Đức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu dấn thân trong sứ mạng truyền giáo

Chúa nhật ngày 20 tháng Mười là Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 98. Đức Thánh cha Phanxicô nhắn nhủ các tín hữu tham gia, bằng nhiều hình thức, vào sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi dân nước, như mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các môn đệ.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đó cũng là ý tưởng nòng cốt trong Sứ điệp của Đức Thánh cha, nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, với chủ đề: “Anh em hãy đi và mời tất cả mọi người vào dự tiệc” (Xc Mt 22,9).

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha đi từ dụ ngôn một vua kia tổ chức lễ cưới cho hoàng tử và sau khi những người được mời đều từ chối, vua sai đầy tớ ra các ngã tư đường, mời tất cả những người họ gặp vào dự tiệc (v.9). Đức Thánh cha nhận định rằng dụ ngôn này “thật là thời sự đối với tất cả chúng ta, những môn đệ thừa sai của Chúa Kitô, trong giai đoạn chót của hành trình Thượng Hội đồng, theo khẩu hiệu “Hiệp thông, tham gia và sứ mạng”, nhắm tái đẩy mạnh Giáo hội tiến đến quyết tâm ưu tiên, nghĩa là loan báo Tin mừng cho thế giới ngày nay”.

Cụ thể, Đức Thánh cha nhắn nhủ tất cả các tín hữu, theo bậc sống của mình, hãy khởi động một phong trào truyền giáo mới, như bình minh của Kitô giáo!

Đức Thánh cha viết: “Ngày nay, trong một thế giới bị xâu xé vì những chia rẽ và xung đột, Tin mừng của Chúa Kitô là tiếng nói dịu dàng và mạnh mẽ kêu gọi con người hãy gặp gỡ nhau, nhìn nhận nhau là anh chị em và vui hưởng sự hòa hợp giữa những khác biệt. Thiên Chúa muốn rằng “Tất cả mọi người được cứu vớt và được nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Vì thế, chúng ta không bao giờ được quên rằng, trong các hoạt động truyền giáo, chúng ta được mời gọi loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người, và “không như một kẻ áp đặt một bó buộc mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ dẫn một chân trời đẹp đẽ, cống hiến một bàn tiệc đáng mong ước” (Evangelii gaudium, 14).

“Sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi người đòi sự dấn thân của mọi người. Vì thế, cần tiếp tục hành trình tiến về một Giáo hội hoàn toàn là đồng hành-thừa sai phục vụ cho Tin mừng. Đặc tính đồng hành hay hiệp hành tự nó là truyền giáo, và đối lại, sứ mạng truyền giáo luôn luôn là hiệp hành. Vì vậy, một sự cộng tác chặt chẽ để truyền giáo ngày nay là điều cấp thiết nhất trong Giáo hội hoàn vũ cũng như trong các Giáo hội địa phương”.

Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

Đức Thánh cha không quên nhắc nhở các giáo phận trên thế giới về sự phục vụ của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, như những phương thế hàng đầu để “truyền bá nơi các tín hữu, ngay từ tuổi nhỏ, một tinh thần thực sự là hoàn vũ và truyền giáo, cũng như để giúp lạc quyên các tài trợ giúp tất cả các xứ truyền giáo và theo các nhu cầu của các giáo phận thuộc miền này” (Ad gentes, 39). Vì thế, các cuộc lạc quyên vào Ngày Thế giới Truyền giáo trong tất cả các Giáo hội địa phương hoàn toàn dành cho Quỹ liên đới chung mà Hội truyền bá Đức tin, nhân danh Đức Giáo hoàng, phân phát theo nhu cầu của các xứ truyền giáo của Giáo hội”.

Số tiền quyên được tại các giáo xứ trên toàn thế được dành để giúp đỡ hơn 1.100 giáo phận thuộc các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org