YoungHoon Kim nổi tiếng vì một lý do hoàn toàn khác: anh tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, trích dẫn Vật lý và Bí ẩn của lương tâm. © El País
Điều làm cho tuyên bố của YoungHoon Kim đặc biệt hấp dẫn không chỉ là sự táo bạo khi anh tuyên xưng đức tin trong bối cảnh xã hội ngày càng thế tục hóa, nhưng là lý luận anh đề xuất: không phải để thách thức khoa học, nhưng để cám ơn khoa học, đặc biệt theo quan điểm của vật lý lượng tử.
Trong thế giới mà trí tuệ và đức tin thường bị cho là không thể hòa giải, tiếng nói của anh YoungHoon Kim, người Hàn Quốc có một tiếng vang bất ngờ. Tháng 4 năm 2024, anh được Hiệp hội Giga công nhận là người có chỉ số IQ cao nhất trong lịch sử (276), nhưng anh nổi tiếng vì một lý do hoàn toàn khác: tuyên xưng đức tin của anh vào Chúa Giêsu Kitô.
Ngày 17 tháng 6, Kim đăng một tin nhắn trên tài khoản Twitter, và tin nhắn này đã nhanh chóng lan truyền. Anh viết: “Tôi nghĩ Chúa Giêsu Kitô là đường đi, là chân lý và là sự sống.” Chỉ trong vài giờ, tuyên bố này đã được xem hàng triệu lần, khơi dậy sự ngưỡng mộ, hoài nghi và đối thoại.
Trong video đi kèm, Kim khám phá ý nghĩa của lý thuyết lượng tử đối với ý thức con người: “Ý thức không chỉ là hoạt động của não. Nó sâu sắc hơn thế. Khoa học thần kinh cổ điển cho chúng ta biết khi não chết, tâm trí cũng biến mất. Nhưng vật lý lượng tử lại cho chúng ta biết một điều hoàn toàn khác: ý thức không bao giờ biến mất. Nó biến đổi.”
Lời nói của anh phản ánh sự suy đoán ngày càng tăng của khoa học và triết học về sự tồn tại của ý thức sau khi chết. Anh trích dẫn nguyên lý lượng tử về bảo toàn thông tin và liên kết nó với các trải nghiệm cận tử: “Những câu chuyện có đặc nét bình yên, nhận thức cao hơn và cảm giác tách biệt khỏi cơ thể.”
Anh nhấn mạnh: “Một số người có thể bác bỏ những câu chuyện này, nhưng sự nhất quán của chúng qua các văn hóa và thời đại cho thấy điều gì đó sâu sắc hơn ảo giác. Chúng là một phần của một sự thật rộng lớn hơn: cái chết không phải là hủy diệt nhưng là một chuyển tiếp.”
Dựa trên ý tưởng về sự vướng víu lượng tử, Kim đề xuất: “Ý thức con người có thể được liên kết với một chiều không gian cao hơn, một cõi vượt ra ngoài hiểu biết vật chất của chúng ta. Một số nhà khoa học tin rằng bản thân vũ trụ có thể là một mô phỏng. Tôi nghĩ là vậy: chắc chắn là một sáng tạo, nhưng không phải ngẫu nhiên. Nó được thiết kế bởi một trí tuệ cao hơn.”
Ẩn dụ của Kim dễ hiểu đến ngạc nhiên, Kim giải thích: “Giống như một nhân vật trong trò chơi điện tử biến mất khỏi màn hình nhưng không biến mất khỏi tồn tại. Bản thân có ý thức của chúng ta cũng có thể tồn tại sau cuộc sống này. Cái chết không phải là kết thúc. Đó là sự thay đổi trạng thái.”
Sự kết hợp giữa đức tin và vật lý của Kim không phải là lời kêu gọi hướng đến chủ nghĩa thần bí, nhưng phản ánh niềm tin, rằng những quy luật sâu xa nhất của vũ trụ liên quan đến những thực tế mà khoa học không thể giải thích đầy đủ. Đối với tín hữu kitô, suy nghĩ của Kim có thể quen thuộc. Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy rằng cái chết không phải là hủy diệt, nhưng là kết thúc cuộc sống trần thế và bước vào cõi vĩnh hằng. Như giáo lý đã nói: “Cái chết là sự kết thúc cuộc hành hương trần thế của con người… và là thời gian ân sủng và lòng thương xót Chúa ban cho con người” (GLCG 1013).
Một tuyên bố sâu sắc của một người như Kim, thông thạo ngôn ngữ khoa học và logic, đến được với đức tin không phải chối bỏ thông minh của mình mà nhờ trí thông minh. Theo Kim, đức tin không mâu thuẫn với lý trí mà ngược lại, giúp lý trí hoàn thiện hơn: “Tôi sẽ không từ bỏ khoa học, tôi đi theo bất cứ nơi nào khoa học dẫn tôi đi.”
Trong bối cảnh văn hóa mà dữ liệu được tôn trọng và bí ẩn bị xem nhẹ, thông điệp của Kim tạo được tiếng vang: “Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng. Ngài chính là Chân lý.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn