Những Nữ Thừa Sai Ở Bang Meghalaya, Ấn Độ

Vatican News (22/10/2024) – Nhờ sự dấn thân của phụ nữ, Giáo hội Công giáo ở đông bắc Ấn Độ đóng góp quan trọng vào việc xóa mù chữ, bệnh tật và nghèo đói, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của khu vực thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các công tác xã hội.

Một trăm năm trước, với mong ước cho nhiều người biết Tin Mừng, 11 nhà truyền giáo Salêdiêng châu Âu do vị thừa sai người Pháp, cha Louis Mathias dẫn đầu đã đến vùng đông bắc Ấn Độ. Tại đây các vị đã khám phá ra điểm đặc biệt ở một số nhóm dân bản địa, điều làm các nhà thừa sai cảm động sâu sắc và cũng ảnh hưởng đến công cuộc truyền giáo: Ở các bộ lạc Khasi, chủ yếu định cư ở phần phía đông của bang Meghalaya, mẫu hệ là cơ cấu của xã hội. Trong các thị tộc lớn được gọi là kur, chức năng tư tế cũng liên quan đến mẫu hệ, các phụ nữ cho lời khuyên và cai quản gia đình. Sau khi qua đời, người con gái út của bà là người đứng đầu toàn bộ gia tộc và thừa kế gia sản. Kha-si thực chất có nghĩa là “được sinh ra từ một người mẹ”.

Bằng cách gieo hạt giống đức tin vào mảnh đất thấm nhuần truyền thống xã hội và nghệ thuật cổ xưa như vậy, Giáo hội Công giáo ở Meghalaya đã duy trì được khuôn mặt nữ tính, và nay vẫn tỏa sáng lan tỏa trong mọi cộng đoàn. Và đó là đặc điểm thúc đẩy lòng sùng kính sâu sắc Đức Maria, tìm thấy nơi Đức Trinh Nữ Maria “một hình ảnh quy chiếu tự nhiên dẫn đến Chúa Kitô”, như Đức cha Wilbert Marwein, giám mục của Nongstoin, một giáo phận ở bang Meghalaya, đã nói. Bang này là một trong ba bang ở đông bắc Ấn Độ có số Kitô hữu chiếm đa số. Ở Meghalaya, người Công giáo có gần một triệu người (trong tổng số 3,3 triệu dân), nhưng cộng thêm các Kitô hữu thuộc các hệ phái Kitô khác, đại diện cho 75% dân số.

Trong một giáo phận có lãnh thổ hiểm trở và miền núi, khó tiếp cận hàng trăm ngôi làng biệt lập, nơi sinh sống của các cộng đồng thuộc ba nhóm bộ tộc chính, phụ nữ có một vai trò đặc biệt trong cộng đồng Giáo hội. Đức cha Wilbert Marwein giải thích: “Nhiều nữ giáo lý viên truyền giáo và lãnh đạo các cộng đồng vùng sâu vùng xa, tổ chức đời sống mục vụ tại các giáo xứ, hiện diện và hoạt động tích cực trong các hội đồng mục vụ. Giáo hội của chúng tôi chắc chắn là một Giáo hội có khuôn mặt nữ tính và không có sự ‘cạnh tranh’ với công việc của các linh mục. Sự hiện diện và tầm quan trọng của phụ nữ cũng có thể được nhìn thấy qua số lượng và công việc của các dòng tu nữ: Hàng ngàn nữ tu làm việc tông đồ với sự cống hiến tích cực cho những người nghèo nhất, thường là tại các trường học trực thuộc các giáo xứ, và được người dân đánh giá cao, vì nhìn thấy ở các nữ tu này những người phụ nữ tràn đầy tinh thần và sức sống, có đời sống cầu nguyện và năng động”.

Chính vì thực tế này mà mối quan hệ thiêng liêng của các tín hữu địa phương với Đức Trinh Nữ Maria thật đặc biệt và là một nhân vật gần gũi về mặt văn hóa và dễ hiểu đối với người dân, ngay cả đối với những người không biết chữ. Giám mục Nongstoin ghi nhận “tình yêu sâu sắc đối với Đức Mẹ, được đánh giá cao là người dẫn dắt đức tin của trẻ em đến với Chúa Kitô”, và vào tháng 10, đối với Giáo hội cũng là tháng Mân Côi, trong các gia đình Công giáo của giáo phận, kinh Mân Côi được cầu nguyện trong các gia đình. Đức Maria thực sự là Mẹ của chúng tôi, các tín hữu cảm thấy mình như con cái của Mẹ, được Mẹ yêu thương và bảo vệ”.

Nhờ sự dấn thân của phụ nữ, Giáo hội Công giáo ở đông bắc Ấn Độ đóng góp quan trọng vào việc xóa mù chữ, bệnh tật và nghèo đói, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của khu vực thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các công tác xã hội. Chẳng hạn chương trình phúc lợi do Giáo hội Nongstoin thúc đẩy nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, tiếp cận 40 cộng đồng xa xôi và chứng kiến các trung tâm chăm sóc sức khỏe Công giáo cải thiện điều kiện vệ sinh sức khỏe và thực phẩm tại 254 ngôi làng trong khu vực.

Hơn nữa, bằng cách đầu tư đáng kể nguồn nhân lực và vật chất vào giáo dục, các cơ sở giáo dục Công giáo nằm trong số những cơ sở giáo dục tốt nhất và được yêu cầu nhiều nhất trong tiểu bang. Ở Meghalaya, những người được hưởng lợi đầu tiên từ những hoạt động này là phụ nữ, những người sinh sống ở các trường học, cao đẳng và ký túc xá, trong khi các dòng tu ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục trẻ nữ, tích cực góp phần nâng cao phẩm giá, giải phóng và phát triển của họ, từ đó củng cố vai trò và địa vị xã hội của họ. Trong một vòng tròn đạo đức nơi phụ nữ là nền tảng của xã hội và cộng đoàn Giáo hội, mục tử của Nongstoin, thường đi đến những ngôi làng xa xôi nhất, trực tiếp trải nghiệm đức tin của Dân Chúa, những người được đồng hành và bảo vệ bởi các nữ giáo lý viên.

Đức cha kết luận: “Những hạt nhân nhỏ của các gia đình Công giáo cảm động khi một giáo lý viên, một linh mục hoặc một giám mục đến. Bằng việc dấn thân không e ngại phụ nữ làm chứng rằng Thiên Chúa là cha mẹ và tình yêu của Người đến với mọi người nam nữ trên trái đất này”.

Nguồn: vaticannews.va/vi