Suy Niệm Về Ơn Cứu Độ Qua Lăng Kính Của Dostoevsky

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29)

Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821-1881) được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất mọi thời đại. Các tác phẩm của ông khắc họa sự bí ẩn bất khả thấu hiểu về con người khi đứng giữa thiện và ác. Những câu hỏi lớn về đạo đức và tôn giáo, chẳng hạn như ý chí tự do và sự hiện hữu của Thiên Chúa, là trọng tâm của bốn tiểu thuyết vĩ đại của ông, bao gồm: Tội Ác và Hình Phạt (1866), Chàng Ngốc (1869), Ác Quỷ (1871) và Anh Em Nhà Karamazov (1880).

Sức hút trong phong cách viết của Dostoevsky thật là đáng nể. Dưới hình thức tự sự, ông lại có thể giải quyết những câu hỏi thần học căn bản. Theo đó, ông đưa ra một quan điểm thần học về cuộc sống, giúp mở ra nhiều chân trời để suy ngẫm. Vì thế, các tác phẩm của ông có thể cung cấp chất liệu cho những suy tư về một khái niệm thần học cơ bản như “ơn cứu độ”. Đây là một chủ đề trọng tâm của Kitô giáo, ơn cứu độ không thể được định nghĩa một cách giáo điều bởi tính phức tạp của nội hàm mà khái niệm này muốn diễn tả.

Do đó, với khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng truy nguồn một số dòng suy ngẫm về chủ đề này khởi đi từ một số tác phẩm của nhà văn người Nga này dưới hai góc nhìn mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây. Trước hết, chúng ta sẽ cố gắng khám phá chiều kích cứu độ như là hoa trái sự hiền lành của Chúa Kitô, được tỏ lộ nơi cái nhìn thương xót của Người đối với hết thảy mọi người. Sau đó, chúng ta sẽ tập trung vào một khía cạnh đằng sau những tự sự của tác giả; đó là liệu chúng ta có thể nói về con đường cứu độ cho đọc giả của Dostoevsky không?

Đây là một hành trình gồm ba giai đoạn. Chúng ta sẽ bắt đầu từ hình tượng Chúa Giêsu khi Người xuất hiện trong một số tác phẩm của Dostoevsky. Sau đó, chúng ta sẽ chuyển sang nhân vật chính tưởng như giống Chúa Kitô trong tác phẩm “Chàng Ngốc” của ông. Và cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa hai nhân vật chính trong tác phẩm “Tội Ác và Hình Phạt”, đó là Sonya và Raskolnikov.

Chúa Kitô dưới cái nhìn của Dostoevsky

Để hiểu quan điểm tôn giáo của Dostoevsky, chúng ta nhất định phải xem xét mối quan tâm của ông đối với bản vị của Chúa Kitô. Về vấn đề này, chúng ta không thể bỏ qua một trong những tự sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhà văn Nga này. Đó là trích đoạn của một bức thư đầy cảm động ông viết ngay khi được thả khỏi Siberia sau 9 tháng nằm tù trong hầm pháo đài Petropavlovskaya. Đoạn tự sự như sau:

“Tôi đã phải chịu bao nhiêu đau khổ khủng khiếp vì lòng khao khát đức tin và tôi vẫn đang tiếp tục chịu đựng nó, đức tin ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn trong tâm hồn mỗi khi tôi muốn nghĩ ra những lý lẽ chống lại nó! Nhưng đôi khi Chúa ban cho tôi những khoảnh khắc thật thanh thản. Trong những khoảnh khắc ấy, tôi muốn yêu thương tha nhân và cảm thấy được thương yêu. Và chính những lúc ấy, tôi đã khám phá ra bên trong mình một biểu tượng của đức tin mà ở đó mọi thứ đều rất thân thương và thánh thiêng đối với tôi. Biểu tượng này rất đơn giản, đó là: tin rằng không có gì đẹp hơn, sâu sắc hơn, dễ chịu hơn, hợp lý hơn, mạnh mẽ hơn và hoàn hảo hơn chính Chúa Kitô […]. Chừng đó vẫn chưa đủ; nếu người ta chứng minh rằng Chúa Kitô liên quan gì tới chân lý, hoặc nếu chân lý chẳng lệ thuộc vào Chúa Kitô. Tôi thà ở lại với Chúa Kitô còn hơn ở lại với chân lý.” [1]

Đoạn tự sự này minh chứng cho đức tin của Dostoevsky vào Chúa Giêsu, Đấng được cho là hiện hữu thực sự  nơi mà vẻ đẹp huy hoàng của con người được tỏa sáng, một vẻ đẹp phát sinh “sự bình an đích thực.” Đó là sự hiện hữu đụng chạm đến đầu óc và trái tim con người, cũng như thu hút người ta đến với tình yêu cứu độ.

Trước khi thảo luận về hai nhân vật tượng trưng giống Chúa Kitô là Hoàng tử Myshkin và Sonya, chúng ta có thể quan sát sơ qua cách Chúa Giêsu được miêu tả trong tác phẩm “Truyền thuyết về Quan thẩm tra”, câu chuyện mà Ivan kể cho anh trai mình là Alyosha trong tác phẩm “Anh em nhà Karamazov”. Một bức chân dung mang tính cá vị về Đấng Cứu Độ lộ ra nơi những đặc điểm cốt yếu của Myshkin và Sonya.

Trong câu chuyện, Chúa Giêsu trở về Trái đất, đến Seville, vào thời điểm cuộc điều tra đang diễn ra và bị bỏ tù như một kẻ dị giáo. Một vị Hồng y – chính là quan điều tra viên được đề cập trong tiêu đề của câu chuyện – đến thăm Chúa Giêsu vào ban đêm và hỏi Ngài về giá trị của sự tự do nơi con người. Với những lập luận sáng suốt, vị Hồng y lên án rằng: bởi sự yếu đuối của mình con người không thể quản lý được một món quà vô giá là tự do đó nếu thiếu vắng tình yêu. Vị Hồng y tuy nói dài dòng nhưng rất thuyết phục. Trong các lập luận của ông, người ta tìm thấy không thiếu những quan sát đầy dí dỏm, chúng không chỉ có giá trị ở quá khứ nhưng còn có hiệu lực ở hiện tại, chúng rất đáng để suy gẫm. Tuy nhiên, ở đây chúng ta quan tâm đến câu trả lời của Chúa Giêsu. Ngài giữ im lặng trong suốt bài phát biểu dài dằng dặc của vị Hồng y, đồng thời ngoan ngoãn lắng nghe những lời lẽ ghê gớm của đối phương; cuối cùng, Ngài vẫn giữ im lặng, ngài đứng dậy và hôn ông cách nhẹ nhàng.

Như Ivan nhấn mạnh ở cuối câu chuyện của mình, nụ hôn của Chúa Giêsu cháy bỏng trong trái tim của quan điều tra viên. Liệu đây có phải là khởi đầu khả thi cho con đường cứu độ, trong đó tự do của con người (trọng tâm của cuộc độc thoại giữa điều tra viên và Chúa Giêsu) và khả năng lựa chọn dựa trên một viễn tượng nào đó về nhân loại và về thế giới được cụ thể hóa bằng một hành động có sức mạnh hơn bất kỳ lập luận nào lại có thể đảo lộn toàn bộ cuộc sống của người đó chăng? Vẻ đẹp gây hoang mang của cử chỉ này không chỉ không thách thức người đọc, nó còn làm bừng cháy lên nơi tâm hồn những suy ngẫm về chuỗi khả thể của các phương án khác như trả thù hoặc bạo lực.

Ngay cả trong những tình huống tuyệt vọng nhất, một cử chỉ yêu thương không tính toán có thể mở ra những khả thể cứu độ, mở ra một hành trình được đánh dấu bằng tình yêu, hòa bình và hòa giải mà thoạt nhìn có vẻ là không thể.

Chúng ta sẽ thấy những cử chỉ tử tế tương tự có thể được hiểu là phản ứng trước lời mời gọi của Tin Mừng là “hãy yêu thương kẻ thù” nơi hành động của Hoàng tử Myshkin và Sonya. Rốt cuộc, trong cách phác họa của Dostoevsky, chúng ta có thể thấy ở họ một thái độ cam chịu của Chúa Kitô trong suốt cuộc khổ nạn của Người.

Với lăng kính này, toàn bộ tác phẩm của Dostoevsky phác thảo những câu trả lời khả dĩ cho mầu nhiệm của sự dữ. Thật đáng buồn khi thế giới này, những cử chỉ đó làm tỏa sáng vẻ đẹp của Chúa Kitô, và lời mời gọi của Người là đứng về phía Người trong những giằng xé nội tâm khi muốn chống lại Người. Rõ ràng là với một sự thụ động của Người, câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy sức mạnh của sự mở ra cho tha nhân với đầy niềm tin tưởng. Nó còn cho chúng ta thấy một con đường của vẻ đẹp uyên nguyên, của một cuộc vinh thắng trước sự dữ. Vì thế, chúng ta có thể nếm trải ơn cứu độ bằng cách để mình được đụng chạm bởi sự kỳ diệu này, một trạng thái bừng cháy trong tâm hồn và khiến người ta không nói nên lời; đó có thể là khoảnh khắc đầu tiên của một hành trình hoán cải để hướng tới cuộc sống trong Chúa Kitô.

Hoàng tử Myshkin, một phác họa về Chúa Kitô

Trong số các tác phẩm của Dostoevsky, “Chàng Ngốc” là một tiểu thuyết bao gồm tất cả các chủ đề chính yếu của ông. Trọng tâm của nan đề mà ông muốn đưa ra là nghịch lý của sự tồn tại. Nan đề này liên quan đến một trò chơi trốn tìm giữa thiện và ác, giữa cái đẹp và nỗi kinh hoàng, trong đó Hoàng tử Myshkin – là chính “kẻ ngốc” trong tiêu đề của câu chuyện – gợi lên một tia sáng kinh hoàng nhưng lại lôi cuốn. Trở về St. Petersburg từ một bệnh viện điều dưỡng Thụy Sĩ, chàng Hoàng tử Myshkin hiền lành và trắc ẩn thấy mình bị cuốn vào mối tình tay ba giữa hai người phụ nữ ở hai thái cực đối lập của xã hội. Aglaya là một nữ quý tộc trẻ đẹp còn Nastasya lại là hiện thân của người phụ nữ sa ngã. Natasaya là vợ lẽ của một kẻ quý tộc tên là Totsky, người đã ngược đãi cô từ khi cô còn nhỏ. Cô đại diện cho người phụ nữ lạc lối, không thể cứu vãn được vì một “tội” được gán cho.

Với lòng trắc ẩn, Myshkin đã chọn Nastasya giữa hai người phụ nữ. Nhận thức được lòng tốt khôn vời của hoàng tử, cô đã do dự rất lâu trước quyết định có chấp nhận tình yêu của chàng hay không. Cuối cùng, cảm thấy mình không xứng đáng với chàng hoàng tử nên cô trao thân cho Rogozhin (một nhân vật mơ hồ, chàng trai túng nghèo con của một thương gia giàu có). Khi Rogozhin phát hiện ra sự thật về các lựa chọn của cô thì phát điên vì ghen tuông và đã giết cô. Rồi tới lượt hoàng tử Myshkin, khi đối diện với thi thể của người phụ nữ bị sát hại thì rơi vào trạng thái điên loạn bởi tuyệt vọng.

Lấy cảm hứng từ dung mạo của Chúa Kitô, Dostoevsky muốn thể hiện nơi chàng hoàng tử vẻ đẹp uyên nguyên của một tâm hồn. Lòng tốt nơi anh rọi sáng vào một thế giới mà những đam mê mãnh liệt nhất của con người phải vật lộn với sự thuần khiết mong manh và trong sáng. Trong bối cảnh của cuốn tiểu thuyết, Myshkin xuất hiện trong vai trò vừa là kẻ tước đoạt vừa là kẻ bị tước đoạt. Trên thực tế, phép biện chứng phong phú được đưa ra bởi sự kết hợp của hai thuật ngữ “tước đoạt” và “bị tước đoạt”. Nó có thể được xem là nút thắt quan trọng nhất để nhấn mạnh sức mạnh cứu rỗi của nhân vật hoàng tử. Anh ta sở hữu hai đặc điểm quan trọng. Trước hết là khả năng nhìn thấy lòng tốt nguyên bản nơi con người ở khắp mọi nơi. Niềm tin tưởng vô hạn của anh ta vào con người cho phép anh ta nhận biết và thấu hiểu đối phương bằng một lòng tốt không kèm theo sự phán xét phần sâu thẳm nhất của tâm hồn. Điều này phản chiếu tình yêu của một vị Thiên Chúa với ánh mắt đầy thương xót luôn mở lòng chào đón và tha thứ. Thứ đến, chính nơi bộ dạng ngây thơ và lòng tốt nguyên bản của anh, những người khác có thể phản tỉnh để hiểu rõ hơn về bản thân mình về những điều được phơi bày trong sự nhỏ nhen của chính họ. Các nhân vật chính của tiểu thuyết không phải lúc nào cũng phản ánh “tính cách tựa như Chúa Kitô” này. Đôi khi họ bị thu hút bởi tính cách đó; đôi khi họ bị chính tính cách đó cự tuyệt.

Lòng tốt đích thực của Chúa Kitô soi sáng và đồng hành cùng các nhân vật, giúp họ nhìn thấy bản thân mình một cách rõ ràng; và đó là bước đầu tiên để chấp nhận chân lý của Chúa nơi cuộc sống của họ. Đó là một thái độ giống Chúa Kitô cách sâu sắc như những gì được tỏ lộ trong câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp nhắc nhở chúng ta (Ga 4: 5-42).

Trước khi xem xét vai trò cứu rỗi của chàng hoàng tử một cách chi tiết hơn, chúng ta cần chú ý và ngầm hiểu với nhau rằng: Hoàng tử Myshkin không phải là bức chân dung văn học về Chúa Kitô, cũng như đã đề cập trước đó về  nhân vật chính trong cuốn “Quan Điều Tra Viên”. Cả suy nghĩ lẫn hành động của ông đều không ám chỉ cách minh nhiên đến Chúa Giêsu, cũng như trường hợp của nhân vật Sonya trong tác phẩm “Tội Ác và Hình Phạt”. Trong tác phẩm “Chàng Ngốc”, Dostoyevsky cho phép chúng ta cảm nhận được một phần nào đó về con người của Chúa Kitô. Ví dụ, sự dịu dàng của nhân vật chính có khả năng mang lại ánh sáng và chân lý cho những người đối diện, mặc dù không cần phải nhắc đến tên của Chúa Giêsu một cách rõ ràng. Đây là điều cốt yếu để hiểu được giá trị “chưa trọn vẹn” của vai trò cứu rỗi của nhân vật chính trong chuyện, không giống như trong tác phẩm “Tội Ác và Hình Phạt”, phần kết không phải là một sự phục sinh vinh quang.

Để hiểu rõ hơn giá trị thần học của một suy niệm về ơn cứu độ dựa trên tiểu thuyết này, giờ đây chúng ta sẽ xem xét cách vắn gọn biểu tượng của Hoàng tử Myshkin trong vai trò “vị cứu tinh hiền lành và khiêm nhường” trong tương quan với ba khái niệm quan trọng của của Mầu Nhiệm Vượt Qua; đó là: hy sinh, chuộc tội và đền bù.

Sự hy sinh của Hoàng tử Myshkin

Chúng ta có thể bắt đầu suy ngẫm về vai trò cứu chuộc của nhân vật này trong tác phẩm “Chàng Ngốc” bằng cách diễn giải những theo thuật ngữ thần học mà có thể hiểu là “sự hy sinh” của anh. Để làm được điều này, chúng ta cần phác thảo cách ngắn gọn ý nghĩa sâu sắc của thuật ngữ này theo quan điểm Kinh thánh. Sự hy sinh nói về một trải nghiệm liên quan đến ý nghĩa sâu sắc nhất của sự tồn tại và tương quan của nó với đấng thần linh.

Theo tiếng Latinh, từ “hy sinh”(sacrum facere), có nghĩa là “làm cho nên thánh thiêng”: từ bỏ một cái gì đó để dâng cho thần linh. Bằng cách từ bỏ một cái gì đó thuộc về chúng ta, chúng ta nhận ra sự tồn tại của một thế lực lớn hơn chính chúng ta và “phục tùng” thế lực ấy. Sự hy sinh của Chúa Kitô có thể được coi là sự dâng hiến sự sống của mình cho Chúa Cha vì nhân loại. Bằng hành động tự do lựa chọn của mình, Người “thánh hóa” sự tồn tại vốn được xem là việc thừa nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào một Thiên Chúa tình yêu – Đấng là nguồn gốc và mục đích cuối cùng của mọi sự sống. Và chúng ta chỉ có thể tìm thấy sự thành toàn của sự sống ấy trong việc phục vụ anh em, ngay cả khi hiến dâng trọn vẹn bản thân mình.[2]

Chúng ta có thể thấy cuộc sống của Hoàng tử Myshkin như một sự tồn tại được dành cho tha nhân, những người mang một phẩm giá siêu việt, có giá trị thách thức chính hữu thể của anh ta. Anh ta không ngần ngại từ bỏ khả năng có một cuộc sống gia đình hạnh phúc với Aglaya, người mà anh ta yêu, để kết hôn với Nastasya, người mà anh ta cảm thấy thương cảm. Đó là một sự hy sinh thể hiện mong muốn thiêng liêng là trao tặng tình yêu và cuộc sống của mình để mang lại phẩm giá mới cho một người phụ nữ mà cuộc sống của cô đã bị tổn hại không thể cứu vãn.

 Sự chuộc tội của Hoàng tử Myshkin

Sự chuộc tội có thể được coi là thái độ đạo đức của tội nhân chấp nhận hình phạt để chuộc lại tội lỗi của mình; bởi đó, điều quan trọng ở đây là phải nhìn dưới góc độ của tương quan. Với nhãn quan này, chúng ta có thể diễn giải thái độ và hành động của những người chuẩn bị chuộc tội như một hình thức cầu nguyện, một lời cầu xin tha thiết để được tha thứ. Do đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn yêu cầu của Chúa trong Cựu Ước khi truyền cho Aaron thực hiện hy lễ chuộc tội cho tội lỗi của con cái Israel (Lv 16:16). Điều này cho phép chúng ta coi sự chuộc tội là cơ hội mà Chúa trao ban để thực hiện một hành động nhằm khôi phục lại mối tương quan với Ngài một cách trọn vẹn.[3]

Vậy thì có thể cắt nghĩa sự hy sinh của Hoàng tử Myshkin theo những thuật ngữ này. Động lòng trắc ẩn đối với một người phụ nữ bị tổn thương, chúng ta có thể nhận ra trong cử chỉ yêu thương của anh là một ước muốn cho cô gái xấu số kia một cơ hội, nỗ lực yêu thương để khôi phục lại phẩm giá cho một tạo vật được dựng lên là hướng tới hoàn hảo, nhưng nay lại bị lạc lối. Chính ở điều này mà chúng ta thấy được tính nhân văn hết sức đặc biệt của chàng hoàng tử. Trong số những người quen của người cô gái ấy, anh ta có vẻ là người duy nhất có “ánh mắt giống Chúa Kitô”, anh có khả năng thực hiện hành động của lòng trắc ẩn vô biên nhằm khôi phục lòng tốt ban đầu của Nastasya, cho phép cô tái lập một mối tương quan hài hòa với thế giới.

Tuy nhiên, có điều gì đó khá đặc biệt về trường hợp của Nastasya. Cô đã bị cưỡng hiếp, cô mang một vết nhơ mà bản thân không phải chịu trách nhiệm, và cô không thể tự giải thoát bằng nỗ lực của chính mình. Chúng ta có thể nói về một loại “tội tổ tông”, một vết nhơ phải được rửa sạch bằng mọi giá. Điều này dẫn chúng ta đến một khái niệm thứ ba cần thiết khi đề cập đến Mầu Nhiệm Vượt Qua, đó là sự đền bù.

Sự đền bù Hoàng tử Myshkin

Khái niệm đền bù giúp chúng ta hình dung vai trò của một người nào đó khi đặt mình vào vị trí của người khác, và giúp người kia đạt được sự cứu chuộc mà không thể đạt được bằng chính nỗ lực của họ. Theo nghĩa này, sự đền bù tìm cách thiết lập một sự hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và con người nhờ sự trao đổi và liên đới. Đứng trên quan điểm của Kitô giáo, chúng ta thấy cách Chúa Kitô đến gặp chúng ta  thế nào. Ngài đến chính nơi chúng ta đang ở với danh nghĩa là muốn liên đới với chúng ta, để giúp chúng ta đạt được điều mà tình trạng tội lỗi của chúng ta ngăn cản chúng ta làm điều này. Bằng việc biến chúng ta thành những người cộng tác với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã khôi phục cho chúng ta sự tự do mà những ai là con cái của Thiên Chúa được ban tặng. Người cho phép chúng ta tự do chào đón Người vào cuộc sống của mình, và bước vào mối tương quan mang tính cứu độ với Người. Người cũng đồng hành cùng chúng ta trong việc sống trọn vẹn khả năng yêu thương của mình.[4]

Trở lại với trường hợp của chàng hoàng tử, chúng ta nhận ra rằng, vì “sự ô uế ban đầu” của mình, Nastasya không thể tự mình đối phó với tình trạng của bản thân như một người phụ nữ bị tổn thương trong tuyệt vọng. Chàng hoàng tử cố gắng chuộc lỗi cho cô ấy, để cất đi gánh nặng cho cô. Nói cách khác, trong sự liên đới trọn vẹn với cô, Myshkin muốn đặt mình vào vị trí của cô, để gần gũi với cô nơi chính tình trạng của cô, thông qua quyết định kết hôn với cô và do đó chung chia số phận với cô. Nếu như một mặt chúng ta không giải quyết vấn đề đền bù hoàn toàn thì như chúng ta đã nói, chàng hoàng tử chỉ đảm nhận một số khía cạnh nhất định có nơi con người Chúa Kitô. Mặt khác, chúng ta có thể thấy qua việc hạ thấp địa vị của mình khi kết hôn với cô, một nỗ lực để mang cô theo mình và hơn nữa là thay thế cô để gánh một phần lỗi được quy gán cho cô mà chàng hoàng tử không có lý do nào phải chịu trách nhiệm. Anh ta cố gắng loại bỏ chướng ngại đã ngăn cản Nastasya yêu bản thân mình, không coi mình là một thụ tạo đáng được yêu và có khả năng yêu, như như những người khác.

Tóm lại, khi hy sinh khả năng có một cuộc sống gia đình hạnh phúc với Aglaya, chính tình yêu thương mãnh liệt đã khiến chàng hoàng tử đi đến quyết định kết hôn với Nastasya, đặt mình vào vị trí của cô – hay đúng hơn là ở bên cạnh cô – để cung cấp cho cô khả năng thoát khỏi tình trạng của một linh hồn lạc lối. Bằng cách chuộc tội cho cô vì “tội nguyên tổ” của cô, anh trao lại cho cô sự tự do cần thiết để bước vào mối hiệp thông sâu sắc với thế giới và bước vào con đường cứu rỗi vốn giúp cô sống trọn vẹn như một tạo vật được yêu thương.

Liệu chúng ta có thể thực sự nói về ơn cứu độ không?

Thực ra trong tiểu thuyết chẳng có người nào được cứu rỗi. Nastasya từ chối con đường cứu rỗi mà Myshkin đưa ra và đã kết hôn với Rogozhin, người đã giết cô. Khi phát hiện ra điều đó, chàng hoàng tử đã trở nên điên loạn. Tuy nhiên, đối với tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết “Chàng Ngốc”, sự hy sinh vẫn có ý hướng mang tính cứu rỗi.

Nhờ món quà là chính mạng sống của mình, chàng hoàng tử nhận ra nơi hoàn cảnh của Nastasya một thực tại thiêng liêng phổ quát: một người phụ nữ bị xâm hại và coi thường đã trở thành người mà anh ta có thể hy sinh bản thân mình.

Sau khi quan sát trường hợp của Myshkin, chúng ta có thể quay trở lại với Chúa Giêsu trong Tin Mừng để chiêm ngắm sự hy sinh của Chúa Kitô và cung cách Người bước vào cuộc khổ nạn từ một góc nhìn mới. Chúa Kitô ở đỉnh cao của sự đau khổ như một nạn nhân vô tội, với thái độ hiền lành, chấp nhận số phận của mình và khước từ mọi hình thức bạo lực. Điều này thậm chí còn phi thường hơn khi trên thập tự giá, Người vẫn tìm thấy sức mạnh để cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã gây ra cái chết của Người. Chúng ta có thể diễn giải động thái phi thường này dưới góc nhìn của lời mời gọi đầy thách thức mà người đã dạy các môn đệ khi sinh thời: Hãy yêu kẻ thù. Đây là một tư thế có khả năng tước vũ khí của những kẻ bách hại có ý định giết mình. Tình yêu của Chúa Kitô là một tình yêu được trao tặng một cách nhưng không. Tình yêu của Người không theo tiêu chuẩn của con người, và đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình cứu chuộc. Đó là thái độ “thụ động chủ động”, một sự tương phản có sức chiến thắng bạo lực, như cái kết câu chuyện về “Quan Điều Tra Viên” đã muốn nhắn gửi.

Chúa Kitô ở đỉnh cao của sự đau khổ như một nạn nhân vô tội, với thái độ hiền lành, chấp nhận số phận của mình và khước từ mọi hình thức bạo lực. Điều này thậm chí còn phi thường hơn khi trên thập tự giá, Người vẫn tìm thấy sức mạnh để cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã gây ra cái chết của Người.

Với cuộc đời và sự hy sinh của mình giống như nhân vật Hoàng tử Myshkin, Chúa Kitô làm chứng cho ánh mắt giàu lòng thương xót của Chúa Cha, sẵn sàng yêu thương mọi người cho dù họ là những con người bất xứng (Nastasya là một người phụ nữ bị xâm hại và khinh thường) hoặc ở trong tình trạng thù địch (Điều Tra Viên là một kẻ thù địch ngỗ ngược). Ngài chỉ cho chúng ta cách bước vào Nước Trời như những người con cái Chúa, như chính tác giả sách Tin Mừng đã nói:

“Hãy yêu kẻ thù của mình và cầu nguyện cho những kẻ bách hại anh em, để anh em có thể trở thành con cái của Cha anh em trên trời; vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi sáng kẻ dữ cùng người lành, và cho mưa xuống trên người công chính cùng kẻ bất chính” (Mt 5:44-45).

Trở lại với tiểu thuyết “Chàng Ngốc”, cái kết đầy bi thảm dường như dập tắt mọi hy vọng về sự phục sinh, trong tiểu thuyết chúng ta không nhìn thấy sự phục sinh. Làm sao chúng ta có thể nói về sự cứu rỗi khi nhân vật chính là một nhân vật cứu rỗi nhưng rồi tất cả các nhân vật trong câu chuyện đều “rơi vào ngõ cụt”? Trước hết, với tư cách là một nhân vật mang tính mô phỏng Chúa Kitô, chúng ta không thể mong đợi một diễn giải thần học về Chúa Giêsu của Phúc Âm. Nhân vật trong “Chàng Ngốc” chỉ phản ánh một số đặc điểm của con người Chúa Kitô. Về điểm này, chàng hoàng tử gợi lên vẻ đẹp của một Thiên Chúa vô cùng thương xót, Ngài yêu thương nhân loại đến mức nhận ra sự tốt lành uyên nguyên nơi mỗi con người bất chấp nỗi thất vọng nào. Ngài là một vị Thiên Chúa sẵn sàng làm cho mình trở nên yếu ớt, thậm chí đến mức hy sinh bản thân, để đứng về phía con người. Ngài là một vị Thiên Chúa tin vào nhân loại, Ngài giúp chúng ta nhận ra lời hứa về sự sống cho hết thảy mọi người, ngay cả đối với kẻ thù của mình, và ngay cả trong những tình huống tuyệt vọng nhất. Trong khi cái kết có hậu ở tác phẩm “Tội Ác và Hình Phạt” xác nhận sự thành toàn của niềm hy vọng này, thì trong “Chàng Ngốc” – nơi có sự ám chỉ đến Chúa cách mặc nhiên – tình huống lại rẽ theo một khác. Quả vậy, nếu khả năng về một lời hứa vẫn chưa được thực hiện nơi cái kết thúc bi thảm của tiểu thuyết này, thì chàng hoàng tử – một nhân vật mang tính biểu tượng hơn là một hình ảnh chính xác về Chúa Kitô – vẫn gợi lên vẻ đẹp của khuôn mặt đầy lòng thương xót của Đấng Cứu Thế.

