Người Công giáo vẫn luôn rất hiện diện và tích cực trong các lĩnh vực liên đới với những người dễ bị tổn thương nhất. Một nghiên cứu được công bố nhân dịp Bữa tối của các nhà xây dựng lần thứ hai cho thấy họ tham gia vào các hoạt động tình nguyện thường xuyên hơn những hoạt động khác.
Dấn thân, nhưng không luôn luôn hiển thị. Chính những người Công giáo mà những người tổ chức Bữa tối của các nhà xây dựng lần thứ hai muốn nêu bật, sẽ được tổ chức tại Paris vào Thứ Năm, ngày 14/11/2024. Để cho thấy rằng, bất chấp sự suy giảm của Đạo Công giáo ở Pháp, các tín hữu vẫn là một lực lượng dấn thân trong xã hội, trong mọi lĩnh vực liên đới, cả giữa những người thiếu thốn nhất, những người di cư, những người già, cũng như các tù nhân và cả các bệnh nhân đang được chăm sóc giảm nhẹ. Theo một cuộc khảo sát của Ifop được thực hiện cho Bữa tối của các nhà xây dựng và kết quả mà La Croix cho biết, họ dấn thân nhiều hơn người Pháp bình thường.
Được thực hiện trên 2.005 người, 42% trong số họ tự nhận mình là người không có tôn giáo và 44% là người Công giáo, nghiên cứu này thực sự cho thấy tỷ lệ tình nguyện viên lớn hơn một chút trong số những người Công giáo. Chẳng hạn, 30% trong số họ nói rằng họ đã tham gia ít nhất một hoạt động tình nguyện trong hai năm qua, nhiều hơn một chút so với tổng dân số Pháp (27%). Hơn nữa, người Công giáo, cùng với người Tin lành (Cải cách và Tin lành Phúc Âm kết hợp), là nhóm nhỏ tham gia thường xuyên nhất vào các hoạt động tình nguyện. Một phần năm người Công giáo (22%) tham gia hoạt động tình nguyện ít nhất một lần một tuần và một phần năm cũng tham gia hoạt động tình nguyện mỗi tháng một lần.
Một hình ảnh vô tư cần được duy trì
Có thực sự có mối tương quan giữa đức tin và sự dấn thân? Cuộc khảo sát Ifop có xu hướng chứng minh điều này. Theo kết quả, 56% người Công giáo nói rằng niềm tin tôn giáo của họ “khuyến khích họ (dấn thân) phục vụ người khác”. Và các tín hữu, tất cả các tôn giáo kết hợp, càng tham gia các hoạt động tôn giáo, thì họ càng dấn thân vào các hoạt động tình nguyện nhiều hơn: 51% tín hữu tham gia vào một hoạt động tôn giáo ít nhất mỗi tháng một lần đã dấn thân tình nguyện trong hai năm qua, so với con số ít hơn hai lần đối với những người tham gia vào hoạt động tôn giáo chỉ vào những dịp đặc biệt (đám cưới, đám tang).
Nhưng chính xác những người Công giáo tham gia vào mạng lưới trợ giúp cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Pháp ngày nay đại diện cho điều gì? Thật khó, nếu không nói là không thể, để định lượng điều đó. Các hiệp hội, tha thiết với hình ảnh về tính vô tư vốn làm nên sự khả tín của họ, lại không có dữ liệu đối với sự thuộc về tôn giáo của các tình nguyện viên của họ. Một số người được La Croix liên hệ thậm chí không muốn gợi lên chủ đề này. Johanna Siméant-Germain, nữ giáo sư khoa học chính trị chuyên về sự dấn thân, giải thích: “Các tổ chức phi tôn giáo, phụ thuộc vào việc gây quỹ, có thể rất lo lắng trước ý tưởng bị gắn với một sự thuộc về tôn giáo. Họ có thể sợ bị tấn công vì chiêu dụ tín đồ, bị chỉ trích nơi công cộng vì che giấu sự quy chiếu về tôn giáo, ưu tiên cho một số khán công chúng hoặc làm tổn hại tính thế tục.”
Sự hiện diện khắp nơi của người Công giáo được sáng tỏ trong các hiệp hội. Tiến hành một cuộc điều tra trong các tổ chức phi chính phủ Bác sẽ Thế giới và Bác sĩ Không biên giới vào đầu những năm 2000, Johanna Siméant-Germain đã bị ấn tượng bởi số lượng cựu hướng đạo sinh trong số các tình nguyện viên. Bà giải thích: “Bằng cách điều tra một môi trường cụ thể, chúng tôi xác nhận rằng việc xã hội hóa Công giáo có thể mang tính cấu trúc chặt chẽ trong các dấn thân”.
Sự hiện diện của Công giáo được thể hiện rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như trong các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ. Erwan Le Morhedec, luật sư và tình nguyện viên của Trung tâm Y tế Jeanne-Garnier, nói thẳng: “Nếu người Công giáo là thiểu số trong xã hội, thì họ sẽ đại diện rất đông trong toàn bộ các cơ cấu. Nếu không có họ, những dịch vụ này sẽ không còn tồn tại được nữa”.
Theo ông, hiện tượng này được giải thích là do “mối liên hệ bản năng, có ý thức hoặc vô thức” giữa đức tin và việc chăm sóc người bệnh. “Trong đức tin có niềm xác tín rằng người khác vẫn xứng đáng khi họ tỏ ra không xứng đáng (…). Đằng sau điều này, tôi có cảm giác rằng có ẩn chứa một hình thức yêu thương cần thiết, vượt trên cả lòng trắc ẩn và lòng nhân từ.”
“Một lòng đạo nhiệt thành và vui tươi”
Trong sự dấn thân của giáo xứ và trong các hiệp hội Công giáo, rõ ràng đức tin của những người tình nguyện được thể hiện rõ hơn. Tại tổ chức Cứu trợ Công giáo, “hơn một nửa trong số 5.000 tình nguyện viên trả lời bảng câu hỏi nội bộ đã đưa ra mối liên hệ giữa sự dấn thân của họ vàđức tin hoặc các giá trị Kitô giáo”, Matthieu Fontaine, người đứng đầu mạng lưới tình nguyện viên của hiệp hội, giải thích.
Khi tìm hiểu đội cứu trợ lưu động của các giáo xứ ở Paris, nhà nghiên cứu Erwin Flaureau cũng ngạc nhiên trước sự năng động của các tín hữu: “Đội cứu trợ lưu động đối với người Công giáo trẻ là một hoạt động mang lại cho họ cơ hội sống và làm chứng cho một lòng đạo sùng đạo nhiệt thành và vui tươi.”
Một dấu hiệu tốt khác về sự dấn thân của người đã được rửa tội: vị trí của các hiệp hội Công giáo trong bối cảnh trợ giúp xã hội. Jean Buyssens, nhà nghiên cứu chuyên về trợ giúp xã hội tôn giáo ở Pháp, phân tích: “Họ rất cần thiết cho các cơ quan công quyền”. “Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một sự tái cơ cấu các hoạt động công cộng xung quanh họ, điều này có vẻ nghịch lý về mặt thế tục hóa.”
Ông chỉ ra nhiều lý do: “Các hiệp hội như Hội nghị Saint-Vincent-de-Paul có được tính hợp pháp từ cơ sở lịch sử của họ, cũng như từ các nguồn lực tài chính, bất động sản hoặc tình nguyện viên của họ”.
Tại Paris, Giáo hội là nhân tố chủ chốt của tình liên đới
Ví dụ ở Paris, nơi giáo phận đóng vai trò quan trọng về tình liên đới. “Hiver Solidaire”, hoạt động của nó để đón tiếp người dân đường phố, huy động 43 giáo xứ và 3.200 tình nguyện viên trong năm nay. Và khoảng 2,5 triệu bữa ăn tương đương được phân phát trong năm nay bởi các giáo xứ, tương đương gần 23% viện trợ lương thực của thủ đô, theo giáo phận.
Léa Filoche, phó thị trưởng Paris và chịu trách nhiệm về liên đới, hoan nghênh: “Giáo phận là một phần không thể thiếu trong mạng lưới hoạt động xã hội ở Paris”. “May mắn là họ ở đây!”. Ngoài tầm quan trọng của họ, bà đánh giá cao tầm nhìn của họ về tình liên đới, giống với tầm nhìn của bà: “Chúng ta có thể thấy rõ rằng sự dấn thân của người Công giáo là có thật và trên hết là vô điều kiện. Chiều kích này rất quý giá vì không phải lúc nào cũng dễ dàng đảm nhận: nó có nghĩa là chúng ta giúp đỡ mọi người, mà không bị phân loại, nghi ngờ hay xác minh.”
Chính nhờ các giá trị thế tục hóa, tính chuyên nghiệp của họ và việc không chiêu mộ tín đồ mà các hiệp hội Công giáo đã có được uy tín với các đối tác phi tôn giáo của mình. Jean-François Corty, chủ tịch của tổ chức Bác sĩ Thế giới, cho biết: “Ví dụ: với Cứu trợ Công giáo, chính các giá trị nhân văn, liên đới của chúng tôi, chứ không phải đảng phái, đã kết nối chúng tôi.”
Tý Linh
(theo Marguerite de Lasa và Matthieu Lasserre, nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net