Thánh Phaolô tông đồ được ơn gặp Đức Kitô hiện diện cách sống động và đã nghe rõ chính tiếng Ngài gọi, từ đó cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Kitô trong tất cả mọi chiều dài, rộng, cao, sâu; chính vì thế Thánh Phaolô, người đã luôn luôn xác tín rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Quả vậy, biến cố Đa-mát là một ơn mạc khải lạ lùng biến đổi hoàn toàn “cái nhìn” của Phaolô về Đức Kitô Phục sinh và Hội Thánh của Người, để từ đó mở ra trước mắt Phaolô tất cả kho tàng chân lý đức tin Kitô giáo, mà chính Ngài đã nhận lấy sứ mạng rồi chuyển tải cho chúng ta hôm nay, một thế giới đang cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa. Sau đây chúng ta cùng đọc với nhau vài trích đoạn các thư của Ngài, để cùng trải nghiệm đời sống “chiêm ngắm” của một Tông Đồ truyền giáo hăng say nhất trong thời kỳ đầu của Giáo Hội.
1/ Nhìn thấy sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời mình:
Trước biến cố Đa-mát, Phaolô chỉ thấy chính mình và Do-thái giáo. Phaolô tự phụ về nguồn gốc xuất thân của mình và đời sống mẫu mực không ai bắt bẻ được điều gì, “ Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Is-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,4b-6). Phaolô kiêu hãnh về đời sống đạo đức của mình – “Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi : hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” (Gl 1,14) – Phaolô tự hào vì Do-thái giáo kế thừa lời hứa cứu độ, “Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa” (Rm 9,4).
Sau biến cố Đa-mát, Phaolô thay đổi lối nhìn những điều mà trước kia ông cho là giá trị, là đáng kể nữa, nhưng chỉ còn Đức Kitô. Đức Kitô sống trong Phaolô và Phaolô kết hiệp với Ngài, “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt.” (Pl 3,12c). Và những gì Phaolô tự hào lại trở nên đồ rác rưởi trong lối nhìn mới – được soi sáng nhờ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh trên con đường Đa-mát – “ Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).
2/ Nhìn thấy sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội Thánh:
Lời mạc khải mà Phaolô nghe được trong biến cố Đa-mát, đã cho Phaolô một hiểu biết mới, mở ra một cái nhìn thần học về Hội Thánh, là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô – “Ta là Giêsu Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.” (Cv 22,8). Để khởi từ mạc khải kỳ diệu này, Phaolô đã có những suy tư thần học tuyệt vời về chiều kích đặc sủng và cơ chế của Hội Thánh – “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác…” (1Cr 12,27-28) –đồng thời kêu gọi, nhắc nhở các tín hữu luôn xác tín và sống theo sự thật này – “Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,11-13).
3/ Nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa qua ơn gọi tông đồ:
Nếu như Mô-sê đã “chiêm ngắm” viễn ảnh ơn cứu độ xuyên qua lề luật, thì Phaolô còn tiến xa hơn nữa trong việc “nhìn thấy” tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, dành cho nhân loại xuyên qua con người và sứ vụ tông đồ của mình : “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người.Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận : Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1Tm 1,12-16).
Nữ tu Phao-lô cũng là những người mang sứ vụ chuyển tải đức tin đến cho mọi người, chúng ta đang bước đi trên muôn vạn nẻo đường đời trong lộ trình chung của Giáo Hội lữ hành. Chắc chắn trên hành trình đó, có đôi khi chúng ta cũng được Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Ngài trong một “biến cố Đa-mát” của đời thường. Điều quan trọng là chúng ta có “nhận thấy” với con mắt đức tin, con mắt của trái tim để cảm nghiệm và xác tín được như Thánh Phaolô về chính Đức Kitô và chiều kích cứu độ qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng của mỗi người chúng ta không ?
Xin Thánh Phaolô – nhà thần bí và là tông đồ truyền giáo xuất chúng – bầu cử cho chúng con cũng được tràn đầy Thần Khí của Đức Kitô phục sinh, giúp chúng con biết nhìn mọi người và mọi sự bằng chính ánh mắt của Đức Kitô, để luôn nhận thấy tình thương trong nơi thù oán, sự sống bên kia cái chết và mỗi ngày xác tín hơn vào tình yêu của Đức Kitô, hằng thôi thúc chúng con trong sứ vụ rao giảng Lời Chúa cho anh em.
Sr.Marie Rose de Lima Thanh Nga, SPC