Trong Sứ điệp nhân ngày Hòa bình Thế giới Lần thứ 58, cử hành vào ngày 01 tháng Giêng sắp tới, 2025, Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các nước giàu tha nợ hoặc giảm nợ cho các nước nghèo và ngài mời gọi tất cả các tín hữu và những người thiện chí góp phần sửa chữa những bất công xã hội cũng như những thiệt hại gây ra cho trái đất, căn nhà chung của mọi người, và cho môi trường.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sứ điệp của Đức Thánh cha có chủ đề: “Xin tha nợ chúng con, xin ban cho chúng con bình an của Chúa”. Văn kiện này được Đức Hồng y Michael Czerny, Dòng Tên, người Canada gốc Tiệp, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, công bố trong cuộc họp báo, sáng hôm 12 tháng Mười Hai vừa qua, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.
Sứ điệp của Đức Thánh cha được chia làm 14 đoạn, trong đó Đức Thánh cha nhắc lại truyền thống Năm Thánh trong Cựu ước, Năm vui mừng, cử hành cứ 49 năm một lần, trong đó có việc tha nợ, trả lại đất đai, khoan hồng và giải phóng cho toàn dân (Lv 25,10), tái lập công lý của Thiên Chúa trong các lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Và Đức Thánh cha áp dụng tinh thần đó cho Năm Thánh sắp bắt đầu. Ngài viết: “Mỗi người chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm nào đó đối với sự tàn phá căn nhà chung của chúng ta, bắt đầu từ những hành động, kể cả một cách gián tiếp, nuôi dưỡng những xung đột đang đè nặng trên nhân loại” (n.4). Đặc biệt, tôi nói đến những chênh lệch đủ loại, sự đối xử vô nhân đạo dành cho những người di dân, sự thoái hóa môi trường, sự hỗn độn hoang mang do sự xuyên tạc tin tức, sự loại bỏ mọi loại đối thoại, những lợi nhuận to lớn của kỹ nghệ quân sự. Đó là tất cả những nhân tố đe dọa một cách cụ thể đối với cuộc sống của toàn nhân loại. Vì thế, vào đầu năm nay, chúng ta hãy đặt mình lắng nghe tiếng kêu này của nhân loại để cảm thấy được kêu gọi, cá nhân và cộng đồng, phá tan những xiềng xích của bất công để công bố công lý của Thiên Chúa. Những hành động từ thiện thỉnh thoảng mà thôi không thể đủ, trái lại, cần những thay đổi về văn hóa và cơ cấu, để có một sự thay đổi lâu bền” (n.4).
Trong Sứ điệp, Đức Thánh cha cũng nhấn mạnh rằng: “Tôi mời gọi cộng đồng quốc tế hãy có những hành động tha nợ nước ngoài, nhìn nhận sự hiện hữu của một món nợ sinh thái giữa các nước giàu và nước nghèo trên thế giới. Vì không phải chỉ giới hạn vào những hành vi từ thiện riêng rẽ, nhưng còn cần phát triển một cơ cấu tài chánh mới mẻ, đưa tới một Hiến chương tài chính hoàn cầu, dựa trên tình liên đới và sự hòa hợp giữa các dân tộc”.
Cũng trong Sứ điệp, Đức Thánh cha không quên kêu gọi dấn thân quyết liệt thăng tiến sự tôn trọng phẩm giá con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Và để tạo điều kiện cho nền văn hóa sự sống, Đức Thánh cha đề nghị một giải pháp cụ thể, đó là loại bỏ án tử hình tại tất cả các nước. Thực vậy, án tử hình không những vi phạm tính cách bất khả xâm phạm của sự sống, nhưng còn loại bỏ mọi hy vọng tha thứ và đổi mới của con người.
Đức Thánh cha cũng cổ võ đầu tư vào cuộc chiến chống nghèo đói, thay vì vào việc trang bị võ trang. Ngài viết: “Để kiến tạo những con đường mới dẫn đến hòa bình, trong thời đại có nhiều chiến tranh hiện nay, cần tiến bước theo con đường đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Biển Đức XVI đề xướng, đó là xét lại những cuộc đầu tư tài chính. Chúng ta hãy sử dụng ít là 1% ngân khoản dành cho việc võ trang để thiết lập một quỹ thế giới loại bỏ vĩnh viễn nạn đói và giúp đỡ các nước nghèo trong các hoạt động giáo dục, nhắm phát triển lâu bền, chống lại nạn thay đổi khí hậu”.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org