Đức Hồng y Hollerich: “Luxembourg là vùng ngoại vi của Giáo hội”

Đức Phanxicô đến thăm Luxembourg trong chuyến tông du ngày 26 tháng 9 đưa ngài đi Luxembourg và Bỉ  cho đến ngày chúa nhật 29 tháng 9. Điểm dừng chân ngắn ngủi tại Luxembourg là một khích lệ cho Hồng y Dòng Tên Jean-Claude Hollerich của Luxembourg.

Hồng y Hollerich 66 tuổi là thành viên của nhóm C9 (chín hồng y cố vấn cho Đức Phanxicô). Ngài là tổng tường trình của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, một dự án rộng lớn của Đức Phanxicô để Giáo hội trở nên toàn diện hơn.

Xin Hồng y cho biết, các lý do của chuyến đi này?

Hồng y Jean-Claude Hollerich: Điều tôi có thể nói là chúng tôi ở vùng ngoại vi, Luxembourg là đất nước rất giàu có, nhưng chúng tôi là vùng ngoại vi của Giáo hội vi chúng tôi là quốc gia thế tục hóa rất mạnh. Các giáo xứ ở Luxembourg không còn tồn tại nữa. Chúng tôi là một cộng đồng ngôn ngữ, ngài đến thăm một thực tế mới vì chúng tôi là quốc gia quốc tế với một nửa dân số không phải là công dân Luxembourg. Nếu quý vị dự thánh lễ bằng tiếng Bồ Đào Nha thì quý vị sẽ thấy không có đủ ghế trong nhà thờ, cũng vậy với thánh lễ bằng tiếng Anh. Ở thành phố Luxembourg, có nhiều người Pháp và đức tin của họ rất mạnh.

“Chúng tôi sống trong một chủ nghĩa duy vật tầm thường”

Phong tục Luxembourg của chúng tôi vẫn liên kết với các sắc dân di cư khác nhau, đó là trường hợp của nhà thờ Đức Mẹ An ủi kẻ Đau khổ, bổn mạng của thành phố và đất nước. Đức Phanxicô sẽ đến đây dâng thánh lễ ngày 26 tháng 9, kỷ niệm 400 năm ngày thành lập Nhà thờ Đức Mẹ.

Đức Phanxicô gặp Cộng đoàn công giáo ở Nhà thờ Chính toà Đức Bà Luxembourg ngày 26 tháng 9

Nhiều người nghĩ Hồng y thân thiết với Giáo hoàng và tình bạn đã làm cho ngài dừng chân ở Luxembourg…

Tôi không biết, ông phải hỏi ngài! Tôi rất thân với ngài, không có nghĩa là ngài gần gũi với tôi nhiều hơn người khác. Tôi rất mừng vì ngài đến, chúng tôi vinh dự được đón tiếp ngài.

Sau chuyến đi 12 ngày đến Đông Nam Á và Châu Đại Dương, bây giờ ngài hướng tới trung tâm của một Châu Âu đã thế tục hóa và hậu kitô giáo, việc này mang lại thông điệp gì cho đất nước của Hồng y?

Đức Phanxicô là người loan báo Tin Mừng thuần khiết, tôi rất vui khi ngài đến đây để nói với chúng tôi lời kêu gọi hoán cải này. Chúng tôi phải nhìn hiện tại, không nhìn quá khứ để lý tưởng hóa. Chúng tôi phải sống với thời đại và thấy Thiên Chúa hiện diện trong văn hóa của chúng tôi, đó là nơi chúng tôi sẽ thấy các dấu hiệu để đổi mới Giáo hội. Đáng tiếc chúng tôi còn nhiều chuyện phải khép lại, những tàn tích của quá khứ. Tôi ở trong Giáo hội này nên tôi đau lòng về những chuyện này, nhưng tôi hy vọng chúng tôi bước đi với Chúa và Ngài sẽ dẫn dắt chúng tôi.

Luxembourg đón Đức Phanxicô ngày 26 tháng 9 năm 2024 | © Pixabay

Có những dấu hiệu hy vọng, đó là sức sống của cộng đồng Bồ Đào Nha, của những người trẻ tuổi. Dĩ nhiên số lượng không nhiều, nhưng chúng tôi thấy họ có một chiều sâu tâm linh mà trước đây họ không có. Tôi đã đi xe buýt với 200 bạn trẻ trong Ngày Thế Giới Trẻ Lisbon. Họ có ý thức về Thiên Chúa, về cầu nguyện. Bốn mươi năm trước đây, phong trào Công giáo Tiến hành rất mạnh, ngày nay người trẻ muốn biết Thiên Chúa là ai và muốn có được ơn để hành động.

Có phải sung túc và tiện nghi vật chất đã làm người công giáo Châu Âu ra khỏi sứ điệp Phúc âm không?

Chúng ta đang sống trong một chủ nghĩa duy vật xoàng xĩnh. Khi nói chuyện với các bạn trẻ, tôi thấy giấc mơ về tương lai của họ không phải là những gì họ muốn trở thành. Thật đau buồn hầu hết họ thích có phép lạ để kiếm được nhiều tiền.

“Giáo hội ngày mai sẽ không thể sống nếu không có linh mục”

Khi còn trẻ, một mặt tôi mơ là một linh mục thánh thiện, nhưng tôi cũng mơ lập gia đình. Tôi chưa bao giờ nghĩ nếu tôi yêu một cô gái, sau khi kiếm được nhiều tiền tôi sẽ kết hôn. Mối quan hệ với Chúa và mối quan hệ với người khác phải luôn đặt lên hàng đầu.

Theo Hồng y các biện pháp khắc phục cám dỗ vật chất là gì?

Trong một số giây phút hiếm hoi, như trong các đám tang, con người nhận ra mình đã sống sai lầm. Hiện nay chúng ta có mục vụ tang lễ rất phát triển, các linh mục, giáo dân đến thăm tang gia. Họ rất biết ơn. Đó là giây phút chúng ta có thời gian để chạm vào thân phận con người. Tôi cũng nghĩ đến những giây phút vui vẻ trong cuộc sống, trong tình yêu, nơi con cái. Đó là những khoảnh khắc tốt đẹp của cuộc sống phá vỡ bức tường của chủ nghĩa duy vật, con người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và Giáo hội phải có mặt ở đây.

Giáo hội ở Luxembourg có còn là phương tiện cho sự hiện diện này không?

Khó khăn, vì trước đây Giáo hội chúng tôi lệ thuộc vào Nhà nước, không có giáo lý ở giáo xứ nhưng có các lớp tôn giáo ở trường học. Ngày nay điều này không còn hợp lệ nữa, phải học giáo lý ở giáo xứ. Có rất nhiều việc cần làm trong Giáo hội, lẽ tự nhiên có nhiều việc thì mệt mỏi, chúng ta thích sống nơi đã ngăn nắp hơn sống ở nơi có nhiều việc! Nhưng đó là một bước cần thiết, Giáo hội trông cậy vào các giáo dân dấn thân và chúng ta luôn cần linh mục.

Xin Hồng y cho biết sự phát triển về số lượng linh mục trong giáo phận của Hồng y?

Năm 2001 chúng tôi có 268 linh mục, năm 2022 chúng tôi có 170 linh mục. Giáo hội ngày mai sẽ không thể sống nếu không có linh mục. Chúng ta cần linh mục vì chúng ta cần bí tích. Một Giáo hội không có bí tích sẽ không còn là Giáo hội nữa.

Kinh nghiệm truyền giáo lâu năm của Hồng y ở Nhật Bản, đất nước có ít người công giáo, kinh nghiệm này có giúp Hồng y đối diện với thực tế ngày nay không?

Tôi thường tự hỏi vì sao Chúa lại đưa tôi đến Nhật Bản trước khi về Luxembourg, hai thực tế hoàn toàn khác nhau. Tôi nghĩ Chúa đã có kế hoạch vì Nhật Bản là một xã hội rất thế tục, vì thế tôi đã được chuẩn bị để thấy Luxembourg cũng không kém thế tục, một vùng đất truyền giáo mới. Chính nhờ liên lỉ cầu nguyện, đọc Tin Mừng, hiểu Tin Mừng, cảm nhận được thông điệp của Tin Mừng mà tôi tìm được phương thuốc, người công giáo cần trải qua hoán cải để có thể thành công dân của Tin Mừng.

Đức Phanxicô sẽ thấy gì ở đất nước thành trì của tài chánh thế giới?

Tôi nghĩ ngài là người hành động và hiểu vấn đề của thế giới, dĩ nhiên có người không thích ngài. Ở đất nước chúng tôi, chúng tôi có Hiệp hội Tư tưởng Tự do của người vô thần và người theo chủ nghĩa nhân văn, chắc chắn họ không phải là những người nồng nhiệt chào đón ngài.

Ngoài ra còn có người công giáo cánh tả, cánh hữu, người cánh tả cho rằng ngài quá bảo thủ trong vấn đề linh mục độc thân, phụ nữ làm linh mục. Người cánh hữu không thích ngài vì những lý do khác. Họ không hiểu ngài là giáo hoàng của lòng thương xót bao la.

“Những gì Giáo hội Châu Âu lưu giữ là di sản tinh thần và văn hóa, trí tuệ triết học và thần học”

Về mặt tài chính, Luxembourg có những cố gắng để đi đúng đường, nhưng tôi nghĩ chúng tôi vẫn còn xa với những gì Đức Phanxicô mong muốn.

Đến Luxembourg một tuần trước khi khai mạc giai đoạn cuối của Thượng Hội đồng, đây có phải là cách Đức Phanxicô nói đến phong trào cải cách của Giáo hội ngày mai không?

Ngài không cần đi Luxembourg để ủng hộ Thượng Hội Đồng. Chính ngài là người muốn có Thượng hội đồng này và chính ngài là người khuyến khích chúng tôi tiến về phía trước.

Thượng Hội đồng này có ảnh hưởng gì đến giáo phận của Hồng y?

Chúng ta có một Giáo hội mang nặng giáo sĩ tính, các linh mục và tu sĩ là nhân vật chính, giáo dân làm theo những gì họ nói. Nhưng trên hết chúng ta phải hiểu, tín hữu kitô không phải là đối tượng mà là chủ thể của Tin Mừng và của việc truyền giáo. Chúng ta phải sống ơn rửa tội cách sáng tạo và tích cực. Người dân sẽ về với Giáo hội khi họ gặp tín hữu kitô, họ sẽ hỏi: “Bí mật của những người này là gì?”

Trong một phỏng vấn gần đây với báo Gia đình Kitô giáo, Hồng y Christoph Schönborn cho rằng người công giáo Châu Âu phải chấp nhận sự suy tàn của Châu Âu. Hồng y Fridolin Ambongo cũng nói về sự suy đồi văn hóa và đạo đức ở phương Tây. Liệu Giáo hội Châu Âu còn có thể đóng góp gì cho Giáo hội hoàn vũ không? Thái độ của Giáo hội Châu Âu nên như thế nào?

Giáo hội Châu Âu phải khiêm nhường. Chúng ta không còn là ông chủ của các Giáo hội khác. Mùa hè này tôi đi Benin và Congo, tôi đã chứng kiến một Giáo hội sống động, với những phụng vụ tốn nhiều thời gian nhưng lại làm cho giáo dân vui vẻ. Ở đây chắc chắn sẽ có người nhìn đồng hồ. Đôi khi ở Châu Âu, thánh lễ là nghĩa vụ hơn là niềm vui. Tôi cũng biết ở Châu Á với những Giáo hội nhỏ bé nhưng đầy sức sống. Chúng ta đã thấy điều tốt đẹp cho Giáo hội Châu Âu khi có một giáo hoàng không phải là người Châu Âu. Đó là một ơn cho lục địa.

Di sản Giáo hội Châu Âu lưu giữ là di sản tinh thần và văn hóa, trí tuệ triết học và thần học. Chúng ta phải biến di sản này thành ký ức sống động. Chúng ta được nuôi dưỡng không phải để quay về quá khứ nhưng để sống ngày hôm nay với Thiên Chúa như Đức Bênêđíctô XVI đã thể hiện trong triều của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn