Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúa Thánh Linh là Đấng ban sự sống mới cho các tín hữu như con cái Thiên Chúa

Sáng thứ Tư, ngày 16 tháng Mười năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến gần 30.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 502 của ngài, từ khi ngài bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha xuất hiện sớm tại Quảng trường, đi xe mui trần qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Buổi tiếp kiến bắt đầu với phần lắng nghe Lời Chúa bằng đoạn Tin mừng theo thánh Gioan (14,15-17):

Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ chín này có tựa đề: “Tôi tin Chúa Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần trong niềm tin của Giáo hội”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta đi từ điều được mạc khải cho chúng ta trong Sách Thánh về Chúa Thánh Thần, cách thức Người hiện diện và hoạt động trong Giáo hội.

Trong ba thế kỷ đầu tiên, Giáo hội không cảm thấy cần phải đưa ra một công thức rõ ràng về niềm tin của mình nơi Chúa Thánh Thần. Trong bản tuyên xưng đức tin cổ kinh nhất của Giáo hội, quen gọi là Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ, sau khi đã tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành trời đất, và tin Chúa Giêsu Kitô, sinh ra, chịu chết và xuống ngục tổ tông, sống lại và lên trời”, kinh nói thêm rằng: “Tôi tin Chúa Thánh Thần” và không nói thêm điều gì.

Chính các lạc giáo đã thúc đẩy Giáo hội xác định rõ niềm tin của mình. Khi tiến trình này bắt đầu – với thánh Atanasio hồi thế kỷ IV – , chính kinh nghiệm mà Giáo hội trải qua về hoạt động thánh hóa và thần hóa của Chúa Thánh Thần, dẫn đưa Giáo hội đến xác tín về thiên tính trọn vẹn của Ngài. Điều này diễn ra trong Công đồng chung Constantinople hồi năm 381, Công đồng xác định thiên tính của Chúa Thánh Thần với những lời rõ ràng mà chúng ta còn lập lại ngày nay: “Tôi tin Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con, và đã dạy qua các tiên tri”.

Nói rằng Chúa Thánh Thần là “Chúa” thì cũng như nói Người cùng chia sẻ thiên tính của Thiên Chúa, thuộc về thế giới của Đấng Tạo Hóa, chứ không thuộc thế giới thụ tạo. Lời khẳng định mạnh mẽ nhất là ‘Người cùng được tôn vinh và phụng thờ với Chúa Cha và Chúa Con’. Đó là vấn đề bình đẳng trong danh dự, mà thánh Basilio Cả ưa nói tới và cũng là Vị giữ vai chính trong công thức này.

Định tín của Công đồng không phải là một điểm tới, nhưng là điểm khởi hành. Và thực vậy, sau khi vượt qua những lý do lịch sử đã ngăn cản sự khẳng định minh nhiên hơn về thiên tính của Chúa Thánh Thần, điều này sẽ được công bố một cách yên hàn trong việc phụng tự của Giáo hội và trong thần học. Thánh Gregorio Naziano, sau Công đồng (Constantinople năm 381), đã khẳng định không chút do dự: “Vậy Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa sao? Chắc chắn là như vậy! Người có cùng bản thể hay không? Có, nếu Người là Thiên Chúa thật” (Oratio 31, 5.10).

Đối với chúng ta ngày nay

Đức Thánh cha nói tiếp: “Đối với các tín hữu chúng ta ngày nay, Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn đọc mỗi Chúa nhật trong thánh lễ nói gì? Trong quá khứ, về vấn đề này, chủ yếu chúng ta quan tâm tới lời khẳng định rằng Chúa Thánh Thần “bởi Chúa Cha”. Giáo hội Latinh sớm thêm vào Kinh Tin Kính trong thánh lễ, câu “và Chúa Con”, Filioque, và từ đó nảy sinh tranh luận gọi là “Filioque”, điều này là lý do (hay là cái cớ) cho bao nhiêu tranh luận và chia rẽ giữa Giáo hội Đông và Tây phương. Vả lại, không phải tình cờ mà việc xử lý vấn đề như vậy trong bầu không khí đối thoại được thiết lập giữa hai Giáo hội, đã mất tính chất gay go thời trước đây và mang lại hy vọng một sự hoàn toàn chấp nhận nhau, như một trong những “dị biệt chính được hóa giải”.

