Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng nêu lên khả năng mở rộng: giáo dân có thể rửa tội và cử hành hôn nhân trong khuôn khổ “mục vụ giáo dân”, điều khoản đã được quy định trong Bộ Giáo luật trên cơ sở ngoại lệ.
Sau một tháng thảo luận, phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị kết thúc ngày 26 tháng 10 năm 2024, 356 thành viên đã bỏ phiếu Tài liệu cuối cùng. Sẽ không có Tông huấn hậu Thượng Hội đồng vì thế Tài liệu cuối cùng được trực tiếp đưa vào huấn quyền. Tài liệu này bao gồm 155 điều, phác thảo những đường nét của Giáo hội ngày mai. Có ba mong muốn chính trong Tài liệu cuối cùng: phân quyền lớn hơn trong các quyết định của Giáo hội, tiếp tục cuộc chiến chống lạm dụng và nâng cao trách nhiệm của giáo dân trong việc quản lý giáo xứ và giáo phận.
Một số đề xuất được nghiên cứu để thu hút giáo dân nam nữ tham gia nhiều hơn vào việc điều hành Giáo hội, bắt đầu bằng suy tư về chức phó tế nữ, đã có hiệu lực trong đại hội lần thứ hai này. Đây là vấn đề có nhiều phản đối nhất với 97 phiếu phản đối. Tài liệu khẳng định: “Không có lý do hay trở ngại nào có thể ngăn cản phụ nữ thực hiện vai trò hướng dẫn trong Giáo hội: không thể ngăn cản những gì đến từ Chúa Thánh Thần và chúng ta cần tiếp tục phân định vấn đề này.” Ngoài ra, Thượng Hội đồng quy định “bắt buộc” tổ chức các hội đồng giáo xứ với sự tham gia của giáo dân, thúc đẩy “mục vụ giáo dân” nhiều hơn như mục vụ đọc sách, giáo lý và giáo lý viên. Trong chiều hướng này, Thượng Hội đồng đề xuất “khả năng mở rộng và ổn định” việc cử hành bí tích rửa tội và hôn nhân của giáo dân: “Giáo luật của các Giáo hội theo nghi lễ la-tinh và đông phương đã quy định, trong một số trường hợp, nam nữ giáo dân có thể là thừa tác viên ngoại thường để làm mục vụ giáo dân.” Một ngoại lệ hiện được cho phép trong một số điều kiện nhất định
Hướng tới khái quát hóa một ngoại lệ?
Bộ Giáo luật quy định: “Chỉ những hôn nhân thành sự được ký trước Bản quyền địa phương, trước linh mục, hoặc phó tế được ủy quyền với hai nhân chứng” (Điều 1108). Nhưng Giáo lý cũng đề cập đến những trường hợp ngoại lệ, đặc biệt là việc giáo dân tham dự đám cưới. Chúng ta nói “tham dự” vì bí tích hôn nhân là giữa hai vợ chồng hiện diện trước thừa tác viên và nhận được sự đồng ý của họ nhân danh Giáo hội. Tuy nhiên, một khả năng có thể có với một số điều kiện: thiếu linh mục và phó tế, giáo dân sẽ được Giám mục giáo phận và Tòa thánh ủy quyền. Giáo luật quy định: “Nơi nào không có linh mục hay phó tế, Giám mục giáo phận dựa trên ý kiến thuận lợi của Hội đồng Giám mục và với sự cho phép của Tòa thánh, có thể ủy quyền cho giáo dân đã được chọn lựa phù hợp, có khả năng đào tạo cho những người phối ngẫu tương lai và có khả năng cử hành phụng vụ hôn nhân một cách đúng đắn” (Điều 1112).
Cũng vậy với phép rửa tội, “thừa tác viên bình thường của phép rửa tội là giám mục, linh mục và phó tế (Điều 861), trong trường hợp cần thiết, bất kỳ giáo dân nào hành động với ý hướng này đều có thể rửa tội”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn