Ủy ban Thần học Quốc tế xuất bản tài liệu “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ – kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại kết Nixê (325-2025)”, một tài liệu dành riêng cho đại hội đã đi vào lịch sử với tín biểu tuyên xưng niềm tin vào ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô và vào Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bốn chương dành riêng cho việc cổ vũ sự hiệp nhất Kitô hữu và tính hiệp hành trong Giáo hội.
Vào ngày 20 tháng Năm, thế giới Kitô giáo sẽ kỷ niệm 1700 năm khai mạc công đồng đại kết đầu tiên, công đồng Nixê năm 325, một công đồng đã đi vào lịch sử chủ yếu với tín biểu quy tụ, xác định và công bố đức tin vào ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô và vào Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sau đó được Công đồng Constantinople hoàn thành vào năm 381, Kinh Tin Kính của công đồng Nixê trên thực tế đã trở thành thẻ căn cước về đức tin được Giáo hội tuyên xưng. Đây là lý do tại sao Ủy ban Thần học Quốc tế (CTI) đã quyết định dành một tài liệu dài gần 70 trang cho Công đồng do Hoàng đế Constantine triệu tập ở Tiểu Á, với mục tiêu kép là nhắc lại ý nghĩa nền tảng của nó và nêu bật những nguồn mạch phi thường của Kinh Tin Kính, khởi động lại chúng trong viễn cảnh giai đoạn truyền giáo mới mà Giáo hội được kêu gọi trải nghiệm trong sự thay đổi thời đại hiện nay. Ngoài ra, lễ kỷ niệm này diễn ra trong Năm Thánh Hy Vọng kết hợp với Mùa Phục Sinh cho tất cả các Kitô hữu, ở phương Đông cũng như ở phương Tây.
Vì những lý do này, tài liệu “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ – kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixê (325-2025)”, tựa đề của tài liệu được công bố hôm nay, thứ Năm ngày 3 tháng Tư, không phải là một văn bản thần học hàn lâm đơn giản, nhưng được đề nghị như một tổng hợp có thể đi kèm với việc đào sâu đức tin và chứng tá của nó trong đời sống cộng đồng Kitô giáo. Hơn nữa, tại Nixê, lần đầu tiên, sự hiệp nhất và sứ mạng của Giáo hội đã được thể hiện ở cấp độ phổ quát (từ đó có danh hiệu “đại kết”) dưới hình thức hiệp hành của cuộc hành trình này, do đó trở thành một điểm tham chiếu và nguồn cảm hứng trong tiến trình hiệp hành mà Giáo hội Công giáo dấn thân ngày nay.
Hai nhà thần học đã tham gia vào việc biên soạn tài liệu
Được trình bày trong 124 đoạn văn, tài liệu này là kết quả của quyết định của CTI nhằm đào sâu nghiên cứu về tính thích đáng về mặt tín lý của công đồng Nixê trong kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của tổ chức này. Công việc này được thực hiện bởi một tiểu ban do cha Philippe Vallin, linh mục người Pháp, làm chủ tịch và bao gồm các giám mục Antonio Luiz Catelan Ferreira và Etienne Vetö, các linh mục Mario Angel Flores Ramos, Gaby Alfred Hachem và Karl-Heinz Menke, cũng như các giáo sư Marianne Schlosser và Robin Darling Young. Văn bản này được nhất trí bỏ phiếu và phê chuẩn dưới hình thức đặc thù của nó vào năm 2024, sau đó được đệ trình cho sự phê chuẩn của Đức Hồng y Chủ tịch Víctor Manuel Fernández, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, nơi Ủy ban được thành lập. Sau khi nhận được sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y Fernández đã cho phép xuất bản nó vào ngày 16 tháng Mười Hai vừa qua.
Bốn chương, trong đó diễn ra suy tư của các nhà thần học, được đi trước bằng phần giới thiệu có tựa đề “Vinh tụng ca, thần học và loan báo” và sau đó là phần kết luận.
