Kiêu ngạo   

Kiêu ngạo là một tội rất nặng nề và ghê tởm, tội đã đuổi các thần phản loạn ra khỏi Thiên Đàng và bị ném vào Hỏa Ngục. Tội này đã có ngay từ thuở tạo thiên lập địa.

Chúng ta phạm tội kiêu ngạo qua nhiều cách thức khác nhau: qua cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ, điệu bộ, thậm chí cả tướng đi nữa. Một số người bước đi ngạo nghễ và dường như muốn nói với mọi người: “Này! Hãy nhìn xem tôi cao ráo, oai phong biết bao, và tướng đi của tôi rất đẹp!”

Một số khác khi làm được việc gì tốt, họ chẳng bao giờ mệt mỏi nói về mình; và nếu bị sai lỗi điều gì thì lấy làm đau khổ buồn phiền vì nghĩ rằng người ta sẽ nghĩ xấu về mình. Nhiều người kiêu ngạo cảm thấy buồn và hối tiếc vì đã quen hay tiếp xúc với người nghèo. Nếu gặp gỡ ai thường xuyên; họ luôn tìm cách làm thân với những người giàu có danh tiếng. Nếu có cơ hội được những người có chức quyền chú ý, họ khoe khoang khoác lác luôn mồm.

Có người kiêu ngạo qua lời nói. Nếu phải đi gặp những người giàu có, họ soạn sẵn những gì phải nói, và nếu bị lỡ một lời nào đó, họ rất là bực bội khó chịu vì sợ người khác chê cười. Còn người khiêm nhường thì không như vậy, cho dù họ bị cười nhạo hay quý trọng, khen ngợi hay chỉ trích, kính trọng hay coi thường, chú ý hay quên lãng, họ vẫn luôn bình thản.

Cũng có người làm việc bố thí hay đóng góp để được chú ý và nổi tiếng. Chúng ta không được làm như vậy! Những người tham danh này không những mất hết công nghiệp trước mặt Chúa về những việc lành họ đã làm, mà còn mang tội nữa. Người ta còn kiêu ngạo trong việc làm, lúc nào cũng muốn việc làm của mình được người khác biết đến. Nếu người ta biết đến ưu điểm của mình thì mình khoái chí, trái lại nếu người ta biết những khuyết điểm của mình thì đau khổ tức tối, tỏ ra bực bội khó chịu vô cùng.

Các thánh không làm như vậy, các ngài khó chịu khi người khác biết ưu điểm của mình, và hài lòng khi người khác biết những thiếu sót của mình. Người kiêu ngạo nghĩ rằng mọi việc mình làm đều hoàn hảo; họ muốn ra vẻ ta đây hay bắt nạt đồng nghiệp; lúc nào cũng cho ý mình là đúng, là hay nhất. Chúng ta không được làm như vậy! Một người khiêm nhường và có giáo dục tốt nếu được hỏi ý kiến, chỉ nói một lần rồi để người khác nói. Cho dù ý kiến của mình đúng hay sai, họ cũng không nói gì thêm.

Khi thánh Aloysius Gonzaga còn là học sinh, ngài không bao giờ chữa mình khi bị người khác chỉ trích nhục mạ; ngài nói những gì ngài nghĩ, không băn khoăn đến những gì người khác nghĩ về mình; nếu sai thì nhận mình sai; nếu đúng ngài tự nghĩ: “Chắc chắn lần khác tôi sẽ sai!” Các thánh hoàn toàn chết đi cho chính mình đến nỗi hầu như chẳng vui thích khi người khác đồng ý với mình nữa.

Người thế gian nói: “Các thánh là những người khờ dại ngu ngốc!” Đúng vậy, các ngài ngu dốt về chuyện thế gian; nhưng chuyện của Thiên Chúa thì các ngài rất khôn ngoan sáng suốt. Chắc chắn các ngài chẳng hiểu gì về chuyện thế gian, bởi vì các ngài nghĩ rằng những chuyện đó quá tầm thường đến nỗi chẳng đáng quan tâm.

Thánh Gioan Maria Vianney

Xem Thêm

Thiên Chúa và nỗi đau

Ngày nay, vấn đề về Thiên Chúa không còn liên quan nhiều đến chủ nghĩa vô thần,...

Tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về hy...

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình “Canal Orbe 21” của Argentina, Đức Thánh Cha...

SNLC – NGÀY 22 THÁNG 12 – CHÚA...

https://youtu.be/MMxVs43tPB0 Lời Chúa Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một...