý của ông có thể mờ đi theo năm tháng nhưng lòng biết ơn giúp cho ngọn đèn đôi mắt đức tin của ông luôn bừng sáng niềm hy vọng để luôn giữ bên mình một tâm thế sẵn sàng về với Chúa. Chính vì thế, sau khi được gặp thấy Ngài, ông đã ngay lập tức thốt lên lời: “Xin để tôi tớ này, được an bình ra đi, vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ”.
Phần chúng ta, được sinh ra trong gia đình “đạo gốc”, chúng ta “tự nhiên” trở thành người có đạo, “tự nhiên” được gọi là Ki-tô hữu. Có bao giờ chúng ta tạ ơn Chúa vì ơn đức tin và niềm hy vọng mà Ngài đã mặc khải cho chúng ta qua Thánh Kinh và qua Mẹ Giáo Hội chưa? Hay cụ thể và gần gũi hơn, có bao giờ chúng ta biết ơn gia đình và xứ đạo mình, biết ơn ông bà cha mẹ, các vị mục tử hay các anh chị giáo lý viên – những người đầu tiên đã trực tiếp truyền lửa đức tin và hy vọng cho cuộc đời chúng ta chưa? Lòng biết ơn giúp chúng ta nhạy bén hơn trong việc nhận ra những ân huệ Chúa ban trên cuộc đời mình, dù là những điều nhỏ bé nhất. Lòng biết ơn giúp chúng ta trân trọng mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống, trân trọng những ơn Chúa ban qua trung gian những người chúng ta gặp gỡ trên đường đời và thậm chí biết ơn Chúa vì những thử thách giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Một tâm hồn sống niềm hy vọng nơi Chúa luôn sống lạc quan với thái độ bình tâm sâu xa, kiên trì chờ đợi với thái độ tin tưởng phó thác và luôn tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Dần dần, niềm hy vọng vào Thiên Chúa được bén rễ sâu trong những trải nghiệm gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa. Tuy vậy, niềm hy vọng Ki-tô giáo đích thực không khép lại trên chính mình nhưng mang trong mình một năng động đi ra – một “Niềm Hy Vọng Mở” – hướng đến Thiên Chúa trong tâm tình biết ơn và hướng đến anh chị em mình trong tâm tình chia sẻ.
- Điểm gợi ý thứ ba: Cùng Nhau Xây Dựng Nền Văn Minh Hy Vọng
Chúng ta thường nghe nói về việc Giáo Hội khích lệ con cái mình cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống. Nhưng chúng ta sẽ không thể sống tinh thần phục vụ sự sống tới cùng được nếu chúng ta không có niềm hy vọng vào Thiên Chúa – Đấng là Sự Sống. Chúng ta sẽ không thể sống tinh thần yêu thương tha thứ đến cùng được nếu chúng ta không đặt hy vọng vào Thiên Chúa – Đấng là Tình Yêu. Vì vậy việc xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống được đặt trên nền tảng của việc xây dựng nền văn minh của niềm hy vọng. Việc này càng trở nên cấp thiết trong thời đại chúng ta hôm nay, ít nhất là vì ba lý do:
Lý do thứ nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nhân loại hiện nay đang phải đối diện. Không phải là cuộc khủng hoảng về tài chính kinh tế, về lương thực thực phẩm hay an ninh chính trị mà sâu xa hơn là cuộc khủng hoảng về đức tin và hy vọng vào Thiên Chúa. Một thực tế là còn quá nhiều anh chị em vẫn chưa biết Chúa, mà chưa biết thì không thể nào có niềm tin và hy vọng vào Chúa được! Một thực tế khác là nhiều Ki-tô hữu đã nghe biết Chúa nhưng thiếu kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Chúa thì khó lòng kiên trì sống niềm xác tín của mình cho tới cùng được. Thêm vào đó, trong khi chỉ cần lướt qua một vòng tin tức thời sự, chúng ta có thể thấy khắp nơi trên thế giới phủ đầy những sự dữ, sự xấu và ở đủ mọi cấp độ ác tính. Con người có thể gây ra mọi tội ác nhưng bản thân con người lại bất lực trong việc hàn gắn lại những vết thương, những hệ quả mà các tội ác đó gây ra. Chỉ có một mình Thiên Chúa – Đấng thương xót chúng ta và quyền năng hơn tất cả, mới có thể chữa lành các mối tương quan đã đổ vỡ giữa các quốc gia, các thế hệ, với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đoàn. Chỉ có quyền năng của Ngài mới có thể “uốn lại cho thẳng những đường cong”, “rút ra điều tốt lành từ những sự dữ” và mang lại cho những thương tích ấy một diện mạo mới, xinh đẹp hơn.
Lý do thứ hai liên quan đến chính chúng ta: việc chúng ta để cho Thiên Chúa trở thành niềm hy vọng của cuộc đời mình – đó cũng là cách chúng ta thương bản thân mình nhất. Tại sao chúng ta có thể nói như vậy? Chúng ta dành chút thời gian hồi tâm, nhìn lại những lần chúng ta đối diện với những khó khăn, và thử hỏi rằng tại sao những biến cố đó đã từng làm chúng ta khủng hoảng, thất vọng, buồn chán và đau khổ đến vậy. Không phải vì chúng ta đã đặt niềm hy vọng quá nhiều vào một điều gì đó hoặc một ai đó hơn là Chúa sao! Không phải vì chúng ta đã để cho hạnh phúc và bình an nội tâm của mình bị lệ thuộc vào những gì vốn không hoàn hảo, vốn hay thay đổi và hữu hạn thay vì vào Thiên Chúa sao! Chúng ta không nhận thấy mình thật đáng thương và thiếu khôn ngoan sao! Điều này không có nghĩa là chúng ta đang chủ trương một thái độ hoài nghi và bi quan với tất cả mọi thứ và với mọi người. Vì niềm hy vọng mà chúng ta đang nói tới ở đây là Lẽ sống cao nhất mà chúng ta nương tựa vào, là Nguồn bình an đích thực mà chúng ta kín múc. Lẽ sống đó, Nguồn bình an đó chỉ có Thiên Chúa mới đảm bảo được cho chúng ta. Vì thế, khi chúng ta đặt vào Thiên Chúa niềm tín thác của mỗi chúng ta, đó là cách chúng ta yêu thương mình nhất. Và khi cùng nhau nỗ lực bồi đắp nền văn minh của hy vọng bằng việc trao ban cho anh chị em chúng ta một lý do, một ý nghĩa để sống nơi Thiên Chúa, đó cũng là điều cao quý nhất mà chúng ta có thể trao ban cho anh chị em của mình.
Lý do thứ ba liên quan đến chính Thiên Chúa. Là các bậc làm cha làm mẹ, ai cũng muốn lo lắng cho con cái có được một cuộc sống đủ đầy và thấy vui khi con cái tin tưởng mình. Thiên Chúa mà chúng ta vẫn gọi là “Cha chúng con” cũng vậy. Vì Ngài một người Cha đầy yêu thương luôn muốn chăm sóc chúng ta. Vì Ngài là một người Cha quyền năng và tốt lành, Ngài biết điều gì thực sự tốt và cần thiết cho con cái của Người và sẽ ban đúng thời đúng buổi. Nên Người sẽ vui khi chúng ta trông cậy vào Ngài để Ngài có thể cứu độ chúng ta và ban cho chúng ta sự sống dồi dào viên mãn. Vấn đề là chúng ta có muốn chạy đến với Ngài, để cho Ngài quan tâm chăm sóc chúng ta theo cách Ngài muốn, để làm vui lòng Ngài, và cũng là cách để chúng ta tỏ lòng biết ơn Ngài không?
Không có gì làm cho ma quỷ vui mừng bằng việc thấy một linh hồn ngã lòng, mất hết niềm hy vọng/trông cậy vào Thiên Chúa, vì lúc ấy nó chẳng cần phải làm gì để cám dỗ linh hồn rời xa Thiên Chúa nữa. Tự khắc linh hồn ấy sẽ hư mất! Khi chúng ta lâm vào tình cảnh đó, chính Thiên Chúa, dù muốn, cũng không thể cứu chúng ta, vì Ngài tôn trọng tự do chọn lựa của chúng ta!!!! Vì thế, việc cùng nhau xây dựng nền văn minh của niềm hy vọng mang ý nghĩa cấp thiết cho ơn cứu độ của chính chúng ta và cho tương lai của cả nhân loại.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Nền văn minh hy vọng được xây dựng bởi những con người biết đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa, khởi đi ngay từ trong chính gia đình và xứ đạo của chúng ta.
Ơn gọi của các gia đình, các xứ đạo trước hết là nuôi dưỡng con cái của mình “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2, 40) như Thánh Giuse và Mẹ Maria đã nuôi dưỡng Hài Nhi Giê-su. Việc nuôi dưỡng này không dừng lại ở việc cho con em mình tham dự các lớp giáo lý, nhắc nhở con em mình tham dự Thánh lễ hay việc chia sẻ để con em mình có thêm kiến thức về đạo Chúa như biết kiến thức của các môn khoa học khác. Mà thay vào đó, việc nuôi dưỡng này hướng đến một sự trưởng thành đức tin của cá nhân, để một ngày kia con em mình có thể xác tín như cụ già Simeon “chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 30). Chỉ khi niềm hy vọng được sống như một xác tín cá nhân, niềm hy vọng đó mới có khả năng tiếp tục thông chuyển cho người khác. Khi đó, niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa không trở nên đơn độc, riêng rẻ nhưng hòa quyện vào dòng chảy hy vọng chung của cả Hội Thánh, và của nhân loại vì chúng ta chỉ có một Thiên Chúa – Đấng là niềm hy vọng chung cho tất cả mọi người.
Ơn gọi của gia đình và xứ đạo còn là việc trở thành nơi mà niềm hy vọng vào Thiên Chúa được chia sẻ, chuyển trao giữa các thế hệ và được lan tỏa cho cộng đồng. Thánh Giuse và Đức Mẹ, sau khi dâng Hài Nhi Giê-su trong Đền Thờ, đã trao Hài Nhi cho cụ già Simeon ẵm bồng. Rồi đến lượt ông vui mừng chia sẻ cho mọi người hiện diện ở đó. Trong mỗi gia đình, gương sống đức tin của ông bà cha mẹ và lời cầu nguyện của các ngài chính là phúc lành Chúa ban cho chúng ta. Trên bước đường hành hương tiến về Quê Trời, các thế hệ bước đi song hành cùng nhau, vừa chia sẻ cho nhau nghe kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của mình. Trong sa mạc cuộc đời này, chúng ta không dừng lại với sự chờ đợi nhưng làm cho niềm hy vọng của chúng ta được đụng chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, làm cho tất cả thay đổi và trở nên điều đã được Thiên Chúa hứa ban cho nó. Bằng cách này, chúng ta chỉ cho nhân loại “thấy con đường dẫn tới Đất Hứa và giữ vững niềm hi vọng”, và trở nên “những mạch nước sự sống cho người khác có thể đến uống”.
Giờ đây, xin mời mọi người cùng con kết thúc giờ gợi ý cầu nguyện này bằng một lời nguyện.
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, chúng con đến trước nhan Cha với tấm lòng biết ơn của người con thảo vì niềm hy vọng mà Cha đã ban cho chúng con qua Đức Giê-su Ki-tô, người Con yêu dấu của Cha và là Đấng Cứu độ chúng con.
Xin Cha chúc lành cho gia đình, xứ đạo, các vị mục tử, quý anh chị giáo lý viên và tất cả những ai đã đồng hành với chúng con trên hành trình sống đức tin và niềm hy vọng Ki-tô giáo.
Xin ban ơn sức mạnh và lòng kiên trì cho những anh chị em đang gặp thử thách đến nỗi muốn ngã lòng trông cậy nơi Cha. Chúng con tin rằng ân sủng của Cha luôn đi bước trước, đồng hành với chúng con một khi chúng con kiên trì bước đi trong niềm hy vọng.
Xin giúp chúng con không chỉ nuôi dưỡng hy vọng trong tâm hồn mình, mà còn trở thành ngọn đèn lan tỏa hy vọng cho những người xung quanh, để qua cuộc sống của chúng con, mọi người có thể thấy và tin vào tình yêu vô biên của Cha.
Amen.
Sr. Marie Phương Thanh, SPC