Hình ảnh: Giáo dân cầu nguyện cho Đức Phanxicô
Một người quen thuộc với Giáo triều nói: “Chúng tôi ở trong tình trạng báo động và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Đức Phanxicô từ nhiệm.”
Đức Phanxicô đã nói nhiều lần, với ngài “chức Thánh Phêrô là chức suốt đời,” tuy nhiên ngài không loại khả năng từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI đã mở đường. Trong các phỏng vấn, Đức Phanxicô cho biết khi về hưu ngài sẽ ở nhà các linh mục hưu dưỡng ở Rôma, làm cha giải tội ở Nhà thờ Đức Bà Cả. Cho đến nay, việc ngài từ nhiệm chỉ là suy đoán, ngài luôn cho biết, không có lý do gì để ngài từ nhiệm.
Nhưng ngài nằm bệnh viện đã ba tuần và chưa biết khi nào ngài sẽ xuất viện nên vấn đề từ nhiệm được đặt ra. Một người quen thuộc với Giáo triều nói: “Chúng tôi ở trong tình trạng báo động, chúng tôi không ngạc nhiên nếu ngài từ nhiệm.” Mọi lời nói đều tế nhị. Hồng y Gianfranco Ravasi nói với báo chí, cánh cửa đã mở, nhiều người đã không ngần ngại nói đã đến lúc chuẩn bị mật nghị – dù Hồng y Pietro Parolin, nhân vật số hai của Vatican đã bác bỏ những “suy đoán vô ích”.
Một tình huống “tế nhị” khi đề cập
Một chuyên gia Vatican cho biết tình trạng hiện nay rất tế nhị: “Căn bệnh của Đức Phanxicô kéo dài, nếu ngài bình phục, liệu ngài có tiếp tục các hoạt động thiết yếu không? Đây là cả một lo lắng.” Một chuyên gia nói tiếng Anh của Vatican lưu ý: “Không ai muốn quay trở lại tình trạng cuối triều của Đức Gioan-Phaolô II. Trong giai đoạn này, guồng máy của Giáo hội đã bị tác động rất nhiều.”
Nhà văn Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Phanxicô cho biết: “Trong tình huống phức tạp hiện nay, chúng ta chưa nắm được tiên lượng lâu dài, việc ngài ngồi xe lăn không phải là vấn đề. Sau Đức Bênêđíctô XVI, chúng ta không nên xem việc từ nhiệm là một tiền lệ, như thế tạo một truyền thống có thể làm cho các giáo hoàng tương lai bị áp lực khi họ lớn tuổi.” Đức Phanxicô cho biết, khi sức khỏe yếu và không thể chu toàn nhiệm vụ, ngài sẽ từ nhiệm vì lợi ích Giáo hội.
Khả năng từ nhiệm ở trong khuôn khổ luật Giáo hội
Tác giả Austen Ivereigh khẳng định: “Dù sao Đức Phanxicô hoàn toàn tự do, ngài không chịu một áp lực nào. Tự do là điều kiện để việc từ nhiệm được giáo luật xem là hợp lệ. Điều 332 quy định việc từ nhiệm phải được thực hiện một cách tự do và được nói lên rõ ràng.” Một chuyên gia giáo luật giải thích: “Đây là quyết định cá nhân và không ai áp đặt lên giáo hoàng. Nhưng còn một vấn đề tế nhị khác, đó là khả năng phân định. Nếu giáo hoàng không thể đưa ra quyết định, nếu ngài vẫn tiếp tục cai trị Giáo hội khi không còn khả năng thì sao?”
Luật của Giáo hội (điều 335) nêu lên trường hợp khi ngai tòa Phêrô “hoàn toàn bị cản trở”, nhưng trường hợp này vẫn là một “vùng xám”, chẳng hạn khi giáo hoàng không còn nói được, không còn cách nào để nói lên ý của mình. Đức Phanxicô dường như đã suy nghĩ trường hợp này theo nhiều cách khi năm 2013 ngài đã ký một thư ngài sẽ từ nhiệm khi ngài không thể tiếp tục chức vụ vì lý do sức khỏe. Nội dung chính xác của thư này chưa được công bố.
Trong bối cảnh này, một thông báo đã gây bất ngờ và tạo cho nhiều cách giải thích khác nhau. Từ Bệnh viện Gemelli, ngài quyết định triệu tập công nghị để phong các thánh nhưng chưa có ngày cụ thể. Chính trong một công nghị tụ họp các Hồng y mà Đức Bênêđíctô XVI đã tuyên bố ngài từ nhiệm và ngày ngài sẽ từ nhiệm. Đức Phanxicô có thể làm theo một cách khác không? Tác giả Austen Ivereigh thận trọng: “Theo giả thuyết, ngài nghĩ đến việc từ nhiệm, ngài tạo các điều kiện để hành động, nhưng không có nghĩa ngài sẽ làm như vậy: ngài để ngỏ khả năng này.”
Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn