Đức Lêô XIV phát biểu trong cuộc họp với các hồng y tại Vatican. Simone Risoluti / REUTERS
Chưa đầy hai ngày sau khi được bầu, ngày thứ bảy 10 tháng 5, Tân Giáo hoàng đã họp với các Hồng y để đưa ra chương trình làm việc của ngài.
Đây là nghi thức cuối cùng của mật nghị: một ngày sau thánh lễ đầu tiên với các Hồng y ở Nhà nguyện Sistine, ngài cám ơn các Hồng y đã bầu ngài, đồng thời ngài đưa ra các nét chính cho triều của ngài. Nhưng ngài đã đổi mới ở hai điểm: năm 2013 Đức Phanxicô có cuộc họp truyền qua video nhưng năm nay, cuộc họp của Đức Lêô XIV diễn ra sau cánh cửa đóng kín và phải hơn ba giờ sau khi cuộc họp bắt đầu, Vatican mới công bố bài phát biểu của ngài.
Cùng quản lý với các hồng y bạn
Đổi mới quan trọng thứ hai: ngài lắng nghe ý kiến của các Hồng y, tiếp nhận lời khuyên của họ theo cách đồng nghị, ai cũng có thể thoải mái bày tỏ ý kiến một cách tự do và không chính thức. Nghi thức này chỉ yêu cầu một bài phát biểu, sau đó là lời chào riêng của các Hồng y. Trong phần đầu của cuộc họp, người vừa đắc cử sẽ có một bài phát biểu ngắn với các suy nghĩ muốn chia sẻ với các bạn. Sau đó là phần thứ hai, chia sẻ với Hồng y đoàn để nghe lời khuyên, gợi ý, đề xuất, những điều cụ thể các ngài đã thảo luận trong những ngày trước mật nghị.
Trước đó, Giáo hoàng mở đầu cuộc họp bằng tiếng la-tinh: “Trước khi vào chỗ, chúng ta cầu nguyện xin Chúa tiếp tục đồng hành với chúng ta và với toàn thể Giáo hội trong tinh thần nhiệt thành của một đức tin sâu sắc. Chúng ta cùng đọc  Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng bằng tiếng la-tinh.”
Tân Giáo hoàng sẽ trình bày tầm nhìn của ngài về Giáo hội, giải thích lý do chính của việc chọn danh hiệu Lêô của ngài: “Chủ yếu: Đức Lêô XIII với thông điệp lịch sử Tân sự ‘Rerum Novarum’ đã giải quyết vấn đề xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên; và ngày nay Giáo hội trao cho chúng ta di sản học thuyết xã hội để ứng phó với một cuộc cách mạng công nghiệp khác và với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động.”
“Người tôi tớ khiêm nhường và không gì khác”
Được sự hỗ trợ của các Hồng y, Đức Lêô XIV không cảm thấy mình mang một gánh quá nặng, ngài nói: “Các bạn thân mến, là cộng sự thân cận nhất của Giáo hoàng, tôi được an ủi khi nhận một gánh nặng rõ ràng là vượt quá sức tôi, cũng như của bất kỳ ai khác. Sự hiện diện của các bạn nhắc nhở tôi, Đấng giao phó cho tôi sứ mệnh này đã không để tôi một mình gánh trách nhiệm. Trên hết, tôi biết tôi luôn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của các bạn, của Chúa, và nhờ Ân sủng và sự quan phòng của Chúa, nhờ sự gần gũi với các bạn, với nhiều tín hữu trên khắp thế giới tin vào Chúa, yêu mến Giáo hội, giúp đỡ cho người đại diện Chúa Kitô bằng lời cầu nguyện và các việc làm tốt.”
Đức Lêô xem sự ra đi của Đức Phanxicô và mật nghị này như một dạng phục sinh, ngài nhấn mạnh đến đức khiêm nhường cần thiết cho nhiệm vụ này: “Giáo hoàng, từ Thánh Phêrô cho đến tôi, người kế vị không xứng đáng của ngài, là người tôi tớ khiêm nhường của Chúa và của anh em mình, không gì khác hơn thế.”
Với tấm gương của Cố Giáo hoàng Phanxicô qua phong cách phục vụ tận tụy, lối sống khôn ngoan, phó thác cho Chúa khi truyền giáo và cuối đời tin tưởng trở về nhà Cha, Đức Lêô XIV xem đây là di sản quý giá Đức Phanxicô để lại.
Giọng nói nhẹ nhàng của thinh lặng
Theo Giáo hoàng Lêô: “Chính Đấng Phục sinh hiện diện giữa chúng ta, Đấng bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội hồi sinh trong hy vọng, thông qua tình yêu được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, vì thế chúng ta cần dễ bảo để lắng nghe tiếng nói của Ngài, để là người phục vụ trung thành cho các kế hoạch cứu độ của Chúa, nhắc chúng ta Chúa đến trong tiếng thì thầm của làn gió nhẹ, trong giọng nói nhẹ nhàng của thinh lặng. Đây là thách đố, chúng ta phải được giáo dục và đồng hành với tất cả dân Chúa đã được giao cho chúng ta.”
Một cộng đồng tín hữu trên khắp thế giới đã thể hiện chính mình qua các sự kiện gần đây cho chúng ta thấy vẻ đẹp, cho chúng ta cảm nhận được sức mạnh của cộng đồng to lớn, thấy được sự vĩ đại thực sự của Giáo hội trong sự đa dạng của các thành viên hiệp nhất với Chúa Kitô, Đấng chăn dắt bảo vệ linh hồn chúng ta.
Nhiệm vụ rất rõ ràng: Cộng đồng công giáo là dạ chúng ta được sinh ra và đồng thời cũng là đàn chiên, là cánh đồng được trao cho chúng ta để chúng ta chăm sóc và vun trồng, nuôi dưỡng đàn chiên bằng các Bí tích cứu độ và vun trồng bằng hạt giống Lời Chúa, để vững vàng trong sự hòa hợp và nhiệt thành trong sứ mạng, đàn chiên có thể bước đi, giống như dân Israel ngày xưa trong sa mạc, dưới bóng mây và dưới ánh sáng của ngọn lửa Thiên Chúa.
Tuân thủ theo Công đồng Vatican II
Sau đó, ngài phác thảo chương trình của ngài, một phần ngài lấy từ Công đồng Vatican II: “Tôi muốn chúng ta cùng nhau đổi mới hôm nay để chúng ta hoàn toàn tuân thủ con đường Giáo hội hoàn vũ đã đi theo trong nhiều thập kỷ sau Công đồng Vatican II.”
Đặc biệt bao gồm một số khía cạnh cơ bản, Đức Lêô lấy từ Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ngài liệt kê theo thứ tự: “Trở về với quyền tối thượng của Chúa Kitô trong việc loan báo Tin Mừng; hoán cải truyền giáo cho toàn thể cộng đồng kitô giáo; phát triển tính đồng nghị và tính công đồng; chú ý đến cảm thức đức tin, sensus fidei, đặc biệt trong những hình thức chân thực và bao gồm nhất của nó, chẳng hạn lòng mộ đạo bình dân; quan tâm yêu thương đến những người nhỏ bé, những người bị bỏ rơi; đối thoại can đảm và tự tin với thế giới đương đại trong các thành phần và thực tế khác nhau của thế giới.”
Theo ngài, đây là những nguyên tắc truyền giáo luôn làm sống động và truyền cảm hứng cho cuộc sống và công việc của Gia đình Thiên Chúa, những giá trị qua đó khuôn mặt thương xót của Chúa Cha được mặc khải và tiếp tục được mặc khải nơi Chúa Con nhập thể, niềm hy vọng cuối cùng của bất kỳ ai chân thành đi tìm chân lý, công lý, hòa bình và tình huynh đệ, ngài trích dẫn nội dung các bài của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô.
Sau bài phát biểu trước giáo dân buổi tối ngày bầu cử, bài giảng đầu tiên của ngài trong tư cách là Giáo hoàng ngày thứ sáu, ngài kết thúc bài giảng đầu tiên với lời trích dẫn của Đức Phaolô VI (1963-1978): “Tôi muốn kết thúc phần đầu tiên của cuộc họp này bằng lời của riêng tôi – và tôi xin đề xuất với các bạn lời chúc năm 1963 của Thánh Phaolô VI đã chúc khi ngài bắt đầu sứ vụ của ngài: ‘Nguyện xin ngọn lửa đức tin và tình yêu vĩ đại lan tỏa khắp thế giới, thắp sáng tất cả những ai thiện tâm, soi sáng con đường hợp tác với nhau, thu hút nhân loại, hết lần này đến lần khác, sự phong phú thiêng liêng, chính quyền năng của Chúa, mà nếu không có sự giúp đỡ của Ngài thì không có gì là chính đáng, không có gì là thánh thiện’” (Sứ điệp gởi toàn  gia đình nhân loại, Qui fausto die ngày 22 tháng 6 năm 1963)
Đức Lêô XIV kết luận: “Ước gì tâm tình này cũng là tâm tình của chúng ta để chúng ta chuyển lời cầu nguyện, cam kết lên Thiên Chúa.”
Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn