Hình ảnh | Antoine Mekary – Aleteia
Nếu cần phải tạ ơn Đức Phanxicô như nhà tiểu luận Jean Duchesne khẳng định, thì chính vì ngài là người không thể xếp loại.
Cho đến cùng, Đức Phanxicô vẫn làm chúng ta ngạc nhiên. Ngày chúa nhật Phục sinh ngài ra Quảng trường Thánh Phêrô để ban phép lành cho giáo dân, không ai có thể ngờ, vì ngài đang trong thời gian hồi phục yếu ớt sau lần nhập viện tưởng như không qua khỏi. Và sáng nay, tin tức “ngài đã về nhà Cha” càng làm giáo dân sững sờ. Nhìn lại, lần ngài xuất hiện cuối cùng trong tiếng vỗ tay reo hò dường như là niềm vui bình dị của ngày Lễ Lá, mở đầu Tuần Thương Khó báo trước vinh quang rực rỡ mà ngôi mộ trống gần đồi Gôngôta đã minh chứng.
Ngài là giáo hoàng không thể phân loại: quá táo bạo, quá cấp tiến, quá cởi mở, quá hiện đại, quá chống hình thức và giáo sĩ trị. Với một số người ngài là người cấp tiến, một số khác lại cho ngài quá bảo thủ, quá độc đoán, quá dè dặt trong cải tổ, và quá xem thường di sản kitô giáo lâu đời.
Sứ mạng của người kế vị Thánh Phêrô
Chính vì những nghịch lý này mà chúng ta cần cám ơn ngài. Vì đó không chỉ là nét riêng của một cá nhân, nhưng là bản chất của một sứ mạng được giao cho người kế vị Thánh Phêrô. Nếu người đó được gọi để “củng cố đức tin cho anh em” là vì chính bản thân họ đã trước hết đi theo Chúa Giêsu như Chúa Giêsu đã tiên báo, “bị sàng như sàng gạo” (Lc 22, 31–32), có nghĩa người đó bị kéo về mọi phía, lúc thì được ca ngợi, lúc thì bị khước từ.
Vì thế, điều quan trọng không phải là ngài có đáp ứng kỳ vọng hay không, sẽ tổng kết gì về 12 năm triều của ngài, hoặc ngài sẽ được xếp ở đâu trong dòng lịch sử. Nhưng điều chúng ta cần đặt ra là: vượt lên trên những mâu thuẫn bề ngoài, ngài đã giúp chúng ta nhận ra sự nhất quán của đức tin như thế nào. Nếu ngài đã làm cho nhiều người ở ngoài Giáo hội phấn khởi nhưng lại bị một số giáo dân bực bội vì họ mong được đồng tình hơn là được dạy dỗ, thì đó là dấu chỉ ngài đã được ban ân sủng để nên giống Đức Kitô.
Một chứng nhân của Đức Kitô
Vấn đề không phải là đoán xem ai sẽ là giáo hoàng kế tiếp, hay phác họa chân dung lý tưởng của người kế vị. Sự phát triển các phương tiện truyền thông đã làm tăng đáng kể tầm ảnh hưởng của Giám mục Rôma, từ đó giáo dân chú ý nhiều hơn đến bản thân người đảm nhận chức vụ này, phong cách, tính khí và những lập trường nhất thời thay vì tập trung vào sứ mạng cốt yếu mà ngài được mời gọi thi hành: không chỉ điều hành Giáo hội và giữ sự hiệp nhất, nhưng quan trọng hơn là làm cho thế giới thấy được tính mới mẻ gây ngỡ ngàng và vô tận của Đấng Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết.
Chúng ta đừng nghĩ những người đến Quảng trường Thánh Phêrô sáng Phục sinh để chỉ nhìn Giáo hoàng Argentina của Thánh I-Nhã đã chọn thánh Phanxicô Assisi làm bổn mạng, nhưng còn để mừng Chúa Giêsu thành Nadarét sống lại. Tất cả những ai có mặt tại chỗ, những người xem truyền hình hay được tin sau đó đều chứng kiến một chứng nhân sống động của điều kỳ diệu quy tụ họ: tình yêu cho đến cùng (Ga 13, 1), một hiến dâng bản thân, không sợ chết.
Lần xuất hiện cuối cùng của Đức Giáo Hoàng để ban phép lành Urbi et Orbi
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch
Nguồn: phanxico.vn