Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mở cửa lại để đón công chúng ngày 7 và 8 tháng 12. Du khách người Mỹ rất thích đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris, họ là du khách nước ngoài đông nhất và góp phần lớn vào việc sửa chữa nhà thờ.
la-croix.com, Alexis Buisson, phóng viên tại New York, 2024-12-04
Hình ảnh về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà năm 2019 làm cho người Mỹ vô cùng xúc động. ERIC BARADAT / AFP
Tiếng chuông nhà thờ reo từ căn phòng nhỏ phía sau Nhà thờ Thánh Gioan ở Harlem: giáo dân đang xem hình ảnh của một thế giới khác: Công ty Lịch sử Pháp dựng lại 850 năm Nhà thờ Đức Bà Paris với các hình ảnh thực tế từ thế kỷ 12 cho đến vụ hỏa hoạn năm 2019.
Ông Tom Newcomb, một người dân New York tôi gặp ở nhà thờ Thánh Gioan nói: “Vợ tôi đang xem truyền hình ở phòng bên cạnh, bà nói Nhà thờ Đức Bà đang cháy. Tin này làm trái tim tôi tan nát. Nhà thờ mở cửa lại? Đó là ngày vinh quang, tôi đã theo dõi tin tức trên YouTube!”
Một nơi độc đáo trong trí tưởng tượng của người Mỹ
Nhà thờ Paris chiếm một vị trí đặc biệt trong trí tưởng tượng của người Mỹ. Có đạo hay không có đạo, nhiều người Mỹ biết nhà thờ qua phim Người gù nhà thờ Đức Bà của hãng phim Disney phát hành năm 1996, sau đó phim được chuyển qua nhạc kịch. Trong nhiều năm, hàng triệu du khách đã đến Nhà thờ Đức Bà Paris và người Mỹ chiếm đa số, điều này giải thích vì sao rất nhiều công ty lớn, cá nhân dù giàu hay nghèo đã bỏ tiền túi ra để tái thiết.
Ông Michel Picaud, chủ tịch Hội gây quỹ cho các nhà thờ từ năm 2017 tại Mỹ cho biết: “Ngày xảy ra vụ cháy, chúng tôi đã thu được 2 triệu đô la. Một số nhà tài trợ là các tổ chức tôn giáo như giáo phận New York, nhưng phần lớn là những người gắn bó Nhà thờ Đức Bà vì nhiều lý do văn hóa và cá nhân qua các sự kiện văn hóa và lịch sử khi họ ở Pháp. Nhà thờ Đức Bà có hình ảnh độc đáo giữa các thánh đường và di tích ở châu Âu.”
Với người Mỹ, một yếu tố khác giải thích cho sự gắn bó với Nhà thờ Đức Bà: “Các hình ảnh về vụ hỏa hoạn, đặc biệt là ngọn tháp bị sập làm họ nhớ lại các tòa tháp của họ bị sập ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sự việc này có tác động rất mạnh trên khắp Đại Tây Dương.”
Các nhà tài trợ lớn nhỏ gắn bó với thánh đường
Bà Jennifer Herlein, Giám đốc Hiệp hội Di sản Pháp (FHS), một Hiệp hội Mỹ gây quỹ giúp bảo tồn các di tích lịch sử ở Pháp, bà cho biết bà đã quyên được 2,6 triệu đô la để trùng tu Nhà thờ Đức Bà, trong đó có 2 triệu của gia đình hãng Mỹ phẩm Estée Lauder, một hãng có thị trường lớn ở Pháp. Bà giải thích: “60% trong số còn lại là các khoản đóng góp dưới 50 đô la. Một cặp vợ chồng quyên 1.994 đôla vì họ kết hôn ở Paris năm 1994 và nhân cơ hội họ đã đến thăm nhà thờ. Một gia đình gởi cho chúng tôi vật kỷ niệm họ có được khi thắng ván bài poker vào cuối Thế chiến thứ hai thuộc về Nhà thờ Đức Bà.”
Bà Jennifer Herlein cho biết, đóng góp của Hoa Kỳ vượt xa khía cạnh tài chính. Một số thợ thủ công Mỹ đã tới Pháp để tham dự vào quá trình tái thiết. Ông Michael Burrey, thợ mộc ở Boston là một trong những người này: “Đây là dự án rất cảm động với người Pháp cũng như với người Mỹ như chúng tôi.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn