Nhóm nghiên cứu sẽ bao gồm các thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn bản Pháp luật. Mục tiêu là “điển hình hóa” tội lạm dụng thiêng liêng bằng cách đi tới một xác quyết phù hợp hơn về các vấn đề tâm linh và các hiện tượng được cho là siêu nhiên.
Thư của Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin
“Chủ thuyết thần bí sai lạc” xuất hiện trong các quy định của Bộ Giáo lý Đức tin (DDF) trong một bối cảnh rất cụ thể: đó là các vấn đề liên quan đến tâm linh và cái gọi là hiện tượng siêu nhiên, ngày nay thuộc Phân ban Giáo lý: “các vấn đề và hành vi liên quan đến kỷ luật đức tin, chẳng hạn như các trường hợp giả thần bí, được cho là những cuộc hiện ra, thị kiến và những thông điệp được cho là có nguồn gốc siêu nhiên…” (Điều 10, 2).
Trong bối cảnh này, “chủ thuyết thần bí sai lạc” ám chỉ những đề xuất tâm linh làm tổn hại đến sự hài hòa trong cái nhìn của đạo Công giáo về Thiên Chúa và mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Chính theo nghĩa này, nó xuất hiện trong Huấn Quyền, chẳng hạn như trong thông điệp Haurietis Aquas (Các bạn sẽ múc nước), trong đó Đức Piô XII đã bác bỏ như là “chủ thuyết thần bí sai lạc” một quan niệm về Thiên Chúa hiện diện trong các nhóm theo chủ nghĩa Jansenist, mà trong linh đạo của họ, đã không quan tâm mầu nhiệm Nhập Thể.
Giáo hội và “chủ thuyết thần bí sai lạc”
“Do đó, thật không đúng khi nói rằng việc chiêm ngằm trái tim thể lý của Chúa Giêsu ngăn cản sự tiếp xúc mật thiết nhất với tình yêu của Thiên Chúa và nó làm trì hoãn sự tiến bộ của linh hồn trên con đường dẫn đến việc sở hữu những nhân đức cao cả nhất. Giáo hội chắc chắn bác bỏ chủ thuyết thần bí sai lạc này, cũng như, qua miệng của Vị Tiền nhiệm của Chúng Tôi là Đức Innocent XI, Giáo hội đã kết án giáo thuyết của những người đã khẳng định : “Họ (những tâm hồn của con đường nội tâm này) không được thực hiện những hành vi yêu mến đối với Đức Trinh Nữ, các thánh hoặc nhân tính của Chúa Kitô; bởi vì những đối tượng này rất nhạy cảm, nên tình yêu chúng ta dành cho các ngài cũng rất nhạy cảm. Không một thụ tạo nào, kể cả Đức Trinh Nữ và các thánh, được ở trong tâm hồn chúng ta: bởi vì chỉ duy Thiên Chúa muốn chiếm ngự và sở hữu nó””. (Thông điệp Haurietis Aquas, 15-5-1956, IV: AAS 48 [1956], 344). Trong luật của Giáo hội, không có hành vi phạm tội nào được điển hình hóa bằng danh xưng “chủ thuyết thần bí sai lạc”, mặc dù cách diễn đạt này đôi khi được các nhà giáo luật sử dụng theo nghĩa liên quan chặt chẽ đến tội lạm dụng.
Các hiện tượng siêu nhiên
Mặt khác, trong Các Chuẩn mực mới về việc phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên, DDF đã nêu rõ rằng “việc sử dụng những kinh nghiệm được cho là siêu nhiên hoặc các yếu tố thần bí được công nhận như một phương tiện hoặc cái cớ để thực hiện sự thống trị đối với con người hoặc để phạm tội lạm dụng phải được coi là có sự nghiêm trọng luân lý đặc biệt” (điều 16). Việc xem xét này cho phép đánh giá tình huống được mô tả ở đây là hoàn cảnh gia trọng nếu nó xảy ra cùng lúc với tội phạm. Có thể mô tả một tội phạm là “lạm dụng thiêng liêng”, bằng cách tránh cách diễn đạt quá rộng và đa nghĩa về “chủ thuyết thần bí sai lạc”.
Có đề nghị giao phó nhiệm vụ phân tích khả năng này và đưa ra những đề xuất cụ thể cho Bộ Văn bản pháp luật và Bộ DDF, bằng cách thành lập một nhóm làm việc do vị Tổng trưởng Bộ Văn bản pháp luật đứng đầu.
Hồng y Víctor Manuel Fernández
Tổng trưởng
Được Đức Phanxicô tiếp kiến ngày 22/11/2024.
Tổng trưởng Bộ Văn bản pháp luật đã chấp nhận đề xuất và tiến hành thành lập nhóm làm việc dự kiến, bao gồm các thành viên được hai Bộ chỉ định, để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó một cách nhanh chóng nhất có thể.
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
Từ : Vatican News
Nguồn: xuanbichvietnam.net