Văn Kiện Chung Kết Thượng Hội Đồng Giám Mục

Văn kiện chung kết Thượng Hội đồng Giám mục gồm 155 đoạn: Những đề xuất và các chủ đề chính.

Phụ nữ và giáo dân, sự phân quyền, tính minh bạch: Đây là những chủ đề chính trong văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng về Tính Hiệp Hành được công bố vào ngày 26 tháng 10 năm 2024.

Sau ba năm suy ngẫm, Thượng Hội đồng về Tính Hiệp Hành đã bế mạc vào tối ngày 26 tháng 10 năm 2024, khi 356 thành viên của hội nghị tập trung để bỏ phiếu thông qua văn kiện chung kết.

Trong một động thái bất ngờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngay lập tức phê duyệt tài liệu này và tuyên bố rằng Ngài sẽ không ban hành Tông huấn hậu Thượng Hội đồng, là một loại văn kiện của Giáo Hoàng thường có sau mỗi Thượng Hội đồng. Do đó, văn bản này sẽ trở thành phần giáo huấn của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, Ngài đã làm rõ rằng tài liệu này không mang tính quy chuẩn.

Tài liệu có 155 đoạn, bao gồm nhiều đề xuất và các gợi ý. Vấn đề về vị trí và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, vốn đã được tranh luận trong suốt nhiều năm qua, vẫn tiếp tục là một chủ đề nổi bật.

Vấn đề cụ thể liên quan đến phó tế nữ mà Đức Thánh Cha đã bỏ qua trong phiên họp trước lại được nhắc đến, cho thấy sự quyết tâm của một số thành viên nhằm đảm bảo rằng việc suy xét về vấn đề này không bị lãng quên. Bên cạnh những đề xuất cụ thể, như việc tổ chức một Thượng Hội đồng dành riêng cho Trung Đông, xem xét khả năng giáo dân có thể chứng hôn, hoặc đề xuất về thừa tác vụ lắng nghe, Thượng Hội đồng này đã đặt nền tảng cho việc nhấn mạnh nhiều hơn về vai trò của giáo dân.

Văn kiện khẳng định mong muốn trao cho giáo dân nhiều trách nhiệm hơn trong việc quản trị các giáo xứ và giáo phận. Đồng thời, tài liệu cũng đưa ra nhiều lời kêu gọi xây dựng một văn hóa minh bạch trong Giáo hội, nhằm chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị và mọi hình thức lạm dụng.

I.MEDIA mang đến cái nhìn cận cảnh về những xu hướng và định hướng chính mà văn kiện đề xuất.

1. Các tín hữu nam nữ nên tham gia nhiều hơn vào đời sống của Giáo hội

Suy ngẫm về chức phó tế nữ được nhắc lại

Là một chủ đề rất nhạy cảm từ đầu Thượng Hội đồng về Tính Hiệp Hành, câu hỏi về việc cho phép phụ nữ được lãnh nhận chức phó tế đã không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối tại hội nghị. Đoạn 60 của văn kiện chung kết đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ nhất: 97 người đã bỏ phiếu chống.

Đoạn văn ghi nhận rằng “vấn đề phụ nữ tiếp cận chức vụ phó tế vẫn còn bỏ ngỏ.” Theo nguồn tin của I.MEDIA, phần này không có trong bản dự thảo của văn kiện và đã được thêm vào thông qua các sửa đổi mà các thành viên Thượng Hội đồng trình lên trong tuần này.  Tài liệu nêu rõ “cần tiếp tục sự phân định” về vấn đề này.

Vấn đề này đã bị đưa ngoài các cuộc tranh luận của hội đồng; Đức Thánh Cha đã giao phó các vấn đề nhạy cảm nhất của Thượng Hội đồng cho 10 nhóm làm việc, và các nhóm này sẽ đưa ra kết luận vào tháng 6 năm 2025. Chức phó tế nữ là một trong số đó.

Văn kiện nói rằng “không có lý do hay ngăn trở gì cấm người phụ nữ thực hiện các vai trò lãnh đạo trong Giáo hội.” “Phụ nữ vẫn đang phải đối diện với nhiều chướng ngại trong việc đạt được sự công nhận đầy đủ hơn về các đặc sủng, ơn gọi và vai trò của họ trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống Giáo hội”.

