Là người Công giáo, ai cũng thuộc Kinh Sáng Danh. Có lẽ sau Kinh Lạy Cha và Kính Mừng, Kinh Sáng Danh phải được xem là quan trọng. Lời Kinh ngắn nhất trong tất cả các kinh bổn ta thường đọc. Ngắn gọn nhưng lại chứa đựng và tóm tắt toàn bộ chương trình Cứu độ của Thiên Chúa. Tôi xin trích ở đây trước khi bước vào bài:
“Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.” – Gloria Patri, et Filio, et Spiritui Sancto,
Sicut erat in principio, et nunc, et semper, et in saecula saeculorum. Amen.
Kinh Lạy Cha và Kính Mừng có nguồn gốc từ Thánh Kinh. Tuy nhiên, Kinh Sáng Danh lại không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Có chăng, chúng ta có thể tìm thấy một từ vinh danh, hay sáng danh ở chương thứ hai của Tin Mừng Luca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” (Lc 2,14). Từ đó, “Gloria in excelsis Deo” là một bài thánh ca rất cổ xưa và nổi tiếng trong Giáo hội Công giáo. Đây là một bài ca ngợi, một lời cầu nguyện tán dương và tôn vinh Thiên Chúa, có niên đại ít nhất từ thế kỷ thứ 3. Bài thánh ca bắt đầu bằng những lời ca của các thiên thần khi Chúa Giêsu giáng sinh, “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” (Lc 2,14), và sau đó mở rộng thêm bằng các câu ca ngợi khác.
- Sáng Danh là gì?
Bản tiếng Anh và tiếng Latinh đều dùng chữ “Gloria”. Từ này gợi nhớ đến một phần không thể thiếu của Thánh Lễ, được hát hoặc đọc sau kinh Kyrie, đó là Kinh Vinh Danh. Đây là một bài thánh ca vui tươi thể hiện lòng biết ơn và sự thờ phượng của Giáo hội đối với Thiên Chúa Cha và Chúa Kitô, Chiên Thiên Chúa. Bài thánh ca tôn vinh các thuộc tính của Thiên Chúa, ca ngợi vương quyền và quyền năng cứu rỗi của Ngài, và kết hợp phụng vụ trần thế với phụng vụ thiên đàng của các thánh và các thiên thần. Nhiều người cũng xem Kinh Sáng Danh là bản rút gọn của Kinh Vinh Danh (Tiểu Vinh tụng ca).
Ở đây, “Gloria” bắt nguồn từ gốc Latinh “gloriosus” (vinh quang, vẻ vang), là sự tôn vinh, vinh quang, danh dự. Nhớ lại Công đồng Nicea (325) đã soạn ra một tuyên xưng đức tin khẳng định sự bình đẳng, đồng vinh quang, đồng tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Có lẽ vì thế khi đặt sự vinh quang ngay từ đầu để cho thấy Thiên Chúa Ba Ngôi được tôn thờ như nhau. Công đồng này cũng khẳng định Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Như vậy có thể nói, lời vinh quang, chúc tụng được dành cho Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh, vốn là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. (GLHTCG 261).
Hiểu theo nghĩa trên, chắc chắn Chúa Giêsu cũng dùng từ vinh danh trong những lời cầu nguyện của Chúa. Chẳng hạn trong lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nói: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng.” Gloria cũng là cả sáng. “Sanctificetur” xuất phát từ động từ “sanctificare”, có nghĩa là “tôn thánh” hoặc “làm thánh”. Bản gốc Hy Lạp thánh Matthêu dùng “Ἁγιασθήτω” (Mt 6-9), nghĩa là tôn vinh Danh Thiên Chúa Cha. Tâm tình tôn vinh này cũng “ngập tràn” trong Tin mừng thánh Gioan (chương 17). Nói như thế để thấy được tầm quan trọng khi chúng ta mở lời nguyện cầu với lời Kinh dễ thương này!
