Dẫn Nhập
Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các “cộng đoàn Hội Thánh căn bản” (Basic Ecclesial Communities). Cộng đoàn này sinh hoạt ra sao, đóng góp gì cho Hội Thánh, và ngày nay các cộng đoàn này tồn tại và phát triển thế nào? Ở Việt Nam, các cộng đoàn này đang sống, hiện hữu và hoạt động ra sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu, suy tư, và cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho biết chúng ta cần làm gì trong Năm Thánh 2025 và cho năm “cùng nhau loan báo Tin Mừng” để hướng tới một Giáo hội Hiệp hành!
Nguồn gốc của “cộng đoàn Hội Thánh căn bản”
Vào thập niên 1960s, có lẽ dưới ảnh hưởng của Thần học Giải phóng, các “cộng đoàn Hội Thánh căn bản” ra đời ở Bra-xin, Phi-líp-pin, sau đó lan rộng ở Châu Á, Châu Phi, Châu Úc và Bắc Mỹ.
Bên cạnh các “cộng đoàn Hội Thánh căn bản” này, Dòng Tên cũng có hội đoàn gọi là CLC (Christian Life Communities – cộng đoàn sống đời Kitô hữu). Thực chất, tiền thân của CLC là Hiệp hội Thánh Mẫu (Sodality of Our Lady) được ĐGH Gregory XIII chuẩn nhận vào năm 1584, bởi vì nhiều lý do mà sau này cũng vào khoảng thập niên 1960s, Hiệp hội Thánh Mẫu đổi thành CLC. CLC đặt nền cho đời sống thiêng liêng và sứ vụ trên Linh đạo Inhã, kinh nghiệm Linh Thao dài ngày (ít là 8 ngày), thường xuyên gặp nhau cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận Bí tích (Hoà Giải và Thánh Thể), sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ theo khả năng để làm chứng cho Tin Mừng.
Bên cạnh CLC, còn có phong trào Cursillo cũng được khởi xướng từ các giáo hữu, bắt nguồn từ Tây Ban Nha vào thập niên 1940s giữa thế chiến thứ hai. Hậu quả của cuộc chiến là nhiều người bỏ Đạo, lơ là việc sống Đạo, v.v.. Khi ngắm nhìn thực tại đau buồn này, một giáo hữu Tây Ban Nha là ông Eduardo Bonnin nhận ra rằng sở dĩ người ta bỏ Đạo và xa rời đức tin Công giáo là vì họ chưa/không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ. Từ đó, ông mời gọi người ta bước vào đời sống cầu nguyện trong ba ngày để biết mình, biết Chúa và biết người, rồi ngày thứ tư trở về với thực tại để sống cái biết của mình bằng hành động cụ thể, nhờ đó trở thành chứng tá cho Tin Mừng. Phong trào Cursillo có mặt tại Việt Nam vào năm 1967 và sinh hoạt tại Sài Gòn dưới thời đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình.
Quay trở lại với “cộng đoàn Hội Thánh căn bản” (CĐHTCB), chúng ta sẽ thấy cộng đoàn này có nét tương đồng với CLC nói trên về đời sống thiêng liêng và sinh hoạt tông đồ. Cũng thế, các cộng đoàn này thường được hình thành từ các gia đình thánh thiện hoặc các đồng nghiệp hoặc các bạn trẻ cùng lý tưởng, có đời sống cầu nguyện và đức tin vững vàng, ước ao phục vụ Hội Thánh theo khả năng của họ, nên họ được Thánh Thần thúc đẩy để gặp gỡ nhau, tạo thành từng nhóm (khoảng ba hay bốn gia đình, hoặc 10-12 người) để sinh hoạt đức tin và cùng nhau thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
“Cộng đoàn Hội Thánh căn bản” không tách rời khỏi các sinh hoạt của giáo xứ, luôn kết nối – hiệp thông – liên đới với cha xứ và vâng nghe sự chỉ dẫn của các ngài, đồng thời họ được phân chia sứ vụ từ người đứng đầu trong vùng (mỗi vùng có nhiều cộng đoàn được liên kết với nhau và bầu chọn ra người đứng đầu để lãnh đạo).
Cách sinh hoạt của “cộng đoàn Hội Thánh căn bản”
Trong tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (8/12/1975), Chân Phước GH Phaolô VI dành hẳn một số 58 để nói về “cộng đoàn Hội Thánh căn bản” (CĐHTCB). Ngài đề cao cộng đoàn này, nhưng đồng thời ngài cũng cảnh báo về một số “cộng đoàn” mạo danh để chống phá Giáo hội, gây chia rẽ trong đời sống Giáo hội, v.v.. Ngài giải thích rõ ràng hơn về CĐHTCB vừa là nơi nhận Tin Mừng vừa là cộng đoàn rao giảng Tin Mừng.
Thánh GH Gioan Phaolô II cũng dành một số 51 trong Thông điệp “Redemptoris Missio” (7/12/1990) để nhắc lại điều mà Chân Phước GH Phaolô đã nói ở trên:
Những cộng đoàn này phân nhỏ cộng đồng giáo xứ và làm nên cộng đồng giáo xứ, một cộng đồng mà họ vẫn gắn bó. Họ đi sâu vào những miền kém may mắn và quê mùa làng mạc, để trở nên men của đời sống Kitô giáo, của việc chăm sóc người nghèo và bị bỏ rơi, cũng như của việc dấn thân làm cho xã hội được biến đổi.
“Cộng đoàn Hội Thánh căn bản” gặp gỡ nhau hằng tuần (hoặc cách tuần) để cùng cầu nguyện với Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, chia sẻ bữa ăn huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau, rồi cùng nhau lên đường làm chứng cho Tin Mừng. Họ giúp đỡ nhau bằng cách sẵn sàng nâng đỡ nhau về mặt tài chánh (giúp nhau có việc làm ổn định, vượt qua khó khăn kinh tế, v.v..), an ủi nhau lúc gặp sầu khổ, nâng đỡ nhau khi gặp thử thách, giúp nhau vượt qua hiểm nghèo…! Sỡ dĩ họ sống được điều này là vì họ đặt tình yêu con người lên trên tất cả, một tình yêu tinh ròng khởi đi từ tình yêu dành cho Chúa (x. 1 Ga 3:16-18). Với cách sinh hoạt này, ngày Chúa Nhật hoặc thứ Bảy sẽ là ngày thuận lợi để gặp nhau định kỳ. Chẳng hạn như, ngày trong tuần hoặc sáng Chúa Nhật họ phân tán (từng hai người) đi loan báo Tin Mừng, đến 15h30 quy tụ gặp nhau cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, rồi tham dự Thánh Lễ lúc 17h30, cuối cùng là chia sẻ bữa ăn tối với nhau.
Thực ra, CĐHTCB này đã có từ thuở Giáo hội Sơ khai, tức là vào thời các Tông đồ. Bấy giờ, các tín hữu thường xuyên gặp gỡ cầu nguyện và tham dự Lễ Bẻ Bánh tại tư gia, sống hiệp nhất yêu thương, quảng đại đóng góp tài sản vào quỹ chung để san sẻ cho nhau, mọi người tùy theo nhu cầu mà nhận lãnh những gì cần thiết cho cuộc sống, và sau cùng là cùng nhau loan báo Tin Mừng (x. Cv 2:42-47; Cv 12:12; Cv 16:15.40; 1 Cr 16:19; Rm 16:3-5). Hiện nay các CĐHTCB vẫn tồn tại và sinh hoạt đều ở các nước có nền đức tin trưởng thành và tự do tôn giáo, ngay cả các Giáo hội còn non trẻ.
Tắt một lời, các CĐHTCB đều đặt nền trên Lời Chúa và hướng tới việc loan báo Tin Mừng. Họ hình thành và tồn tại là để trở nên chứng tá cho Tin Mừng. Họ sinh hoạt và hiệp thông với Hội Thánh, để hướng tới việc loan báo Tin Mừng. Chân Phước GH Phaolô VI còn nói rằng CĐHTCB là niềm hy vọng của Giáo hội.
Các Cộng Đoàn Hội Thánh Cơ Bản ở Việt Nam ra sao?
Ở Việt Nam, CĐHTCB chưa phát triển mạnh. Nhiều nơi và nhiều người có lẽ chưa từng được nghe biết về cộng đoàn này. Còn nhớ sau Lễ Phục Sinh năm 2019, Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn khi đó có lẽ ngài còn phụ trách Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và có tổ chức khóa huấn luyện về CĐHTCB cho khoảng 80 người đến từ một số Giáo xứ ở Sàigon. Không biết hiện nay đã có CĐHTCB nào được thành lập hoặc nếu đã thành lập thì liệu còn duy trì sinh hoạt hay không!? Riêng ở Hà Nội, mới đây nhất, vào ngày 14/11/2024, có lễ kỷ niệm 28 năm (1996-2024) thành lập Hiệp hội Gia đình theo Chúa Kitô (CFC) được đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chuẩn nhận vào năm 1996 (trước đó cộng đoàn này cũng được đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình chuẩn nhận để sinh hoạt tại Sàigon vào năm 1993). Hiệp hội này quy tụ các tín hữu đạo đức sinh hoạt với nhau và chia thành ba nhánh: Singles for Christ – SFC (Người độc thân theo Chúa Ki-tô); Handmaids of the Lord – HOLD (Nữ tỳ của Chúa); và Couples for Christ – CFC (Gia Đình cùng theo Chúa). Tại Philippines, Hiệp hội Gia đình theo Chúa Kitô (CFC) được thành lập năm 1981 và được Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân chuẩn nhận năm 2005, và đến nay có khoảng 500.000 thành viên sinh hoạt tại 141 quốc gia, với phương châm là “nguồn hy vọng của thế giới” cùng với các hoạt động tông đồ là hỗ trợ học bổng cho học sinh – sinh viên nghèo, xây dựng nhà cho người nghèo, và kiến tạo kế sinh nhai cho người dân tộc thiểu số. Các hoạt động tông đồ được đặt nền trên đời sống cầu nguyện với Lời Chúa để hướng đến việc canh tân đời sống Hôn nhân Gia đình và loan báo Tin Mừng.
CĐHTCB cũng được Liên hiệp các Giám mục Á châu (FABC) quan tâm, động viên, khích lệ nhân rộng, duy trì và phát triển để góp phần làm phong phú đời sống Giáo hội tại mỗi địa phương và đóng góp vào sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Tại Việt Nam, với văn hóa và con người Việt Nam, các vị lãnh đạo Hội Thánh, các mục tử cần làm gì để giúp các tín hữu thành lập các CĐHTCB tại mỗi giáo xứ?
Văn hóa và con người Việt Nam không dễ làm việc nhóm, không dễ cộng tác với nhau hoặc không dễ đồng tâm nhất trí khi sống chung một nhà. Hãy nhìn vào thực tại các đoàn thể trong các giáo xứ nơi người Việt sinh sống. Hầu như đoàn thể nào cũng có chuyện xích mích, ghen tỵ, đấu đá nhau trong nội bộ đoàn thể, thậm chí họ chia bè tạo nhóm thuộc về cha này, thầy nọ, sơ kia…! Dân Việt thường đặt cái tôi, cái riêng… lên trên tập thể và lợi ích chung. Vì lẽ đó, việc thành lập và duy trì các CĐHTCB không đơn giản chút nào! Ban đầu khi mới thành lập CĐHTCB thì mọi sự đều tốt, nhưng trải qua năm tháng, liệu các cộng đoàn này có sống được căn tính và sứ mạng của mình hay không?
Còn nhớ lá thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào năm 2023 có nói rằng phần lớn tín hữu Việt Nam quen với đời sống đạo đức bình dân, như thích tổ chức lễ hội linh đình, ăn mừng hoành tráng, đi lễ vì bổn phận và trách nhiệm chứ không phải là quyền lợi, làm việc thiện thì mang tính hình thức (khua chiêng đánh trống, khoe khoang), v.v.. Kêu gọi tín hữu đi tĩnh tâm hoặc cầu nguyện thì né tránh nhưng tổ chức đi du lịch hoặc “hành hương” thì tham gia tích cực, đông đủ (có khi dư thừa). Tham gia đoàn thể theo kiểu phong trào hoặc đánh bóng tên tuổi, chứ chưa ý thức đó là sứ mạng, là lời mời gọi của Chúa, là tình yêu và trách nhiệm của bản thân để đáp đền tình yêu của Chúa. Đâu là chìa khóa giúp giải gỡ các vấn nạn liên quan đến nét đặc thù văn hóa và con người Việt Nam để thiết lập, duy trì và nhân rộng mô hình các CĐHTCB?
Trước tiên, chúng ta hãy nhìn lại đặc nét của cộng đoàn này, đó là chia sẻ Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, chung vui bữa ăn huynh đệ Agape, nâng đỡ cuộc sống của nhau và cùng nhau loan báo Tin Mừng. Các Cộng đoàn Công giáo Tiến hành đều đặt nền trên đời sống thiêng liêng để đạt tới một đức tin trưởng thành và sống chứng tá cho Tin Mừng. Vì thế, với nền đạo đức bình dân, đức tin còn non yếu (đặc biệt nơi các làng dân tộc thiểu số), các vị mục tử cần ưu tiên bồi dưỡng giáo lý đức tin cho bà con. Làm thế nào quy tụ được nhiều người đến gặp nhau cầu nguyện với Lời Chúa!? Hãy dạy bà con cầu nguyện với Chúa và ngồi cầu nguyện với họ! Hãy dạy bà con cách chia sẻ Lời Chúa và cùng chia sẻ với họ! Khi các tín hữu được thấm nhuần Lời Chúa, được Tin Mừng hóa bản thân, thì hầu chắc họ sẽ nghĩ tới Chúa khi sống và làm việc với nhau.
Thứ đến, các mục tử cần có những sáng kiến thu hút bà con đến với Thánh Lễ là nguồn mạch sự sống của tâm hồn, gia tăng đức tin, thắp lên ngọn lửa nhiệt thành tông đồ, v.v.. Làm thế nào bà con đi tham dự Thánh Lễ đều có thể nắm bắt phần nào Lời Chúa, ra về đầy ắp Lời Chúa trong tâm hồn, nhận ra thông điệp của Chúa, và muốn thực thi thông điệp ấy trong đời sống của họ!? Một Phụng Vụ tốt không chỉ lệ thuộc vào ca đoàn, các nghi thức cử hành trang nghiêm và đúng quy củ, nhưng còn lệ thuộc vào tâm tình của chủ tế, bài chia sẻ Lời Chúa, thái độ của người tham dự, sự chuẩn bị tâm hồn trước khi đến với Thánh Lễ, v.v.. Được như thế, các tín hữu sẽ nhận ra “Thánh Lễ là trung tâm của đời sống đức tin, là nguồn mạch đức ái, là nhựa sống của sứ vụ tông đồ”!
Khi các tín hữu biết cầu nguyện với Lời Chúa và đặt Thánh Lễ là trung tâm của đời sống, thì Chúa sẽ là ưu tiên trên hết mọi hoạt động của họ. Đồng thời, nhờ Lời Chúa, sự khác biệt về văn hóa và tính cách sẽ được khắc phục và vượt thắng; nhờ các Bí tích được lãnh nhận đều đặn (Hoà Giải và Thánh Thể), họ sẽ chiến thắng các “thói đời” như “tham – sân – si – mạn – nghi” trong mối tương quan liên vị. Một người có đời sống cầu nguyện, đi vào chiều sâu của đời sống đức tin, thì chắc chắn họ sẽ có lối sống và cung cách hành xử theo Tin Mừng, mặc dù đôi khi họ còn có chút “thói đời” hoặc “men Pharisêu” trong con người mình vì họ là “con đẻ của xã hội này” và đang sống trong một xã hội với không ít điều tiêu cực và cám dỗ. Tất nhiên, sự trưởng thành của con người không giống như sự trưởng thành của Thánh Gióng, vì nó mang tính tiệm tiến và lệ thuộc thời gian. Sự trưởng thành thể xác có thể dừng lại ở một độ tuổi nào đó nhưng sự trưởng thành thiêng liêng thì đòi hỏi phải luyện tập liên tục, kiên trì và nhẫn nại qua việc cầu nguyện với Lời Chúa, biết phân định ý Chúa, siêng năng đến với Thánh Lễ, trung tín – khôn ngoan – sáng tạo trong việc thực thi lời mời gọi của Tin Mừng! Đồng thời, các tín hữu Việt Nam chưa có thói quen đi gặp linh hướng để được hướng dẫn tìm gặp Chúa, biết phân định ý Chúa và làm theo ý Chúa. Các Giáo phận cũng thiếu các mục tử được học chuyên môn về Linh đạo và Đồng hành Thiêng liêng để phục vụ sứ mạng Linh hướng cho các tín hữu nói chung và tu sĩ nam nữ nói riêng.
Vấn đề sau cùng là các mục tử hãy đi thăm viếng các con chiên. Chiên có cảm tình với mục tử thì việc thăm viếng chiên trở nên tất yếu, chẳng có gì ngăn trở! Các mục tử sẽ nắm rõ địa bàn và từng hoàn cảnh của con chiên, hiểu được phần nào con người của họ: “Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta” (Ga 10:14). Lúc này việc thành lập các CĐHTCB không còn là một thách đố hoặc rào cản nào nữa! Bởi vì, các CĐHTCB không cần đông người, chỉ cần khoảng 10 đến 12 người là đủ, nên các mục tử có thể chọn lựa những người có khả năng và phù hợp để gợi ý họ quy tụ và hình thành một cộng đoàn nhỏ trong một cộng đoàn lớn là giáo xứ hoặc giáo họ hoặc buôn làng. Giả sử họ được thúc đẩy và tự thành lập một CĐHTCB thì quá tuyệt vời. Chúng ta phải tin rằng đó là nhờ ơn Chúa và sự thúc đẩy của Thánh Thần, là hoa trái của đời sống cầu nguyện và siêng năng tham dự Thánh Lễ.
Tạm Kết
Trong hoàn cảnh của Việt Nam nói trên, các tín hữu và các đoàn thể rất cần sự đồng hành của các mục tử để họ được lớn lên trong Chúa mỗi ngày. Vì lẽ đó, các mục tử hãy ưu tiên dành thời gian cho họ, cho các sinh hoạt của họ, cùng với họ phân định ý Chúa khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Chúa Giêsu từng lập nhóm Mười Hai và đồng hành với họ. Chúa dạy họ cầu nguyện, nhắc họ cử hành Thánh Lễ để luôn ý thức sự hiện diện của Ngài – “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19) – và hứa cùng làm việc với họ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28:20). Các mục tử là những “Đức Kitô thứ hai” (Alter Christus) trên thế gian này để tiếp nối sứ vụ còn dang dở của Chúa Giêsu (Đức Kitô thứ nhất). Do vậy, các mục tử hôm nay, đặc biệt là các vùng truyền giáo, hãy thiết lập nhiều “Nhóm Mười Hai” và cùng lên đường với họ như gương của Chúa Kitô. Thực thế, nếu mỗi làng dân tộc thiểu số đều có Nhóm Mười Hai thì sứ mạng loan báo Tin Mừng sẽ khởi sắc hơn và đơm bông kết trái hơn. Ở các thành thị với nhiều tín hữu có tri thức và đức tin trưởng thành hơn, hãy mạnh dạn cầu nguyện và xin Chúa hướng dẫn để thành lập các CĐHTCB nhằm hướng đến việc phục vụ sứ mạng cao quý từ lệnh truyền của Chúa Phục Sinh là “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15)!
Bước vào Năm Thánh 2025
Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, S.J.
Nguồn: dongten.net