Về chức phó tế vĩnh viễn, một chức vụ chỉ dành cho nam giới, tài liệu kêu gọi đào sâu và thúc đẩy vai trò này ở những khu vực còn ít được biết đến rộng rãi.

Hội đồng Giáo xứ bắt buộc phải có giáo dân

Để thúc đẩy “sự tham gia nhiều hơn của tín hữu nam nữ trong các quá trình phân định của Giáo hội và tất cả các giai đoạn ra quyết định (từ soạn thảo, đưa ra đến xác nhận quyết định),” Thượng Hội đồng kêu gọi rằng “sự chung tay của nhiều cơ quan” trong Giáo hội trở thành điều “bắt buộc” (đoạn 104).

Các cơ quan này đã được quy định trong Giáo luật và bao gồm các cơ quan như Hội đồng Mục vụ Giáo phận, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, hoặc các Hội đồng Kinh tế. Tính bắt buộc của biện pháp này có thể thay đổi cách thức quản trị của nhiều Giáo hội địa phương, mặc dù nhiều Giáo phận, đặc biệt là ở phương Tây, đã có những cấu trúc như vậy.

Tăng cường thêm các thừa tác vụ giáo dân?

Một Giáo hội truyền giáo và hiệp hành sẽ khuyến khích nhiều hình thức thừa tác vụ giáo dân hơn, tức là những thừa tác vụ không đòi hỏi bí tích truyền chức thánh,” tài liệu nhấn mạnh trong đoạn 66.

Các thừa tác vụ này có thể bao gồm thừa tác viên đọc sách và giúp lễ (người đọc Lời Chúa và người giúp linh mục trong thánh lễ), vốn cũng được mở rộng cho phụ nữ gần đây, cùng với thừa tác viên giáo lý viên, điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức thiết lập vào năm 2021.

Các linh mục được kêu gọi “đáp lại những nhu cầu của sứ vụ với sự sáng tạo và lòng can đảm,” và “không chỉ giới hạn trong phạm vi phụng vụ.”

Một thừa tác vụ lắng nghe?

Trong số các thừa tác vụ mới được thảo luận tại hội nghị lần này có thừa tác vụ “lắng nghe và đồng hành.” Tuy nhiên, trong tài liệu cuối cùng, đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn. Một số ý kiến cho rằng đây là “bổn phận của tất cả những người đã chịu phép rửa.” Trong khi đó, những ý kiến khác cho rằng thừa tác vụ này “nên đặc biệt hướng đến việc đón nhận những người ở bên lề cộng đồng Giáo hội, những người quay trở lại sau một thời gian xa cách, và những ai đang tìm kiếm chân lý, mong muốn được hỗ trợ để gặp gỡ Chúa.” Các thành viên giải thích rằng cần phân định thêm về vấn đề này (đoạn 78).

Giáo dân chứng hôn được không?

Tiếp nối các thảo luận về những thừa tác vụ khác nhau, hội nghị đề cập rằng “nên xem xét mở rộng và củng cố” khả năng cho phép giáo dân cử hành bí tích rửa tội và chứng hôn (đoạn 76). Hiện tại, điều này chỉ là ngoại lệ được chấp thuận trong một số trường hợp nhất định. (Tại phương Tây, bí tích hôn phối được xem là do chính đôi vợ chồng trao ban cho nhau, và linh mục chỉ đóng vai trò làm chứng)

Tăng cường sự tham gia của giáo dân trong phụng vụ

Các thành viên Thượng Hội đồng đã kêu gọi thành lập một nhóm nghiên cứu mới để đánh giá mối liên hệ giữa “phụng vụ và tính hiệp hành” nhằm “áp dụng các hình thức cử hành giúp thể hiện rõ diện mạo của một Giáo hội hiệp hành.” Nhóm này “cũng có thể xem xét đến vấn đề giảng thuyết trong các buổi cử hành phụng vụ,” theo nội dung đoạn 27. Tuy nhiên, đây là một trong những nội dung ít đạt được sự đồng thuận nhất trong quá trình bỏ phiếu.

Vấn đề cho phép giáo dân giảng trong Thánh lễ đã nằm trong chương trình thảo luận tại Rôma trong tháng 10 vừa qua. Dù chưa đạt được sự đồng thuận, các thành viên Thượng Hội đồng dường như mong muốn tiếp tục suy xét về đề xuất này. Hiện tại, giáo luật chỉ cho phép các thành viên có chức thánh (giám mục, linh mục hoặc phó tế) được quyền giảng lễ.

Phụ nữ trong các chủng viện

Tài liệu kêu gọi xem xét toàn diện lại việc đào tạo tại các chủng viện để chuẩn bị cho các ứng viên linh mục theo “con đường hiệp hành” (đoạn 148). “Cần có sự hiện diện đáng kể của phụ nữ,” đoạn này nhấn mạnh, mặc dù có 40 phiếu phản đối.

Tài liệu cũng đề cập tầm quan trọng của “việc đào tạo để có thể cộng tác với tất cả mọi thành phần trong Giáo hội,” đồng thời khuyến khích áp dụng hình thức đồng giáo dục và chia sẻ trách nhiệm (giữa nam và nữ, cũng như giữa các bậc sống khác nhau) trong các chương trình thần học, bao gồm cả đối với những người đang học để trở thành linh mục. “Việc đào tạo phải bao quát tất cả các chiều kích của con người (tri thức, tâm cảm, tương quan và thiêng liêng),” văn kiện nhấn mạnh thêm.

2. Phân quyền trong Giáo hội

Hiểu rõ hơn về vai trò của Giám mục Rôma

Tài liệu nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Đức Giáo Hoàng, nhắc lại rằng trong các sách Tin Mừng, thánh Phêrô đã đóng một vai trò “đặc biệt” bên Chúa Giêsu, đặc biệt là trong câu chuyện mẻ cá lạ lùng (đoạn 109).

“Tiến trình của Thượng Hội đồng cũng xem xét lại về cách thức Giám mục Rôma thi hành sứ vụ của mình,” văn kiện viết. “Là Đấng kế vị Thánh Phêrô, ngài có vai trò độc nhất trong việc bảo vệ kho tàng đức tin và luân lý, đảm bảo rằng các tiến trình của Thượng Hội đồng hướng đến sự hiệp nhất và chứng tá đức tin” (đoạn 131).

Vấn đề phân quyền cũng được đề cập đến: “có thể khởi xướng một nghiên cứu thần học và giáo luật nhằm xác định những vấn đề cần trình lên Đức Giáo Hoàng (thẩm quyền dành riêng cho Đức Giáo Hoàng) và những vấn đề có thể giao cho các Giám mục tại Giáo phận của họ hoặc tại các nhóm Giáo phận.”

Hiểu rõ hơn về thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục

Các thành viên Thượng Hội đồng kêu gọi tiếp tục suy xét sâu hơn về “quy chế thần học và pháp lý” cũng như làm rõ “thẩm quyền về giáo lý và kỷ luật” của các Hội đồng Giám mục (đoạn 125).

Văn kiện này còn thúc đẩy “một quá trình đánh giá” về mối quan hệ “cụ thể” giữa Tòa Thánh và các Giám mục địa phương để xem xét liệu có cần thực hiện cải cách nào hay không. Các thành viên đề xuất đưa những chủ đề này vào chương trình nghị sự trong các cuộc viếng thăm ad limina sắp tới, là những chuyến viếng thăm mà tất cả các Giám mục trên thế giới phải thực hiện năm năm một lần tới Rôma.

Bên cạnh đó, tài liệu kêu gọi làm rõ hơn về “tình trạng thần học và giáo luật” của các Hội đồng cấp châu lục (continental conferences) và các hội nghị Giáo hội cấp châu lục (continental ecclesial assemblies), bao gồm cả giáo dân. Các thành viên mong muốn củng cố các cơ cấu này dựa trên “di sản” để lại từ những kinh nghiệm tích cực trong tiến trình Thượng Hội đồng.

Các thành viên cũng kêu gọi phục hồi các “công đồng đặc biệt,” coi đây là công cụ cho “việc phân quyền hợp lý” (đoạn 129). Giáo hội Công giáo tại Úc đã thực hiện một thử nghiệm tương tự từ năm 2018 đến 2022 trong bối cảnh khủng hoảng do nạn lạm dụng.

Các cơ quan “thảo luận” bên cạnh các Giám mục?

Các thành viên Thượng Hội đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hội đồng tham vấn. Trong đoạn 92, một trong những nội dung gây tranh cãi nhất trong quá trình bỏ phiếu cho văn kiện chung kết, nêu rõ rằng khi các hội đồng này đưa ra những nhận định đúng đắn, Giám mục không nên bỏ qua.

Trên tinh thần công nhận quyền quyết định của các Giám mục, các thành viên Thượng Hội đồng cũng kêu gọi sửa đổi Giáo luật để làm nổi bật hơn khía cạnh “thảo luận” chứ không chỉ đơn thuần là tham vấn, của các cơ quan này.

Các Giám mục nên ủy quyền nhiều hơn

“Điều quan trọng là giúp giáo dân tránh đặt kỳ vọng quá cao và không thực tế vào các Giám mục, nhớ rằng ngài cũng là một con người yếu đuối, dễ bị cám dỗ và cần sự trợ giúp như mọi người khác,” tài liệu Thượng Hội đồng nhấn mạnh trong đoạn 71. “Một hình ảnh lý tưởng hóa về sứ vụ của Giám mục có thể trở thành gánh nặng đối với tính chất đôi khi mong manh trong sứ vụ của các ngài. Ngược lại, sứ vụ của ngài sẽ được củng cố đáng kể khi có sự tham gia tích cực của toàn thể Dân Chúa trong một Giáo hội thực sự hiệp hành.”

Một cách bao quát hơn, Thượng Hội đồng cũng kêu gọi “sự phân định dũng cảm hơn về những gì thực sự thuộc về thừa tác vụ của giáo sĩ và những gì có thể và cần được ủy quyền cho người khác” (đoạn 74). Việc phân chia nhiệm vụ và trách nhiệm này sẽ giúp chống lại các hình thức lạm dụng về “tình dục, tài chính” hay “lương tâm và quyền lực” bởi các thừa tác viên của Giáo hội.

Tăng cường tình liên đới có cơ cấu giữa các Giáo phận

Tài liệu nhiều lần sử dụng cụm từ “trao đổi các ân sủng” nhằm khuyến khích các Giáo hội địa phương hỗ trợ lẫn nhau dựa trên điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đặc biệt, văn kiện hoan nghênh các hình thức cộng tác mới trong Giáo hội đang xuất hiện “trong các khu vực địa lý rộng lớn, xuyên quốc gia và đa văn hóa, như khu vực Amazon, lưu vực sông Congo và vùng Địa Trung Hải.”

Tuy nhiên, các hình thức hỗ trợ khác nhau cần được định hình rõ ràng hơn, đặc biệt là những hình thức liên quan đến việc luân chuyển linh mục. “Các linh mục hỗ trợ các Giáo phận đang thiếu giáo sĩ không chỉ là một giải pháp mang tính chức năng mà còn là một nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của cả Giáo phận gửi đi và Giáo phận đón nhận,” tài liệu nhấn mạnh. “Tương tự, cần bảo đảm rằng viện trợ kinh tế không thoái hóa thành chủ nghĩa duy phúc lợi mà thay vào đó thúc đẩy tình liên đới theo tinh thần Tin Mừng và được quản lý một cách minh bạch, đáng tin cậy” (đoạn 121).

3. Văn hóa minh bạch và đánh giá để chống vấn đề lạm dụng

Tiếp tục cuộc chiến chống lạm dụng trong Giáo hội

Văn kiện chung kết nhiều lần đề cập đến “tai tiếng” từ các vụ lạm dụng xảy ra trong Giáo hội Công giáo. Để đối phó, các thành viên Thượng Hội đồng nhấn mạnh việc xây dựng một văn hóa bảo vệ, nhằm bảo đảm Giáo hội luôn là nơi an toàn cho trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương (đoạn 150).

Ghi nhận những nỗ lực trong cuộc chiến chống lạm dụng, các thành viên Thượng Hội đồng kêu gọi Giáo hội tiếp tục theo tiến trình này, đặc biệt là yêu cầu bắt buộc đào tạo cho tất cả những người làm việc với trẻ vị thành niên và người dễ bị tổn thương trong Giáo hội. Ở cấp địa phương, tài liệu cũng đề xuất việc lập báo cáo hàng năm về các chương trình bảo vệ.

Minh bạch để chống chủ nghĩa giáo sĩ trị

Việc quản trị minh bạch được cho là sẽ giúp chống lại văn hóa giáo sĩ trị, theo giải thích của các thành viên Thượng Hội đồng trong tài liệu. “Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình không chỉ cần được đề cập trong các vụ lạm dụng tình dục, tài chính và các hình thức lạm dụng khác. Những thực hành này cũng cần phải được hiện hữu trong lối sống của các mục tử, việc hoạch định mục vụ, phương thức truyền giáo, và cách Giáo hội tôn trọng phẩm giá con người, chẳng hạn như trong điều kiện làm việc tại các cơ sở của Giáo hội,” đoạn 98 của văn kiện chung kết nêu rõ.

Tài liệu tiếp tục kêu gọi sự tham gia của “các thành viên có năng lực” trong việc hoạch định mục vụ và kinh tế ở các Giáo hội địa phương. Về việc xây dựng văn hóa trách nhiệm giải trình, Thượng Hội đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập các báo cáo thường niên, đặc biệt là về các vấn đề tài chính.

Đánh giá các nỗ lực liên quan đến tính hiệp hành

Các thành viên Thượng Hội đồng lên kế hoạch đánh giá “sự thăng tiến đạt được trong tính hiệp hành và sự tham dự của toàn thể các tín hữu vào đời sống Hội thánh.” Văn kiện chung kết khuyến nghị các Hội đồng Giám mục xác định những người có khả năng đồng hành cùng phong trào này, phối hợp với tổng thư ký của Thượng Hội đồng tại Rôma. Trên phạm vi rộng hơn, tài liệu đề xuất thiết lập các quy trình để “đánh giá định kỳ tất cả các thừa tác vụ và vai trò trong Giáo hội.”

4. Quan tâm đến những người khuyết tật và các Giáo hội Đông phương

Một Thượng Hội đồng ở các Giáo hội Đông phương?

“Tập thể [Thượng Hội đồng] đề xuất Đức Thánh Cha triệu tập một Thượng Hội đồng đặc biệt nhằm thúc đẩy sự hợp nhất và phục hưng của các Giáo hội Công giáo Đông phương,” tài liệu nêu rõ trong đoạn 133. Năm 2010, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã triệu tập một Thượng Hội đồng cho khu vực Trung Đông, nhưng tình hình của các Giáo hội này đã thay đổi đáng kể sau hơn một thập kỷ trải qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực.

Văn kiện chung kết còn đề xuất thiết lập một “Hội đồng các Đức Thượng phụ (Patriarchs), Tổng Giám mục Thượng quyền (Major Archbishops) và Tổng Giám mục miền (hay Tổng Giám mục giáo đô) của các Giáo hội Công giáo Đông phương, do Đức Thánh Cha chủ tọa.”

Cuối cùng, văn kiện kêu gọi đề ra những động thái nhằm tăng cường sự cộng tác giữa Giáo hội Latin (Tây Phương) và Giáo hội Đông phương, đặt biệt là quan tâm đến các tín hữu Công giáo Đông phương đang sống lưu vong ở các quốc gia thuộc Giáo hội Latin. Điều này sẽ giúp bảo vệ các truyền thống của họ và thúc đẩy “sự trao đổi các ân sủng.”

Trung tâm nghiên cứu về người khuyết tật

Tài liệu cũng kêu gọi thành lập một “trung tâm nghiên cứu về người khuyết tật dưới sự quản lý Giáo hội” trong đoạn 63. Các thành viên Thượng Hội đồng mạnh mẽ lên án mọi hình thức phân biệt đối xử đối với người khuyết tật và kêu gọi trân trọng họ như những “tác nhân tích cực của việc loan báo Tin Mừng.”

“Chúng tôi thừa nhận [những người khuyết tật] đã trải qua đau khổ, bị gạt ra ngoài lề và bị phân biệt đối xử. Việc này đôi khi xảy ra ngay cả trong chính cộng đồng Kitô giáo, do những nỗ lực thể hiện lòng trắc ẩn nhưng lại mang tính trịch thượng,” tài liệu giải thích.

Từ: Aleteia

Tác giả: Antoine Mekary

Chuyển ngữ: Gia Hân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Nguồn: dongten.net