“Tôi tồn tại”, điều đó có nghĩa là gì?

“Tôi tồn tại” có mặt ở hầu hết mọi nơi trên nước Pháp, nhà trị liệu tâm lý và nhà tâm lý học Jacques Arènes phân tích nhu cầu tồn tại và cảm giác nơi một số người không muốn tồn tại.

lavie.fr, Jacques Arenes, 2022-03-16

“Tôi tồn tại.” Thẻ này ở khắp mọi nơi. Ở Paris, trên những cây cầu đường sắt, trên những cột đèn của một số con phố. Trên các xa lộ và các nơi khác. Nó nằn nì, nó bày mưu tính kế. Nó bị từ chối, dù sao cũng khi mới đầu – vì bây giờ rất nhiều “Tôi tồn tại” đã sao chép đến vô tận – như Thierry Jaspart người Bỉ, ông đã có các hoạt động khiêu khích khác như phát video trên mạng xã hội, ông hét lên tên các trạm dừng tiếp theo của chuyến tàu Liège-Verviers, vì không ai thông báo.

Thú vị, kinh ngạc, đau đớn, mong muốn tồn tại trần trụi này. Chẳng để làm gì sao? Nhưng dù sao thì cũng còn hơn thế, vì nó được viết ở khắp nơi. Về cơ bản, tôi không quan tâm vì sao một thẻ như vậy lại gia tăng nhiều đến thế. Điều làm cho tôi để ý là tại sao nó làm cho tôi khó chịu.

Chúng ta có thể có nhiều cuộc sống không?

Đó là lời khẳng định ngay tức thì, gần như thống thiết, “Tôi tồn tại”. Nói với người khác, với những người khác rằng tôi ở đó, mọi người có thể nghe thấy tôi, và tôi phải tiếp tục tồn tại. Cũng không hẳn câu xác nhận là có người muốn được lắng nghe. Chỉ đơn giản là tồn tại. Chúng ta đừng mỉa mai những gì có vẻ như một sự khiêu khích. Nó không phải là vô hại. Tôi thường nghe kiểu khẳng định này. Cũng không lâu bao nhiêu. Trước đó thì không giống vậy. Dĩ nhiên Covid có gì đó liên quan đến chuyện này, cuộc sống xã hội hầu như không có. Nhưng, nó cũng đã xảy ra trước đây, cảm giác này của một số người trong chúng ta là họ không tồn tại.

Chúng ta không tồn tại một mình

Một số người tôi tháp tùng nói với tôi như thế. Không tồn tại, là những người khốn cùng nhất, họ không còn bất kỳ mối quan hệ xã hội hay thân thiện nào, dù ở thành phố hay nông thôn, một mình. Họ thực sự đơn độc. điều này cũng có thể phụ thuộc vào một vị trí xã hội ít nhiều được ưu đãi hơn, nhưng không hẳn thế. Giám đốc điều hành nhiều tiền, ở thành phố lớn và độc thân cũng không tồn tại quá nhiều. Nhưng cũng có những người ở xa hơn, thiệt thòi hơn, những người ở tận đáy thế giới. Ở một mình. Tôi sống ở một quận phía bắc Paris, nơi có nhiều người không còn tồn tại. Nó là như vậy, chúng ta nói về họ rất nhiều, nhưng sự tồn tại của họ không hề mãnh liệt hơn, ngược lại.

Làm thế nào để giúp đỡ, đồng hành với những người không tồn tại? Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng phụ thuộc một chút vào họ. Nếu chúng ta có cảm giác không tồn tại, nếu chúng ta thu hút người khác một cách ngây thơ hơn một chút, thì có lẽ đó là do chúng ta chưa thực sự quan tâm đến những người chung quanh mình, quá bị cuốn hút bởi ý tưởng xuất hiện làm sao dưới mặt người khác đây.

Khá dễ dàng để nghĩ rằng họ xứng đáng với sự không tồn tại này. Tuy nhiên, chúng ta không tồn tại một mình, và chúng ta có thể giúp những ai chúng ta gặp, họ phải “tồn tại”. Không phải bằng cách giả vờ, bằng cách lắng nghe một cách mơ hồ, mà ngược lại, bằng cách phát triển một hình thức chú tâm. Những gì triết gia Simone Weil phân tích về “sự chú tâm” phản ánh khả năng chờ đợi để ngưng mọi suy nghĩ và ý chí cá nhân, và làm cho mình trở nên sẵn sàng với người khác.

Đó là việc chú ý đến những gì mà thế giới không nắm bắt được. Trong tiếng xào xạc của cuộc sống hàng ngày, giữa những người chúng ta gặp, đôi khi chỉ thỉnh thoảng gặp. Nếu chúng ta nuôi dưỡng một hình thức chú tâm dành cho nhau, cuối cùng chúng ta sẽ có thể nói: “Tôi tồn tại”. Hoặc, “chúng ta tồn tại”.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn