Ở vùng núi Thái Lan, dọc biên giới với Miến Điện, cha Alessandro Brai, nhà thừa sai, làm việc bên cạnh trẻ em tỵ nạn, cố gắng tránh cho các em đi làm và cho các em học hành. Lao động trẻ em thường xuyên bị Đức Thánh Cha Phanxicô lên án, ngài coi đó là “tai họa của tuổi thơ bị sỉ nhục và bị bóc lột”.
“Chúng ta cảm thấy khó khăn khi nhìn thẳng vào mắt một đứa trẻ bị gạt ra bên lề, bị bóc lột và lạm dụng.” Hôm thứ Tư ngày 8/1/2025, trong bài giáo lý truyền thống vào Thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phẫn nộ trước việc bóc lột trẻ em, đặc biệt là qua lao động. Theo Liên Hợp Quốc, 160 triệu trẻ em, tức gần 1/10 trên thế giới, là nạn nhân.
Thông thường, vì nghèo đói mà trẻ em không có lựa chọn nào khác ngoài việc lao động để chu cấp cho nhu cầu của bản thân và gia đình. Chẳng hạn, tại các khu ổ chuột ở Bangkok, “rất nhiều người trong số các em vẫn ở bên ngoài, không đến trường và làm những công việc nhỏ như bán đồ hoặc giúp vận chuyển thiết bị hoặc thực phẩm”, cha Alessandro Brai cho biết.
Đến Thái Lan vào năm 2012 cùng các đồng nghiệp, trước tiên họ định cư ở KhlongToey, một trong những khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô Thái Lan. Năm 2023, vị linh mục gốc Sardinia tham gia sứ mệnh tại “Km 48”, dọc biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện.
Làm việc để chu cấp cho gia đình của các em
Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến vào tháng 2 năm 2021, gần 2 triệu người Miến Điện đã trốn khỏi đất nước để tỵ nạn ở Thái Lan. Cha Alessandro Brai giải thích: “Vì họ không có giấy tờ, các gia đình rất nghèo, nên họ cần tiền”. Nghèo đói đẩy trẻ em đi làm từ khi còn rất nhỏ.
Trong những gia đình đông con, người mẹ ở nhà chăm sóc con cái, lương của người cha không đủ. Nhà thừa sai cho biết: “Có rất nhiều công việc trên đồng ruộng và không có đủ người Thái làm việc đó, vì vậy trẻ em Miến Điện bị gia đình ép đi làm”.
Giáo dục, một cuộc đấu tranh hàng ngày
Đối mặt với nạn lao động trẻ em, cha Alessandro Brai khuyến khích các gia đình cho con đi học. Nhưng những đứa trẻ này, những người tỵ nạn ở Thái Lan, không thể được hưởng lợi từ giáo dục công lập, vì không có giấy tờ. Tuy nhiên, một số trung tâm học tập do các tổ chức phi chính phủ quản lý lại cố gắng dạy những kiến thức cơ bản về giáo dục cho giới trẻ. Tuy nhiên, số chỗ rất hạn chế. Các nhà truyền giáo dòng Xaverian cũng mở trường học riêng của họ vào năm 2022.
Lúc đó, cần phải thuyết phục phụ huynh để con họ ở trường. Cha Brai nói tiếp: “Điều chúng tôi cố gắng làm với các gia đình là nói chuyện với các bậc cha mẹ, cố gắng xem chúng tôi có thể giúp họ sống như thế nào khi con cái họ không đi làm”. Vì vậy, một số người cha được giáo xứ hoặc những người Công giáo khác thuê để mang lại một mức lương khá để đáp ứng nhu cầu của tất cả con cái họ.
Các nhà thừa sai cũng phải thuyết phục giáo viên ở lại bàn làm việc của họ. “Đôi khi, các giáo viên đi làm trong các cánh đồng, thay vì dạy học để kiếm thêm tiền cho gia đình”, Cha nhấn mạnh và đồng thời cố gắng trả mức lương xứng đáng cho các giáo viên tại trung tâm của mình.
Viện trợ từ các hiệp hội quốc tế
Một số hiệp hội làm việc với những người tỵ nạn Miến Điện đang sống trong nghèo đói, chẳng hạn như Enfants du Mékong, bằng cách gửi tình nguyện viên và quyên góp. Cha Alessandro Brai nhận và phân phát số tiền viện trợ này “cho việc học tập của trẻ em, nghĩa là mua đồng phục, đồ dùng cũng như thực phẩm, vì thường những thứ chúng cần là thức ăn”. Do đó, ngài tiến hành giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng số tiền này được sử dụng để cải thiện việc giáo dục trẻ em.
Cha Alessandro Brai, giống như các đồng sự của mình, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ cung cấp nền giáo dục tốt nhất có thể cho trẻ em, mặc dù ngài nhận thức được sự mênh mông của nhiệm vụ ở khu vực miền núi phía tây bắc Thái Lan này: “Có hàng nghìn, hàng nghìn người đang cần được giúp đỡ, bởi vì nhiều gia đình đã tỵ nạn ở đó trong một thời gian dài và ngày càng có nhiều gia đình đến đây”.
Tý Linh
(theo Jean-Benoît Harel – Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net