- Lời Chúa:
“Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc 1, 23)
Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần”.
- Suy Niệm
Hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam đã trải qua 300 năm bách hại, cấm cách, tù tội. Cha ông chúng ta cam chịu cuộc bắt bớ cấm cách trăm bề khổ nhục, bất chấp đầu rơi, máu đổ một lòng trung kiên, trở nên các vị chứng nhân anh dũng đức tin đã lấy máu đào minh chứng cho tình yêu Chúa trên mảnh đất quê hương đất Việt thân yêu. Các ngài sống theo Lời Chúa hôm nay mời gọi, ý thức ơn gọi Ki tô hữu, trở thành người môn đệ trung tín của Đức Giê-su, từ bỏ mình và vác lấy thập giá mình bước theo Chúa. Đây chính là điều mà các vị tử đạo đã bất chấp dù đầu rơi, máu đổ, dù đòn vọt hay dụ dỗ, mặc tra tấn với muôn nhục hình ghê rợn vẫn một lòng trung thành “cho đến hết hơi cho đến trọn đời luôn giữ nghĩa cùng Đức Kitô”.
Sử gia Tertullien đã viết: “Máu của Các Tử Đạo là hạt giống phát sinh Kitô hữu.” Là những kitô hữu, không phải hôm nay ôn lại những trang sử hào hùng để tự hào, nhưng nhìn vào gương sáng các Ngài dám sống đáp trả tình yêu Chúa bằng chính cả cuộc đời, bằng chính cái chết, nhìn những con số tử đạo: “15 linh mục Việt nam, 340 thầy giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. Đó là con số được ghi nhận, nhưng thực tế theo ước tính số Giáo dân hy sinh vì Đạo phải lên tới hơn 300.000 người.” Họ là ai? “Từ đau khổ lớn lao mà đến họ đã giặt áo trong máu con chiên.” Những người anh dũng trong đức tin, mạnh mẽ kiên cường chịu đựng, sống trọn tình vẹn nghĩa, với Chúa, với Giáo hội, với quê hương và dân tộc mình. Các ngài đã sống như Chúa đã yêu: “Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu.” (Ga 15, 13). Nhìn mẫu gương các thánh để bước đi trung thành trong hành trình đức tin nơi dương thế.
Chúa Giê-su đã khẳng định: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 1, 25) và Ngài cũng đưa ra nghịch lý của Tin Mừng: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 1,24). Giữa một thế giới đề cao những giá trị vật chất, tôn thờ cá nhân chủ nghĩa sống vô cảm, thì dường như tử đạo được nhìn xa hơn trên một diện rộng và đòi hỏi người kitô hữu phải sống tận căn hơn những giá trị của Tin Mừng. Dám chấp nhận lội ngược dòng để sống triệt để căn tính Tin Mừng, đó là: sẵn sàng bảo vệ công lý, chống lại bất công, đứng về phía người thấp cổ bé họng, cô thế, cô thân, người bị loại ra bên lề xã hội dám bênh vực và lên tiếng thay cho họ khi bị tước đoạt. Tử đạo ngày nay còn là lựa chọn để sống vượt qua cám dỗ lôi cuốn hấp dẫn thời đại, khuynh hướng của xã hội, tiền bạc, danh vọng. Giáo hội cần “nhân chứng sống” ngay trong đời thường từ lòng khiêm tốn, chân thật, kiên nhẫn, vị tha, cảm thông sống đức tin và lòng Tín-Trung với Chúa.
- Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Ước gì khi suy gẫm Lời Chúa trong ngày mừng kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, chúng con đáp lời mời gọi, theo gương các ngài để sống tinh thần tử đạo liên lỷ qua những chọn lựa lớn nhỏ trong đời sống hằng ngày, hầu giữ lòng trung tín với ơn gọi làm môn đệ của Chúa Kitô. Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng đã hy sinh mạng sống. Xin cho hạt giống Đức Tin mà Chúa đã gieo vãi trên cánh đồng truyền giáo tại quê hương, qua các ngài, ngày một lớn mạnh và trổ sinh hoa trái dồi dào. Amen.
- Quyết Tâm:
Thực hành một việc lành cụ thể để tạ ơn Chúa.