Đến kết thúc hội nghị về lòng đạo bình dân ở Địa Trung Hải tại Ajaccio vào Chúa Nhật, ngày 15 tháng 12, Đức Phanxicô cho rằng lòng đạo đức bình dân chỉ có thể được triển khai đầy đủ trong mối quan hệ lành mạnh giữa tôn giáo và chính trị. Lòng đạo đức bình dân, mở rộng trái tim của các tín hữu cho lòng bác ái, cho phép một “quyền công dân mang tính xây dựng” nơi các Kitô hữu, vốn có thể làm việc vì công ích bên cạnh các tổ chức dân sự và chính trị.

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Ajaccio, rồi băng qua đám đông đông đảo và vui tươi trên đường đến Dinh Hội nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Hồng y François-Xavier Bustillo chào đón cũng như cảm ơn ngài đã đến. Tiếp đó, trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đã nói về mối quan hệ lành mạnh giữa chính trị và tôn giáo.

Trước hết, Đức Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng về văn hóa, lịch sử cũng như tôn giáo của “biển hồ” vĩ đại này, tức là Biển Địa Trung Hải, nơi từng có mặt các nền văn minh Hy Lạp, Rôma và đặc biệt là Do Thái-Kitô giáo. Từ 2000 năm qua, con người ở khu vực này đã định hình nền văn hóa, các thể chế, các hệ thống pháp luật, mà nhiều trong số đó “vẫn còn giá trị và phù hợp cho đến ngày nay”.

Chính Địa Trung Hải đã chứng kiến ​​cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Israel, rồi Sự Nhập Thể của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh, chính tại Địa Trung Hải, và chủ yếu là ở Châu Âu, “vấn đề về Thiên Chúa dường như mờ nhạt dần; và chúng ta ngày càng thấy mình thờ ơ hơn với sự hiện diện và Lời của Ngài.” Tuy nhiên, quan sát này không nên dẫn đến việc đối lập nền văn hóa Kitô giáo cổ xưa và văn hóa thế tục này.

Là men trong bột

Ngược lại, các tín hữu “ngày càng cởi mở hơn với khả năng sống đức tin của mình mà không áp đặt nó, giống như men trong bột của thế giới và những môi trường mà họ sinh sống”, trong khi những người không có đức tin không xa lạ với sự khao khát về ý nghĩa, sự thật, công lý và tình liên đới.

Chính trong bối cảnh này mà Đức Phanxicô đã nhắc lại “vẻ đẹp và tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân”, bởi vì nó làm chứng cho sự Nhập Thể thông qua nền văn hóa bình dân và sống động, đồng thời cho phép những người xa rời với việc thực hành tôn giáo đón nhận “những lý tưởng và giá trị mà họ cho là có ích cho cuộc sống của họ và cho xã hội”.

Bằng cách thể hiện đức tin bằng những cử chỉ đơn giản và ngôn ngữ biểu tượng bắt nguồn từ văn hóa dân tộc, lòng đạo đức bình dân biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa trong thân xác sống động của lịch sử, nó củng cố mối quan hệ với Giáo hội và thường trở thành cơ hội gặp gỡ, trao đổi và lễ mừng.

Trích dẫn tông huấn Evangelii gaudium, Đức Phanxicô bảo đảm rằng “trong lòng đạo đức bình dân, chúng ta có thể hiểu đức tin được tiếp nhận đã được thể hiện trong một nền văn hóa và tiếp tục được truyền tải như thế nào”.

Tinh thần Kitô giáo của lòng đạo đức

Tuy nhiên, cần phải đề phòng rằng lòng đạo đức bình dân không bị giới hạn ở “các khía cạnh bên ngoài hoặc dân gian mà không dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”, hoặc nó bị ô nhiễm bởi “niềm tin theo thuyết định mệnh hoặc mê tín”. Ở Corse, nơi có hơn 80% cư dân là người Công giáo và nơi đặc tính công giáo gắn liền với căn tính Corse, Đức Thánh Cha trích dẫn một nguy cơ khác: “Lòng đạo đức bình dân được sử dụng, được dụng cụ hóa bởi các nhóm có ý định củng cố căn tính của họ theo cách mang tính luận chiến, bằng cách thúc đẩy các chủ nghĩa địa phương, sự đối lập, thái độ loại trừ”.

Lòng đạo đức bình dân, hợp nhất “đức tin Kitô giáo và các giá trị văn hóa của một dân tộc” và loại bỏ các rủi ro về căn tính hoặc văn hóa dân gian, “không còn là một sự kiện riêng tư”, nhưng “bao hàm một sự dấn thân và làm chứng cho tất cả mọi người vì sự phát triển của con người, sự tiến bộ xã hội và sự bảo vệ toàn thể công trình tạo dựng, dưới dấu hiệu của lòng bác ái”. Cũng chính dưới sự thúc đẩy của đức tin Kitô giáo mà nhiều công trình bác ái đã được thành lập như các trường học, bệnh viện, hay các phụng hội ở Corse, với sứ mệnh đặc biệt là đồng hành những người thân yêu của những người đã khuất.

“Lòng đạo đức bình dân, các cuộc rước kiệu và lễ cầu mùa, các hoạt động bác ái của các phụng hội, việc cầu nguyện cộng đồng bằng Kinh Mân Côi và các hình thức sùng kính khác có thể nuôi dưỡng “tư cách công dân mang tính xây dựng” này của các Kitô hữu.

Một khái niệm “tiến triển và năng động” về tính thế tục

Đức Thánh Cha lưu ý : trong tư cách công dân mang tính xây dựng này, điều cần thiết là các Kitô hữu phải làm việc “trên con đường chung” với các thể chế thế tục, dân sự và chính trị, như đã được thực hiện ở Corse. Và chính vì con đường hướng tới công ích này, được các tín đồ và các thể chế cùng nhau thực hiện, mà cần phải phát triển “một khái niệm về tính thế tục không tĩnh tại và cố định, nhưng tiến triển và năng động, có khả năng thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau hoặc không thể lường trước được, và thúc đẩy sự hợp tác liên lỉ giữa các cơ quan dân sự và Giáo hội vì lợi ích của toàn thể cộng đồng, mỗi cộng đồng vẫn ở trong giới hạn thẩm quyền và không gian của mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn người tiền nhiệm của mình về tính thế tục lành mạnh, đối với Đức Bênêđíctô XVI, cần phải “giải phóng niềm tin khỏi sức nặng của chính trị và làm phong phú nền chính trị bằng những đóng góp của niềm tin, bằng cách duy trì khoảng cách cần thiết, sự phân biệt rõ ràng và sự hợp tác thiết yếu cho cả hai”. Vì vậy, theo Đức Bênêđíctô XVI, tránh việc sử dụng tôn giáo làm công cụ cho chính trị, cũng như tránh việc tôn giáo thao túng chính trị.

“Đây là lý do tại sao tính thế tục lành mạnh (sự thống nhất-phân biệt) là cần thiết, và thậm chí cần thiết cho cả hai.”

Mô hình lòng đạo đức bình dân ở đảo Corse

Vào cuối bài phát biểu, Đức Thánh Cha đã khuyến khích người dân Corse đi theo con đường lòng đạo đức bình dân, “bắt rễ rất sâu” trong các cuộc hành hương, các cuộc rước kiệu và lòng sùng kính của họ. “Anh chị em là một tấm gương đạo đức ở Châu Âu,” ngài chào mừng và khuyến khích giới trẻ tham gia vào đời sống văn hóa xã hội và chính trị của hòn đảo này.

Tý Linh

(theo Jean-Benoît Harel –Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net