Thánh Têrêsa Calcutta

Vào Chúa nhật ngày 4-9-2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican với khoảng 120.000 người tham dự. Lễ kính Thánh nữ được ấn định vào ngày 5-9 hằng năm. Dưới đây là tiểu sử và chứng từ của Thánh nhân.

I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Đây là tiểu sử chính thức của Mẹ thánh Calcutta được Đức Hồng Y Angelo Amato, là Tổng trưởng bộ Tuyên Thánh, đọc trước Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10h25 sáng Chúa Nhật 04/09/2016

Calcutta, nhủ danh Gonxha Bojaxhiu Agnes, sinh tại Skopje, Albania, ngày 26 Tháng Tám năm 1910, là người con thứ năm và cũng là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu. Têrêsa đã được rửa tội vào ngày hôm sau và được rước lễ lần đầu khi lên năm tuổi rưỡi. Từ thời điểm đó trở đi, tâm hồn Têrêsa tràn ngập tình yêu dành cho các linh hồn.

Năm 1928, với mong muốn được phục vụ như là một nhà truyền giáo, Têrêsa bước vào Tu hội Chị em Loreto ở Ireland. Năm 1929, Têrêsa đến Ấn Độ, và khấn lần đầu vào tháng 5 năm 1931 và khấn trọn vào tháng Năm năm 1937. Trong suốt hai mươi năm sau đó, Têrêsa đã giảng dạy ở Ấn Độ, và được nhiều người biết đến vì lòng bác ái, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và sự vui tươi.

Ngày 10 tháng 9 năm 1946, Têrêsa nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Năm 1948, Têrêsa nhận được sự cho phép của Giáo Hội để bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình trong các khu ổ chuột của thành phố Calcutta. Dòng Thừa Sai Bác Ái đã trở thành một Tu Hội của giáo phận vào ngày 07 tháng 10 năm 1950, và đã được nâng lên thành một Tu Hội giáo hoàng vào ngày 1 tháng 2 năm 1965. Đặc sủng riêng của Tu Hội là để thỏa mãn cơn khát vô hạn của Chúa Giêsu đối với tình yêu và đối với các linh hồn bằng cách hoạt động cho sự cứu rỗi và sự thánh thiện của những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Để mở rộng sứ mệnh tình yêu này, Mẹ đã mở thêm các nhánh khác bao gồm dòng các Tu huynh Thừa Sai Bác Ái, vào năm 1963, dòng các nữ tu sĩ chiêm niệm vào năm 1976, dòng các Tu huynh chiêm niệm (1979), và dòng các Cha Thừa Sai Bác Ái vào năm 1984, cũng như các Hiệp hội các cộng tác viên, Hiệp hội các cộng sự viên đồng lao cộng khổ, và phong trào Corpus Christi cho các linh mục.

Tại thời điểm Mẹ qua đời vào ngày 05 tháng Chín năm 1997, dòng có đến 3,842 chị em làm việc tại 594 nhà ở tại 120 quốc gia. Mặc dù, phải chịu đựng một kinh nghiệm đau đớn của bóng tối nội tâm, Mẹ đã đi khắp mọi nơi, có liên quan, như Đức Maria trong trình thuật Thăm Viếng [bà Elizabeth], để truyền bá tình yêu của Chúa Giêsu trên khắp thế giới. Do đó, Mẹ đã trở thành một biểu tượng của dịu dàng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người không được yêu thương, bị khước từ và bỏ rơi. Từ trên Thiên Đàng, Mẹ tiếp tục “thắp lên một ánh sáng cho những người sống trong bóng tối trên trái đất này.”

II. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Con đường nên thánh của Mẹ Thánh Têrêsa thật đơn giản: Chỉ sống trọn vẹn Lời khuyên của Phúa Âm với hai hướng đi rất rõ rệt.

1. Sống tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa

Đây là lời của đức cha Angelo Comastri về mẹ. Từ lúc còn trẻ, tôi đã có nhiều liên hệ thân tình với mẹ Têrêsa Calcutta. Một lần gặp tôi, mẹ đưa đôi mắt trong suốt và sâu thẳm nhìn tôi rồi đột ngột hỏi:

– “Con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ ?”.

Ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ, tôi lúng túng tìm cách chống chế:

– “Con tưởng mẹ sẽ nhắc nhở con sống bác ái, yêu thương giúp đỡ người nghèo chớ! Đàng này mẹ hỏi con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ ?” .

Mẹ Têrêsa liền nắm chặt hai bàn tay tôi, rồi siết mạnh như thông truyền cho tôi điều mẹ hằng ấp ủ trong lòng. Mẹ nói:

– “Con à, nếu không có Thiên Chúa hỗ trợ, chúng ta quả thật quá nghèo để có thể giúp đỡ người nghèo. Con nên nhớ: Mẹ chỉ là phụ nữ nghèo luôn cầu nguyện. Chính trong khi cầu nguyện mà Thiên Chúa đặt Tình Yêu Ngài vào lòng mẹ và nhờ thế, mẹ có thể giúp đỡ người nghèo. Con nhớ cho kỹ nhé: – Mẹ giúp đỡ người nghèo vì mẹ hằng cầu nguyện, mẹ cầu nguyện luôn luôn!”

Một kỹ nghệ gia giàu có muốn dâng cúng ngôi biệt thự sang trọng của ông để mẹ Têrêsa tiếp đón những người bị bệnh liệt kháng. Ông cầm trong tay bộ chìa khóa và muốn trao ngay cho mẹ. Nhưng mẹ Têrêsa nói: – “Tôi phải cầu nguyện và suy nghĩ trước đã, vì tôi không biết có nên đưa các bệnh nhân liệt kháng vào một nơi chốn giàu sang để chăm sóc không. Biết đâu sẽ làm cho họ đau khổ gấp đôi!”.

Mọi người thầm cảm phục sự dè dặt khôn ngoan của mẹ. Tuy nhiên, nhiều người cho là mẹ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Do đó, một người cảm thấy có bổn phận khuyên mẹ:

– “Thì mẹ cứ nhận chìa khóa đi, rồi sẽ tính sau!”.

Nhưng mẹ Têrêsa quyết liệt trả lời:

– “Không, thưa ông không. Những gì tôi không cần đều trở thành gánh nặng!” .

2. Sống yêu thương mọi người nhất là những người nghèo khó bệnh tật

Mẹ đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

“Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhát trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa thiên đàng. Nhưng thánh Phêrô chặn lại không cho tôi vào thiên đàng. Ngài nói như sau: “Không để để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào thiên đàng. Thiên đàng không có nơi cùng khổ”.

Tôi mới tức giận nói với ngài như sau: “Thế ư ? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho thiên đàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào thiên đàng”.

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên đàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.

Xin được kết thúc bằng câu chuyện sau đây:

Hôm thứ năm 18 tháng 9, Văn Phòng Thông Tin của Liên Hiệp Quốc cùng với Hiệp Hội quy tụ những người công giáo làm việc tại Trụ Sở của Liên Hiệp Quốc ở New York, mang tên là Hiệp Hội Hòa Bình Trên mặt Ðất, đã cùng nhau tổ chức buổi lễ Tưởng Niệm Mẹ Têrêsa Thành Calcutta. Ông Kulla, đại sứ của Albani tại Liên Hiệp Quốc đã ca ngợi Mẹ Têrêsa như là “vị thánh đã sống giửa chúng ta” và sẽ còn sống mãi qua những việc làm và lời nói của Mẹ. Ông còn nói thêm như sau: “ở đâu thuốc men thất bại, và những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không được tuân giữ, thì ở đó Mẹ Têrêsa lại thành công vạch ra con đường cho con người noi theo. Tất cả những người Albani đều hãnh diện về Mẹ”. Ðức Tổng Giám Mục Renato Martino, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc thì nhận định như sau: “Ðời sống và chúng tá của Mẹ Têrêsa đã đánh động tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, quốc gia và xác tín chính trị. Sức thu hút của Mẹ đến từ thái độ sống của Mẹ nhìn thấy Chúa Kitô hiện diện trong mọi người. Mẹ Têrêsa dạy chúng ta rằng: chúng ta không thể thay đổi toàn thế giới, nhưng ít ra chúng ta có thể góp phần làm cho thế giới nầy trở thành nơi dễ sống hơn. Như Mẹ Terêsa, chúng ta đừng bao giờ thất vọng vì sự yếu đuối nhỏ nhoi của mình, nhưng hãy nhớ rằng Thiên Chúa xử dụng sự nhỏ hèn của chúng ta một cách đặc biệt, để chu toàn những việc cao cả.”

Lm. Giuse Đinh Tất Quý