- Lời Chúa
1 Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su : “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !” 3 Người đáp : “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
- Suy niệm
Ngày Sa-bát (Sabbatum; Sabbath) là ngày thứ bảy, cũng còn gọi là ngày Hưu lễ, ngày cuối tuần theo lịch Do Thái giáo. Đây là ngày kiêng việc xác (Xh 20,8). Thánh Kinh mô tả ngày Sa-bát như là dịp nhắc nhớ công trình tạo dựng của Đức Chúa (Xh 20,11) và việc Ngài giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai Cập (Đnl 5,15). Ngày Chúa Nhật khác với ngày Sa-bát cả về thời gian, ý nghĩa lẫn mục đích.
Vào một ngày Sa-bát, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đi ngang qua cánh đồng lúa. Các môn đệ đói và đã bứt bông lúa để ăn, một hành động mà những người Biệt phái đã coi là vi phạm luật lệ. Qua đó, Chúa Giêsu đã giải thích bản chất của ngày Sa-bát. Theo truyền thống Do Thái, Sa-bát là ngày được Thiên Chúa thiết lập để con người có thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng, tưởng nhớ về công trình sáng tạo của Chúa và sống kết hợp với Ngài cách thâm sâu, hầu kín múc nguồn sức mạnh cho hành trình đức tin. Sa-bát không phải là ngày để trở thành gánh nặng cho con người, mà là để phục vụ và nâng đỡ cuộc sống chúng ta. Những người Biệt phái đã áp dụng luật lệ một cách nghiêm khắc, nên họ đã không chấp nhận những gì Chúa Giêsu và các môn đệ làm.
Khi Chúa Giêsu nói: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”, Ngài đã mở ra một cái nhìn mới về mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Trong mối tương quan này, lòng nhân từ là điều Ngài muốn mời gọi chúng ta thể hiện trong đời sống. Lòng nhân từ không chỉ là một cách sống mà còn là bản chất của Thiên Chúa. Chúng ta được sinh ra để sống một cuộc đời không chỉ tuân theo những quy tắc, mà còn tiếp cận bằng trái tim biết cảm thông và yêu thương. Ngài nhắc chúng ta rằng những quy định tôn giáo không nên làm mất đi sự tự do và phẩm giá con người. Nhân từ phải đi trước hy lễ. Lòng nhân từ sẽ dẫn dắt chúng ta đến việc nhìn nhận nhu cầu của người khác, thay vì chỉ quan tâm đến việc giữ luật.
Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi con nhìn lại thái độ và cách hành xử của con với tha nhân. Trong cuộc sống, có những lần con quên rằng con được sinh ra trong tình yêu quan phòng của Chúa, và con được mời gọi để biểu lộ lòng nhân từ và yêu thương đối với tha nhân.
- Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con hiểu rằng tình yêu và lòng nhân từ của Chúa là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Xin cho con biết sống tự do trong ánh sáng của lòng thương xót, và đừng để những quy định hay luật lệ làm con xa lánh những ai đang cần sự bao dung và nâng đỡ của mình.
Lạy Chúa, ngày hôm nay trái tim con khao khát được sống trong tình yêu và sự nhân từ. Xin mở lòng con để con hiểu rằng luật lệ chỉ là phương tiện giúp con gần gũi với Chúa và phục vụ anh chị em xung quanh. Xin cho con luôn biết đặt mình vào vị trí của tha nhân, để hiểu những vất vả và nhu cầu của những ai con gặp gỡ. Xin giúp con sống không chỉ bằng lý trí mà còn bằng trái tim, để đem lại sự an ủi và yêu thương mà con nhận được từ Ngài cho tất cả những ai con gặp gỡ. Amen.
- Quyết tâm
Thực hành những nghĩa cử yêu thương trong ngày sống.