Tân tòng Thomas
“Cha rửa tội cho con, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Đó là lời người tân tòng nghe khi được rửa tội. Trang Aleteia đăng các câu chuyện về các tân tòng sắp được rửa tội trong lễ Phục sinh năm nay, hạnh phúc của họ khi được làm con Chúa.
Giáo sư triết học tại Đại học Strasbourg nước Pháp cho biết ông đã gặp Chúa trong những hoài nghi của mình. Ông Thomas, 43 tuổi, sẽ được rửa tội ngày 19 tháng 4 tại Nhà thờ Thánh Urbanô ở Neudorf, nước Pháp. Giáo sư đam mê lịch sử, khảo cổ học, khoa học và nghệ thuật, đã lập gia đình và có con trai 5 tuổi. Ông ở trong một gia đình “công giáo nhưng đúng hơn gia đình theo thuyết bất khả tri, rất dị ứng với tôn giáo và công giáo”. Con đường đưa ông đến giếng rửa tội là kết quả của “một chặng đường trí tuệ lâu dài”. Luôn bị thôi thúc bởi hàng ngàn câu hỏi, óc hiếu kỳ thúc đẩy ông suy nghĩ về các tôn giáo: Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Lão giáo. Trong giai đoạn này, ông xem đức tin của người tín hữu kitô là “một triết lý sống tốt đẹp” và Chúa Giêsu là “nhà hiền triết, một triết gia vĩ đại!” Như thế là đã nói lên rất nhiều. Giáo sư giải thích: “Theo tôi, đây là một con đường tâm linh trong số các con đường tâm linh khác.” Khi đọc các lý thuyết hoài nghi, giáo sư khám phá ra kitô giáo, nhưng sự khám phá này chưa thuyết phục ông lắm: “Tôi nhận thấy một số các lý thuyết không đúng và yếu, chỉ là một phác họa của sự thật, ở thời kỳ đầu kitô giáo, nó vững chắc hơn nhiều, không chỉ đơn thuần tập hợp các truyền thuyết. Đó là một sự thật về tôn giáo.” Ông nói tiếp: “Tôi tự hỏi đâu là trọng tâm kitô giáo, nền tảng cho mọi chân lý. Và đó là Phục sinh, nền tảng kitô giáo dựa trên việc Chúa sống lại. Tôi luôn nói, chỉ có Chúa là Đấng tôi quỳ gối tôn kính, là người ở đỉnh cao của nhân loại. Và tôi chỉ thấy điều này trong kitô giáo.”
Sự tò mò kỳ lạ đã thôi thúc ông thuyết trình và ngấu nghiến đọc các quyển sách biện giáo kitô giáo, từ Gary Habermas đến Matthieu Lavagna hay Pinchas Lapide. Giáo sư cho biết: “Tôi sẽ không bao giờ có thể quay trở lại quá khứ qua thành kiến của một cảm xúc: Tôi không còn tin vào trực giác của tôi, tôi cần những yếu tố xác nhận.” Vào cuối giai đoạn này, giáo sư khám phá ra một khuôn mặt khác của Chúa, xa lạ của một Chúa uy nghiêm xa xôi và không thể tiếp cận. Một vị thần phù hợp với tư tưởng triết học: “Tôi nghĩ hình ảnh Chúa mà chúng ta thấy là không đúng. Thiên Chúa qua hình ảnh của Chúa Kitô thì vô cùng chân thực, tốt đẹp hơn các bức biếm họa thường thấy của các thánh. Tôi thấy hình ảnh Chúa không xa vời nhưng giống với nhân tính của chúng ta. Tôi luôn nghĩ chỉ có Chúa trước mặt tôi mới làm tôi trở nên hèn mọn và tôn kính Ngài. Ngài ở đỉnh cao của nhân tính. Và tôi chỉ thấy Ngài trong kitô giáo.”
Tin với trái tim và lý trí
Đối với ông, cảm xúc này đến lần thứ hai khi ông hiểu Nhập Thể và Khổ Nạn: “Tôi không thể nghe theo trái tim nếu lý trí không đồng ý và không thể nghe theo lý trí nếu trái tim không đồng ý.” Câu nói này của Thánh Augustinô có một giá trị với ông: “Phải hiểu để suy nghĩ và phải suy nghĩ để hiểu.” Và ông tìm hiểu các Phúc âm, các thư, các chú giải được dẫn dắt với một suy nghĩ duy nhất: “Tôi phải nhất quán. Vì vậy, nếu tôi khám phá điều gì đó đúng, tôi biết điều đó và tôi cảm thấy điều đó, thì tôi phải thực hiện cho đến cùng.” Rất tin tưởng vào việc đi tìm Chân lý, ông xin rửa tội, tham gia vào nhóm dự tòng để học giáo lý.
Cuộc sống của ông đã thay đổi như thế nào?
Tôi có đời sống nội tâm. Tôi chú ý nhiều đến quyết định của tôi, cố gắng giữ những gì Chúa Kitô đã dạy. Trước đây tôi sống theo bản chất, theo thói quen, bây giờ tôi thấy tôi đã thay đổi, tôi dễ hòa giải hơn, một lợi thế toàn diện. Với tôi, rửa tội là một bí tích, nhưng cũng là hoán cải mỗi ngày.”
Ông phân biệt chân lý triết học và chân lý kitô giáo như thế nào?
Trong triết học, chân lý ở phép biện chứng, ở những ý tưởng và khái niệm được chia sẻ, rửa tội là tương lai của chúng ta. Trong kitô giáo, Ngôi Lời nhập thể, Ngôi Lời là nền tảng. Và tôi đã tìm thấy nền tảng.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn