Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường xuyên chứng kiến những cuộc chạy đua khốc liệt, nơi con người luôn muốn khẳng định bản thân và chứng minh giá trị của mình. Thế nhưng, trong cơn lốc của tham vọng và sự nổi bật ấy, có một nhân đức đã tồn tại qua hàng thế kỷ, luôn tỏa sáng một cách thầm lặng nhưng lại mang trong mình sức mạnh vô cùng lớn lao như hạt lúa chôn vùi, ủ mình trong lòng đất, sẽ mang lại một nhánh lúa trĩu hạt trong tư thế cúi mình đón sương mai. Đó chính là Đức Khiêm Nhường.
Khiêm nhường là một phẩm chất cao đẹp mà từ lâu đã được xem là cốt lõi trong mọi nền văn hóa và tôn giáo. Trong cuộc sống đời thường, khiêm nhường là đức tính nhân bản giúp con người biết tôn trọng bản thân và người khác, còn trong Kitô giáo, khiêm nhường không chỉ là phẩm chất đạo đức mà còn là nhân đức thiêng liêng, một lối sống hướng về Thiên Chúa. Dù cả hai cách nhìn nhận về khiêm nhường đều tôn vinh lòng tự trọng và tinh thần phục vụ, nhưng có sự khác biệt sâu xa giữa khiêm nhường như một đức tính nhân bản và khiêm nhường như một nhân đức Kitô giáo – một nhân đức mà nhiều người dễ bỏ qua, nhưng khi chiêm nghiệm sâu xa, ta mới thấu hiểu được giá trị tiềm tàng và hoa trái phong nhiêu của nó.
Khiêm nhường là một Đức Tính Nhân Bản của con người
Khiêm nhường xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc rằng không ai là hoàn hảo. Một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể biết hết mọi điều trong cuộc sống. Việc thừa nhận điều này không phải là sự yếu đuối, mà ngược lại, đó là biểu hiện của sự thông thái và trí tuệ. Khi biết mình không phải là trung tâm của vũ trụ, ta trở nên cởi mở hơn với thế giới xung quanh, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ những người khác. Khiêm nhường giúp con người biết nhìn nhận sự vật, sự việc một cách khách quan, từ đó mở ra nhiều cơ hội để phát triển bản thân.
Ngoài ra, Khiêm nhường còn thể hiện trong cách con người đối xử với nhau. Một người khiêm nhường luôn tôn trọng và đối xử công bằng với mọi người, bất kể họ giàu nghèo, tài năng hay địa vị trong Giáo hội, xã hội. Tinh thần khiêm nhường giúp chúng ta không coi thường người khác, không tự cho mình là trung tâm và không đặt mình lên trên người khác. Điều này tạo ra một môi trường sống lành mạnh, nơi mà sự cảm thông và thấu hiểu được đề cao. Người khiêm nhường không tìm cách phô trương hay so bì với người khác, thay vào đó họ luôn tập trung vào việc hoàn thiện bản thân, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ những người xung quanh cùng tiến bộ.
Tuy nhiên, khiêm nhường không có nghĩa là tự hạ thấp bản thân. Đó là sự tự tin nhưng không kiêu căng, là biết rõ giá trị của mình nhưng không xem thường người khác. Người khiêm nhường luôn có sự cân bằng giữa lòng tự tôn và lòng biết ơn. Họ biết trân trọng những gì mình đạt được, nhưng không bao giờ quên công sức của những người đã giúp đỡ họ trên con đường thành công. Đức khiêm nhường còn là một phẩm hạnh quan trọng trong nền triết học cổ xưa, được thể hiện qua lối sống của nhiều nhà hiền triết, minh triết, các tư tưởng gia. Sự khiêm tốn không chỉ là đức tính quan trọng trong tương quan giữa con người với nhau, mà còn là cách họ đối diện với kiến thức, sự hiểu biết và sự giới hạn của bản thân. Dưới đây là một số quan điểm cũng như cách mà các nhà hiền triết, minh triết đã sống đức khiêm nhường:
Socrates (470 – 399) Sự khiêm nhường trí tuệ: Socrates nổi tiếng với câu nói “Tôi chỉ biết rằng tôi không biết gì.” Đối với ông, Đức khiêm nhường là sự nhận thức về giới hạn của tri thức bản thân. Ông cho rằng con người chỉ có thể phát triển và học hỏi thêm khi họ thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình, thay vì tự mãn với những gì mình đã biết. (1)
Khổng Tử (551 – 479) Với nhà hiền triết Khổng Tử, khiêm nhường là đức tính giúp con người biết tôn trọng người khác và giữ gìn hòa khí trong xã hội. Nó thể hiện qua việc lắng nghe và học hỏi từ người khác, đặc biệt là người có địa vị hay tri thức hơn mình, đồng thời biết đánh giá lại bản thân. (2)
Mahatma Gandhi (1869 – 1948) Gandhi, người dẫn dắt phong trào giải phóng Ấn Độ, đã sống cuộc đời giản dị, ăn chay và luôn tự nhận mình là một người học trò của sự thật. Ông coi khiêm tốn là một phần thiết yếu của bất bạo động. Ông tin rằng con đường đến với sự thật chỉ có thể được tìm thấy khi con người khiêm nhường trước sự vĩ đại của vũ trụ và nhân loại. (3)
Khiêm nhường là một Nhân Đức Kitô Giáo
Trong Kitô giáo, khiêm nhường không chỉ là một phẩm chất đạo đức đáng quý, mà còn là nền tảng vững chắc để sống đức tin và theo gương Chúa Giêsu. Khiêm nhường không chỉ dừng lại ở việc biết giới hạn của bản thân, mà còn là sự nhận thức sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa, qua đó con người sống với lòng tôn trọng, yêu thương và phục vụ người khác. Đây là một nhân đức quan trọng giúp tín hữu bước đi trên con đường hoàn thiện bản thân và tiến đến gần Thiên Chúa.
Trước hết, khiêm nhường trong Kitô giáo được hiểu là sự nhận biết đúng đắn về thân phận con người trước Thiên Chúa. Con người, dù có tài năng và địa vị đến đâu, đều không thể tồn tại độc lập mà không có sự hiện diện và che chở của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa chính là nguồn cội của mọi sự, và con người chỉ là những thụ tạo yếu đuối, phụ thuộc hoàn toàn vào Người. Khi con người ý thức được sự bất toàn của mình và sự toàn vẹn của Thiên Chúa, họ sẽ tránh khỏi sự kiêu căng, tự mãn, thay vào đó là lòng biết ơn và tôn thờ Đấng Tạo Thành.
Thật vậy, khiêm nhường là một nhân đức trọng yếu trong đời sống Kitô giáo. Nó giúp con người sống hòa hợp với Thiên Chúa và với nhau, tạo nên một đời sống đức tin sâu xa, tràn đầy yêu thương và tinh thần phục vụ. Trong một thế giới đầy rẫy sự kiêu căng và tranh đua, sự khiêm nhường Kitô giáo lại càng sáng ngời hơn, như một lời nhắc nhở rằng giá trị thật sự của con người không nằm ở địa vị hay của cải, mà nằm ở cõi lòng yêu thương và sự phụ thuộc vào Thiên Chúa. Theo gót Chúa Giê su, các Giáo phụ cũng như các Thánh trong Giáo Hội đã cho ta có hiểu được phàn nào quan điểm và cách thực hành đức khiêm nhu trong đời sống của các ngài như thế nào:
Thánh Augustinô (354–430): Augustinô coi khiêm tốn là nền tảng của tất cả các nhân đức Kitô giáo. Ngài cho rằng khiêm tốn là sự nhận biết và thừa nhận sự phụ thuộc của con người vào Thiên Chúa. Khiêm nhường là điều kiện tiên quyết để nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa, bởi nó giúp con người từ bỏ cái tôi tự mãn, ý thức rõ ràng về sự nhỏ bé của mình trước sự vĩ đại của Thiên Chúa. (4)
Thánh Têrêsa Avila (1515–1582)
Thánh Têrêsa xác định rằng khiêm nhường là sống trong sự thật. Người biết nhìn nhận đúng giá trị và sự yếu đuối của mình, đồng thời nhận ra rằng mọi điều tốt lành đều đến từ Thiên Chúa. Trong tác phẩm “Lâu đài nội tâm”, Thánh nữ nhấn mạnh rằng sự hiểu biết về bản thân là bước đầu tiên để tiến tới sự gần gũi với Thiên Chúa (6)
Thánh Bernard Clairvaux (1090–1153)
Đối với Thánh Bernard, Ngài khám phá ra khiêm nhường là một cuộc hành trình dài, mà điểm đến là sự kết hợp với Thiên Chúa. Ngài so sánh đức khiêm nhu như một cái thang, với mỗi bậc thang giúp con người tiến gần hơn đến Thiên Chúa và hiểu sâu hơn về sự yếu đuối của chính mình. (7)
Suy cho cùng thì hoa trái của nhân đức khiêm nhường vẫn luôn mang lại cho con người niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Khi ta không còn phải gồng mình để cạnh tranh hay so đo với người khác, khi ta biết chấp nhận mình với tất cả ưu khuyết điểm, ta sẽ tìm thấy sự bình an nội tâm và hạnh phúc thực sự. Khiêm nhường giúp ta sống hòa hợp với bản thân và với cuộc đời, không cần phải chứng tỏ hay hơn thua, mà chỉ cần là chính mình, một nhân cách Tin Mừng: chân thành, đơn sơ, mực thước và bình an.
