Ngày 13 tháng 5 năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima – cũng trùng vào ngày thứ Bảy và ngay trước Ngày Của Mẹ – Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố Tông huấn Signum Magnum (tạm dịch Dấu Chỉ Vĩ Đại), trong đó ngài nhấn mạnh rằng Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, là Mẹ của Giáo hội, và Mẹ “vẫn đang tiếp tục thi hành thiên chức làm mẹ từ thiên quốc, như một người cộng tác trong việc khai sinh và nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng nơi từng linh hồn được ơn cứu chuộc.” Nói một cách dễ hiểu, Mẹ là Mẹ của chúng ta, một người Mẹ thiêng liêng từ trời cao.
Có phải sự trùng hợp giữa lễ Đức Mẹ Fatima và Ngày Của Mẹ chỉ là ngẫu nhiên? Hay đó chính là một sự quan phòng kì diệu của Thiên Chúa, nối kết tình mẫu tử của Đức Maria với việc tôn vinh vai trò người mẹ nơi trần thế.
Chẳng phải chúng ta thường tôn vinh các bà mẹ vào Ngày Của Mẹ vì họ luôn mong điều tốt đẹp nhất cho con cái mình sao? Hi vọng rằng, trước hết và trên hết, ước mơ cao cả nhất của người mẹ chính là ơn cứu độ cho con cái mình. Đức Maria chắc chắn vẫn hằng tha thiết mong ước phần rỗi cho tất cả con cái của Mẹ. Biến cố Fatima chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy. Tại Fatima, Mẹ đã tỏ mình ra như một người mẹ dịu hiền dẫn dắt và dạy dỗ chúng ta trên con đường dẫn đến Thiên Chúa.
Trong Tông huấn Signum Magnum, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã viết đặc biệt cụ thể về sức ảnh hưởng của Mẹ thể hiện qua đời sống chứng nhân, và cách mà chúng ta noi theo Mẹ. Ngài nói rằng, cũng như những lời dạy của bậc cha mẹ sẽ có thêm sức nặng khi được minh chứng bằng chính gương sống của họ, thì “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa lôi cuốn các linh hồn theo một cách khó có thể cưỡng lại được, để họ noi gương thánh thiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Mẹ chính là hình ảnh phản chiếu trung tín nhất.”
Ngài khẳng định rằng: “Vì vậy, mọi Kitô hữu đều có bổn phận phải noi theo, với một tâm hồn đầy kính mến, các gương lành mà người Mẹ thiên quốc đã để lại cho ta… Bởi lẽ, theo lẽ tự nhiên, con cái sẽ cùng chia sẻ những tâm tư của người mẹ, và là phản chiếu các công phúc cùng nhân đức của mẹ.”
Thật không khó để nhận ra sự khôn ngoan nơi lời nói của Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Nếu những người mẹ trần thế luôn mong con cái mình nên người, thì Mẹ Thiên Quốc của chúng ta lại càng khát khao chúng ta nên thánh thiện. Chúng ta chỉ có thể làm điều đó khi ta lắng nghe và noi theo gương mẹ. Đó là phương thế đơn sơ mà Mẹ đã chỉ dạy ta trong biến cố Fatima.
Chẳng phải chúng ta yêu kính mẹ mình vì những lời khuyên khôn ngoan bà dành cho ta đó sao – khi mẹ dạy ta hướng đến những điều lành ích lợi cho đời mình, và tránh xa những sự dữ có thể đưa ta đến chỗ khổ đau hay nguy hiểm? Cũng vậy, chẳng phải Mẹ Rất Thánh của chúng ta, qua những lần hiện ra tại Fatima, đã tỏ bày rất rõ ràng cho các trẻ nhỏ, và cho tất cả con cái Mẹ, về những hiểm họa trên bình diện thiêng liêng và trong thực tại trần thế nếu ta cứ mải miết chạy theo những cám dỗ của thế gian đó sao?
Chúng ta có nghe lời mẹ mình khi bà nhắc ta chớ nghịch diêm để khỏi bị phỏng không? Chắc chắn là có. Nhưng vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, ngay hôm Ngày Của Mẹ, và trong nhiều ngày sau đó trong mùa hè năm ấy, không phải ai trong chúng ta cũng đã nghe theo lời Mẹ Rất Thánh của chúng ta khi Mẹ tha thiết nói rằng: “Nếu các con làm theo điều Mẹ dạy, nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi, và sẽ có bình an. Cuộc chiến này sẽ chấm dứt, nhưng nếu nhân loại vẫn không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, thì một cuộc chiến khác, khủng khiếp hơn, sẽ lại bắt đầu.”
Lịch sử thế kỉ XX và các biến động trong xã hội thế tục hôm nay là một minh chứng rõ ràng rằng phần đông con cái của Mẹ vẫn quay lưng, vẫn tiếp tục lún sâu vào sự bất tuân và suy đồi.
Khi chúng ta tôn vinh các bà mẹ vào Ngày Của Mẹ, há chẳng phải ta cũng nhớ lại những lần mẹ giúp ta chữa lành và xoa dịu những vết thương đó sao? Chẳng phải người mẹ luôn dỗ dành con thơ khi nó kêu lên giữa đêm trong cơn ác mộng đó sao? Mẹ Thiên Quốc của ta cũng sẽ làm điều tương tự nếu ta biết chạy đến kêu cầu Mẹ và biết lắng nghe lời khuyên nhủ của Mẹ để đối diện với những cơn hỗn mang đang bủa vây mọi điều thiện hảo trên thế gian này. Chỉ cần một lời thì thầm nhỏ nhất với Mẹ, Mẹ sẽ ở bên để trợ giúp chúng ta.
Chúng ta biết rằng có hai “cơn ác mộng” khủng khiếp quanh sự suy đồi của thiên chức làm mẹ và của bí tích hôn nhân. Năm 1981, sơ Lucia đã gửi một bức thư cho Hồng y Carlo Caffarra, và về sau, ngài tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2008 rằng: “Trong bức thư ấy, có đoạn viết rằng: ‘Trận chiến sau cùng giữa Thiên Chúa và bè lũ của Satan sẽ xoay quanh hôn nhân và gia đình.’ Nhưng sơ cũng nhắn nhủ ta chớ nên sợ hãi, vì bất cứ ai tranh đấu để bảo vệ sự thánh thiêng của hôn nhân và gia đình sẽ luôn bị chống đối và đẩy lùi bằng mọi cách, vì đây chính là cuộc chiến mang tính quyết định. Sơ Lucia cũng khẳng định rằng ‘Dẫu sao, Đức Mẹ đã đạp nát đầu nó rồi.’
Đức Maria vẫn luôn cầu bầu cho chúng ta là đoàn con của Mẹ, và Mẹ đã ban một phương dược để dập tắt những “cơn ác mộng” này từ năm 1917. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tái khẳng định điều này trong bài giảng tại Fatima năm 1982: “Lời mời gọi hoán cải luôn song hành với lời kêu gọi cầu nguyện… Trong sứ điệp ấy, Mẹ đã hướng ta đến tràng chuỗi Mân Côi – lời kinh có thể được định nghĩa một cách chính đáng là ‘lời cầu nguyện của Mẹ Maria’: một lời kinh nguyện mà qua đó Mẹ hiệp thông cách đặc biệt với chúng ta. Chính Mẹ đang cầu nguyện cùng chúng ta.”
Những người mẹ hiền luôn dắt dắt con mình đi trên đường ngay nẻo chính. Mẹ Maria đầy ơn phúc của chúng ta cũng thể hiện vai trò đó cách tương tự. Trong các lần hiện ra, Mẹ luôn nhắn nhủ ta rằng: “Hãy năng lần hạt Mân Côi hằng ngày để kính nhớ Đức Mẹ Mân Côi, hầu xin ơn bình an cho thế giới và chấm dứt chiến tranh, vì chỉ có Mẹ mới có thể đem lại điều đó.” Mẹ không ngừng lặp lại lời mời gọi ấy:
“Mẹ muốn các con tiếp tục đọc kinh Mân Côi hằng ngày.”
Tại Fatima, ngày 13 tháng 5 năm 1982, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhớ ta về tình yêu từ mẫu của Đức Maria: “Trong sứ điệp Fatima, chúng ta dường như đã thấy được chiều kích của tình mẫu tử bao trùm từng bước đường của nhân loại trên hành trình trở về cùng Thiên Chúa. Sự chăm sóc của Mẹ Đấng Cứu Thế là sự chăm sóc cho công trình cứu độ: một công trình do Con chí ái Mẹ thực hiện. Đó là sự chăm sóc cho ơn cứu độ phần rỗi, là ơn cứu độ đời đời cho hết thảy mọi người.”
Một người mẹ không bao giờ từ bỏ đứa con của mình. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Chính trong ánh sáng của tình yêu người mẹ mà chúng ta hiểu được toàn bộ sứ điệp Fatima. Mẹ không chỉ kêu gọi chúng ta hoán cải, mà còn tha thiết mời gọi chúng ta đón nhận sự trợ giúp đầy tình mẫu tử của Mẹ để trở về với nguồn mạch cứu độ.”
Những chỉ dẫn đầy tình mẫu tử của Đức Mẹ Fatima vẫn luôn luôn khẩn thiết. Là những người con của Mẹ, chúng ta được mời gọi bước theo con đường ấy. Hãy tự hỏi chính mình: Phải chăng chúng ta chỉ tôn vinh các bà mẹ mình vào Ngày Của Mẹ mà thôi? Câu trả lời phải là: “Dĩ nhiên là không.” Và còn cách nào để tôn kính Mẹ đầy ân phúc và biến từng ngày trong năm đều thành Ngày Của Mẹ tốt hơn là vâng nghe và thực thi những điều Mẹ đã khuyên dạy và tha thiết mời gọi tại Fatima?
Nguồn: Catholic Exchange
Tác giả: Joseph Pronechen
Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Nguồn: dongten.net