Đức Phanxicô mỉm cười trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 5 tháng 2 tại Hội trường Phaolô VI. Đức Phanxicô, Hồng y Argentina Jorge Mario Bergoglio qua đời ngày 21 tháng 4 năm 2025, hưởng thọ 88 tuổi. (Ảnh của OSV News/Remo Casilli, Reuters)
Đức Phanxicô qua đời lúc 7:35 ngày 21 tháng 4 năm 2025. Tôi sẽ không bao giờ quên sáng thứ hai khi thức dậy tôi nghe tin này. Trong 13 năm qua, ngài không chỉ lãnh đạo Giáo hội công giáo mà còn minh định chức vụ giáo hoàng qua phong cách mục vụ của ngài: dễ gần, nhân ái, khiêm tốn. Ngài là hiện thân của một gương mẫu lãnh đạo trong tình bạn nổi bật với sự hiện diện, lắng nghe và dũng cảm thầm lặng đồng hành với những người đau khổ. Theo cách này, chức vụ giáo hoàng của ngài không chỉ là các vấn đề ưu tiên của ngài, nhưng đó là một tư thế.
Ngày thứ ba 22 tháng 4, một ngày sau khi ngài qua đời, tôi ngồi với các ồng nghiệp của tôi là bà Colleen Dulle và ông Gerard “Gerry” O’Connell để dự buổi thảo luận bàn tròn đặc biệt của “Inside the Vatican, Bên trong Vatican”, chương trình podcast hàng tuần chúng tôi cùng nhau sản xuất. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã sàng lọc các thông điệp, theo dõi diễn biến của Thượng hội đồng, phân tích các bổ nhiệm của Giáo hoàng tại Vatican và trên khắp thế giới. Năm ngoái, ba chúng tôi đến Rôma để dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Nhưng lần này thì khác. Chúng tôi không phân tích. Chúng tôi đau buồn ngồi với nhau, micro vẫn bật.
Gerry, phóng viên kỳ cựu của chúng tôi tại Vatican, đã biết ngài từ những ngày ngài còn là Tổng giám mục ở Buenos Aires. Ông và vợ là bà Elisabetta Piqué – đặc phái viên Vatican của báo La Nación và là tác giả quyển Giáo hoàng Phanxicô: Cuộc đời và Cách mạng (Pape François: Vie et Révolution), họ là những người bạn thân thiết của giáo hoàng tương lai, ngài đã rửa tội cho các con của họ, Juan Pablo và Carolina. Hai vợ chồng đã có mặt ở Quảng trường Thánh Phêrô đêm ngài được bầu, chứng kiến khi ngài ở ban-công lần đầu tiên. Họ đã đến thăm bạn giáo hoàng của họ ở Nhà Thánh Marta, nơi ngài ở và qua đời. Sau đó Gerry viết câu chuyện về cuộc bầu cử của ngài: Cuộc bầu chọn Giáo hoàng Phanxicô (The Election of Pope Francis).
Còn bà Colleen, bà đã đưa tin về Vatican trong hơn một thập kỷ – đặc biệt là cách ngài mở ra cánh cửa cho phụ nữ và giáo dân – bà sắp xuất bản quyển sách về triều giáo hoàng và tình yêu Giáo hội của ngài, bà gặp chúng tôi ngay sau khi Gerry đi viếng thi hài của ngài ở Nhà nguyện Thánh Marta về, nơi gia đình ông đã nhiều lần đến dự thánh lễ ngài làm.
Tôi chưa bao giờ gặp Đức Phanxicô ngoài đời, dù tôi có đi dự Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon năm ngoái. Điều đọng lại trong ký ức của tôi không phải là cuộc trò chuyện hay một cái bắt tay, nhưng là khoảnh khắc ngài rạng rỡ hô to “Tất cả, tất cả, tất cả!” với hàng triệu giáo dân ở Lisbon. Tất cả đều phải được chào đón. Niềm vui của ngài không thể nhầm lẫn. Cảm giác như ngài đang hé mở tâm hồn – một tâm hồn đã chứng kiến nhiều đau khổ nhưng vẫn kiên trì hy vọng.
“Chúng tôi đã mất một người bạn ở trần thế, nhưng chúng tôi có được một người bạn trên thiên đường”, ông Gerry nói.
