Những người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được trao thưởng vào ngày 14 tháng Mười vì công trình của họ cho thấy các chính sách kinh tế là viển vông nếu không có thể chế tốt thúc đẩy quyền sở hữu, tự do kinh doanh và sự đổi mới. Nhà kinh tế học Jean-Yves Naudet nhận xét: một sự phân tích khớp với học thuyết xã hội của Giáo hội kể từ thông điệp “Rerum novarum”.
Giải Nobel Kinh tế thường ít thu hút sự chú ý của công chúng hơn các giải Nobel khác. Được trao giải năm nay vào ngày 14 tháng Mười, nó được trao thưởng cho ba nhà kinh tế ít được biết đến ngoài các chuyên gia: nhà kinh tế học người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ), nhà khoa học chính trị và kinh tế học người Anh Simon Johnson (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) và nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh James A. Robinson (Đại học Chicago, Hoa Kỳ). Tuy nhiên, công trình của họ xứng đáng được chú ý. Quả thực, giải thưởng được trao cho họ “vì nghiên cứu về cách thức các thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng”. Họ cho thấy khuôn khổ thể chế đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển của các quốc gia và do đó các thể chế tốt có thể giúp các quốc gia thoát khỏi đói nghèo và được phát triển như thế nào. Ngược lại, sự vắng mặt của các thể chế này sẽ cản trở mọi tiến bộ. Ba tác giả này cho thấy rằng chính sách kinh tế là viển vông nếu không có thể chế tốt. Họ không phải là những người đầu tiên đưa ra kiểu phân tích này: chẳng hạn, Douglas North đã nhận được giải Nobel năm 1993 nhờ đặt các thể chế vào trung tâm của nghiên cứu về lịch sử kinh tế.
Các thể chế tốt
Ủy ban Nobel 2024 nêu rõ: “Giảm thiểu số chênh lệch thu nhập to lớn giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Những người đoạt giải đã cho thấy tầm quan trọng của các thể chế trong việc đạt được điều này”. Người ta đang nói về những thể chế nào? Đối với các tác giả này, các thể chế tốt tạo điều kiện cho sự phát triển, mà họ gọi là “bao trùm” (inclusives), là những thể chế thúc đẩy quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và một môi trường thuận lợi cho sự đổi mới. Họ đối lập chúng với các thể chế “chiếm đoạt” (extractives), khi tầng lớp tinh hoa sử dụng quyền lực để có được các nguồn lực mà không có hiệu quả đến sự đổi mới và tăng trưởng. Hãy nghĩ đến những khác biệt trong quá trình phát triển mới đây giữa Tây và Đông Đức và ngày nay giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, Đó là cùng những dân tộc, cùng một ngôn ngữ, cùng một nền văn hóa, và chính các thể chế chính trị và kinh tế đã tạo nên sự khác biệt.
Vấn đề tiên quyết về quyền sở hữu
Chúng ta không thể không so sánh những phân tích này với những phân tích của học thuyết xã hội của Giáo hội. Tất nhiên, các lối tiếp cận là khác nhau và Giáo hội dựa vào nhân học tự nhiên và Kitô giáo, vào đức tin và lý trí (Fides et Ratio), và vào các nguyên tắc luân lý. Nhưng từ thông điệp Rerum Novarum (1891), Đức Lêô XIII nhấn mạnh vai trò của các thể chế và đặc biệt là vai trò của quyền sở hữu. Ngài thậm chí còn biến nó thành một “vấn đề tiên quyết” (số 3), trước khi đề cập đến số phận của người lao động, và ngài lên án đề xuất của xã hội chủ nghĩa về việc bãi bỏ quyền tư hữu:
“Do đó, việc chuyển đổi quyền tư hữu thành quyền sở hữu tập thể, được chủ nghĩa xã hội ca ngợi, sẽ không có tác dụng nào khác ngoài việc làm cho hoàn cảnh của các công nhân trở nên bấp bênh hơn, khi tước đi quyền tự do sử dụng tiền lương của họ và thực tế là tước bỏ mọi hy vọng và mọi khả năng để mở rộng gia sản và cải thiện hoàn cảnh của họ. Nhưng, và điều này dường như còn nghiêm trọng hơn, phương thuốc được đề xuất là đi ngược lại công lý một cách trắng trợn, bởi vì, đối với con người, quyền sở hữu tư nhân và cá nhân là thuộc quyền tự nhiên” (số 4-3). “Từ tất cả những gì Ta vừa nói, kết quả là lý thuyết của xã hội chủ nghĩa về sở hữu tập thể tuyệt đối phải bị bác bỏ vì nó gây phương hại đến chính những người mà người ta muốn giúp đỡ, trái ngược với các quyền tự nhiên của các cá nhân, vì nó bóp méo các chức năng của Nhà nước và gây xáo trộn sự yên bình công cộng. Do đó, phải xác lập rõ ràng điều này: nguyên tắc đầu tiên mà sự phục hồi các tầng lớp thấp hơn phải dựa vào là tính bất khả xâm phạm của quyền tư hữu” (số 12-2). Hơn nữa, nhờ quyền tư hữu, “trái đất sẽ sản xuất ra mọi thứ một cách dồi dào hơn. Bởi vì con người được tạo dựng đến mức ý nghĩ làm việc về một tài sản riêng của mình sẽ làm tăng gấp đôi lòng nhiệt thành và sự chuyên tâm của họ” (số 35-3).
Việc đảm bảo các quyền tự do cá nhân
Những người kế vị Đức Lêô XIII cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các thể chế trong việc giải quyết vấn đề xã hội. Chỉ cần nhớ lại những gì Đức Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp Centesimus annus (1991) là đủ. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của các thể chế, thông qua Nhà nước pháp quyền: “Tốt hơn là mọi quyền lực phải được cân bằng bởi các quyền lực khác và bằng các thẩm quyền khác để giữ nó trong những giới hạn công bằng. Đây là nguyên tắc của “Nhà nước pháp quyền”, trong đó quyền tối thượng thuộc về luật pháp chứ không phải thuộc về ý chí độc đoán của con người” (số 44).
“Hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động của nền kinh tế thị trường, không thể diễn ra trong tình trạng trống rỗng về thể chế, pháp lý và chính trị. Ngược lại, nó đòi hỏi rằng việc đảm bảo các quyền tự do cá nhân và quyền sở hữu phải được đảm bảo, chưa kể đến tiền tệ ổn định” (số 48).
Mối liên hệ giữa tự do và bối cảnh pháp lý
Do đó, chúng ta tìm thấy nơi Đức Gioan Phaolô II những thể chế then chốt của sự phát triển: bảo đảm các quyền tự do, quyền tư hữu, tiền tệ ổn định. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa tự do kinh tế và bối cảnh pháp lý vững chắc (số 42). Ngược lại, sự thất bại về kinh tế và xã hội của các chế độ tập thể chủ nghĩa đối với ngài là “hậu quả của việc vi phạm các quyền con người về sáng kiến, sở hữu và tự do trong lĩnh vực kinh tế” (số 24). Trái lại, đối với câu hỏi liệu nền kinh tế thị trường có phải là hệ thống thắng thế hay không, ngài trả lời rằng nếu “chúng ta chỉ rõ một hệ thống kinh tế thừa nhận vai trò cơ bản và tích cực của doanh nghiệp, của thị trường, của quyền tư hữu và của trách nhiệm mà nó bao hàm nơi các phương tiện sản xuất, sự sáng tạo tự do của con người trong lĩnh vực kinh tế, thì câu trả lời chắc chắn là tích cực” (số 42).
Cần có một nền đạo đức
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những kết quả phân tích kinh tế gần đây, về vai trò của các thể chế trong sự phát triển, lại khớp với những kết quả của Giáo hội, bởi vì Giáo hội, một “chuyên viên về nhân loại”, biết rõ bản tính con người. Tất nhiên, học thuyết xã hội đi xa hơn phân tích kinh tế. Nó có một tầm quan trọng đạo đức và tinh thần. Chẳng hạn, nó giải thích quyền sở hữu phải và có thể đóng góp như thế nào vào mục đích chung của của cải. Các khái niệm về bổ trợ, liên đới và công ích cho phép tiến xa hơn trong việc suy tư của nó về kinh tế.
Cuối cùng, trong phân tích của mình về nền kinh tế thị trường, được trích dẫn ở trên (số 42 của Centesimus annus), Đức Gioan Phaolô II cũng giải thích rằng để nó hoạt động và đồng thời tôn trọng các quyền cơ bản, cần phải có không chỉ các thể chế bảo đảm chúng, mà còn cả một nền đạo đức nữa. Mục tiêu của học thuyết xã hội là cho thấy sự liên kết các quyền/nghĩa vụ/trách nhiệm/phẩm giá/đạo đức, để bảo đảm việc sử dụng sự tự do một cách tốt đẹp, nhằm phát triển con người toàn diện, vật chất và tinh thần.
Jean-Yves Naudet
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
Từ : Aleteia
Nguồn: xuanbichvietnam.net