Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình “Canal Orbe 21” của Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ suy tư của mình về những thách thức của thời đại chúng ta và sứ mạng truyền giáo đang phát triển của Giáo hội trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu và sự bất bình đẳng gia tăng.
Trò chuyện với Maria Bernarda Llorente, một nhà báo của kênh truyền hình Argentina “Canal Orbe 21” tại căn hộ tại Vatican ngay sau khi Thượng Hội đồng bế mạc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án “sự giả dối” khi nói về hòa bình trong bối cảnh của “các cuộc xung đột vũ trang” và đồng thời bày tỏ sự quan ngại về sự suy yếu của các thể chế. Cuộc phỏng vấn đề cập đến một loạt các chủ đề, từ một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới đến tầm nhìn của Đức Thánh Cha về một Giáo hội ngày càng mang đậm tinh thần Hiệp hành và chủ đề “Hy vọng” xuyên suốt Năm Thánh.
Chiến tranh: “Một sự thất bại của con người” đòi hỏi hành động cấp bách
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần mô tả chiến tranh là “một sự thất bại của con người”, than phiền về sự đạo đức giả của các quốc gia ủng hộ hòa bình trong khi lại kiếm lợi từ việc buôn bán vũ khí. Trong nhiều bài phát biểu và lời kêu gọi, ngài cũng lên án số lượng các cuộc xung đột ngày càng tăng – đặc biệt là tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Ukraine và Thánh địa – và tái khẳng định sự xác quyết của mình rằng hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại và hòa giải đích thực.
“Tôi lo ngại rằng vô số lời kêu gọi hòa bình từ các tổ chức quốc tế chỉ vào tai này rồi lọt ra tai kia”, Đức Thánh Cha nói trong cuộc phỏng vấn, lên án điều mà ngài gọi là “sự đạo đức giả cơ bản: chúng ta nói về hòa bình, nhưng chúng ta lại trang bị vũ trang cho chiến tranh”.
Và nhắc lại hậu quả tai hại của việc buôn bán vũ khí, Đức Thánh Cha lên án thực tế rằng “một trong những khoản lợi nhuận đầu tư lớn nhất ở châu Âu đến từ các nhà máy sản xuất vũ khí. Vì vậy, chúng ta tổ chức các hội nghị và cuộc họp hòa bình, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí để giết người”.
Xu hướng chung hướng tới sự tự hủy diệt
Bày tỏ mối quan ngại và cảnh báo về khuynh hướng tự hủy diệt đang lan rộng, Đức Thánh Cha đã so sánh với Tháp Babel trong Kinh Thánh, cho rằng nhân loại có nguy cơ xây dựng một tương lai mong manh và nguy hiểm tương tự nếu tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại.
“Ngày nay, cuộc chiến ở Thánh địa không phải là một cuộc chiến bình thường, được tiến hành theo các quy tắc của chiến tranh. Đó là một điều khủng khiếp”, Đức Thánh Cha nói, và lên án cuộc xung đột ở Ukraine, ngài nhắc lại xác quyết của mình rằng “các hiệp ước hòa bình đnag hết sức cấp bách, nhưng khi người ta nói về hòa bình, mọi người bắt đầu nói vòng vo”.
Thừa nhận tính phức tạp của các cuộc xung đột hiện đại, Đức Thánh Cha chỉ ra sự thất bại về đạo đức cá nhân và lợi ích cá nhân là nguyên nhân khiến các cơ chế quốc tế kém hiệu quả.
“Đối thoại là điều cốt yếu. Nếu không có đối thoại, sẽ không có hòa bình. Chúng ta phải ngừng tấn công lẫn nhau, ngừng phá hoại lẫn nhau và bắt đầu tương tác với nhau. Hòa bình đạt được thông qua đối thoại”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đồng thời đặt vấn đề về sự cần thiết của việc Liên minh châu Âu phải tiếp tục hoạt động vì hòa bình.
“EU không được đánh mất sự độc lập mà họ có trong vấn đề này. Đây là điều thúc đẩy sự thống nhất nội bộ của EU và từ đó EU có sức mạnh để tương tác với bên ngoài. Các thể chế này đã suy yếu một chút, nhưng họ vẫn có khả năng thúc đẩy đối thoại”, Đức Thánh Cha nói.
Chống lại sự phân cực và chủ nghĩa cực đoan
Trong một thế giới ngày càng bị phân cực bởi các ý thức hệ, Đức Thánh Cha kêu gọi sự tập trung mới vào chân lý và đối thoại. Ngài cảnh báo về những nguy hiểm của chủ nghĩa phủ nhận, mô tả nó là hành động “tự sát”, và đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo giải quyết gốc rễ của xung đột bằng sự trung thực và khiêm nhường.
“Chủ nghĩa phủ nhận luôn luôn độc hại”, Đức Thánh Cha nói. “Khi một người phủ nhận một thực tế, một lịch sử, một tình huống cụ thể, người đó đang tự bắn vào chân mình. Chỉ có thực tế mới giúp tìm ra cách thoát khỏi xung đột. Người đó cũng lên tiếng phản đối sự đan xen giữa tôn giáo với chính trị nhà nước, lưu ý rằng những liên minh như vậy thường dẫn đến sự bất khoan dung và đàn áp”.
Thay vào đó, Đức Thánh Cha ca ngợi những ví dụ về sự chung sống và đối thoại, chẳng hạn như những ví dụ mà ngài chứng kiến ở Indonesia, nơi ngài nói rằng, “luôn có sự đối thoại giữa các nhóm khác nhau, sự tôn trọng và đối thoại. Tôi không thấy có sự đàn áp tôn giáo đối với các Kitô hữu ở bất cứ đâu. Hoặc ngược lại, từ các tôn giáo khác. Có sự chung sống, những quốc gia đó là một ví dụ về sự chung sống”.
Một Giáo hội Hiệp hành: Đón nhận sự đa dạng và hòa nhập
Suy ngẫm về Thượng Hội đồng Giám mục bế mạc vào tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cột mốc này trong triều đại Giáo hoàng của ngài.
“Giáo hội không còn theo kiểu từ trên xuống nữa”, Đức Thánh Cha giải thích. “Không còn là các Giám mục, Đức Giáo hoàng, các Linh mục, các Nữ tu nữa; mà là Giáo hội từ bên dưới thể hiện chính mình và tạo nên cộng đoàn”.
Đức Thánh Cha mô tả Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội phát triển nhờ sự hòa hợp giữa sự hỗn loạn, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. “Từ khóa là sự hòa hợp”, ngài nói. “Chúng ta hãy nghĩ về những gì đã xảy ra vào buổi sáng Lễ Hiện Xuống: một sự hỗn loạn điên cuồng, nhưng giữa sự hỗn loạn đó, Chúa Thánh Thần đã tạo ra sự hòa hợp”.
Đức Thánh Cha cũng đã nhắc lại sự cởi mở của Giáo hội đối với tất cả mọi người, nhắc lại lời mời gọi của mình đối với tất cả mọi người và tuyên bố, “Một khi bước vào bên trong, chúng ta cùng nhau phân định”.
“Không ai trong chúng ta trong Giáo hội là thánh nhân. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, và Giáo hội giúp chúng ta bù đắp những thiếu sót của mình. Chúng ta đừng quên điều này: tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, bên trong Giáo hội”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại.
Sự tha thứ là trọng tâm của Năm Thánh 2025
Khi Giáo hội chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 với chủ đề “Những Lữ khách của Niềm Hy vọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh sức mạnh có tính biến đổi của sự tha thứ và đồng thời mô tả Năm Thánh là cơ hội để đổi mới cá nhân và cộng đồng.
“Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ; chính chúng ta mới là người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ”, Đức Thánh Cha nhắc lại, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng Năm Thánh không phải là về việc “du lịch tôn giáo” mà là về một hành trình sâu sắc, cá nhân hướng tới sự chữa lành và đổi mới.
“Để trải nghiệm Năm Thánh một cách đúng đắn, nó phải đến từ bên trong và theo một cách nào đó, nó phải là để sắp xếp lại phần nào lịch sử cá nhân của bạn. Theo nghĩa đó, đó là khoảnh khắc của sự tha thứ, niềm vui, sự tái thiết của rất nhiều thứ cá nhân và xã hội”, ngài giải thích.
Sự tương tác với người trẻ
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của những người trẻ tuổi, những người mà ngài cho biết “cần phải sáng tạo”. Đức Thánh Cha cũng kể lại việc những hành động từ thiện bác ái, chẳng hạn như cho người vô gia cư ăn, đã truyền cảm hứng cho hành trình đức tin của những người trẻ tình nguyện.
“Bạn trao cho những người trẻ một thử thách, đó là cách họ sẽ trưởng thành. Nếu bạn không trao cho họ một thử thách và giúp họ đối mặt với nó, họ sẽ chỉ quanh quẩn trong những điều vô nghĩa”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha đã mô tả trí tuệ nhân tạo là “một công cụ hấp dẫn và hữu hiệu”, và đồng thời kêu gọi việc tích hợp nó với các giá trị của con người. “Chúng ta phải tham gia vào cuộc đối thoại nhân văn với trí tuệ nhân tạo”, ngài thúc giục, đồng thời lưu ý rằng đó là một thách thức đối với thời đại ngày nay.
Kitô giáo không phải là một hệ tư tưởng
Bình luận về những thách thức xã hội và văn hóa mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về ảnh hưởng của các tổ chức duy trì sự cứng nhắc về mặt ý thức hệ mà ngài cho là có thể làm biến dạng khả năng yêu thương và các mối quan hệ của một người.
Về giáo dục, Đức Thánh Cha lên án việc cắt giảm ngân sách tràn lan, đồng thời gọi đó là “kế hoạch tự sát của một quốc gia” và là “một tội ác”.
“Giáo dục là thực phẩm… Nó là thức ăn cho tâm hồn, cho trí tuệ, cho tinh thần”, Đức Thánh Cha lưu ý, đồng thời chỉ trích những chính phủ và hệ thống hạn chế quyền tiếp cận giáo dục, dẫn đến thực tế là “Chỉ con cái nhà giàu mới có thể tiếp cận giáo dục đại học”.
Trường học giống như ngôi nhà thứ hai, “Các trường đại học là nền tảng. Một quốc gia phải cung cấp nguồn lực cho các trường đại học của mình để tạo ra những trí thức mới cho tương lai”.
Tầm nhìn cho Giáo hội trong tương lai
Khi được hỏi về tầm nhìn của mình dành cho Giáo hội trong tương lai, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Tôi thiết nghĩ Giáo hội đã được thiết kế rất tốt, nhờ sáng kiến của Thiên Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và nhờ những quyết định mà Giáo hội đã đưa ra”.
Đức Thánh Cha cho biết ngài hình dung một Giáo hội mà trong đó “giáo dân có sự tham gia tích cực”. Ngài cũng cho biết thêm rằng Giáo xứ phải là một cộng đồng tương tác với Linh mục, cùng nhau tìm kiếm một con đường”.
“Đối thoại rất quan trọng. Giáo hội sẽ tiếp tục phát triển trong động lực này”, ngài nhấn mạnh.
Cuối cùng, khi được yêu cầu gửi lời nhắn nhủ đến người dân Argentina vào dịp Giáng Sinh này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Hãy tiếp tục chiến đấu, bảo vệ bản thân khỏi các ý thức hệ và đừng để mình bị lừa dối, hãy đấu tranh cho quyền lợi của mình”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)
Nguồn: dcctvn.org