Vatican News
Đức Thánh Cha nói trong sứ điệp rằng công ích trước hết là “một thực hành”, được tạo thành từ “sự đón tiếp huynh đệ” và “cuộc tìm kiếm chung” về sự thật và công lý. Và điều “rất quan trọng” là phải nhắc lại nền tảng này của học thuyết xã hội của Giáo hội trong một thế giới, thế giới hiện tại, “nổi bật bởi nhiều xung đột và tương phản” do không thể “nâng tầm nhìn của chúng ta ra ngoài những lợi ích cụ thể”. Ngài lưu ý rằng cuộc gặp gỡ này đặc biệt quan trọng ít nhất vì hai lý do.
Cuộc tranh luận về đạo đức sinh học trong bối cảnh xã hội và văn hóa
Lý do đầu tiên, theo Đức Thánh Cha, “nếu chúng ta thực sự muốn bảo vệ sự sống con người trong mọi bối cảnh và tình huống, chúng ta không thể bỏ qua việc đặt các chủ đề về sự sống, ngay cả những chủ đề cổ điển nhất vào trong các cuộc tranh luận về đạo đức sinh học, trong bối cảnh xã hội và văn hóa mà những hiện tượng này xảy ra”.
Ngài cảnh báo: “Việc bảo vệ sự sống chỉ giới hạn ở một số khía cạnh hoặc khoảnh khắc nhất định và không xem xét toàn diện mọi chiều kích hiện sinh, xã hội và văn hóa có nguy cơ trở nên không hiệu quả và có thể rơi vào cám dỗ của một cách tiếp cận mang tính ý thức hệ, trong đó các nguyên tắc trừu tượng được bảo vệ nhiều hơn là con người thực sự”.
Do đó, theo Đức Thánh Cha, việc theo đuổi lợi ích chung và công lý “là những khía cạnh trung tâm và thiết yếu của bất kỳ biện pháp bảo vệ nào đối với mọi sự sống của con người”, đặc biệt là “những sinh mạng mong manh và không có khả năng tự vệ nhất liên quan đến toàn bộ hệ sinh thái mà chúng ta đang sống”.
Cộng tác cho tương lai của nhân loại
Thứ hai, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự hiện diện của những phụ nữ có trách nhiệm và hoàn cảnh khác nhau tại hội nghị và nói: “Chúng ta, trong xã hội cũng như trong Giáo hội, cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ”, giúp có những kiến thức khác nhau để hợp tác trong việc phát triển một sự suy tư “rộng rãi và khôn ngoan” về tương lai của nhân loại. Khi tất cả các nền văn hóa trên thế giới có thể đóng góp và bày tỏ nhu cầu cũng như nguồn lực, thì chúng ta sẽ có thể “suy nghĩ và tạo ra một thế giới rộng mở”, như chúng ta đọc trong thông điệp Fratelli tutti.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha hy vọng sự phát triển của “các lý thuyết kinh tế vững chắc” đảm nhận và phát triển chủ đề về công ích, để nó có thể trở thành một “nguyên tắc truyền cảm hứng hiệu quả cho các lựa chọn chính trị” chứ không chỉ là một điều được gợi lên bằng lời nói, trong khi lơ là trong hành động.
Nguồn: vaticannews.va