Vai trò của Chúa Thánh Thần

Sau khi vượt qua chướng ngại đó, hôm nay chúng ta có thể đề cao giá trị của đặc quyền quan trọng nhất đến với chúng ta từ việc tuyên xưng điều trong Kinh Tin Kính, nghĩa là câu “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống”. Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần ban sự sống nào?” Ban đầu, trong khi sáng tạo, Chúa thổi hơi vào Adam và ban sự sống tự nhiên; từ là tượng bằng đất sét, Chúa làm cho ông trở thành một người sống động (Xc St 2,7). Nay trong công trình sáng tạo mới, Chúa Thánh Linh là Đấng ban sự sống mới cho các tín hữu, sự sống của Chúa Kitô, sự sống siêu nhiên, như con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô có thể thốt lên: “Luật của Thánh Linh ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, giải thoát bạn khỏi luật của tội lỗi và sự chết” (Rm 8,2).

Trong tất cả những điều đó, đâu là tin vui và an ủi nhất đối với chúng ta? Đó là sự sống Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là sự sống đời đời! Đức tin giải thoát chúng ta khỏi kinh hoàng vì phải chấp nhận rằng mọi sự chấm dứt nơi đây, chẳng còn sự cứu thoát nào cho đau khổ và bất công hiển trị trên trái đất. Một lời khác của thánh Tông Đồ trấn an chúng ta: “Nếu Thánh Thần của Thiên Chúa đã hồi sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, ngự trong anh em, thì Đấng đã hồi sinh Chúa Kitô từ cõi chết cũng sẽ ban cho sự sống cho thân xác hay chết của anh em, nhờ Thánh Thần của Ngài ở trong chúng ta” (Rm 8,11).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy vun trồng niềm tin này kể cả đối với những người, thường không phải vì lỗi của họ, bị thiếu hoặc không thành công trong việc mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống. Và chúng ta đừng quên cảm tạ Đấng, nhờ cái chết của Ngài, đã đạt được hồng ân vô giá này cho chúng ta!

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám ngôn ngữ khác nhau, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt chào các học sinh và giáo viên các trường ở Pháp, các linh mục và phó tế của Giáo phận Auch, và hiệp hội Nữ Vương Hòa Bình ở Canada, đồng thời nhắn nhủ rằng “chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần liên tục ban cho chúng ta sự sống của Chúa Giêsu Phục Sinh để làm chứng về tình thương của Ngài trên thế giới”.

Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến và chào đặc biệt các nhóm tín hữu đến từ Anh quốc, Đan Mạch, Na Uy, Nam Phi, Ấn Độ, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Canada và Mỹ, cách riêng phái đoàn từ Học viện Quốc phòng của khối Nato, các linh mục thuộc Học viện Thường huấn Thần học tại Trường Bắc Mỹ, trên đồi Gianicolo, cạnh trường Truyền giáo, cũng như các thành viên Ngân quỹ Đại học Gregoriana.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến các tham dự viên hội nghị về chân phước Popieluszko, nhóm tại Roma trong dịp kỷ niệm 40 năm tử đạo của cha. Đức Thánh cha nói: “Xin chân phước, đã dạy hãy chiến thắng sự ác bằng sự thiện, nâng đỡ anh chị em trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết và tôn trọng phẩm giá con người”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến tên nhiều phái đoàn, rồi đặc biệt chào thăm những người trẻ, bệnh nhân, các đôi tân hôn, những người cao tuổi và không quên mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh, như ở Ucraina, Israel, Palestine, Myanmar, Sudan và nhiều nơi khác.

Buổi tiếp kiến chung được kết thúc bằng kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org