Ngài là một vị Thiên Chúa sẵn sàng làm cho mình trở nên yếu ớt, thậm chí đến mức hy sinh bản thân, để đứng về phía con người. Ngài là một vị Thiên Chúa tin vào nhân loại, Ngài giúp chúng ta nhận ra lời hứa về sự sống cho hết thảy mọi người, ngay cả đối với kẻ thù của mình, và ngay cả trong những tình huống tuyệt vọng nhất.

Đó chính là giá trị mang tính cứu rỗi của tác phẩm “Chàng Ngốc”, nó có ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ của những trang tiểu thuyết. Sự hy sinh của hoàng tử gợi lên cho người đọc về giá trị của một cuộc sống mà vẻ đẹp của sự thật được tỏa sáng. Thật ngạc nhiên khi một độc giả chưa bao giờ nghe nói về Chúa Kitô lại có thể khám phá ra khả thể của một ánh mắt mà có khả năng mang lại ý nghĩa cho mọi thứ, thậm chí là đem lại sự sống cho một ai đó. Đây cũng chính là chủ đề đã được đề cập ở trên: “sự cứu rỗi cho người đọc”. Những ai cho phép mình tham dự vào câu chuyện, và để cho tác phẩm của Dostoevsky chạm đến đều có thể khám phá ra khả thể của một sự tồn tại mà họ có thể đã không nhận thức được trước đó. Khám phá này có thể gây sốc nhưng cũng có thể đem lại niềm vui cho độc giả. Dù là theo hướng nào thì với sự trợ giúp của ân sủng, người đọc có thể bắt đầu một quá trình tìm kiếm và hoán cải cho riêng mình.

Việc khôi phục phẩm giá con người nhờ một cái nhìn, được chuyển hóa thành tình yêu mang tính giải trừ vũ khí, là bước đầu tiên để đồng hành với những người khác trong việc chào đón Thiên Chúa tình yêu vào cuộc sống của họ với tự do của con cái Thiên Chúa.

Vì lý do này, mặc dù cuốn tiểu thuyết phác họa một con người không phải là Chúa Giêsu, nhưng “Chàng Ngốc” có thể giúp cả những người tin cũng như những kẻ không tin nhận thức được ơn cứu độ của Chúa Kitô nơi cuộc sống của bản thân họ và của tha nhân. Cuốn tiểu thuyết có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc tìm kiếm để khám phá và chào đón Chúa Kitô phục sinh trong cuộc sống hàng ngày của một con người, với mọi chiều kích và khả thể của nó. Cuối cùng, chúng ta có thể ánh mắt nhân từ và đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu có giá trị biết chừng nào. Ánh mắt của Người đã giải trừ mọi bạo lực mà có thể được diễn giải theo ánh sáng của phẩm giá thánh thiêng nơi mỗi con người như là hình ảnh của Thiên Chúa. Nói cách khác, việc khôi phục phẩm giá con người nhờ một cái nhìn, được chuyển hóa thành tình yêu mang tính giải trừ vũ khí, là bước đầu tiên để đồng hành với những người khác trong việc chào đón Thiên Chúa tình yêu vào cuộc sống của họ với tự do của con cái Thiên Chúa. Đây là cốt tủy của sự cứu rỗi; là bước đệm để bước vào mối tương quan mang tính cứu độ với Chúa Kitô và với thế giới, để cho mình được yêu và yêu trong sự tự do đích thực.

Hai nhân vật Sonya và Raskolnikov

Sonya là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tội Ác và Trừng Phạt”, và là một trong những nhân vật sáng giá nhất trong các tác phẩm của Dostoevsky. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1866, và là câu chuyện mang tính thiêng liêng lẫn tâm lý về một tội ác. Ngược lại, Raskolnikov là một sinh viên nghèo đến từ Saint Petersburg. Bị cảnh nghèo đói áp bức, anh ta không ngần ngại giết một chủ nợ già, và do một sai lầm bi thảm, cậu giết cả chị gái của bà ta. Tội ác này có giá trị biểu tượng sâu sắc: kẻ cho vay nặng lãi là hiện thân cho sự bất công của thế giới, còn tội ác của chàng sinh viên trẻ hiện thực hóa lý thuyết của anh ta về khả năng được cho là của “người đàn ông thượng đẳng”. Lý thuyết này muốn vượt lên trên các giá trị đạo đức, phá vỡ mọi luật lệ, để nhân danh một điều tốt đẹp hơn. Tội ác ghê tởm này gây ra một loạt những đau khổ về mặt tâm lý, xé nát trái tim và tâm trí của kẻ giết người. Trong bối cảnh này thì cuộc gặp gỡ với Sonya đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình tâm lý và tâm linh hướng tới khả năng “phục sinh” của Raskolnikov.

Sonya là con gái của một gã say rượu, người mà Raskolnikov gặp trong một quán rượu ở phần đầu câu chuyện. Bị đẩy vào con đường mại dâm vì hoàn cảnh đáng thương của cha mình, cô thể hiện một đức tin vào Chúa cách giản dị và không lay chuyển. Chính sự ngây thơ và giản dị đó cung cấp cho cô nguồn dinh dưỡng từ chiều sâu không thể thấu hiểu về cuộc sống và mầu nhiệm về Thiên Chúa. Đức tin của cô là một năng lực sống động, khác xa với sự khôn ngoan uyên bác hay những thành quả của nghiên cứu thần học. Đức tin này bắt nguồn sâu sắc từ cuộc sống của Sonya, từ gốc rễ của nó là một quan điểm về thế giới được vốn định hình bởi lòng trắc ẩn dịu dàng và vô tư, thể hiện trong mọi hành vi của cô. Sự giản dị mang tính huyền bí của cô thu hút Raskolnikov và từ từ dẫn anh ta vào con đường chân lý.

Cũng giống như Chúa Giêsu, Sonya dường như có một đức tin vô tận vào con người, vào sự tốt lành uyên nguyên của mỗi người. Cô thậm chí còn biện minh và bảo vệ người mẹ kế khốn khổ của mình, người đã đẩy cô vào con đường mại dâm. Cô thể hiện lòng nhân từ vô biên đối với mọi người. Đó thực sự là cái nhìn của Chúa Giêsu, là biểu hiện của một tình yêu có khả năng nhìn thấy con người hơn là tội nhân. Người ta có thể nói rằng cái nhìn này diễn tả một ước muốn tái khẳng định mối liên kết tình yêu ban đầu của Thiên Chúa với con người. Đây là một mối tương quan gần gũi, và bắt đầu khi chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Bằng cách tái khẳng định mối liên kết này, chúng ta có thể khôi phục mối tương quan đúng đắn của tội nhân với Thiên Chúa, với chính mình và với cộng đồng nhân loại.

Theo quan điểm này, việc quay trở lại trạng thái ban đầu ở quá khứ, cho dù là đã thỏa hiệp hay hư mất, đều là tiền đề cho sự đón nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô vào cuộc sống của một người. Chúng ta có thể nghĩ đến thái độ cởi mở của Chúa Giêsu trong câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình ở Tin Mừng Gioan (Ga 8, 1-11). Chính ánh mắt nhân từ của Chúa đã khôi phục lại phẩm giá cho người phụ nữ: cô đã thoát khỏi sự cô lập và có thể hòa nhập lại với cộng đồng. Hành trình tâm linh của Raskolnikov cũng tương tự như vậy. Chỉ trong khoảng thời gian vài tháng ở Siberia, Sonya liên tục thể hiện tình cảm của mình với anh bằng một tình yêu dịu dàng và kiên nhẫn, thì Raskolnikov đã trải qua khoảnh khắc hoán cải tuyệt vời bên cạnh cô. Việc anh nhận rằng anh yêu Sonya cách đường đột và choáng váng chỉ là khởi đầu cho một cách nhìn mới về bản thân anh và tha nhân.

Chính ánh mắt nhân từ của Chúa đã khôi phục lại phẩm giá cho người phụ nữ: cô đã thoát khỏi sự cô lập và có thể hòa nhập lại với cộng đồng.

Có một khoảnh khắc rất quan trọng trong cuốn tiểu thuyết “Tội Ác và Hình Phạt” cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về mức độ đức tin của Sonya vào Chúa Cứu Thế, và đồng thời đóng vai trò trung tâm trên lối nẻo khả dĩ tẫn tới sự cứu rỗi của Raskolnikov (và của người đọc). Đó là giây phút mà nhân vật chính trẻ tuổi này yêu cầu Sonya đọc câu chuyện về sự phục sinh của La-da-rô trong Tin Mừng Gioan (Ga 11). Câu chuyện được kể một cách rất hấp dẫn: lời tường thuật xen kẽ các từ ngữ trong Phúc Âm với những từ ngữ mô tả về cảm xúc mạnh mẽ của người phụ nữ trẻ trong khi đọc. Đầu tiên, Sonya khẳng định lại đức tin của mình trong thâm tâm, theo bước chân của Ma-ri-a, tức chị gái của La-da-rô. Sau đó, cô bày tỏ hy vọng rằng đức tin vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế này có thể được chính Raskolnikov chia sẻ.

Niềm hy vọng không lay chuyển của Sonya vào sự phục sinh mời gọi người đọc nghĩ về Kitô giáo như một tôn giáo của điều không thể. Đức tin vào Chúa Kitô phục sinh thúc đẩy chúng ta đối mặt với những tình huống tuyệt vọng nhất với sự chắc chắn, sống thái độ giống như Chúa Kitô đến mức hy sinh và tin vào lời hứa về sự sống cho mọi con người.

Chỉ bằng cách tin vào điều không thể, điều đó mới trở nên khả thi. Đó mới thực sự là đức tin mang tính cứu rỗi. Chính đức tin vào sự phục sinh khiến mọi sự hy sinh trở nên khả thi trong những tình huống không có lối thoát rõ ràng.

Năng động của trình thuật Phúc Âm chuẩn bị cho người đọc những gì diễn ra tiếp theo. Trình thuật về sự phục sinh của Lazarus, được nhắc đến ở cuối tiểu thuyết, thể hiện trong cuộc sống của Sonya và Raskolnikov. Điều này gợi ý về sức mạnh cứu độ của chính Phúc Âm. Những gì được kể lại tác động đến cuộc sống của người đọc. Sonya trở thành Mary của bản văn Kinh Thánh, người đã xin với Chúa Giêsu cho người khác. Phép lạ, bắt đầu bằng việc đọc Phúc Âm, được ứng nghiệm vào cuối tiểu thuyết, khi chúng ta biết về “sự phục sinh” của Raskolnikov.

Đây là một suy niệm về sức mạnh nhãn tiền của Phúc Âm dựa trên nhãn quan tường thuật ngoại thường chứ không đơn thuần chỉ là một câu chuyện kể. Đúng hơn đó là một hành động có tiềm năng biến đổi thế giới và cuộc sống của những người được tiếp cận. Việc đọc một trình thuật Phúc Âm có thể trở thành một câu chuyện cứu rỗi đích thực ngay lúc này bằng một hiệu quả có thể kiểm chứng trong cuộc sống. Hơn nữa, nhờ sự tương tác của các tham chiếu Kinh Thánh, trình thuật cũng mở ra khả năng cứu rỗi ở cấp độ thứ ba, đó là khả năng cứu rỗi dành cho đọc giả. Bằng cách kể cho chúng ta một câu chuyện, Dostoyevsky giới thiệu cho chúng ta một khả năng, một góc nhìn mới có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Thông qua sức mạnh của một câu chuyện vô cùng cảm động, ông hé mở cho chúng ta thấy thoáng qua một sự thật mà có thể thách thức cách thức hiện hữu của chúng ta, cũng như cách thức chúng ta nhìn nhận mọi thứ.

