Lật tàu Vịnh Xanh, những gì chúng ta phải lật lại?

Có những chuyến đi khởi đầu bằng niềm háo hức, kết thúc bằng di ảnh. Có những mùa hè được sinh ra để người ta sống chậm lại và dành thời gian bên gia đình, nhưng lại trở thành nỗi chia ly mãi mãi. Việc con tàu Vịnh Xanh QN-7105 bị lật úp giữa vịnh Hạ Long vào ngày 19 tháng 7 vừa qua không chỉ là một tai nạn. Nó là dấu hỏi cho cảm thức an toàn của một xã hội đã quá quen với cụm từ “sự cố”.

Bốn mươi tám hành khách, năm thủy thủ, và giấc mơ du lịch bị tan tác khi cơn dông ập đến bất ngờ. Giữa danh sách đi kèm với những con số và bản tin vắn, ba mươi lăm người thiệt mạng, mười người may mắn sống sót, bốn người mất tích,… là những cái tên, những câu chuyện, những cuộc đời bị dừng ngay giữa chừng. Có gia đình mất ba người trong cùng một buổi chiều. Có người cha ngồi thẫn thờ giữa căn nhà trống, gọi mãi mà không còn ai trả lời.

Từ một chuyến đi ngắn ngày, bao gia đình vĩnh viễn mất đi người thân. Có nỗi đau nào sâu hơn thế? Và cũng từ biến cố ấy, có những câu hỏi được đặt ra, không phải để quy kết, mà để soi rọi lại chính mình. Liệu lương tri còn có thể được vận hành trong một xã hội đã quen tắt tiếng chuông cảnh tỉnh?

1. Cú lật và những câu hỏi chưa ai muốn lật

Khi một con tàu bị lật úp trong vòng vài phút, người ta thường gọi đó là “tai nạn”. Nhưng sau sự bàng hoàng, điều cần hơn cả là nhìn thẳng vào thực tế: có điều gì đó đã không được chuẩn bị đủ, không được dự báo đúng, và không được tổ chức tốt. Tại sao sau mỗi tai nạn, cái được lặp lại là cụm từ “thiên tai bất ngờ”, chứ không phải là những câu trả lời cụ thể, minh bạch, và thẳng thắn? Tại sao tàu vẫn rời bến dù có dấu hiệu thời tiết xấu? Tại sao hệ thống dự báo, nếu có, không hoạt động hoặc không được tuân thủ? Tại sao người dân không được diễn tập kỹ năng sinh tồn căn bản trên biển?

Có những câu hỏi ai cũng thấy, nhưng chẳng ai muốn lật lên. Câu hỏi không phải là “vì sao lại gặp dông bão”, mà là: khi dông bão đến, ta đã có đủ điều kiện ứng phó hay chưa? Khi thời tiết thay đổi, hệ thống cảnh báo có hoạt động đúng vai trò hay không? Và những người trên tàu có biết phải làm gì trong tình huống nguy cấp?

Đây không phải là lúc tìm ai đó để đổ lỗi. Đây là lúc xã hội cần xem lại những mắt xích lỏng lẻo, không phải để chỉ trích, mà để không lặp lại.

2. Tâm lý đám đông và hệ thống an toàn

Sự an tâm dễ đến từ thói quen. Du khách lên tàu, chụp ảnh, mặc áo phao, và tin rằng chuyến đi sẽ suôn sẻ, thuận lợi. Đó là điều tự nhiên. Nhưng với giả định ấy, luôn cần một nền tảng vững chắc của sự chuẩn bị, từ cả phía người tổ chức lẫn người tham gia.

Trong trường hợp của chuyến tàu QN-7105, hành khách còn không được cung cấp áo phao. Tai nạn không chỉ đến từ thiên tai, mà đôi khi từ sự chủ quan rất người. Một bên thì tin rằng “đã có người khác lo”, bên khác thì giả định rằng “sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu”, “mọi thứ sẽ ổn”. Giữa hai giả định và niềm tin đó, 35 người thiệt mạng. Và khi hệ thống an toàn trở thành điều kiện đi kèm, một điều chỉ mang tính thủ tục, thì khi biến cố xảy ra, hậu quả sẽ không chỉ là một con tàu chìm, mà là nhiều gia đình gãy đổ. Tiếc thay, không phải ai cũng nghĩ đến những gia đình sẽ bị bỏ lại và tổn thương sau biến cố lật tàu này.

3. Một người cha mất con và khoảng lặng mà chúng ta cần có

Ông Hoàng Tiến Mộc, người cha mất cả con dâu, hai cháu nội, và người con trai vẫn chưa được tìm thấy, nghẹn ngào thốt lên: “Chúng nó đi hết rồi.” Không một học giả xã hội học nào có thể viết ra một câu giản dị và đau đến thế. Nỗi đau ấy cũng không nên bị đẩy đi quá nhanh bởi guồng quay thông tin, trở thành một sự kiện thời sự với những bản tin ngắn và những news feed trôi tuột.

Một xã hội chỉ thực sự nhân văn khi không để những bi kịch như thế rơi vào im lặng. Khi chúng ta biết dừng lại, lắng nghe, và tự hỏi: nếu hôm nay là người khác, ngày mai liệu có thể là mình? Và chúng ta cùng sám hối.

 4. Lòng quả cảm và dấn thân, những tia sáng trong đêm tối

Trong mọi biến cố, luôn có những con người khiến ta tin vào những điều tử tế còn sót lại. Một người đàn ông vừa thoát nạn, quay lại lặn xuống tàu để kéo người khác lên. Những cán bộ biên phòng không ngần ngại lao vào vùng sóng lớn để tìm từng sinh mạng còn kẹt lại.

Đó là những nét chân phác nhất của lòng trắc ẩn, không cần chỉ thị, không vì danh tiếng, không cần hô hào, và không cần diễn giải. Sự dấn thân ấy chính là chất keo giữ cho xã hội không tan rã giữa hoảng loạn. Họ hành động như thể sự sống của người khác là bổn phận tự nhiên của mình. Đó là phần nhân bản mà bất cứ thiên tai nào cũng không thể dìm chết được.

Điều đáng trân trọng là chúng ta không thiếu những con người như vậy. Và điều xã hội cần làm là tạo điều kiện để những hành động đẹp ấy được diễn ra một cách vô điều kiện.

5. Một xã hội cần lật lại những câu hỏi

Tai nạn luôn có yếu tố bất ngờ. Nhưng ứng phó với bất ngờ là trách nhiệm của hệ thống. Trong biến cố này, sau hai tiếng thông báo được gửi đi cho Hải quân, lực lượng cứu hộ mới xuất hiện. Những câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng rất cần được nhìn lại: Liệu các tàu du lịch hiện nay đã được kiểm định đầy đủ? Liệu quy trình ứng phó khẩn cấp có được tập huấn thường xuyên? Liệu cảnh báo thời tiết có đủ rõ ràng và bắt buộc phải tuân thủ? Và khi có sự cố, thông tin được truyền đạt nhanh chóng và minh bạch ra sao?

Đặt những câu hỏi đó không phải để trách móc, mà để chỉnh sửa, vì sự trưởng thành không đến từ việc tránh né, mà từ đối diện với sự thật.

6. Không ai là người ngoài cuộc 

Tai nạn này không phải chuyện riêng của một gia đình, một tỉnh thành, hay một ngành du lịch. Nó là lời cảnh tỉnh chung cho tất cả: từ người làm du lịch, người đi du lịch, đến người hoạch định chính sách và quản lý vận hành.

Mỗi người, dù chỉ một hành động nhỏ, cũng có thể góp phần giảm thiểu rủi ro cho người khác. Chúng ta không thể kiểm soát thiên nhiên, nhưng có thể làm tốt hơn trong cách thức chuẩn bị và phản ứng.

Và chính trong những bi kịch của kiếp người, con người cần đến gần nhau hơn, không phải bằng những lời thương hại, mà bằng sự thay đổi thực sự. Chỉ khi nhận ra rằng mỗi người đều liên đới với nhau, thì ta mới có đủ lý do để những tai nạn như Vịnh Xanh không lặp lại.

7. Hy vọng của chúng ta

Những ngày sau tai nạn, trời Hạ Long vẫn mưa. Nhưng có lẽ, thứ làm người ta nặng lòng nhất không phải là những cơn mưa nặng hạt, mà là những khoảng trống không gì lấp được trong lòng những người còn ở lại.

Có những ông bố, bà mẹ, con trẻ sẽ không bao giờ trở về. Nhưng nỗi đau không chỉ để than khóc. Nỗi đau cần được ghi nhớ. Để mỗi sinh mạng mất đi không trôi vào hư vô, để từ mất mát hôm nay, chúng ta biết làm tốt hơn, thận trọng hơn, yêu quý sự sống hơn, không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động âm thầm và nhất quán.

Nếu còn một điều có thể cứu vớt được từ tai nạn này, thì đó là đừng để bi kịch của họ trở thành một dữ kiện bị lãng quên. Mỗi câu hỏi được lật lại, mỗi quy trình được sửa đổi, mỗi con tàu được kiểm tra kỹ hơn, chính là cách chúng ta nối lại sợi dây nhân tính đã đứt giữa vùng sóng gió và cơn dông.

Và hy vọng rằng, một ngày nào đó, Vịnh Xanh sẽ lại đón khách, không chỉ với vẻ đẹp thiên nhiên, mà với sự bảo đảm rằng con người ở đây đã học cách bảo vệ nhau.

Tàu đã lật giữa Vịnh Xanh. Câu hỏi là liệu chúng ta có đủ can đảm để lật lại chính mình một cách thật sự, như thể chính mình cũng vừa đi qua một cơn dông, hay xã hội sẽ tiếp tục trôi đi như thể chưa ai từng ngã xuống?

Trần Đỉnh, S.J.

Nguồn: dongten.net

Bài Liên Quan

Buông Bỏ Không Có Nghĩa Thất Bại

Cuộc sống này luôn đầy những phép so sánh. Chúng ta thường so sánh mình với nhiều...

Điều Quý Giá Nhất Không Phô Trương

Bạn thân mến, Có người ấn nút “thích” trên tất cả dòng trạng thái của bạn trên mạng...

Gặp Nhau Là Ơn Chúa – Ở Bên Nhau...

Bạn thân mến, Đời người là một hành trình kỳ diệu được dệt nên từ muôn vàn cuộc...

Buông Bỏ Không Có Nghĩa Thất Bại

Bạn thân mến, Cuộc sống này luôn đầy những phép so sánh. Chúng ta thường so sánh mình...