Những gì tôi viết ở đây không phải là cáo phó – Gerry và Colleen đã viết cáo phó của họ. Đây là một suy tư mật thiết: một ký ức về những cử chỉ, lời nói và khoảnh khắc đã dấy lên trong lòng chúng ta. Đó không phải là những điều duy nhất quan trọng, nhưng là những điều còn ở trong lòng chúng ta khi ngài qua đời.
Cha xứ của thế giới
Ngay từ đầu, ngài đã đảo ngược mọi chuyện về chức giáo hoàng. Tác giả Gerry nhớ lại: “Ngay đêm đầu tiên, ngài đã cúi chào mọi người, xin giáo dân chúc phúc và cầu nguyện cho ngài trước khi ngài chúc phúc cho họ, trong lịch sử chưa có giáo hoàng nào làm như vậy.”
Điều này đã tạo nên nét mới cho triều giáo hoàng dựa trên đồng hành của ngài, Tác giả Gerry giải thích: “Ngài nói đôi khi nhà lãnh đạo phải đi trước, đôi khi đi sau, đôi khi đi giữa dân chúng, nhưng luôn ở cùng dân chúng, không phải ở ngoài dân chúng.”
Đức Phanxicô đã đi 47 chuyến tông du đến 67 quốc gia. “Ngài không chỉ đến thăm các nguyên thủ quốc gia – ngài phải làm như vậy – nhưng đặc biệt ngài ở giữa dân chúng”.
Ngày chúa nhật lễ Phục sinh, một ngày trước khi qua đời, ngài đã ra ban-công Đền thờ Thánh Phêrô để ban phép lành Urbi et Orbi cuối cùng. Quá yếu để tự đọc thông điệp, ngài nhờ cộng sự của ngài đọc.
Sau đó ngài đi một vòng cuối cùng Quảng trường Thánh Phêrô trên xe giáo hoàng. Ông Gerry nhớ lại: “Đó là hình ảnh cuối cùng của tôi có về ngài. Ngài đi giữa giáo dân.”
Một chức thánh của cử chỉ
Đức Phanxicô là giáo hoàng của hành động, của những cử chỉ tự phát, mạnh hơn những bài phát biểu của ngài. “Giáo dân đến Rôma để gặp Đức Gioan-Phaolô II, để lắng nghe Đức Bênêđíctô XVI nhưng họ đến Rôma để chạm vào Đức Phanxicô”, ông Hendro Munstermann, một đồng nghiệp và phóng viên Vatican đến từ Hà Lan chia sẻ với bà Colleen.
“Ngài tin chắc nịch ý tưởng: hành động có sức mạnh hơn lời nói. Hãy để tôi ở giữa mọi người. Hãy để tôi gần gũi với mọi người.”
Đó không chỉ là lời nói, Đức Phanxicô đã sống với lời này. Ngài ôm người bị bệnh ngoài da, rửa chân cho các tù nhân, cả những tù nhân hồi giáo và phụ nữ, ngài quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam-Soudan để xin họ mang lại hòa bình cho người dân: những hành vi tự phát này đã là những lời nói hùng hồn của một đức tin trong hành động: “Mở lòng ra với Chúa Thánh Thần và các cảm nghiệm của Ngài.”
Tác giả Gerry nhắc: “Thông điệp cuối cùng của ngài ở ban-công ngày chúa nhật Phục sinh: xin ngừng giết nhau, xin thả con tin, xin giúp đỡ những người đang chết đói. Hòa bình ở Ukraine, hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Công-gô, ở Sudan, ở Myanmar.” Từ đầu đến cuối, Đức Phanxicô là giáo hoàng của hòa bình, và cuối cùng, khi ngài đã rất yếu, ngài vẫn bảo vệ cho sứ mệnh này. Sẵn lòng để lộ yếu đuối của mình trước công chúng nói lên nhiều điều hơn lời nói: một lời chứng cuối cùng cho hòa bình và lòng thương xót.
“Chương trình nghị sự ẩn giấu” của Đức Phanxicô
Dù ngài là một trong những giáo hoàng được nhìn thấy nhiều nhất trong lịch sử hiện đại, nhưng phần lớn sứ vụ của ngài ở xa các máy quay phim và các tít lớn trên báo chí.
Tác giả Gerry giải thích: “Ngài có một chương trình nghị sự chính thức nhưng ít người thấy các sinh hoạt của ngài buổi chiều – một chương trình nghị sự riêng của ngài. Một thế giới hoàn toàn mới của lòng trắc ẩn, của tình yêu, của can đảm, của những chuyện ngoại thường vẫn còn ẩn giấu khỏi thế giới.”
Thế giới ẩn giấu đó không phải là mới. Ông Gerry nhớ lại: “Cũng như khi ngài là tu sĩ Dòng Tên ở Argentina: Ngài đã nhiều lần liều mạng sống của mình để cứu người dân sống dưới chế độ độc tài quân sự.”
Và trong một cử chỉ khiêm nhường cuối cùng: “Khi được bầu làm giáo hoàng, ngày hôm sau ngài đến khách sạn để trả tiền. Và bây giờ, khi ngài qua đời, chúng tôi biết Vatican không trả chi phí tang lễ, nhưng một nhà hảo tâm sẽ trả. Đó là phong cách xưa cũ của ngài, từ đầu đến cuối.”
Một ngôi mộ đơn giản, di sản lâu dài của ngài
Đức Phanxicô sẽ không chôn ở Đền thờ Thánh Phêrô như các giáo hoàng khác nhưng ở đền thờ Đức Bà Cả, nơi ngài thường đến cầu nguyện ngay cả trong thời gian lâm bệnh cuối cùng. Ông Colleen cho biết: “Quý vị sẽ không xếp hàng ở Vatican để thấy ngài. Bây giờ quý vị phải qua xếp hàng ở đền thờ Đức Bà Cả.”
Theo phong cách đơn sơ thường thấy của ngài, ngài xin ghi chỉ một chữ Franciscus trên mộ. Bà Colleen nói: “Không phải vì ngài nhưng vì tình anh em, về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.” Ngài đơn giản hóa các nghi thức tang lễ giáo hoàng – một cử chỉ khác hướng đến những điều vượt ra ngoài bản thân ngài. Bà nói thêm: “Tôi nghĩ điều này là để giữ ký ức về ngài: sống và làm việc vì những điều này, nơi an nghỉ cuối cùng của ngài sẽ không ở Vatica nhưng ở Rôma – giữa mọi người. Thật phù hợp khi ngài nằm gần biểu tượng Salus Populi Romani, “gần với lời cầu nguyện của mọi người và cách mọi người cầu nguyện.”
“Tất cả, tất cả, tất cả”
Cuối buổi nói chuyện, tôi nhận ra còn bao nhiêu chuyện chưa được nói ra và chưa được suy ngẫm – cải cách giáo triều của ngài, bổ nhiệm phụ nữ vào những vị trí cao cấp nhất ở Vatican, sự thay đổi từ việc thực thi giáo lý sang thực hành mục vụ, tầm nhìn táo bạo nhưng đầy tranh cãi của ngài về một Giáo hội lắng nghe, theo tinh thần công đồng và sự tiếp cận mang tính bước ngoặt của ngài với người công giáo L.G.B.T.Q. và các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục. Ông Gerry nói: “Ngài đã bắt đầu các tiến trình, người kế nhiệm phải tiếp tục.”
Những tưởng nhớ này không bao giờ là đầy đủ. Đây chỉ đơn giản là những ký ức xuất hiện đầu tiên, không phải vì chúng là những ký ức duy nhất quan trọng, mà vì chúng là những ký ức gần gũi nhất với trái tim chúng tôi.
Dù tôi chưa bao giờ gặp ngài, giống như nhiều người khác, tôi cảm thấy như thể tôi biết ngài – sự gần gũi, niềm vui, lòng can đảm và sự khích lệ thầm lặng của ngài.
Đức Phanxicô không đưa ra những câu trả lời dễ dàng hay kết luận bao quát và ngài đã làm cho một số người không hài lòng. Nhưng thay vào đó ngài mời gọi Giáo hội suy ngẫm và phân định điềm tĩnh hơn – được hình thành qua lòng thương xót, đối thoại và can đảm vững vàng để tiếp tục, ngay cả khi con đường không rõ ràng.
Cuối cùng, ngài để lại cho chúng ta cùng một lời mời mà ngài đã gởi đến các bạn trẻ ở Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon:
Todos, todos, todos. Tất cả, tất cả, tất cả.
Với những lời nói này, ngài mở toang cánh cửa nhà thờ và bước ra để đến với thế giới.
Ricardo da Silva, S.J.
Linh mục Dòng Tên Ricardo da Silva là biên tập viên cộng tác của America Media, người dẫn chương trình podcast “Preach.”
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn