Những chuyện thân mật của đoàn tùy tùng đi theo Đức Phanxicô trong chuyến đi lịch sử Châu Á và Châu Đại Dương.
lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2024-09-07
Từ năm 1999 tôi là phóng viên thường trực ở Vatican và không có gì hấp dẫn thú vị là được đưa tin về các chuyến đi của các giáo hoàng, không những cho chúng tôi được gần gũi các ngài nhưng các ngài còn đưa chúng tôi đến những nơi xa xôi tận cùng thế giới mà tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến như vùng Papua Tân Ghinê này.
Lên chuyến bay cùng đi với các giáo hoàng không phải là chuyện dễ dàng. Trước tiên phải được chấp nhận và dĩ nhiên phải trả chi phí vé, thời gian lưu trú, chi phí này thường cao nếu đây là một chuyến đi dài gồm nhiều chặng như trường hợp chuyến đi này. Và đây là chuyến đi “chính của mọi chuyến đi”, hành trình dài nhất trong triều của ngài: 12 ngày, 32.814 cây số, 44 giờ bay, bốn quốc gia trên hai lục địa:(Châu Á và Châu Đại Dương.
Không như các nguyên thủ quốc gia, giáo hoàng không có máy bay riêng. Nhưng vì Vatican nằm ở Ý và kể từ khi các giáo hoàng bắt đầu đi tông du (Đức Phaolô VI năm 1964), theo thông lệ đã có, các ngài sẽ đi hãng hàng không của Ý ITA Airways và khi đi về, các ngài dùng máy bay của nước các ngài đến thăm. Trong trường hợp chuyến đi này, sau khi đi Jakarta bằng máy bay ITA Airways, chúng tôi đi Port Moresby với hãng Garuda của Indonesia.
Trong các chuyến tông du của các giáo hoàng, tất cả được Vatican chuẩn bị chi ly từng milimet. Mấy tháng trước chuyến đi, các nhóm hiến binh Vatican và các viên chức tổ chức chuyến tông du sẽ đến tận nơi, lên kế hoạch tất cả từ khách sạn, chuyến đi, lịch trình cho đoàn tùy tùng của giáo hoàng, cho các nhà báo đi cùng (thường là 75 nhà báo trên toàn thế giới). Giáo hoàng thường ở tại Tòa khâm sứ. Chuyến đi được kiểm soát kỹ, mỗi nhà báo đều có một con số riêng (tôi là số 50), là con số nhận dạng dán trên các vali, túi xách. Mỗi nhà báo khi là Nhà báo Truyền thông được Vatican công nhận (VAMP) sẽ nhận được một tập chỉ dẫn nhỏ về thời gian ăn sáng, các chuyến xe đưa đón, các sinh hoạt ở khách sạn, v.v. Vì thế các chuyến đi theo giáo hoàng cũng rất mệt mỏi. Vì lý do an ninh, trước mỗi sự kiện của giáo hoàng, nhà báo phải đến trước ngài ít nhất ba giờ, nghĩa là phải dậy lúc sáng sớm, chạy khắp nơi, tìm chỗ viết, phát sóng, mở vali đóng vali, lấy ra cất vào các điện thoại khác nhau, nhận phòng, trả phòng, ăn uống qua loa, trang điểm chút chút vì là nhà báo của Vatican, cũng là nhà báo… VIP. Chúng tôi được cảnh sát địa phương hộ tống đến các nơi gặp khác nhau, đôi khi rất hạn chế vì thiếu thời gian, thiếu chỗ. Để chia sẻ thông tin, hình ảnh, video, chúng tôi dùng kênh Telegram.
Một hôm ở Jakarta, tôi phải rời cuộc họp của trường Scholas Occurrentes nhanh đến mức khi quay lại phòng họp báo của khách sạn, tôi kinh hoàng nhận ra tôi đã mất máy tính, tôi hoảng sợ nhưng cuối cùng tôi tìm lại được.
Mỗi chuyến đi của giáo hoàng là một phiêu lưu khác nhau với những giai thoại, trải nghiệm và sự cố khác nhau.
Tôi có vinh dự được bước vào thế giới độc đáo này lần đầu tiên trong những năm cuối triều Đức Gioan-Phaolô II. Khi đó chưa có mạng xã hội, nhịp độ làm việc tuy ít chóng mặt nhưng căng thẳng cũng không kém. Tôi nhớ đầu gối của tôi đã run lên vì sung sướng khi trở về sau chuyến đi Azerbaijan và Bulgaria năm 2002, các nhà báo đã có thể chào ngài phía trước máy bay. Sau đó, ông Joaquín Navarro Valls, phát ngôn viên danh tiếng đã đi vào lịch sử giới thiệu tôi với Đức Gioan-Phaolô II, ngài nói với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Xin Chúa chúc lành cho bà”, tôi đã bắt tay ngài khi đôi mắt trong xanh của ngài nhìn tôi. Bức hình này tôi đóng khung treo.
Trong những chuyến đi với Đức Phanxicô thì không ai giới thiệu tôi, chúng tôi đã biết nhau từ 23 năm nay, ngài thường dừng ở dãy ghế của tôi để chào tôi. Chúng tôi chào nhau bằng cái hôn làm nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên. Trên chuyến bay jak) và hôm nọ, trong chuyến bay đi Jakarta, tôi tặng ngài chiếc quạt nhỏ vì nhiệt độ ở vùng nhiệt đới này rất cao. Ngài cười vui khi nhìn chiếc quạt máy!
Thứ năm vừa qua khi ngài cử hành thánh lễ ở Sân vận động Jakarta, ngài được đón tiếp như một siêu sao nhạc rock làm tôi ngạc nhiên: Tôi đứng sau hàng rào với hàng trăm thanh niên Indonesia say sưa nhảy múa, và thật không ngờ, ngài thấy tôi. Ngài mỉm cười giơ ngón cái lên chào tôi làm những người chung quanh ngạc nhiên.
Với các nhà báo đi cùng giáo hoàng, giây phút mong chờ nhất là cuộc họp báo của ngài trên máy bay về Rôma. Lần này, chắc chắn một trong các câu hỏi sẽ là: “Khi nào cha đi Argentina?”
Marta An Nguyễn dịch