Rafael Luciani lập luận rằng việc ra quyết định phi tập trung và phi hệ thống phẩm trật, như Con Đường Công Nghị Đức (German Synodal Way) ủng hộ, là một phần không thể thiếu để thực hiện đầy đủ Công đồng Vatican II. Tuy nhiên, các nhà thần học khác không đồng ý.

Jonathan Liedl, National Catholic Register, 01-08-2024

Một người đóng góp có tầm ảnh hưởng cho Thượng hội đồng về Tính Hiệp Hành đang diễn ra, tin tưởng rằng quá trình này có thể dẫn đến những thay đổi lớn về đạo lý và thực hành Công giáo nếu những người tham gia tán thành một mô hình quản trị Giáo hội gây tranh cãi trong tài liệu cuối cùng của thượng hội đồng.

Nhà thần học giáo dân người Venezuela Rafael Luciani cho biết chìa khóa còn tùy thuộc vào kết quả của Thượng hội đồng có khẳng định một cách giải thích gây tranh cãi về giáo huấn của Công đồng Vatican II về “Dân Thiên Chúa” đã được chấp nhận ở những nơi như ở Đức, khi làm rõ cho một cách tiếp cận phi tập trung (decentralized) hơn, ít mang tính phẩm trật (hierarchical) hơn đối với thẩm quyền (authority) của Giáo hội.

(Thần học gia Rafael Luciani – Nguồn: https://www.vaticannews.va)
Luciani, cố vấn thần học chủ chốt của văn phòng tổ chức thượng hội đồng ở Vatican và là người ủng hộ hàng đầu cho “tính hiệp hành” nói chung, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 23 tháng 7 với trang mạng Katholisch, cơ quan thông tin của các giám mục Đức, rằng mặc dù các chủ đề gây tranh cãi như nữ phó tế không còn trong chương trình nghị sự của thượng hội đồng tháng 10 này sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô chuyển chúng sang cho các nhóm nghiên cứu riêng biệt, nhưng thượng hội đồng vẫn có thể mở ra cánh cửa cho những thay đổi lớn.

“Nếu, vào lúc kết thúc thượng hội đồng, chúng ta có một văn bản thực hiện bước nhảy vọt về mặt giáo hội học này và thiết lập sự hiểu biết về Giáo hội như là Dân Thiên Chúa, thì sẽ có những phát triển hơn nữa trong các lĩnh vực mục vụ và đạo lý”, ông nói.

Luciani, người được bổ nhiệm vào ủy ban chuẩn bị của thượng hội đồng năm 2021, đã ca ngợi Giáo hội ở Đức, với tiến trình Con đường công nghị gây tranh cãi, vì đã áp dụng mô hình này vào đời sống Giáo hội. Tuy nhiên, ông cho biết phần lớn các quốc gia còn lại của Giáo hội hoàn vũ đã không chấp nhận cách tiếp cận này – bao gồm cả Hoa Kỳ.

“Ở Hoa Kỳ, Giáo hội về cơ bản là không hoạt động và thật không may là dường như không có cộng đoàn thực sự nào giữa các giám mục ở đó”, Luciani giải thích lý do tại sao Giáo hội Hoa Kỳ không chấp nhận cách giải thích gây tranh cãi về Công đồng Vatican II.

Những bình luận này cho thấy quan điểm của một trong những lực lượng trí thức quan trọng nhất đang cố gắng định nghĩa “tính hiệp hành” cho Giáo hội hoàn vũ. Kể từ khi Giáo hoàng Phanxicô phổ biến thuật ngữ này trong từ điển của Giáo hội thông qua bài phát biểu năm 2015, Luciani đã viết hoặc biên tập ít nhất chín cuốn sách về tính hiệp hành và nhiều bài báo khác.

Ngoài ra, nhà thần học người Venezuela này còn là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho nữ tu Nathalie Becquart, một trong những viên chuyên viên hàng đầu của Vatican trong việc thực hiện Công nghị, trong thời gian từ năm 2019-2020 tại Đại học Boston.

Nữ tu người Pháp, hiện là phó thư ký của Thượng hội đồng giám mục Vatican, cho biết vào năm 2020 rằng sự hướng dẫn của Luciani đã giúp bà “khám phá thêm về thần học Mỹ Latinh đã định hình cái nhìn của Giáo hoàng Phanxicô về tính hiệp hành và bắt tay vào các dự án khác nhau để thúc đẩy tính hiệp hành”.

