Phiên họp lần thứ hai của Thượng Hội đồng về tương lai của Giáo hội sẽ khai mạc ngày thứ tư 2 tháng 10, có khoảng năm mươi phụ nữ tham gia với quyền bỏ phiếu, một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng vị trí của họ trong Giáo hội. Tuy nhiên, các vùng tối vẫn còn trong các vấn đề cụ thể của trao đổi
Khoảng 50 phụ nữ tham gia phiên họp lần thứ hai của Thượng Hội đồng về tương lai của Giáo hội khai mạc sáng thứ tư 2 tháng 10 tại Vatican Alessia GiulianiI / IPA/Sipa USA/Reuters
Đây là biểu tượng của một cuộc cách mạng nhỏ. Trong bức hình ngày 19 tháng 10 năm 2023, khoảng 60 phụ nữ vẫy tay từ bậc thang của một cầu thang kiểu la-mã. Tất cả đều tham gia vào phiên họp đầu tiên được tổ chức tại Vatican về “Thượng Hội đồng về tính đồng nghị”, cuộc tham vấn toàn cầu rộng lớn này đã được Đức Phanxicô phát động tháng 10 năm 2021 để suy nghĩ về tương lai của Giáo hội. Hiện có 53 phụ nữ về lại Rôma để dự phiên họp lần thứ nhì kéo dài một tháng, bắt đầu ngày thứ tư 2 tháng 10.
Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội công giáo, các “nghị mẫu” là nữ tu hay giáo dân sẽ được bỏ phiếu như các giám mục (chiếm 75%) trong hội đồng có 368 thành viên. Để đạt được sự cởi mở này, dù chưa bình đẳng, phụ nữ cần khẳng định mình là một trong những chủ đề chính của tiến trình đồng nghị. Nhìn lại ba năm tranh luận.
Tham vấn quốc gia
Ngày 15 tháng 6 năm 2022 tại hội trường Lyon. Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, giải thích: “Anh chị em thân mến, trên màn hình trước mặt anh chị em là văn bản các giám mục chúng tôi vừa bỏ phiếu (…) sau khi đã bỏ văn bản ban đầu”. Giống như các nơi khác trên thế giới, kể từ tháng 10 năm 2021, các giám mục ghi lại nguyện vọng của gần 150.000 giáo dân Pháp về tương lai của Giáo hội qua 48 câu hỏi.
Tại Lyon, các giám mục đã có những sửa đổi với bản tóm tắt các câu trả lời nhưng cuối cùng họ quyết định không sửa đổi và gởi về Rôma. Một nữ giáo dân cho biết: “Chúng tôi cảm nhận chúng tôi được lắng nghe, đây là cơ hội để bày tỏ những vết thương sâu sắc liên quan đến các tình huống bị loại trừ, về chức phó tế nữ, về việc có những nơi không cho các cô gái giúp lễ dù đã được Giáo hội cho từ năm 1994. Đó là những vấn đề chính vẫn còn trong chương trình của phiên họp này.”
Bản tóm tắt nguyện vọng của giáo dân Pháp có các chủ đề khác như: “Những khó khăn trong giao tiếp với các linh mục và giám mục, sự mất cân đối giữa số lượng phụ nữ tham gia vào Giáo hội và những người có quyền quyết định… Tinh thần phục vụ của phụ nữ được đánh giá cao nhưng tiếng nói của họ dường như bị phớt lờ. Cách thức đối xử với phụ nữ trong Giáo hội không được Giáo hội điều chỉnh theo sứ mạng ở thời điểm mà bình đẳng giữa nam và nữ đã trở nên hiển nhiên. Vì thế Giáo hội tự bỏ đi vô số đặc sủng và khả năng để ra khỏi tình trạng giáo sĩ trị.” Những kết luận này đã gây được tiếng vang rộng rãi trong Giáo hội, không chỉ ở phương Tây.
“Giai đoạn lục địa”
Praha, ngày 8 tháng 2 năm 2023. Thần học gia Baptist người Pháp Valérie Duval-Poujol phát biểu ở một khách sạn thủ đô Séc: “Nếu Giáo hội là một thân thể theo hình ảnh trong Kinh Thánh thì trong nhiều giáo phái kitô giáo, thân thể này bị tê liệt, bị liệt nửa người vì chúng ta tước đi một nửa ân sủng của các thành viên: phụ nữ.” Hội đồng các Giáo hội Châu Âu (CEC) mời bà đến nói chuyện với 200 đại diện công giáo – các hồng y, giám mục, linh mục, nữ tu, giáo dân nam nữ đến từ khắp Châu Âu để tham gia vào phiên họp lục địa chưa từng có này.
Thần học gia Baptist người Pháp Valérie Duval-Poujol
Bà khẳng định: “Sự tham gia của phụ nữ là một vấn đề lớn của phiên họp ở Praha, chúng tôi mong muốn giảm bớt các khía cạnh của hệ thống cấp bậc và chủ nghĩa giáo quyền trong Giáo hội… Việc dựa vào phản hồi từ thực địa đã mang lại tính hợp pháp mạnh mẽ cho các cuộc thảo luận. Không có lễ rửa tội màu xanh cho con trai và màu hồng cho con gái! Chỉ có một lễ rửa tội!”
Được chính thức hóa trong “tài liệu tạm thời” đầu tiên – trước khi được tranh luận kín giữa các giám mục – những kỳ vọng bày tỏ ở Praha đã làm nảy sinh những điểm xung đột, giữa các tầm nhìn đôi khi hoàn toàn trái ngược nhau. Trước các phản đối của các Giáo hội Đông phương, một số tiếng nói của “khối Tây phương lấy làm tiếc cuộc tranh luận đã không tiến xa hơn – đặc biệt là về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ -, sau những đề xuất của “con đường Thượng Hội đồng Đức”.
Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng ở Rôma
Trong Hội trường Phaolô VI vào ngày 4 tháng 10 năm 2023, một số người tham dự tỏ ra bối rối. Đức Phanxicô đã mời 96 người không phải giám mục, trong đó có 54 phụ nữ. Một người tham dự cho biết: “Với một số giám mục từ các quốc gia ở Nam Bán cầu, nơi phụ nữ không được bình đẳng như ở Châu Âu, đây là lần đầu tiên họ thấy mình trao đổi một cách bình đẳng với một phụ nữ ở bàn ăn.” Tháng 10 năm 2023, một giám mục trả lời phỏng vấn: “Chúng tôi không nói giống nhau khi có phụ nữ trong nhóm.”
Phụ nữ trong Thượng Hội đồng tháng 10-2023
Theo hai nguồn tin, với ngày tháng trôi qua, sự khác biệt về thứ bậc đã ít rõ ràng, một số hồng y và giám mục chỉ mặc áo linh mục thường. Quá tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm cá nhân – làm cho các thần học gia có mặt khó chịu –, một số chứng từ của phụ nữ đã được hoan nghênh như lời của một phụ nữ người Mỹ gốc Ba Lan có người chị tự tử vì cảm thấy mình tội lỗi vì mình là người đồng tính nữ.
Theo thông tin của báo La Croix, một cuộc họp kín đáo lẽ ra sẽ quy tụ hầu hết phụ nữ sẽ được tổ chức ở Rôma vào cuối kỳ họp, các “nghị mẫu” sẽ thảo luận về việc họ tham dự vào Thượng Hội đồng rất lịch sử này nhưng sẽ không thực hiện được vì có những bất đồng”
Một số người muốn công khai bày tỏ lòng biết ơn của họ với Giáo hội về lời mời tham dự nhưng cũng có những người muốn tận dụng văn bản dự kiến này để hỗ trợ một số yêu cầu nhất định, đặc biệt họ muốn có một vị trí lớn hơn cho phụ nữ trong các vị trí chịu trách nhiệm trong Giáo hội: “Cũng có lo ngại cho cách tiếp cận này sẽ bị cho là ‘một thượng hội đồng nhỏ trong thượng hội đồng”, bà lấy làm tiếc vì đã “bỏ lỡ cơ hội”.
Một vài ngày trước đó, những người tham gia đã tranh luận về chức phó tế nữ. Nếu việc đề cập đến chủ đề này cách đây vài năm là không thể tưởng tượng – nếu có một hoặc hai giám chức đi xa đến mức nói về các nữ linh mục – thì sẽ gặp sự phản đối cứng rắn của nhiều hồng y và giám mục.
Hiện diện trong phiên họp, Đức Phanxicô lắng nghe và ghi chép. Một trong những bài phát biểu hiếm hoi của ngài đã được Tòa Thánh công khai: ngài chỉ trích thái độ “trọng nam và độc tài” của một số linh mục bị ảnh hưởng của “chủ nghĩa giáo quyền”, ngài nhắc lại – như ngài đã nhắc trong chuyến đi Bỉ từ ngày 27 đến 29 tháng 9 – “nữ tính” là đặc tính của Giáo hội.
Trích thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Êphêsô (Êp 5:27), từ đó nảy sinh ra một nền thần học đã được ba giáo hoàng tiền nhiệm của ngài tiếp thu. Đức Bênêđíctô XVI viết năm 2006: “Mọi sự trong Giáo hội, mọi tổ chức và thừa tác vụ, kể cả thừa tác vụ Thánh Phêrô và những người kế vị đều được áo choàng của Đức Trinh Nữ che chở, trong không gian tràn đầy ân sủng của hai chữ “xin vâng” của Mẹ”. Ngày 28 tháng 9, tại trường đại học nói tiếng Pháp Louvain-la-Neuve, gần Brussels, quan điểm này là nguồn gốc của tranh cãi vì các sinh viên công giáo tại đây cho rằng ngài theo chủ nghĩa bản chất, phân biệt giới tính.
Trong báo cáo tóm tắt kỳ họp tháng 10 năm 2023, có một chương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống phân biệt đối xử với phụ nữ, mở rộng trách nhiệm của họ và áp dụng ngôn ngữ hòa nhập hơn. “Việc nghiên cứu thần học và mục vụ về khả năng tiếp cận chức phó tế nữ phải được các ủy ban thần học của Đức Phanxicô thành lập nghiên cứu. Một cách để loại chủ đề này ra khỏi các tranh luận của phiên họp lần thứ nhì này?” Một nguồn tin ở Vatican khẳng định: “Không,” đồng thời nhấn mạnh cần phát triển hơn nữa, chức phó tế nam chủ yếu vẫn được phát triển ở Châu Âu.
Nhiều câu hỏi liên quan đến vị trí phụ nữ vẫn còn ở trong chương trình làm việc của các cuộc tranh luận sắp tới. Tài liệu làm việc của phiên họp công bố ngày 9 tháng 7 năm 2024 đề cập đến các vị trí trách nhiệm của phụ nữ trong các giáo xứ, giáo phận và các thực thể khác của Giáo hội, kể cả trách nhiệm mục vụ và các hình thức mục vụ khác.
Tuy nhiên theo một quan sát viên ở Rôma, không nên mong chờ nhiều: “Nguyên tắc quan trọng nhất của Giáo hội là sự hiệp nhất. Vì vậy, như trong bất kỳ tranh luận nào thuộc loại này, các thành viên có khuynh hướng đồng thuận để kết thúc với một văn bản nhẹ nhàng về những câu hỏi có thể gây chia rẽ, như vấn đề phụ nữ.” Kết thúc phiên họp vẫn là quyết định của Đức Phanxicô. Theo truyền thống, một tông huấn sẽ được công bố vài tháng sau khi kết thúc các tranh luận để nói lên những gì Giáo hội giữ lại từ những tranh luận này. Một số người cho rằng có thể dùng báo cáo tóm tắt này cho tương lai, vì báo cáo này có thẩm quyền. Chắc chắn một quyết định sẽ mang tính đồng nghị nhưng nhiều người không tin.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn