Tổng Giám mục Tokyo Tarcisio Isao Kikuchi ngày 18 tháng 10 tại Rôma © Daniel Ibađez/EWTN News

Tổng giám mục Kikuchi, 66 tuổi, sẽ được phong hồng y ngày 7 tháng 12, ngài đưa ra một số vấn đề lớn của Giáo hội và xã hội Nhật Bản.  Ngài là chủ tịch Caritas Quốc tế, thành viên Hiệp hội Lời Chúa. Về vấn đề vũ khí, năm 2024 nước Nhật tăng ngân sách quốc phòng lên 16,5%, ngài nhấn mạnh “chìa khóa cho sự ổn định lâu dài là đối thoại chứ không phải sự đe dọa vũ khí.” Với tình trạng nhân khẩu đi xuống, ngài bảo vệ việc tiếp nhận người di cư, nếu không có họ thì xã hội già cỗi như Nhật Bản sẽ không thể tồn tại.

Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị ưu tiên đối thoại hơn là phát triển và tích lũy vũ khí. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fides, ngài nói: “Bất cứ ai phân tích nghiêm túc tình hình chính trị ở châu Á đều hiểu chính đối thoại là chìa khóa để đảm bảo sự ổn định chứ không phải mối đe dọa vũ khí”.

Với vị trí địa lý ở giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc, đất nước “Mặt trời mọc” không xa lạ gì với những căng thẳng và hoàn cảnh ảnh hưởng đến thế giới ngày nay. Đặc biệt về chủ đề chiến tranh và mối đe dọa ngày càng tăng của việc dùng vũ khí hạt nhân, theo ngài “chúng không mang lại sự bảo vệ thực sự”.

“Đó là một khoản chi phí không cần thiết và nguy hiểm”

Ngài nhấn mạnh: “Đầu tư nhiều vào vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân là một lãng phí. Đó chỉ là ném tiền qua cửa sổ. Đây là khoản chi phí không cần thiết và nguy hiểm. Những vũ khí này làm ra để hủy diệt thế giới chứ không giải quyết được vấn đề. Năm nay chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt mức tăng 16,5% (tương đương 56 tỷ đô la Mỹ) cho ngân sách Quốc phòng.”

Ngài nói thêm: “Chúng ta cần nói chuyện với nhau. Đối thoại không chỉ là nói chuyện, nhưng còn xây dựng các mối quan hệ. Tính đồng nghị cũng cần thiết trong lãnh vực này. Giáo hội Nhật tiếp tục bảo vệ các sáng kiến để hủy vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đang làm việc với các giám mục Nhật và các giám mục của các quốc gia khác để kêu gọi chính phủ Nhật cam kết giải trừ quân bị càng sớm càng tốt.”

Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề này, đặc biệt là ở các quốc gia có người công giáo thiểu số: “Ảnh hưởng của Giáo hoàng với chính trị quốc tế bị đánh giá thấp và bị hiểu lầm, ở Nhật Bản nhiều người thắc mắc vì sao một nhà lãnh đạo tôn giáo lại nói về các vấn đề chính trị. Vì vậy, không phải ai cũng đánh giá cao các sáng kiến của Tòa thánh.”

“Cho đến ngày nay, Nhật Bản vẫn là một quốc gia có sự đồng nhất đáng kể”

Tổng giám mục Kikuchi đề cập đến vai trò quan trọng của người di cư trong cuộc khủng hoảng dân sự nghiêm trọng đất nước ngài đang trải qua. Ngài xem họ là lực lượng quan trọng cho việc đổi mới xã hội và giáo hội ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ngài lưu ý, trước nạn mùa đông nhân khẩu này, chính phủ Nhật “do dự trong việc chấp nhận người di cư vì sợ đi vào lãnh vực mà nước Nhật chưa từng khám phá, họ không quen tiếp nhận người di cư.”

Ngài giải thích: “Cho đến ngày nay, Nhật Bản vẫn là một quốc gia có sự đồng nhất đáng kể. Tuy nhiên, nếu không có người di cư, một xã hội già cỗi như Nhật sẽ không thể tồn tại. Đó là sự thật. Người di cư đến với nhiều loại thị thực khác nhau, nhưng do thể chế miễn cưỡng tiếp nhận, nên họ khó khăn với nạn quan liêu giấy tờ. Nước Nhật thường xem người di cư là “vấn đề” cả ở Giáo hội địa phương, một nhận thức tiêu cực của nhiều người Nhật về thực tế này. Theo một cách nào đó, người nhập cư mang đến cho Giáo hội Nhật khả năng tự đổi mới và tích cực hơn trong sứ mạng của mình. Đây thực sự là một hy vọng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn