Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã phê chuẩn Sắc lệnh công nhận sự tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Giáo hội tại Việt Nam.
Cha Diệp, một Linh mục Giáo phận sinh năm 1897 tại tỉnh An Giang, đã chịu phúc tử đạo vào năm 1946 trong giai đoạn hỗn loạn của cuộc Chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất.
Theo báo cáo của AsiaNews, Án phong Chân Phước cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, được chính thức khởi xướng vào năm 2012, thể hiện sự thừa nhận quan trọng về đức tin và sự hy sinh của các tín hữu Công giáo Việt Nam, đặc biệt là vào thế kỷ 20, khi Giáo hội phải đối mặt với chiến tranh và sự đàn áp.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo, bao gồm 117 vị do Cha An-rê Dũng Lạc dẫn đầu, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô tuyên phong hiển thánh vào năm 1990.
Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, thường diễn ra vào ngày 24 tháng 11, năm nay được cử hành vào ngày 25 tháng 11 do Lễ trọng Chúa Kitô Vua.
Được truyền chức Linh mục vào năm 1924 sau khi học tại Chủng viện ở Phnom Penh, Cha Diệp được bổ nhiệm về Giáo xứ Tắc Sậy thuộc Giáo phận Cần Thơ vào năm 1930, nơi Ngài phục vụ trong 16 năm.
Công việc của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp vượt ra ngoài Giáo xứ của ngài, thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng Công giáo trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời kỳ hỗn loạn năm 1945-1946, Cha Diệp đã chọn ở lại với đàn chiên của mình bất chấp sự tàn phá do chiến tranh gây ra.
“Sự sống và sự chết của tôi được dành cho đàn chiên của tôi. Người Mục tử phải sát cánh với đàn chiên của mình”, Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được nhớ đến khi nói như vậy khi được khuyên nên rời đi để được an toàn.
Cha Diệp cuối cùng đã bị bắt bởi những người Nhật đào ngũ liên minh với Việt Minh của Hồ Chí Minh. Ngài đã hy sinh, hiến dâng mạng sống của mình để đổi lấy những giáo dân bị giam cầm.
Sau khi bị giết, thân thể của Cha Diệp bị cắt xẻo và bị vứt xuống một hồ nước nông, nhưng thi thể của Ngài sau đó được tìm thấy và được chôn cất tại Tắc Sậy, nơi Ngài tiếp tục được tôn kính cho đến ngày nay.
Di sản của Cha Diệp vượt ra khỏi ranh giới tôn giáo. Nơi chôn cất của Ngài ở Tắc Sậy đã trở thành nơi hành hương của những người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau, tìm đến kêu xin sự chuyển cầu của ngài.
Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, nguyên Tổng Giám mục Sài Gòn, người đã gặp gỡ Cha Diệp khi còn nhỏ, đã nhớ lại rằng Ngài là “một vị Linh mục thánh thiện, luôn quan tâm đến tương lai của Giáo hội và sẵn sàng khuyến khích các tín hữu dấn thân trọn vẹn vào đời sống Giáo hội”.
“Bất cứ nơi nào Cha Diệp đến, ngài đều tận tụy xây dựng một nơi thờ phượng và xây dựng nhà cửa cho giáo dân. Ngài đã sống chết vì họ”, Đức Hồng y Mẫn nói trong một cuộc phỏng vấn trước đó với AsiaNews.
Việc tuyên phong Chân Phước cho Cha Diệp không chỉ tôn vinh sự hy sinh của Ngài mà còn làm nổi bật sức bền bỉ kiên cường của Giáo hội Việt Nam, nơi các tín hữu liên tục làm chứng cho đức tin của mình giữa những thử thách và sự bắt bớ.
Minh Tuệ (theo Licas News)
Nguồn: dcctvn.org