I.DẤU THÁNH GIÁ – HÁT KINH CHÚA THÁNH THẦN
LỜI DẪN NHẬP
Chị em thân mến,
Tất cả chúng ta đều hiệp nhất vì chúng ta tham gia vào chính sự sống của Chúa Kitô. Yếu tố hiệp nhất quyết định cho sự sống còn của một cộng đoàn, một Hội Dòng. Đối với chúng ta, “Cộng đoàn là cung lòng người mẹ mà từ đó chúng ta được sinh ra như những cá nhân, mỗi người trong tính duy nhất của mình. Sau đó cũng chính cộng đoàn rèn giũa chúng ta trong suốt cuộc đời, thành những con người liên đới với những người khác, phụ thuộc lẫn nhau cách tự nguyện trong tình yêu.” (Trích bài giảng của Cha Simon-Pierre ARNOLD/ Văn kiện TCH 2019)
Thưa chị em, trong tháng này, Hội Dòng mời gọi chúng ta chiêm ngắm lý tưởng, nhân đức và tinh thần hiệp nhất của Mẹ René de Jésus, nhất là trong nhiệm kỳ Tổng Quyền của Mẹ, là mẫu gương sống động giúp chúng ta sống tình liên đới và tinh thần hiệp nhất trong cộng đoàn.
“Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một trái tim rộng lượng để con có thể đón nhận sự khác biệt trong đời sống cộng đoàn và làm mọi việc trong tinh thần hiệp nhất.”
II. ĐẶT MÌNH THÁNH CHÚA
Hát: Con phủ phục tôn thờ – Tc6.611 (1/2)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con yêu mến Chúa, chúng con thờ lạy, chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa đã đến thế gian để quy tụ chúng con trong Hội Thánh, làm nên một thân thể duy nhất, đó là khát vọng của Chúa. “Lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta, như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Thật hạnh phúc cho chúng con biết bao khi được ở trong tình yêu hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin cho chúng con có được một kinh nghiệm gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu Thánh Thể, để tình yêu của Chúa cuốn hút và đổi mới cuộc đời mỗi người chúng con, để chúng con được hiệp nhất với nhau trong Chúa, và hiệp nhất với anh chị em mình trong tình yêu.
Kính mời cộng đoàn đứng
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: 1 Cor 12,12-13
“Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy.”
“Thật thế, tất cả chúng ta, là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.”
Kính mời cộng đoàn ngồi.
1/ Đức Giêsu Kitô – con đường hiệp nhất
Đời sống và sứ mệnh của Chúa Giêsu khi đến trần gian là làm cho mọi người được hiệp nhất nên một với Người, với nhau và với Chúa Cha; là quy tụ mọi người trong gia đình nhân loại để mọi người đều được hưởng lòng thương xót nhân hậu của Chúa. Vì thế, Đức Giêsu luôn mời gọi mọi người duy trì sự hiệp nhất trong thực hành, trong bình an và hòa giải, trong sự tha thứ và yêu thương như Chúa đã thể hiện trong suốt cuộc sống của Chúa. Sự hiệp nhất cách mật thiết và tột đỉnh mà Chúa có thể làm cho nhân loại là chính Chúa đã trao ban chính mình cho chúng ta và ở lại với chúng ta.
Bởi vậy, lời cầu nguyện và tâm niệm tha thiết của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và với tất cả những ai tin nhận Chúa: “Lạy Cha chí thánh, xin giữ gìn các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một trong chúng ta” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh thật gần gũi để diễn tả sự hiệp nhất: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái”, những hoa trái của tình yêu, của một sức sống dồi dào sung mãn, vì cùng được chia sẻ một dòng nhựa sống là chính Đức Giêsu. Khi hợp nhất, gắn kết với Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ hiệp nhất với nhau và yêu thương nhau, trở nên môn đệ đích thực của Ngài.
Cảm nghiệm được điều đó và nhờ kín múc được nguồn ân sủng từ Chúa Giêsu Kitô, Cha Thánh Phaolô Quan Thầy trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô 12,12-13, một giáo đoàn do Thánh Phaolô thiết lập, thuộc đủ màu da và tôn giáo, với những khác biệt về văn hóa, lại đang ở trong tình trạng cãi cọ, tranh chấp nội bộ, có đủ mọi trào lưu đang làm băng hoại Hội Thánh tại đây. Phaolô đã dùng thư từ để nhắc nhở, đã dùng hình ảnh về thân thể để trình bày về một Hội Thánh mầu nhiệm hiệp nhất trong Đức Kitô: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cor 12,12-13).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con trong gia đình của Chúa là Hội Thánh. Xin giúp chúng con biết yêu mến Hội Thánh, trung thành và hiệp nhất xây dựng Hội Thánh trong tình huynh đệ, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại… Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa và gắn bó với nhau” (Ep 4,2-6).
