- Lời Chúa:
45Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”
47Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.
- Suy niệm:
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19,46)
Chúa Giêsu bước vào đền thờ Giêrusalem, ngài thấy cảnh buôn bán đổi chác hỗn độn diễn ra trong đền thờ: chiên bò, bồ câu, tiền bạc và những thứ lễ vật dùng để dâng cúng…. Chúa không ngần ngại đuổi tất cả người và vật ra khỏi đền thờ, bởi vì những người này lợi dụng Nhà Chúa để buôn bán đổi chác sinh lợi, làm nhơ uế nhà Chúa, chứ không phải thành tâm yêu mến Chúa. Họ biến đền thờ thành “hang trộm cướp”. Đứng trước cảnh tượng này, Chúa Giêsu quyết định làm một cuộc thanh tẩy tận căn để trả lại ý nghĩa đích thực của nơi thờ phượng.
Từ thuở thiếu thời, Chúa Giêsu cùng với Đức Maria và thánh Giuse lên đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 2,49). Ngài ở lại nhà Cha để được nghe công bố Lời Chúa và nghe giải thích Lời Chúa. Khi bước vào hành trình sứ mạng Chúa Cha trao phó, thánh sử Luca minh định: “Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ” (Lc19,47). Thế nhưng, đền thờ đã bị thương mại hóa bởi chủ nghĩa thế tục, của một hệ thống lễ vật do các thầy kinh sư, các tư tế chủ trương, làm hoen ố sự thánh thiêng của đền thờ.
Đền thờ vật chất bên ngoài dù được xây dựng bằng chất liệu gì chăng nữa, gỗ thơm đá quý, dù rất kiên cố với những họa tiết tinh tế sắc sảo, xa hoa lộng lẫy, lớn hoặc nhỏ, hay đơn sơ chỉ là vách bạt mái tôn; một khi đã được thánh hiến, dành riêng cho việc thờ phượng, sẽ trở thành Nhà Chúa, là Thân thể Chúa Kitô, là nơi hiệp thông cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, là trung tâm đời sống đức tin của cộng đoàn kitô hữu.
Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại thái độ của chính mình khi ta hiện diện ở những nơi thờ phượng. Đến vì một bổn phận, một thói quen thiêng liêng phải thi hành, chỉ để gặp gỡ, thậm chí ngồi phía bên ngoài, toan tính những công việc mà ta sắp làm… Lời khiển trách của Chúa Giêsu về thái độ vụ hình thức của chúng ta: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì xa Ta” (Mt 15,8)
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội được thánh hiến và trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa. Đây là một hồng ân lớn lao. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy” (1Cor 6,9). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng ao ước bước vào ngôi thánh đường thiêng liêng là chính tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta, cảm xúc và ước muốn của chúng ta. Sự gì đã và đang diễn ra trong tâm hồn ta? Việc thờ phượng của chúng ta không chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài. Lòng đạo đức qua kinh nguyện, dâng cúng, hành hương, tham gia các hội đoàn…Tất cả như là phương thế để diễn tả cái cốt yếu chính là thái độ sống nội tâm của chúng ta kết hợp với Chúa của một con người cầu nguyện, bác ái yêu thương, hy sinh từ bỏ, mến Chúa yêu người.
- Cầu nguyện:
Lạy Chúa, cuộc sống đầy dẫy những cám dỗ, không ngừng đặt chúng ta trong sự lựa chọn đối lập giữa lãnh nhận và cho đi, giữa tiền tài vật chất và Thiên Chúa, thế tục và thiêng liêng, giữa phù vân tạm bợ và sự sống vĩnh cửu. Xin ân sủng Thần Khí Chúa thanh tẩy trí lòng con, tái tạo và biến đổi tâm hồn mỗi người chúng con cho xứng hợp với thánh ý và tình thương của Chúa; giúp chúng con sáng suốt, thẳng thắn đối diện với lương tâm con trong sự phân định ý Chúa xuất phát từ lòng tin cậy và yêu mến Chúa.
- Quyết tâm
Trở nên đền thờ sống động: “sống thuộc về Chúa qua sự hiến thân phục vụ tha nhân”