Đức Giêsu – Mẫu gương hoàn hảo về Đức Khiêm Nhường
Gương mẫu cao cả nhất của nhân đức khiêm nhường chính là Chúa Giêsu. “Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29b). Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã tự hạ mình, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,6-7). Dù là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để sống kiếp người, chấp nhận khổ đau và cái chết trên thập giá vì tình yêu đối với nhân loại. Cung cách khiêm nhu của Chúa Giêsu không chỉ là việc từ bỏ địa vị Thiên Chúa của mình, mà còn là sự sẵn sàng hy sinh bản thân để phục vụ người khác. Qua đó, Ngài mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy sống khiêm nhường theo gương Ngài, không tìm kiếm danh lợi cá nhân mà luôn biết yêu thương và phục vụ tha nhân.
Chắc chắn một điều là hoa trái của đức khiêm nhường không nằm ở việc chiếm lĩnh sự chú ý, ảo tưởng về bản thân hay tạo ra những ảnh hưởng tức thì, mà nó là sức mạnh âm thầm nhưng vững bền, có khả năng lay chuyển lòng người, thay đổi mối quan hệ giữa con người với nhau. Khiêm nhu giúp chúng ta trở nên ngày càng giống Đức Kitô hơn – Đấng đã hạ mình thẳm sâu vì chúng ta và cho chúng ta. Tinh thần khiêm nhường này còn làm cho mối tương quan của chúng ta dễ gần nhau hơn, tạo ra một môi trường sống, một kỹ năng mềm trong việc giao tiếp thân thiện và chân thành. Khiêm nhường tiếp tục khuyến khích ta lắng nghe, thấu hiểu người khác thay vì chỉ chăm chăm vào việc thể hiện cái tôi cá nhân. Trong một thế giới mà sự cạnh tranh, tìm ảnh hưởng có thể dẫn đến xung đột và chia rẽ, thì khiêm nhường chính là cầu nối mang lại sự hòa hợp và đồng cảm.
Tập luyện Đức Khiêm Nhường
- Chiêm ngắm đời sống Chúa Giêsu
- Cầu nguyện xin ơn khiêm nhường
- Tự nhận thức và chấp nhận bản thân
- Biết lắng nghe và đón nhận ý kiến
- Xét mình hằng ngày
- Tập sống lòng biết ơn
- Không so sánh và khoe khoang
Sau hết, Thiên Chúa mời gọi ta hãy nhìn ngắm Đức Maria. Có thể nói mẫu gương khiêm nhường của Mẹ Maria là một trong những hình ảnh cao đẹp nhất về đức tính khiêm nhường trong Kitô giáo. Cuộc đời của Mẹ Maria không chỉ là một hành trình của đức tin sâu đậm mà còn là một tấm gương rạng ngời về nhân đức khiêm nhường, biết hạ mình và vâng phục trước thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đã để cho quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện và mang lại giá trị cứu độ cho con người nhờ vào hoa trái khiêm hạ của lòng Mẹ. Những hành động và thái độ của Mẹ Maria trong Thánh Kinh đã trở thành bài học lớn cho mọi người trong việc sống đức tin và đức khiêm Nhường. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy để cho hạt giống Lời Chúa gieo vào cõi lòng mình để cùng với ơn Chúa, chúng ta được phép mong chờ một nhánh lúa nặng hạt chín vàng “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. (1Pr 5,5)
Sr. Maria Ngọc Thuỳ, SPC
Tham khảo:
- https://philosophyofreligion1.quora.com/What-did-Socrates-mean-by-the-phrase-I-know-that-I-know-nothing
- https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/74320/1/02050000534_Noi_dung.pdf
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Mahatma_Gandhi
- https://augustino.net/nhan-biet-tinh-yeu-doi-voi-thien-chua-chuong-07
- https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/3-bai-hoc-tu-cuoc-doi-cua-thanh-nu-teresa-avila-cho-nguoi-kito-huu-hien-dai-41091
- https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-20-08-thanh-benadovien-phutien-si-hoi-thanh-50430