Ở nơi sâu thẳm của hiện hữu chúng ta, sức sống mãnh liệt câu chuyện tác động giống như hành động bất ngờ của ân sủng, bắt chúng ta phải vượt ra ngoài mọi lời giải thích mang tính logic. Liệu câu chuyện cảm động về tình yêu của Sonya và Raskolnikov có thể gợi lên cho chúng ta về vẻ đẹp của sự hy sinh cũng như sức mạnh của nó để mang lại động lực mới cho cuộc sống hoặc đánh thức hy vọng mới chăng? Cũng giống như Sonya là người đã khám phá ra một khả thể để tin vào điều không thể trong câu chuyện về sự phục sinh của La-da-rô, người đọc cũng bị thách thức bởi “sự phục sinh” của Raskolnikov, mà theo một nghĩa nào đó Sonja là “người trung gian” khi cô nhận ra khả thể của một sự hứa hẹn đầy tính cá vị.

Theo một cách nào đó, cuốn sách giúp người đọc hình dung ra những khả thể bất ngờ; giúp họ chuẩn bị con đường để đón nhận ân sủng, để nhận ra tiếng gọi của một Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Một câu chuyện thú vị mà chạm đến trái tim của một người, có thể đánh thức khả năng lắng nghe lời mời gọi của người ấy, và một khi đã nghe thấy là đã bắt đầu một hành trình cứu rỗi khi đáp lại lời mời gọi của Đấng Cứu Thế.

* * *

Tóm lại, cũng như trong hai câu chuyện về chàng hoàng tử và Sonya, lòng thương xót là hoa trái của một cái nhìn đầy lòng trắc ẩn, luôn tránh xa mọi hình thức bạo lực, là cốt tủy của toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tìm thấy một biểu hiện phi thường của cái nhìn đầy lòng trắc ẩn này trong bối cảnh của cuộc khổ nạn. Đó là một sự cứu rỗi bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ với khuôn mặt của Chúa Kitô trong cuộc sống này, để tìm thấy sự nở hoa trọn vẹn của nó sau cái chết bất chấp mọi nỗi thất vọng.

Trong số những thuật ngữ khác nhau, chúng ta tìm thấy khái niệm cuối cùng trong tác phẩm “Anh Em Nhà Karamazov” của Dostoevsky. Chàng trai trẻ tên là Alyosha đã bị sốc sau khi phát hiện ra xác chết đang phân hủy của một người cao tuổi tên là Zosima, một gương mẫu về sự thánh thiện. Trạng thái bi thảm và đau thương về một người với “mùi hương thánh thiện” đã chết dường như phủ nhận trạng thái ân sủng của người đã khuất. Sau đó, Alyosha ngủ thiếp đi trong khi nghe đọc trình thuật về Tiệc Cưới ở Cana (Ga 2:1-12) và được người thánh thiện đó viếng thăm trong giấc mơ. Đây là một văn bản tuyệt đẹp:

“Chúng ta đang vui mừng, chúng ta đang uống rượu mới, rượu của niềm vui lớn lao vĩ đại […]. Đây là Chúa chúng ta, bạn có thấy Người không? […] Đừng sợ Người. Người thật đáng sợ đối với chúng ta vì sự uy nghiêm của Người. Người làm chúng ta sợ hãi vì sự vĩ đại của Người, nhưng Người lại có lòng thương xót vô bờ bến. Người đã trở nên giống chúng ta vì tình yêu, và Người vui mừng với chúng ta. Người biến nước thành rượu, để niềm vui của khách không bao giờ cùng. Người đang chờ đợi những vị khách mới, Người không ngừng gọi những vị khách mới, và sẽ như vậy cho đến muôn đời!”

Sau cùng, Alyosha thức dậy với tâm trạng ngập tràn niềm vui và rời khỏi phòng giam. Anh lao mình xuống và ôm trọn lấy mặt đất trong khi khóc và thề sẽ yêu nó. Giống như trong câu chuyện về Alyosha, chính cuộc gặp gỡ với khuôn mặt đầy lòng thương xót của Đấng Cứu Thế đã biến đổi chúng ta, cứu rỗi chúng ta khi trao cho chúng ta khát khao đích thực về một tình yêu được sống trọn vẹn. Với những tiểu thuyết phi thường của minh, Dostoevsky có thể giúp chúng ta nắm bắt được chiều kích cứu rỗi tuyệt vời này. Trong tác phẩm “Tội Ác và Hình Phạt” khi mà Danh Chúa được nhắc đến nhiều lần thì chiều kích của con đường cứu rỗi này theo một nghĩa nào đó là khá rõ ràng. Còn trong tác phẩm “Chàng Ngốc”, việc không có những tham chiếu rõ ràng đến Chúa Kitô và cái kết bi thảm chỉ gián tiếp gợi lên vẻ huy hoàng của khuôn mặt đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, điều này có thể được coi là tiền đề cho một cuộc gặp gỡ cứu rỗi với Người. Người đọc luôn là người tiếp nhận cuối cùng về viễn tượng của nhà văn, nghĩa là người tiếp nhận một la bàn để đi một hành trình hoán cải có thể xảy ra.

Từ: https://www.laciviltacattolica.com/thinking-salvation-with-dostoevsky/

Tác giả: Piero Loredan, S.J.

Chuyển ngữ: Đào Anh Tuấn, S.J.

Nguồn: dongten.net

Xem Thêm

Ngọn Hải Đăng Hy Vọng Cho Trẻ Em Bị...

Học sinh tham gia Chương trình Ngày Thế giới phòng chống AIDS (Ảnh: Vatican News) Ở một đất...

Vatican Công Bố Chủ Đề Cho Ngày Thế Giới...

(Ảnh: Harvepino/Shutterstock) Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện đã công bố chủ đề do Đức...

Tuần Thánh 2025: Đức Phanxicô Đã Chuẩn Bị Các...

Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã khẳng định vào thứ Ba ngày 15 tháng Tư rằng...