Nhà in hơn 400 tuổi của Vatican

Nhà in Vatican bắt đầu chính thức in ấn tài liệu từ năm 1587, nhưng trong khi hiện đã có một số phương án kỹ thuật số, cơ sở này vẫn tiếp tục sắp xếp các bản thảo bằng phương thức thủ công.

Trước khi kỹ thuật in ấn được phát minh, tài liệu đọc thật sự vô cùng hiếm hoi, khác với thời nay, khi mà sách báo, tạp chí, tờ rơi xuất hiện nhan nhản. Đa số người thời xưa không thể viết hoặc đọc, và những bản thảo viết tay được cất giữ cẩn thận bên trong các cung điện hoàng gia và những tu viện, nơi chỉ có một số ít người học thức mới đủ sức tiếp cận kho báu vô giá này.

Tiên phong ở Rôma

Năm 1454, thợ kim hoàn người Đức Johannes Gutenberg đã thương mại hóa phiên bản đầu tiên của máy in chữ loại di chuyển được. Đây là cỗ máy nhờ vào hệ thống đinh vít và con lăn có thể in mực lên giấy. Phát minh của ông Gutenberg giúp đẩy mạnh tốc độ lan truyền năng lực đọc viết ở châu Âu thời kỳ Phục Hưng, và từ đó vĩnh viễn thay đổi cách thức con người trao đổi kiến thức và thông tin. Mười lăm năm sau phát minh của ông Gutenberg, Đức Giáo Hoàng Pius IV thuê ông Paulus Manutius, con trai học giả và nhà cải tiến in ấn Aldus Manutius, lắp đặt một máy in tại Vatican. Có thể nói, ông Manutius đã thiết lập cơ sở in ấn đầu tiên của Rôma. Đây cũng là nơi phát hành các tập sách bao gồm toàn bộ văn kiện tại Công đồng Trent (Trentô). Được tổ chức từ năm 1545 đến 1563 ở Trent (miền Bắc Ý), Công đồng Trent góp phần canh tân Giáo hội, đặc biệt trong bối cảnh phong trào cải cách Tin Lành đang lan tỏa ở châu Âu.

Tuy việc in ấn đã được thực hiện khá lâu nhưng đến năm 1563, Đức Giáo Hoàng Sixtus V mới ban hành quyết định thành lập nhà in đầu tiên của Vatican. Nhà in được giao nhiệm vụ sao chép và in ấn những bản thảo vô giá được bảo tồn bên trong thành quốc. Cơ sở này được đặt tên chính thức là “Tipografia Vaticana”, tức Nhà in Vatican, với Giám đốc đầu tiên là ông Domenico Basa và ông Manuntius đảm nhiệm vai trò giám sát biên tập.

Những quyển sách đầu tiên được xuất bản từ nhà in của Vatican được thiết kế vô cùng sáng tạo so với thời bấy giờ, trong đó có bản Thánh Kinh năm 1593. Các tác phẩm bao gồm những kiểu chữ đặc biệt bắt nguồn từ một trong những nhà in tối tân nhất của châu Âu đặt trụ sở ở Paris. Ban Biên tập cũng tập trung in ấn bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Latinh, chẳng hạn như các đầu sách được in bằng tiếng Hy Lạp và Do Thái. Năm 1626, Đức Giáo Hoàng Urban VII lập một ban của Nhà in Vatican, tập trung sản xuất những ấn phẩm phục vụ cho mục đích truyền giáo. Ban “quốc tế” này in ấn những đầu sách tôn giáo cũng như tự điển và sách ngữ pháp theo 23 thứ tiếng.

Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, nhà in được hồi sinh vào thế kỷ XIX. Đức Giáo Hoàng Leo XII giám sát việc in ấn nhiều tác phẩm, bao gồm sách của nhà ngữ văn La Mã, Đức Hồng y Angelo Mai.

Tuy việc in ấn đã được thực hiện khá lâu nhưng đến năm 1563, Đức Giáo Hoàng Sixtus V mới ban hành quyết định thành lập nhà in đầu tiên của Vatican

Keo dán, chỉ, da, giấy và công nghệ hiện đại

Ngày nay, nhà in vẫn hoạt động và tiếp tục in ấn nhiều đầu sách khác nhau, nhiều nhất là các ấn phẩm từ nhà xuất bản chính thức của Vatican là Libreria Editrice Vaticana, các tuyển tập mỹ thuật cho Cơ quan Bảo tàng Vatican, và tài liệu cho Thư viện Thánh Tông đồ Vatican. Nhà điều phối hiện tại của nhà in là ông Guido Benfante. Nhật báo L’Osservatore Romano của Tòa Thánh luôn được in vào buổi trưa – chiều để kịp thời phát hành trong ngày.

“Nhà in Vatican là cơ quan in ấn lâu đời nhất góp phần vào hoạt động truyền thông – báo chí của Tòa Thánh, Rome Reports dẫn lời ông Benfante. “Chúng tôi vẫn tạo ra những quyển sách bằng keo dán, chỉ, da, giấy, và mọi thứ vẫn tuyệt vời”, theo nhà điều phối. Trên thực tế, Nhà in Vatican vẫn duy trì một bộ phận đóng sách theo kiểu truyền thống, nơi những quyển sách tiếp tục được làm từ giấy dầu và được đóng lại bằng da và vải.

Nhà in hơn 400 năm tuổi của Vatican còn được trang bị những công nghệ mới, để bảo đảm việc in ấn ở đây luôn theo kịp thời đại. Trong thập niên 1980, cơ sở này đặt hàng máy tính cá nhân đầu tiên và năm 2020 chào đón chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại. Đó là cỗ máy chiều dài gần 8m có thể in những bản thảo kỹ thuật số tiết kiệm năng lượng hơn các loại máy in truyền thống.

Với sự hòa quyện độc đáo của truyền thống và đổi mới, Nhà in Vatican tiếp tục vai trò quan trọng sau gần nửa thiên niên kỷ tồn tại. Cơ sở này hiện đảm bảo để toàn bộ các tài liệu, văn kiện chính thức, sách báo luôn sẵn sàng đến tay các tín hữu trên khắp thế giới.

GIANG VÔ YÊN

Nguồn: cgvdt.vn

Bài Liên Quan

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Lêô Xiv Nhân...

Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh AI vì mục tiêu tốt đẹp 2025 diễn ra tại Geneva từ ngày 7 đến ngày...

Đức Lêô nói về tuổi thơ và các buổi...

Đức Lêô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày 4 tháng 6 tại Quảng trường Thánh...

Chuẩn bị Ngày Năm Thánh Giới trẻ tại Roma

Chỉ còn gần ba tuần nữa, Ngày Năm Thánh dành cho Giới trẻ sẽ khai diễn tại...

Sứ Điệp Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới...

El Papa saluda a una anciana durante la Misa del Jubileo de las Familias, los Niños, los...

Lời Kêu Gọi Tha Thiết Của Hội Đồng Các...

  Photo: Nastia Petruk/Unsplash Hội đồng các Giáo hội và Tôn giáo tại Ucraina vừa công bố lời kêu...

Đức Thánh Cha Cử Hành Thánh Lễ Cầu Nguyện...

https://www.youtube.com/watch?v=5OV56Srm1jQ&t=2s Sáng ngày 09 tháng Bảy năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã cử hành thánh lễ...