- Lời Chúa: Lc 9, 18-22
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.
2. Suy niệm
“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” – “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại giây phút Thánh Phêrô tuyên xưng Đức Tin của mình vào Đức Giêsu, là Đấng Kitô của Thiên Chúa.Với hai câu hỏi rõ ràng của Chúa Giêsu
Câu hỏi thứ nhất Chúa Giêsu hỏi: Người ta nói Thầy là ai? Dân chúng lúc bấy giờ nhận thức về Chúa Giêsu như một Gioan Tẩy Giả, hay một ngôn sứ, hoặc một tiên tri thời xưa đã sống lại. Họ xem Đức Giêsu không phải như những người bình thường nhưng có một chút khác biệt có khả năng giảng dạy, làm phép lạ, có khả năng xuất chúng hơn người. Cho đến ngày Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, hai môn đệ trên đường Emmaus vẫn cho rằng “Đức Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.” (Lc 24,15). Các môn đệ tường thuật lại những gì người khác nói một cách rất tự nhiên và dễ dàng. Điều này cũng thật hiển nhiên đối với mỗi chúng ta khi nói về người khác. Chúng ta thật thận trọng khi đưa ra những lời nhận xét về người khác trên mọi phương diện.
Câu hỏi thứ hai chúa Giêsu hỏi: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Một khoảnh khắc thinh lặng, trái ngược với hoạt động sôi nổi với câu hỏi thứ nhất, lần này các môn đệ chọn cách im lặng. Vẫn là Phêrô lên tiếng “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”, một câu trả lời đầy xác tín, đầy đủ, rõ ràng, và đương nhiên cũng phải mang một chiều sâu của mối tương quan với Đức Giêsu.
Tuy nhiên, với câu trả lời ấy, Đức Giêsu, hơn ai hết, thấu hiểu được lòng trí của các môn đệ, Đấng Kitô của Thiên Chúa, mà các môn đệ hiểu có khi vẫn còn rất nông cạn, chưa đầy đủ ý nghĩa, và chưa thể cưu mang trọn vẹn ý nghĩa Cứu Độ mà Thiên Chúa muốn truyền tải nơi Đức Kitô. Vì vậy, Ngài nghiêm cấm các ông không được nói điều đó. Đấng Kitô của Thiên Chúa là Đấng phải chịu nhiều đau khổ, chịu chết và sống lại.
Thiên Chúa vẫn luôn là một mầu nhiệm không ai có thể làm sáng tỏ hoặc thấu hiểu hết được. Hôm nay, chúng ta nghe câu hỏi của Chúa Giê-su nói với mỗi người chúng ta: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta, và mỗi người phải đưa ra câu trả lời, không phải là lý thuyết, nhưng một câu trả lời liên quan đến đức tin, tức là cuộc sống, bởi vì đức tin là cuộc sống!
Ngài là ai đối với tôi? Và Ngài là ai đối với bạn? Câu trả lời có thể Ngài là bạn? là Thầy? là người đồng hành? Là trung tâm? Là lựa chọn? là mục tiêu? Là cùng đích?… trong cuộc sống chúng ta, chúng ta cần xây dựng một mối tương quan sâu xa với Chúa trong mỗi ngày sống qua thinh lặng và nguyện cầu, qua phân định và lựa chọn. Để rồi, cuối cùng chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa như Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải về một hình ảnh Thiên Chúa do chính chúng ta tự xây dựng nên (Dấu vết Thiên Chúa – Marcel Neusch). Câu trả lời mà chúng ta phải có mỗi ngày để hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống.
3. Cầu nguyện
Lạy Chúa, theo Chúa là một hồng ân, nhận biết Chúa mỗi ngày là một ân ban. Xin cho chúng con mỗi ngày sống luôn biết quay về với chân lý: Chỉ một mình Chúa! Được cắm rễ sâu xa trong Đức Kitô, ý thức Ngài là trung tâm cuộc sống của mỗi người chúng con, để hình ảnh Đức Kitô trở nên sống động giữa thế giới hôm nay.
4. Quyết tâm: Xác tín Thiên Chúa là trung tâm cuộc đời của tôi trong mọi quyết định chọn lựa.