- Lời tôn vinh suốt dòng lịch sử
Chúng ta không đi vào phân tích phức tạp mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, lời Kinh này thật đẹp ở cả vế sau cùng. Đây là một vòng tròn khép kín của thời gian. Thiên Chúa thì vĩnh cửu và hằng sống (infinity). Chỉ vì lý do này cũng đáng để chúng ta chúc tụng Ngài! Ở đây chúng ta chú ý đến bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ: “Từ muôn đời và chính hiện nay. Luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen”:
- “Như đã có trước vô cùng” hoặc “Từ muôn đời”: Điều này khẳng định Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần đã hiện hữu từ vô cùng vô tận, không có khởi đầu. Ngài là Đấng tự hữu, không phụ thuộc vào bất cứ nguyên nhân nào khác, mà chính Ngài là nguồn gốc và nền tảng của mọi sự tồn tại[1].
- “và bây giờ” hoặc “và chính hiện nay”: Lời này khẳng định Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ hiện hữu từ vô cùng vô tận, mà còn hiện diện và đang hoạt động trong hiện tại. Ở đây và lúc này! “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Nếu để ý, chúng ta thấy Thiên Chúa không xa xôi, vô cảm với thời gian và lịch sử của con người, mà là Đấng luôn hiện diện và hành động trong “bây giờ” trong cuộc sống chúng ta. Có thể nói “Bây giờ” là thời điểm hồng ân, khi Thiên Chúa đến gặp gỡ và cứu độ con người, chứ không phải chỉ là một thời điểm trong quá khứ hay tương lai[2].
- “và hằng có”, hoặc luôn mãi đến thiên thu vạn đại: Lời này trong Kinh Sáng Danh khẳng định sự hiện hữu vĩnh cửu và bất biến của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là nguồn gốc và nền tảng của mọi sự tồn tại.
- “Amen”: Đây là tiếng Do Thái, nghĩa là thật vậy, quả thật như vậy, xin được như vậy. Lời này thể hiện sự tin tưởng, trung thành và cam kết của người cầu nguyện. Cũng vậy, Amen trong Kinh Sáng Danh là lời khẳng định và cam kết của người cầu nguyện, thể hiện niềm tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Vài ý nghĩa
Kinh Sáng Danh có một ý nghĩa sâu sắc và đa chiều trong phụng vụ Công giáo, phản ánh nhiều khía cạnh của đức tin và lòng tôn kính đối với Thiên Chúa. Cách đơn sơ, chúng ta có thể nhận ra vài ý nghĩa:
- Lời ca ngợi Thiên Chúa. Cũng như các Thiên thần hát vang lời vinh quang trong đêm Giáng Sinh, chúng ta cũng được mời gọi tôn vinh Danh Thánh Chúa. Cũng như Đức Maria, chúng ta cùng với tâm tình của Magnificat(Lc 1,46-55), để thấy được: “Danh Người thật chí thánh chí tôn!” Và sau cùng nhưng chưa hết, lời Kinh này nói lên tâm tình tôn thờ và chúc tụng Thiên Chúa vì sự vĩ đại và lòng thương xót của Ngài.
- Kinh nguyện là lời cầu xin và tạ ơn. Hiểu theo nghĩa này, Kinh Sáng Danh là một lời cầu xin và tạ ơn Thiên Chúa vì những ân huệ Ngài ban cho nhân loại, bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn kính đối với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
- Lòng trung thành và sự hợp nhất. Khi hát hoặc đọc Kinh Sáng Danh, chúng ta bày tỏ sự trung thành và sự hợp nhất trong đức tin. Điều này phản ánh sự hiệp nhất của Giáo hội trên trần gian với phụng vụ vĩnh cửu trên Thiên Đàng.
Kinh Sáng Danh là một biểu tượng mạnh mẽ của lòng tôn kính, sự ngợi khen và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Với lịch sử lâu đời và ý nghĩa sâu sắc, lời kinh này không chỉ là một phần của nghi thức phụng vụ mà còn là một lời nhắc nhở về sự hiệp nhất và lòng trung thành của người tín hữu đối với đức tin Công giáo. Ước gì mỗi lần chúng ta đọc lời Kinh này, cũng là lúc chúng ta muốn sống để cho vinh danh Thiên Chúa hơn.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/1998/october/documents/hf_jp-ii_spe_19981027_p-a-ciencias.html
[2] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/homilies/1979/documents/hf_jp-ii_hom_19790930_irlanda-knock.html
Nguồn: dongten.net