Giáo hội như ‘Dân Thiên Chúa’

“Dân Thiên Chúa” quy chiếu đến hình ảnh chính của Giáo hội được Công đồng Vatican II dạy trong hiến chế tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium. Khái niệm này nhấn mạnh đến sự hiệp thông của tất cả các thành viên của Giáo hội từ các thời đại, nơi chốn và tình trạng sống khác nhau và nhấn mạnh rằng “tất cả các môn đệ của Đức Kitô” được kêu gọi tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội “theo cách phù hợp” với mỗi người.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Luciani đã lập luận rằng cách quản trị phi tập trung và không theo hệ thống phẩm trật đã từng có trong giáo huấn của Công đồng Vatican II về Dân Thiên Chúa, nhưng cái nhìn về giáo hội này đã bị các Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedictô XVI chặn lại, những người “quá nhấn mạnh” đến sự tập trung hóa và hệ thống phẩm trật.

Nhà thần học, cũng đồng thời là giảng viên của trường đại học Công giáo quốc gia Venezuela, trước đây đã lập luận rằng thượng hội đồng đang tạo cơ hội để thúc đẩy những gì ông tin là sự hiểu biết đúng đắn về Công đồng Vatican II.

“Những gì chúng ta cần là một mô hình mới mẻ hơn về việc trở thành giáo hội, trong khi hình dung và xây dựng các cấu trúc mới phản ánh mô hình hiệp hành hơn và liên quan nhiều hơn đến người giáo dân trong các quá trình ra quyết định”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 năm 2021.

Trong khi phần lớn các nhà thần học đồng ý rằng “Dân Thiên Chúa” là một chiều kích quan trọng trong giáo huấn của Công đồng Vatican II về Giáo hội, vẫn còn bất đồng to lớn về cách khái niệm này nên áp dụng cho các vấn đề về quản trị và thẩm quyền và cách nó nên được áp dụng cho các khía cạnh khác của Giáo hội, như bản chất của phẩm trật hoặc đặc tính bí tích của Giáo hội.

Một số nhà thần học đã cảnh báo rằng giáo huấn của Công đồng Vatican II về Dân Thiên Chúa đã bị một số người hiểu lầm trong việc ghi nhận xã hội học, có nguy cơ dựa vào các tiến trình dân chủ, chứ không phải Mặc khải từ Thiên Chúa, làm cơ sở cho việc quản trị và giáo huấn của giáo hội.

Joseph Ratzinger, khi đó là người đứng đầu Bộ giáo lý đức tin của Vatican, đã bày tỏ mối quan ngại này trong một bài báo năm 2001 trên tờ L’Osservatore Romano.

“Cuộc khủng hoảng của Giáo hội, như được phản ánh trong khái niệm Dân Thiên Chúa, là một ‘cuộc khủng hoảng’ của Chúa,” vị Giáo hoàng tương lai đã viết. “Đó là cuộc khủng hoảng từ bỏ những điều cốt yếu. Những gì còn lại chỉ là cuộc đấu tranh giành quyền lực.”

Nước Đức như một mô hình

Trong cuộc phỏng vấn với Katholisch, Luciani lập luận rằng một số nơi đã tiếp nhận sự hiểu biết đúng đắn về “Dân Thiên Chúa” trong những năm sau Công đồng Vatican II, “nhưng điều này không xảy ra ở tất cả các châu lục.”

Đặc biệt, nhà thần học được đào tạo tại châu Âu, người có bằng từ Đại học Gregoria do Dòng Tên điều hành ở Rome và đã thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đức, đã trích dẫn các quốc gia như Áo, Thụy Sĩ và Đức là những nơi mà giáo hội học ưa thích của ông đã được đưa vào thực hành và “đã có những phát triển lớn”.

“Vào thời điểm này, chính các giáo hội ở những quốc gia này và ở Mỹ Latinh đang tiến lên phía trước,” ông nói.

Đặc biệt, Luciani đã trích dẫn Con đường Công Nghị của Đức, vốn đã bị Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ trích vì nỗ lực thành lập một hội đồng giám mục-giáo dân chung để quản lý Giáo hội địa phương, như một mô hình tích cực. Ông cũng nhắc đến CELAM, hội đồng giám mục Mỹ Latinh mà ông tư vấn và bao gồm một hội đồng giáo hội gồm các giám mục, giáo dân, tu sĩ và linh mục.

Tuy nhiên, bên ngoài Châu Âu và Châu Mỹ Latinh, Luciani tuyên bố, “không có sự tiếp nhận” những gì ông coi là sự hiểu biết có thẩm quyền về giáo huấn của Công đồng Vatican II về Giáo hội.

“Bất kỳ ai hướng đến Châu Phi, Châu Á hoặc Bắc Mỹ sẽ nhận ra rằng sự tiếp nhận Công đồng không diễn ra thông qua giáo hội học về hình ảnh Dân Thiên Chúa”, ông nói, đồng thời mô tả sự hiểu biết của Giáo hội ở Châu Đại Dương và Trung Đông là thiếu sót về mặt này.

Hoàn thành ‘Chuyển đổi Giáo hội học’

Luciani coi Thượng hội đồng là một biện pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt này và mô tả quá trình kéo dài nhiều năm, bắt đầu vào năm 2021 và kết thúc vào tháng 10 này với một cuộc họp của Vatican, như một phần trong nỗ lực của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhằm thúc đẩy “một Giáo hội hoàn vũ tự nhìn nhận mình là Dân Thiên Chúa”.

Những người tổ chức Thượng hội đồng đã nhiều lần mô tả sự kiện này là cơ hội để những người Công giáo trên khắp thế giới tụ họp và chia sẻ hiểu biết của mình về Giáo hội và tính hiệp hành. Nhưng Luciani cho rằng mục đích của sự kiện này là để hợp pháp hóa mô hình Giáo hội thúc đẩy các sáng kiến ​​như CELAM và Con đường Công Nghị Đức.

Do đó, có thể nói rằng Thượng hội đồng về tính hiệp hành đang diễn ra hiện nay đã thúc đẩy toàn bộ Giáo hội hoàn vũ theo hướng này, ông nói.

Và Luciani cho biết mặc dù các Giáo hội địa phương khác nhau đang ở những vị thế khác nhau trong việc tiếp nhận giáo hội học này, nhưng Thượng hội đồng sẽ cho phép phân cấp triệt để bằng cách củng cố “mô hình Dân Thiên Chúa” ở cấp cao nhất.

“Khi quá trình chuyển đổi giáo hội học hoàn tất, các Giáo hội địa phương sẽ có thẩm quyền riêng của mình”, ông nói, đồng thời nói thêm rằng sự thay đổi này có nghĩa là việc giải quyết các vấn đề về chức thánh và đạo lý “không nên là vấn đề tuân theo mọi thứ xuất phát từ Roma”.

Tuy nhiên, Luciani cũng cho biết rằng việc đảm bảo cái nhìn này về Giáo hội, cùng với những thay đổi liên quan đến chức thánh và đạo lý, là không được đảm bảo.

“Nếu một giáo hội học về Dân Thiên Chúa chưa được tiếp nhận trong tất cả các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới, thì rất khó để mở ra chân trời cho các chức thánh được truyền chức [cho phụ nữ]”, ông nói với Katholisch, đồng thời gợi ý rằng các giải pháp của Con đường Công Nghị Đức nên được dịch và phổ biến đến các Giáo hội địa phương khác.

Những bình luận khiêu khích của Luciani được đưa ra chỉ vài tuần sau khi những người tổ chức thượng hội đồng công bố tài liệu hướng dẫn cho phiên họp bế mạc từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 của hội đồng. Mặc dù chương trình nghị sự không bao gồm các chủ đề như nỗ lực truyền chức cho phụ nữ hoặc sự hòa nhập của LGBT, cả các nhà thần học quan tâm và các nhà hoạt động nhiệt thành đều cho rằng điều này có thể “mở ra cánh cửa” cho những thay đổi lớn hơn. Nhà thần học John Cavadini của Đại học Notre Dame cho biết hình ảnh Giáo hội là “Dân Thiên Chúa” “thống trị” văn bản theo cách có thể ngụ ý một “giáo hội học hoàn chỉnh nhưng mất cân bằng”.

Giống như ông đã làm tại cuộc họp ở Roma năm 2023, Luciani sẽ phục vụ với tư cách là chuyên gia thần học tại Thượng hội đồng về tính hiệp hành năm 2024, chịu trách nhiệm giúp soạn thảo các tài liệu cuối cùng. Phiên họp sẽ đặt nền tảng cho một giáo huấn hậu công đồng có khả năng xảy ra từ Đức Giáo hoàng Phanxicô – và việc thực hiện thêm tính hiệp hành trên toàn Giáo hội hoàn vũ.

Từ: https://www.ncregister.com/news/advancing-people-of-god-model-at-synod

Nguồn: daminhvn.net