Hát: Trong một thân nho – Tc6.69 (1/2)
2/ Sống hiệp nhất yêu thương xây dựng Hội Dòng
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con Mẹ Tổng Quyền René de Jésus. Mẹ đã thể hiện tinh thần hiệp nhất cao độ, với tính khí mạnh mẽ, Mẹ có thể hòa hợp cuộc sống khổ hạnh với những công việc phi thường.
Trong quyển Ba trăm năm một cuộc sống, Mẹ Marie Paul đã ghi lại: Năm 1947, Mẹ René de Jésus được bầu làm Bề trên Tổng Quyền khi Thế chiến thứ hai vừa chấm dứt. Những thử thách nặng nề của thời tục hóa và của chiến tranh đã qua rồi. Một trong những quyết định đầu tiên của Tổng Công Hội là nối lại liên lạc với Levesvile, nơi đây là chiếc nôi của Hội Dòng và có phần mộ của các chị em tiên khởi. Từ đó, Levesvile đã trở thành địa điểm hành hương. Chiếc nôi Levesville âm thầm nay đã hồi sinh, vang rộn tiếng cầu kinh, tiếng hát, tiếng cười rộn rã của các nữ tu và đoàn hành hương, mừng vui vì tình hiệp nhất yêu thương.
Ý thức vai trò của Bề trên là những người phục vụ sự hiệp nhất huynh đệ, là những người đại diện Thiên Chúa để hiệp nhất chị em trong cùng một Hội Dòng, Mẹ René là Bề trên Tổng Quyền đầu tiên đảm nhận vai trò kinh lý. Trong suốt sáu năm, Mẹ đã đích thân tiếp cận với những thực trạng của Hội Dòng. Mẹ đã đi thăm các nhà ở Âu Châu, Canada, Trung Phi, và hơn thế nữa, Mẹ đã sống sáu tháng trong các Tỉnh Dòng Viễn Đông để gần gũi và thấu cảm sứ vụ khó khăn của chị em hơn.
Tổng Tu Nghị 1953, Mẹ René chúng ta đắc cử nhiệm kỳ hai. Chính qua Tổng Tu Nghị này Mẹ đã can đảm thực hiện việc sửa kiểu áo dòng lần đầu tiên và cứ như thế, công việc của Mẹ lại tiếp tục…Tại Pháp, Mẹ sẵn sàng ủng hộ cho những chương trình huấn luyện thường xuyên cho các Nữ tu phục vụ trong các lãnh vực nhà trường, bệnh viện, giáo lý, và Mẹ yêu cầu các Giám Tỉnh thực thi chương trình đó. Mẹ và Ban Tổng Cố Vấn quyết định triệu tập các Nữ tu đã khấn trọn được 10 năm về Chartres dự khóa tĩnh tâm kéo dài một tháng.
Biến cố cảm động không thể quên được của Mẹ đối với Việt Nam, nói lên nỗi ưu tư của Mẹ đối với từng con người, từng Tỉnh Dòng. Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, lập tức ngày 31 tháng 8 năm 1954, Mẹ René de Jésus có mặt tại Hà Nội, hiệp thông với con cái của mình trong nỗi thống khổ, đồng thời với Giáo Hội Miền Bắc, để có những quyết định kịp thời trong lúc này. Trong số “50 tình nguyện viên”, chỉ có 19 chị em được chấp thuận ở lại Miền Bắc.Việc thu xếp này thật gian nan. Mẹ đã cầu nguyện trước Thánh Thể trong nguyện đường Sainte Marie Hà Nội: “Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria gìn giữ các chị em Nữ tu của chúng con được luôn quảng đại, dũng cảm và trung tín đến cùng”.
Trong Tổng Tu nghị 1959, Mẹ đã nói lên những quyết định và đó cũng chính là thao thức hiệp nhất của Mẹ: “Chị em nhận thức rằng Hội Dòng của chúng ta trải rộng đến nhiều dân tộc với nền văn hóa riêng của họ. Phải tìm thấy sự thống nhất trong sự trung thành với tinh thần riêng và việc tuân thủ Hiến pháp của mình, cũng như tìm thấy sự phong phú của mình trong sự thích nghi với địa phương mà cuộc sống đòi hỏi”
Hát : Bài ca hiệp nhất. Tc6. 63 (1/2)
3/ Cộng đoàn diễn tả sự hiệp thông của Thiên Chúa
Lời cầu xin cho mọi người được hiệp nhất nên một của Chúa Giêsu năm xưa vẫn còn âm vang và cần thiết cho thế giới hôm nay, một thế giới hận thù và chia rẽ đang lớn mạnh. Là những Nữ tu Phaolô, Sách đời sống số 36 nêu rõ cho chúng ta: “Chị em Dòng Thánh Phaolô sống thành cộng đoàn, được mời gọi phù hợp với ý Chúa nhiệm mầu do Chúa Quan phòng sắp đặt…Sự hiệp nhất huynh đệ bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, giúp chị em sống đời tận hiến cách hoàn hảo hơn…Đức ái trở nên vững mạnh hơn khi được thực hành với lòng nhân hậu, sự tôn trọng, kiên nhẫn và nâng đỡ nhau để phụng sự Thiên Chúa và nhân loại”.
Thật vậy đời sống thánh hiến được gia tăng nhờ vào việc chúng ta sống vui tươi và hạnh phúc, tỏa nét hiền lành, dịu dàng vui tươi của những người bước theo Chúa. Tổng Tu Nghị thứ 47 cũng nhắc lại “Mối hiệp thông huynh đệ của chúng ta làm chứng cho Đức Kitô phục sinh, khi chúng ta cúi xuống “rửa chân” cho nhau, và khi chúng ta đạt tới sự tha thứ. Ơn tha thứ có hiệu quả chữa lành và giải thoát, trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Sự tha thứ làm cho chúng ta trở thành chứng nhân về niềm vui của Đức Kitô Phục sinh.” (Tổng Tu Nghị 2013)
Kính mời cộng đoàn quì
Một phút hồi tâm, chúng ta nhìn lại cộng đoàn chúng ta đang sống. Chúng ta đã làm gì để xây dựng cộng đoàn hiệp nhất yêu thương? Tất cả tùy thuộc vào cách mình sống và đón nhận nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết loại bỏ những gì gây chia rẽ ngay trong đời sống chúng con như ghen ghét, bất công, hiềm thù, nghi kỵ, và cổ võ những gì kiến tạo cho sự hiệp nhất như sống hòa thuận, tương trợ, cố gắng hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trong lòng mến chân thành, vì chỉ có tình thương mới có sức mạnh nối kết và xây dựng tinh thần hiệp nhất với nhau.
“Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa”. Một khi mang trong mình trái tim giống trái tim của Chúa, cộng đoàn chúng ta sẽ dễ dàng kết nối yêu thương với mọi người và làm cho yêu thương lan tỏa trong cuộc sống hôm nay.
Hát: Quả tim của Chúa . Tc6. 395 ( 1/2 )
IV. TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết yêu thương nhau trong cộng đoàn, trong gia đình Hội Dòng của chúng con. Xin cho mỗi người chúng con ý thức được sứ mạng và trách nhiệm của mình trong việc kiến tạo sự hiệp nhất và bình an, để cộng đoàn chúng con trở thành dấu chỉ sống động của tình yêu và lòng thương xót Chúa giữa lòng thế giới.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khiêm tốn và lòng kiên nhẫn để nhận ra và chấp nhận những khác biệt của nhau. Xin giúp chúng con biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, biết tôn trọng, lắng nghe và nâng đỡ nhau trong tình yêu thương và trách nhiệm. Xin giúp chúng con trở thành những chứng nhân của sự hiệp nhất và bình an trong đời sống hàng ngày.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con Mẹ René de Jésus, người đã sống trọn vẹn tinh thần hiệp nhất yêu thương. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, luôn ý thức xây dựng cộng đoàn Hội Dòng trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương, để đời sống của chúng con trở thành lời chứng hùng hồn cho Tin Mừng giữa thế giới hôm nay.
Lời nguyện kết thúc:
Lạy Chúa, xin đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí Chúa, để chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, một chứng tá thật cần thiết giữa thế giới còn đầy bất hòa này. Xin Chúa cho chúng con cũng biết kiểm điểm lại bản thân chúng con, để giữa cộng đoàn, mỗi người chúng con là chứng tá sống động của sự hiệp nhất yêu thương, bởi vì bao lâu còn bất hòa, còn chia rẽ giữa chúng con, thì bấy lâu chúng con không thể loan báo Tin Mừng hiệp nhất cho bất cứ ai.Chúng con cầu xin…..
V.KẾT THÚC CHẦU
VI.ĐỨC MẸ: Mẹ dẫn lối. Tc5. 412 ( 1+2 )
Sr. Rosa, SPC