Trong hành trình trở về nguồn để canh tân đổi mới hầu thích ứng với nhu cầu thời đại hôm nay, người nữ tu Đa Minh Tam Hiệp đã cùng nhau họa lại những giá trị cốt lõi của mình, tìm lại căn tính của mình, nét đẹp của mình. Một trong những nét đẹp đó là sống khó nghèo, đơn sơ và giản dị. Thế nhưng đối diện với một thế giới tiêu thụ, đề cao vật chất, một câu hỏi được đặt ra đâu là ý nghĩa đích thực của đức khó nghèo? Làm thế nào đo lường được sự nghèo khó? Nếu hiểu khó nghèo chỉ trong “tinh thần” thì làm thế nào để biết được một người có tinh thần nghèo khó? Vì nói đến tinh thần thì chúng ta không thấy, không đo lường được. Nếu không thấy được thì làm thế nào trở thành dấu chỉ, chứng tá cho Nước Trời? Nếu chỉ hiểu khó nghèo theo nghĩa vật chất thì cũng có nhiều nghịch lý trong đời sống chúng ta. Làm thế nào để có thể dung hòa đời sống khó nghèo trong tinh thần và vật chất? Chúng ta được mời gọi nhìn lại đời sống của thánh phụ Đa Minh để soi sáng cho cuộc sống khó nghèo cá nhân và cộng đoàn. Để hiểu khó nghèo nơi thánh Đa Minh, chúng ta sẽ nhìn lại ba mốc điểm trong cuộc đời thánh nhân.
1. Khó nghèo – cuộc hoán cải của thánh Đa Minh
Khi Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai, Người mời gọi dân chúng hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1,15). Như thế, lời mời gọi sám hối không chỉ là điều kiện cần thiết, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn liền với việc đón nhận Tin Mừng. Do đó, những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu đều trải qua một cuộc hoán cải, nếu chưa hoán cải thì chưa làm thánh được. Khi đọc lại cuộc đời của các vị thánh, chúng ta sẽ thấy một điểm cốt yếu là cuộc hoán cải nội tâm.
Thánh Augustinô kể lại cuộc hoán cải trong quyển Tự Thuật như sau: “Tâm hồn đau đớn, con tim tan nát, tôi đang khóc, bỗng tôi nghe từ nhà bên cạnh tiếng hát của một người con trai hay con gái không rõ. Tiếng hát không rõ nhưng nghe lặp lại nhiều lần: Cầm lên, đọc đi ! Cầm lên, đọc đi!. Vậy nên tôi vội vã đến chỗ Alypius ngồi, tôi cầm lấy cuốn sách của Thánh Tông đồ, mở ra và im lặng đọc khúc đầu tiên bắt gặp: “Đừng chè chén say sưa, đừng chơi bời dâm đãng, cũng đừng cải cọ ghen tuông. Trái lại hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13) … Chính lúc này, như có một luồng sáng tỏa lan hồn tôi phá tan mọi bóng tối nghi ngờ” (XIIII,12). Tám tháng sau, thánh Ambrôsiô rửa tội cho Ngài trong đêm Phục sinh đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng tư năm 387. Thánh Augustinô đã được Chúa biến đổi hoàn toàn, đã thay đổi nếp sống của mình, đã lột bỏ con người cũ để trở nên con người mới, mặc lấy Đức Kitô.
Như bao vị thánh khác, thánh Đa Minh cũng có một cuộc hoán cải, nhưng cuộc hoán cải của ngài không phải là sự buồn sầu đau đớn về tội lỗi của mình, mà là một sự thay đổi suy nghĩ, đổi mới cái nhìn mọi sự trong Thiên Chúa. Khi còn là sinh viên ở Palencia, thánh Đa Minh đã chạnh lòng trước những nạn nhân của nạn đói diễn ra cách khốc liệt: “Tôi không thể học trên những tấm da chết, trong khi có nhiều người phải chết đói”. Chân phước Giôđanô Saxônia kể với chúng ta, thánh nhân đã xúc động vì nhiều người đang phải đau khổ và phải chết trong nạn đói trầm trọng, nên người đã bán đi những cuốn sách quý giá của mình, và với lòng nhân ái đáng phục, người đã thiết lập một trung tâm từ thiện để dưỡng nuôi người nghèo khổ (Libellus, 10). Biến cố này được xem như cuộc hoán cải của thánh Đa Minh. Thánh nhân đã gặp được Chúa nơi những người nghèo khổ, đã chạnh lòng thương đối với những mãnh đời đang lâm vào cảnh túng thiếu, bần cùng. Nơi thánh Đa Minh, Tin Mừng đã được chuyển hóa thành hành động cụ thể, không còn nằm trên những tấm da chết, nhưng trở nên đôi tay ôm ấp những người nghèo khổ đang cần đến sự giúp đỡ.
Vậy sống nghèo đối với thánh Đa Minh là gì? Là bán đi những gì mình có để cho người nghèo như lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng; là lòng thương xót, là tình yêu tìm cách xoa dịu đau khổ của tha nhân. Khó nghèo của thánh Đa Minh mang hai chiều kích: thứ nhất, nghèo về vật chất là bán đi, là từ bỏ và thứ hai, nghèo về tinh thần là lòng thương xót đối với những người kém may mắn, những người khổ đau. Qua hành động bán sách giúp những người trong nạn đói, chúng ta thấy được thánh Đa Minh sống nghèo cả trong tinh thần lẫn vật chất.
Chính chứng tá của thánh Đa Minh về lòng thương xót của Đức Giêsu và mối bận tâm mang phương dược chữa lành đến cho những ai đang gặp cảnh thiếu thốn về vật chất và tinh thần, đã truyền cảm hứng cho nhiều anh chị em Đa Minh ở nhiều nơi và nhiều thời khác nhau bước theo.
2. Sống nghèo – cách thế lôi kéo những người lạc giáo trở về
Khoảng đầu thế kỷ XIII, một khủng hoảng lớn đã xảy ra tại nhiều nơi bên Âu Châu, nhất là miền nam nước Pháp, nơi đã phát sinh nhóm lạc giáo chống Giáo hội. Với chủ thuyết nhị nguyên, họ chủ trương rằng thế giới hữu hình là xấu xa, do một thần xấu đối nghịch với Thiên Chúa tạo dựng.
Vấn đề đó càng trở nên phức tạp hơn khi phần lớn các Giám mục, và linh mục không khéo trình bày đạo lý đích thực của Kitô giáo sao cho thật hấp dẫn và đầy tính thuyết phục. Trong khi những người theo bè rối lại sống một đời sống bề ngoài rất gương mẫu hơn hẳn hàng giáo sĩ của Giáo hội. Chính vì thế, dân chúng không nhận ra nổi chân dung đích thực của những người kế vị các tông đồ nơi hàng giáo sĩ thời đó. Trước bối cảnh này, Giáo hội hơn bao giờ hết cần đáp ứng những khát vọng tôn giáo của dân chúng ngay trong lòng Giáo hội và làm sao để loan báo Tin Mừng Đức Kitô với một cung cách bình dân và dễ hiểu hơn.
Đức Thánh Cha Innocente III chỉ định ba vị Dòng Xitô làm sứ giả đi chống lạc giáo tại miền nam nước Pháp. Những tu sĩ này đã gặp nhiều trở ngại và không thành công trong việc chinh phục những người lạc giáo trở về. Vì thế, các tu sĩ này băn khoăn không biết nên bỏ việc rao giảng để chỉ chú tâm vào việc cải tổ hàng giáo sĩ hay không? Vì chính gương xấu của các giáo sĩ là một trong những nguyên nhân chính gây nên lạc giáo.
Cùng với Đức Giám mục Diegô, thánh Đa Minh áp dụng lối sống nghèo của Tin Mừng, can đảm sống nghèo triệt để và hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa quan phòng, dám sống mạo hiểm giữa trần gian, không ẩn dật theo kiểu sống đan tu, chấp nhận một lối sống dấn thân tích cực phục vụ tha nhân. Phương pháp tốt nhất để chống lạc giáo là sống khắc khổ và theo tinh thần Phúc Âm như người lạc giáo. Thánh Đa Minh cũng phải đi chân không, cũng khó nghèo và khiêm tốn, đi khất thực từng nhà.
Thánh Đa Minh đã nhận ra dấu chỉ thời đại là muốn rao giảng cho những người lạc giáo phải sống khó nghèo Tin Mừng như họ, nhưng cái khác của thánh Đa Minh là hiệp thông với Giáo hội, rao truyền Tin Mừng đích thực của Đức Kitô. Vì thế, trong dịp mừng 800 năm sinh nhật trên trời của thánh nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “Thánh Đa Minh đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời bấy giờ không chỉ bằng việc rao giảng Tin Mừng cách mới mẻ và sống động, nhưng quan trọng hơn là bằng chứng tá thuyết phục cho lời mời gọi nên thánh trong sự hiệp thông sống động của Giáo hội. Trong tinh thần canh tân triệt để, thánh nhân đã cố gắng trở về với đời sống thanh bần và đơn sơ của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, tụ họp chung quanh các tông đồ và trung thành với giáo huấn của các ngài (x. Cv 2,42)”[1]. Đó là lý do mà khi lập Dòng Giảng Thuyết, thánh Đa Minh đã chọn nếp sống nghèo khó và sai anh em ra đi loan báo Tin Mừng như những người hành khất của Thiên Chúa.
Lựa chọn nếp sống hành khất là một lựa chọn đầy khó khăn, vì nó đòi hỏi phải có một tâm hồn khiêm tốn và dám mạo hiểm tín thác vào Thiên Chúa. Lựa chọn ấy giúp thánh Đa Minh và các tu sĩ trở nên những con người tự do, dành trọn thời gian cho Thiên Chúa và tha nhân một cách vô vị lợi, vì họ không phải bận tâm lo lắng về những lo toan vật chất trần thế, họ không phải lo lắng ăn gì, mặc gì, và giữ gì cho tương lai. Quả thật, nếp sống khó nghèo của Đa Minh đã giới thiệu cho các nhóm lạc giáo về một Chúa Kitô đích thực của người nghèo và đã giúp nhiều người lạc giáo trở về với Thiên Chúa.
Trong ngày tuyên khấn, anh em Đa Minh chỉ khấn vâng phục Bề trên Tổng quyền và Hiến Pháp. Tại sao không khấn khó nghèo? Có nhiều cách giải thích khác nhau, cách nào cũng mang lại những câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, đối với thánh Đa Minh, khó nghèo không chỉ dừng lại ở lời khấn, vì khấn thì có khi tuân giữ, có khi quên sót, mà khó nghèo trở thành một nếp sống, cách thế để loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu. Khó nghèo đã trở thành cái gì đó thiết yếu của cuộc sống thánh Đa Minh, có thể nói không có không được. Khi hoạt động tông đồ, thánh Phaolô đã vạch mục tiêu cho mình là trở nên người Do Thái với người Do Thái, trở nên người Hy Lạp với người Hy Lạp, và trở nên mọi sự cho mọi người để lôi kéo họ đến với Chúa Kitô. Theo cùng cách thức ấy, thánh Đa Minh cũng muốn trở nên nghèo với người nghèo, để lôi kéo họ đến với Chúa Kitô và phục vụ họ một cách đắc lực hơn.
3. Khó nghèo – di ngôn của thánh Đa Minh
Chúng ta cùng nhau nhìn lại di ngôn cha thánh Đa Minh: “Các con hãy có đức ái, giữ lòng khiêm tốn và tình nguyện sống nghèo”. Khó nghèo có mối tương quan mật thiết với khiêm tốn và đức ái. Có thể nói nếu sống khó nghèo mà thiếu khiêm tốn và không có đức ái thì khó nghèo đó không phải là phương tiện giúp chúng ta nên thánh.
3.1. Khiêm tốn và khó nghèo
Trở về với khuôn mẫu của sống khó nghèo. Trong việc Nhập Thể, Chúa Kitô đã tự ý trút bỏ vinh quang, mặc lấy sự khiêm hạ trước mặt Chúa Cha trong việc chấp nhận thân phận con người. Trường phái Linh đạo Pháp đã mô tả hình thức khó nghèo ấy là anéantissement – sự “hủy mình ra không” của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên nhầm lẫn tư tưởng trên với ý nghĩa rằng chúng ta chẳng có chút giá trị nào, không phải thế, nhưng đúng hơn chúng ta liên tục được nhận lãnh từ Thiên Chúa món quà của sự hiện hữu.
Khó nghèo Tin Mừng là thái độ khiêm hạ của con người trước mặt Thiên Chúa; là cách thế tốt nhất để đón nhận và ôm lấy thân phận thụ tạo của mình như một món quà. Tất cả những gì “tôi có”, “tôi là” đều đến từ Thiên Chúa. Khiêm tốn là nhận thức rằng, dù chúng ta là ai và có gì đi nữa, tất cả đều là ân sủng do Thiên Chúa ban, nên mọi sự đều quy hướng về Người. Thiên Chúa là chủ cuộc đời chúng ta. Sống nghèo là ý thức rằng mình cần đến Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa chiếm hữu mình và mình chiếm hữu Thiên Chúa.
Sống đức khó nghèo là mở rộng cõi lòng đón nhận Thiên Chúa và chân thành nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của mình, hay nói khác hơn đó là sự biết mình. Trái ngược với khó nghèo không phải chỉ là sự giàu có, nhưng còn là thói kiêu căng, tự mãn, tự khẳng định, khép kín với Thiên Chúa và với tha nhân. Khó nghèo tận căn hệ tại sự từ bỏ chính mình, quên đi cái “tôi”, thôi sùng bái cái “tôi”, và nuông chiều cái “tôi”. Đây là sự chọn lựa quyết liệt của những ai đi theo Đức Giêsu, sự chọn lựa không chiếm hữu, nhưng trao ban hoàn toàn; không sống để khẳng định mình, nhưng sống hoàn toàn cho người khác. Khó nghèo tự nguyện là sự tin tưởng vào Thiên Chúa, để Ngài đáp ứng cho mọi nhu cầu của chúng ta tùy theo sự giàu có của Ngài.
Sống nghèo khó giúp chúng ta ý thức rõ hơn về thân phận mình. Khi chúng ta càng tinh lọc cõi lòng khỏi những dính bén thế gian thì chúng ta lại có một con tim tự do, thanh thoát để ân sủng Chúa đổ vào và tự do ra đi loan báo Tin Mừng.
3.2. Khó nghèo và đức ái
Thánh Tôma Aquinô lưu ý rằng lời kêu mời trở nên hoàn thiện được trao ban cho tất cả mọi người, và sự hoàn thiện đó không tồn tại trong các lời khuyên Phúc âm nhưng trong Đức Ái. Việc từ bỏ hay khước từ của cải đặt nền tảng trên nguyên tắc tối thượng là đức ái. Nghèo khó không phải là một tiêu chuẩn đo lường sự thánh thiện của một tu sĩ. Tình yêu và chỉ tình yêu mới là tiêu chuẩn đánh giá tư cách người môn đệ của Chúa Kitô. Cựu ước và Tân ước đều trình bày đức nghèo như thái độ lệ thuộc Thiên Chúa. Đức nghèo có mục đích giúp chúng ta củng cố ý thức lệ thuộc Thiên Chúa và làm cho chúng ta được tự do mà thực thi đức mến.
Lời khấn nghèo khó còn mang chiều kích yêu thương bác ái, đó là sự chia sẻ thời gian, tài năng, công sức và chính mình cho tha nhân. Thánh Đa Minh không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hoặc quá bận rộn, nhưng ngài luôn sắp xếp để có thời gian đồng hành với anh em, giảng dạy và thuyết phục những người lạc giáo và đưa họ về với Chúa. Quả thật, thánh Đa Minh đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa và chia sẻ mọi sự cho con người. Thánh nhân đã sống một đời sống khó nghèo triệt để vì Tin Mừng và vì lợi ích các linh hồn. Sống nghèo mà thôi chưa đủ, còn cần phải sống nghèo với những người nghèo và vì những người nghèo. Bởi vì, nếu không sống nghèo, không vượt lên trên của cải, chúng ta sẽ không cảm nhận được nỗi đau của người nghèo và không dễ để chúng ta có thể gần gũi và yêu mến họ.
Một điều cũng nên để ý trong câu di ngôn, thánh Đa Minh nói đến “tự nguyện” sống nghèo. Vì “tự nguyện”, nên người tu sĩ sẽ không cảm thấy khổ sở khi phải đối diện với những thiếu thốn, không cảm thấy nặng nề khi lao động vất vả, hoặc buồn phiền khi thấy bị hạn chế, do lệ thuộc cộng đoàn về của cải vật chất. Nhờ đó, đời sống người thánh hiến hoàn toàn tự do trước những đam mê hưởng thụ theo xu hướng thế gian, thoát khỏi những mối bận tâm của vật chất, hầu có thể hoàn toàn thuộc về Chúa và anh chị em trong mọi hoàn cảnh như thánh Phaolô: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả” (Pl 4,12-13).
Tạm kết
Nhìn lại cuộc đời thánh Đa Minh, chúng ta thấy thánh nhân sống nghèo trong tinh thần và vật chất. Thánh nhân sống khó nghèo Tin Mừng cách triệt để, lòng không khao khát, ước muốn để có được của cải vật chất, để được giàu có, nhưng chỉ khát mong cho mọi người được ơn cứu độ. Là người tu sĩ Đa Minh, chúng ta phải sống thế nào cho người khác có thể nhìn thấy chúng ta hạnh phúc và được chăm sóc, khi chúng ta đặt mình trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta sống khó nghèo không những trong tinh thần mà còn vật chất, vì theo thánh Tôma Aquinô, con người là một thực thể gồm hồn và xác, không thể chỉ có thân xác hay chỉ có linh hồn. Do đó, trong việc thực hành đức khó nghèo, chúng ta thể hiện một con người thanh thoát với của cải, không dính bén đến của cải, điều gì cần thiết cho sứ vụ, cho ơn cứu rỗi các linh hồn thì chúng ta thực hiện. Cuộc sống nghèo của người nữ tu Đa Minh phải trở nên dấu chỉ đích thực cho Nước Trời mai sau.
[1] Thư của Đức Thánh Cha Phanxico gởi tu sĩ Gerard Francisco Timoner, OP. Tổng quyền Dòng Anh em Giảng thuyết. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tong-quyen-dong-anh-em-giang-thuyet-42083.