Đọc tín biểu theo lối vinh tụng ca
Chương đầu tiên “Tín biểu cho ơn cứu độ: vinh tụng ca và thần học về tín điều của công đồng Nixê” (số 7-47) là chương quan trọng nhất. Nó đề xuất “một cách đọc tín biểu theo lối vinh tụng ca, để nêu bật nguồn mạch cứu độ và do đó mang tính Kitô học, Ba Ngôi và nhân học của nó”, với ý hướng mang lại “một động lực mới cho sự hiệp nhất Kitô giáo”. Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng đại kết của đức tin của công đồng Nixê, văn bản bày tỏ niềm hy vọng về một ngày chung để cử hành Lễ Phục Sinh, điều mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần yêu cầu. Thật vậy, đoạn 43 nhấn mạnh rằng năm 2025 này biểu lộ, đối với tất cả các Kitô hữu, “một cơ hội vô giá để nhấn mạnh rằng những gì chúng ta có chung mạnh hơn nhiều, về mặt số lượng và chất lượng, so với những gì chia rẽ chúng ta: cùng nhau, chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Chúa Kitô là con người thật và Thiên Chúa thật, vào ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, theo Thánh Kinh được đọc trong Giáo hội và dưới tác động của Chúa Thánh Thần”. Do đó, CTI cảnh báo trong đoạn 45, “sự khác biệt giữa các Kitô hữu đối với ngày lễ quan trọng nhất trong lịch của họ tạo ra thiệt hại mục vụ trong các cộng đồng, đến mức chia rẽ các gia đình, và gây ra tai tiếng nơi những người không phải là Kitô hữu, do đó ảnh hưởng đến việc làm chứng cho Tin Mừng”.
“Chúng ta tin như chúng ta rửa tội và chúng ta cầu nguyện như chúng ta tin”
Nhưng việc đón nhận sự phong phú của công đồng Nixê sau mười bảy thế kỷ cũng dẫn đến việc nhận thức làm thế nào công đồng này nuôi dưỡng và định hướng cuộc sống Kitô hữu hàng ngày: đây là lý do tại sao chương thứ hai, “Tín biểu của công đồng Nixê trong đời sống các tín hữu” (các đoạn 48 đến 69), với nội dung giáo phụ, khám phá phụng vụ và cầu nguyện đã được phong nhiêu như thế nào trong Giáo hội kể từ biến cố này, một biến cố tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử Kitô giáo. “Chúng ta tin như chúng ta rửa tội; và chúng ta cầu nguyện như chúng ta tin”, tài liệu này nhắc lại và đồng thời thúc giục chúng ta, hôm nay và luôn mãi, kín múc từ “nguồn nước hằng sống” này, mà nội dung tín lý phong phú của nó có tính chất quyết định cho việc thiết lập giáo lý Kitô giáo. Theo nghĩa này, bản văn xem xét việc tiếp nhận Kinh Tin Kính trong việc thực hành phụng vụ và bí tích, trong việc dạy giáo lý và rao giảng, trong việc cầu nguyện và các thánh thi của thế kỷ thứ IV.
Sự kiện thần học và sự kiện Giáo hội
Chương thứ ba “Công đồng Nixê như một sự kiện thần học và như một sự kiện Giáo hội” (các đoạn 70 đến 102) sau đó xem xét làm thế nào tín biểu và công đồng “làm chứng cho chính sự kiện Chúa Giêsu Kitô, mà việc đi vào vào lịch sử của Người mang lại cho chúng ta sự tiếp cận chưa từng có với Thiên Chúa và đưa vào một sự biến đổi tư tưởng con người” và làm thế nào chúng cũng thể hiện sự mới lạ trong cách thức mà Giáo hội tự cấu trúc và hoàn thành sứ mệnh của mình. “Được hoàng đế triệu tập để giải quyết một tranh chấp địa phương vốn đã lan rộng đến tất cả các Giáo hội của Đế chế Đông La Mã và đến nhiều Giáo hội phương Tây, ông đã tập hợp các giám mục từ nhiều khu vực khác nhau ở phía Đông và các đại diện của Giám mục Rôma. Do đó, lần đầu tiên, các giám mục từ toàn bộ Oikoumenē [tất cả các vùng đất có con người cư ngụ, ghi chú của biên tập viên] được tập hợp lại trong Thượng hội đồng. Sự hiệp thông và hiệp nhất chưa từng có được khơi dậy trong Giáo hội nhờ sự kiện Chúa Giêsu Kitô được trở nên hữu hình và hiệu quả một cách mới mẻ, nhờ một cơ cấu có phạm vi phổ quát, và việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô trong tất cả sự bao la của nó cũng nhận được một công cụ của một quyền bính và phạm vi chưa từng có” (x. số 101).
Một đức tin có thể tiếp cận ngay cả với những người mộc mạc
Cuối cùng, trong chương thứ tư và cũng là chương cuối cùng, “Giữ cho đức tin có thể tiếp cận được với toàn thể dân Thiên Chúa” (các đoạn 103 đến 120), “các điều kiện về tính khả tín của đức tin được tuyên xưng tại Công đồng Nixê trong giai đoạn thần học cơ bản, vốn sẽ cập nhật bản chất và căn tính của Giáo hội như là nhà giải thích đích thực về chân lý chuẩn mực của đức tin bởi Huấn quyền, người bảo vệ các tín hữu, đặc biệt là những người nhỏ bé nhất và dễ bị tổn thương nhất”. Theo Ủy ban Thần học Quốc tế, đức tin do Chúa Giêsu rao giảng cho người mộc mạc không phải là một đức tin đơn giản hóa và Kitô giáo chưa bao giờ coi mình là một hình thức bí truyền dành riêng cho tầng lớp am hiểu ưu tú. Ngược lại, công đồng Nixê, mặc dù do sáng kiến của Constantine, vẫn đại diện cho “một cột mốc trên con đường dài hướng tới quyền tự do của Giáo hội, vốn ở khắp mọi nơi là sự bảo đảm bảo vệ đức tin của những người mộc mạc và dễ bị tổn thương nhất trước quyền lực chính trị”. Vào năm 325, thiện ích chung của Mặc Khải đã thực sự được “sẵn sàng” cho mọi tín hữu, như được xác nhận bởi giáo lý Công giáo về tính bất khả ngộ “trong niềm tin” của những người đã được rửa tội. Mặc dù các Giám mục có một vai trò cụ thể trong việc xác định đức tin, nhưng các ngài không thể đảm nhận vai trò đó nếu không ở trong sự hiệp thông Giáo hội của toàn thể dân thánh của Thiên Chúa, vốn rất được Đức Thánh Cha Phanxicô yêu quý.
Sự bền vững của Công đồng Đại kết đầu tiên
Chúng ta đi đến phần kết luận của tài liệu với “một lời mời gọi cấp bách” hãy “loan báo Chúa Giêsu, Ơn Cứu Độ của chúng ta, cho tất cả mọi người ngày nay” dựa trên đức tin được diễn tả tại công đồng Nixê với nhiều ý nghĩa. Trước hết, tính thời sự lâu dài của công đồng này và tín biểu nảy sinh từ nó hệ tại việc tiếp tục để cho mình được “ngạc nhiên thán phục trước sự bao la của Chúa Kitô để mọi người có thể ngạc nhiên thán phục” và “nhen lại ngọn lửa tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu” bởi vì “trong Chúa Giêsu homoousios (đồng bản thể) với Chúa Cha […], chính Thiên Chúa mãi mãi được liên kết với nhân loại”.
Thứ hai, điều đó có nghĩa là không phớt lờ “thực tại” cũng như không quay lưng “trước những đau khổ và biến động đang gây đau xót cho thế giới và ngày nay dường như làm xói mòn mọi hy vọng”, bằng cách cũng lắng nghe văn hóa và các nền văn hóa. Thứ ba, điều đó có nghĩa là “đặc biệt chú ý đến những người nhỏ bé nhất và dễ bị tổn thương nhất trong anh chị em mình”, bởi vì “những người bị đóng đinh trong lịch sử này là Chúa Kitô ở giữa chúng ta”, nói cách khác, “những người cần đến niềm hy vọng về ân sủng nhất”, nhưng đồng thời, khi biết những đau khổ của Đấng Chịu Đóng Đinh, đến lượt mình, họ là “các tông đồ, thầy dạy và nhà loan báo Tin Mừng cho những người giàu có và khỏe mạnh”.
Cuối cùng, điều đó có nghĩa là công bố “trong Giáo hội” hay đúng hơn là “bằng chứng tá của tình huynh đệ”, bằng cách cho thế giới thấy những điều kỳ diệu mà Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ”, đồng thời phổ biến kho tàng Thánh Kinh mà tín biểu này giải thích, phổ biến sự phong phú của lời cầu nguyện, phụng vụ và các bí tích bắt nguồn từ phép rửa được tuyên xưng ở công đồng Nixê và từ ánh sáng của Huấn quyền; luôn luôn nhìn vào Đấng Phục Sinh, Đấng chiến thắng sự chết và tội lỗi chứ không phải vào những kẻ thù, bởi vì không có kẻ hư mất trong mầu nhiệm vượt qua, ngoại trừ kẻ hư mất cánh chung, là Satan, kẻ chia rẽ. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 28 tháng Mười Một, khi tiếp kiến các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế, Đức Thánh Cha ca ngợi công việc của họ và nói về sự hữu ích của một tài liệu nhằm “minh họa ý nghĩa hiện tại của đức tin được tuyên xưng tại công đồng Nixê […] để nuôi dưỡng và đào sâu đức tin của các tín hữu, và, dựa trên hình ảnh Chúa Giêsu, cũng để mang lại những con đường và suy tư hữu ích cho một mô hình văn hóa và xã hội mới, được truyền cảm hứng chính từ nhân tính của Chúa Kitô”.
Một ngày nghiên cứu về tài liệu “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế – kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixê (325-2025)”, sẽ được tổ chức vào ngày 20 tháng Năm, tại Đại học Giáo hoàng Urbanô, từ 9 giờ đến 19 giờ 30, với sự tham gia của các nhà thần học đã đóng góp vào việc soạn thảo tài liệu và các chuyên gia khác về chủ đề này.
Tý Linh
(theo Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net