Một cuộc họp cấp cao gồm các thẩm phán, học giả pháp lý và chuyên gia Trí tuệ nhân tạo (AI) đã nhóm họp tại Vatican trong tuần này để tìm hiểu tác động của AI đối với vấn đề công lý, dân chủ và phẩm giá con người.
Hội thảo kéo dài hai ngày với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo, Công lý và Dân chủ” do Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học xã hội tổ chức phối hợp với Ủy ban Thẩm phán Liên châu Mỹ về Quyền xã hội và Học thuyết Phanxicô (COPAJU) có trụ sở tại Argentina và chi nhánh học thuật của ủy ban này, Viện Nghiên cứu Luật Fray Bartolomé de las Casas (IFBC).
Hội nghị được tổ chức từ ngày 4–5 tháng 3, quy tụ hơn 60 tham dự viên, bao gồm các nhà hoạch định chính sách người Mỹ như Joseph Kennedy III, Nghị sĩ Hoa Kỳ Stephen F. Lynch và Nghị sĩ Richard E. Neal.
Các cuộc thảo luận tập trung vào những thách thức về mặt luân lý do AI đặt ra, ảnh hưởng của nó đến quá trình đưa ra quyết định của tòa án và tiềm năng định hình các thể chế dân chủ.
“Cũng như mọi khía cạnh khác của đời sống kỹ thuật cần có khuôn khổ luân lý, các nhà chức trách của Giáo hội trao cho các chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể gánh nặng và vinh dự xác định những vấn đề luân lý quan trọng đang nổi lên trong lĩnh vực đó và sau đó làm việc với họ để chỉ ra các giải pháp có thể đề xuất cho chính phủ và công chúng nói chung”, Sơ Helen Alford, Chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học xã hội, chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc hội nghị.
“Theo cách này, Giáo hội hiện diện trong cuộc tranh luận, vừa đặt niềm tin vào những người chịu trách nhiệm về các công nghệ này và việc sử dụng chúng, vừa sẵn sàng tham gia và hỗ trợ các nỗ lực về mặt đạo đức, luân lý và chính trị của tất cả những người thiện chí nhằm định hướng các công nghệ này một cách phù hợp”.
AI và nền dân chủ
Một trong những trọng tâm chính của hội nghị là ảnh hưởng của AI đối với các thể chế dân chủ. Các chuyên gia đã thảo luận về tiềm năng của AI trong việc tăng cường sự tham gia của công dân và cải thiện khả năng tiếp cận thông tin.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo về khả năng phát tán thông tin sai lệch, thao túng dư luận và phá hoại các tiến trình dân chủ của AI.
“Chúng ta đã nghe rất nhiều về những lợi ích tiềm tàng đối với nền dân chủ, về những thành quả và hiệu quả lớn hơn cũng như việc cung cấp các dịch vụ nhân đạo”, ông Kennedy phát biểu tại hội nghị.
“Tuy nhiên, tôi sẽ nói theo quan điểm của tôi với tư cách là một người đã phải chạy nhiều chiến dịch và là người nhìn thấy thách thức tại thời điểm này về thông tin sai lệch cũng như những thách thức mà chúng ta đang nhận thấy trên khắp nền tảng này tại Hoa Kỳ, tôi thực sự lo ngại”.
“Điều gì sẽ xảy ra khi những tiếng nói được lắng nghe giữa một chiến dịch… khi những tiếng nói đó thực ra không phải là của con người, mà là những video giả mạo đã được lập trình? … Điều gì sẽ xảy ra khi các chiến dịch có thể tạo ra những video này… mô tả hoạt động gây sốc hoặc thái quá vài ngày trước cuộc bầu cử để thu hút một số phiếu bầu nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử theo một cách nhất định?”, ông Kennedy đặt vấn đề.
Các cuộc thảo luận cũng đề cập đến vai trò của AI trong việc tăng cường sự tham gia của công dân. Các nền tảng do AI điều khiển có thể giúp tạo điều kiện cho sự phản hồi trực tiếp từ công dân đến các đại diện của họ, giúp các nhà lãnh đạo trở nên dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại về rủi ro về quyền riêng tư và khả năng sử dụng sai lệch các công cụ giám sát do AI điều khiển.
Công lý trong thế giới do AI điều khiển
Một chủ đề quan trọng khác của hội nghị là vai trò của AI trong hệ thống tư pháp. Các tham dự viên đã xem xét cách AI có thể duy trì và giảm thiểu sự thiên vị trong các lĩnh vực như tư pháp hình sự, việc làm và nhà ở.
“Công lý và dân chủ có thể bị giảm xuống mức thấp nhất nếu các công nghệ mới không có sự kiểm soát thích hợp của nhà nước, mở ra cánh cửa cho một thời kỳ lịch sử của chủ nghĩa chuyên quyền công nghệ”, ông Roberto Andrés Gallardo, Chủ tịch COPAJU và IFBC, phát biểu tại hội nghị
“Vấn đề lớn hiện nay là liệu các tập đoàn có được chính phủ kiểm soát hay liệu các chính phủ có bị các tập đoàn CNTT thâu tóm hay không”, ông Gallardo nói.
Bản ghi chú khái niệm cho hội nghị, do Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội công bố, đã nhấn mạnh cả những cơ hội lẫn những rủi ro liên quan đến AI. Mặc dù AI có tiềm năng thúc đẩy nghiên cứu, cải thiện điều kiện làm việc, dân chủ hóa khả năng tiếp cận kiến thức và hỗ trợ tiến bộ y tế, nhưng nó cũng gây ra những mối đe dọa tiềm tàng đáng kể, bao gồm thông tin sai lệch, bất bình đẳng kinh tế và công nghệ giám sát do AI điều khiển.
“Chúng ta phải nỗ lực tìm hiểu cách AI đang định hình lại nền kinh tế, xã hội, công việc và gia đình”, ghi chú nêu rõ. “Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tính hai mặt của AI, thể hiện sự hứa hẹn và quan tâm. AI mang lại nhiều khả năng và gây ra rủi ro, bao gồm bất bình đẳng gia tăng, thông tin sai lệch, thay thế người lao động, củng cố sự thiên kiến và làm xói mòn nền dân chủ, công lý và phẩm giá con người”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng về những thách thức về mặt đạo đức do AI đặt ra. Trong thông điệp gửi Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2025, ngài đã cảnh báo về những nguy cơ của “mô hình kỹ trị”, ưu tiên hiệu quả hơn phẩm giá con người.
“Những phát triển công nghệ không cải thiện cuộc sống cho mọi người mà còn tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và xung đột thì không thể được gọi là sự tiến bộ thực sự”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết.
AI và khoảng cách số
Vào ngày thứ hai của hội nghị, các tham dự viên đã khám phá những tác động của AI đối với các quốc gia đang phát triển và các cộng đồng không được cung cấp đầy đủ dịch vụ hoặc cơ sở vật chất. Các cuộc thảo luận tập trung vào khoảng cách số, vai trò của AI trong sự phát triển bền vững và các chiến lược đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các công nghệ do AI thúc đẩy.
Trong suốt hội nghị, các tham dự viên đã lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về một khuôn khổ đạo đức cho sự phát triển AI, ưu tiên phẩm giá con người và trách nhiệm xã hội. Đức Thánh Cha đã nhiều lần cảnh báo về việc cho phép máy móc đưa ra những quyết định mà lẽ ra phải nằm trong tầm kiểm soát của con người, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hệ thống vũ khí tự động.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên phẩm giá con người, quyền tự quyết và đưa ra quyết định trước những tiến bộ của AI”, ban tổ chức hội nghị nêu trong cẩm nang hội nghị. “Chúng tôi cảnh báo không nên giao phó các quyết định cho máy móc khi những quyết định đó làm suy yếu quyền tự do và trách nhiệm của con người và tách biệt khỏi những cân nhắc về mặt đạo đức”.
Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội đã nhấn mạnh một câu trích dẫn của Geoffrey Hinton, Người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2024, được mệnh danh là “Cha đẻ của AI”, người đã nói: “Chúng ta đang bước vào giai đoạn vô cùng bất ổn khi phải đối mặt với những vấn đề mà trước đây chúng ta chưa từng phải đối mặt”.
“Và thông thường, lần đầu tiên bạn xử lý một điều gì đó hoàn toàn mới lạ, bạn sẽ làm sai. Và chúng ta không thể để mình làm sai với những điều này”, ông nói.
Minh Tuệ (theo CNA)
Nguồn: dcctvn.org