Từ nhiều năm nay, Giáo hội Bỉ đã cam kết chống lại tệ nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Trong 30 năm qua, Giáo hội Bỉ bị tác động bởi một loạt vụ bê bối của các giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Tòa giám mục Bỉ là một trong những cơ quan đầu tiên ở Châu Âu đối diện với vấn đề này và đã có các biện pháp ứng phó với các nạn nhân cũng như ngăn chặn các vụ việc trong tương lai. Trong thời gian ở Bỉ, dự kiến Đức Phanxicô sẽ gặp một số các nạn nhân.
Lời biện hộ của chính quyền Bỉ cho nạn nhân của các linh mục ấu dâm đã bức bách Đức Phanxicô
Đây là một trong những vết thương vẫn còn nguyên của Giáo hội Bỉ. Gần ba mươi năm sau những tiết lộ đầu tiên, các vụ lạm dụng tình dục và đạo đức của các giáo sĩ, của các nhân viên trong các cơ quan của Giáo hội gây ra cho trẻ vị thành niên, cho người lớn dễ bị tổn thương vẫn còn đăng trên các trang tin tức. Ông Pierre Bernard, điều phối viên của Giáo hội Bỉ về vấn đề lạm dụng ở vùng nói tiếng Pháp thảo luận về công việc ông đã làm với các nạn nhân theo quy định của công lý hình sự.
Vấn đề về các vụ bê bối lạm dụng có phải là vấn đề trọng tâm trong Giáo hội Bỉ không?
Ông Pierre Bernard: Có, chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều với nhiều sự kiện khác nhau. Lần đầu tiên là cách đây vài năm. Đó là câu chuyện của giám mục Vangheluwe, giáo phận Bruges, vụ này đúng là quả bom. Với vùng nói tiếng Pháp ở Bỉ, vụ Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Báo cáo Ciase) một năm trước đây đã có tác dụng cực kỳ mạnh. Sau đó còn có vụ của ông Jean Vanier.
Gần đây, còn có tác động của vụ Abbé Pierre ở Pháp, tất cả đã khơi dậy ký ức vô cùng đau buồn cho các nạn nhân.
Tất cả những điều này để giải thích vấn đề lạm dụng ở nước Bỉ vùng nói tiếng Pháp vẫn còn rất hiện hữu.
Về phía Bỉ nói tiếng Hà Lan, chúng tôi có chương trình “Godvergeten”, “The Forgotten of God” bằng tiếng Pháp, và tác dụng của chương trình này rất lớn ở Flanders. Kể từ khi phát sóng đã có thêm 180 đơn khiếu nại mới và khoảng 40 đơn khiếu nại vùng nói tiếng Pháp.
Sau chương trình phát sóng này, một Ủy ban của Quốc hội được thành lập ở cấp liên bang và cấp Vùng Flemish. Quốc hội Liên bang và Quốc hội Flemish gần đây đưa ra kết luận, Giáo hội rút được bài học từ công việc của hai Ủy ban Quốc hội và đang trong quá trình nghiên cứu về chủ đề này.
Ông có nghĩ xã hội Bỉ đã hiểu được cam kết của Giáo hội chống lại lạm dụng không?
Kể từ vụ Giám mục giáo phận Bruges, Giáo hội Bỉ đã trực tiếp giải quyết vấn đề lạm dụng và tham khảo ý kiến của Quốc hội Bỉ, Giáo hội đã thành lập một trung tâm trọng tài và nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết. Một bên là nạn nhân, một bên là Giáo hội. Tòa đã giải quyết khoảng hơn 600 trường hợp.
Nhưng hội đồng trọng tài đã ngừng hoạt động năm 2017 và kể từ đó, các mối liên lạc vẫn còn tồn tại song song với trung tâm trọng tài, sau đó, theo một cách nào đó, họ đã đảm nhận toàn bộ việc quản lý các vụ lạm dụng ở Bỉ.
Trên thực tế, điểm liên lạc này là điểm để lắng nghe tất cả các nạn nhân, vì chúng tôi rất nhạy cảm với việc các nạn nhân cần được lắng nghe, chúng tôi tin trải nghiệm và những gì họ đã trải qua, họ nói về họ, họ đã trải qua những gì, vì thường thường trong thời thơ ấu, họ không được gia đình cũng như các giáo sĩ tin tưởng, họ cảm thấy đó là một bất công. Chúng tôi đã gặp khoảng hơn 700 nạn nhân và họ đã được bồi thường.
Có một thách thức khác, đó là việc phòng ngừa. Ngày nay Giáo hội cố gắng ngăn chặn không để các trường hợp này xảy ra lại. Công việc phòng ngừa sẽ như thế nào?
Chúng tôi có một hệ thống phòng ngừa cho giáo sĩ. Có cả một hệ thống đào tạo và phòng ngừa được thiết lập ở cấp hội thảo, và một loạt thông tin được cung cấp, đặc biệt là thông qua thường huấn để nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng của các hành vi lạm dụng có thể xảy ra.
Theo kinh nghiệm của ông, ông có thể truyền lại điều gì cho các Giáo hội khác?
Yếu tố cơ bản là lắng nghe nạn nhân khi họ tiết lộ những chuyện ghê tởm họ đã trải qua. Tôi nghĩ về cơ bản đó là những gì họ muốn tìm, trước khi họ được đền bù về mặt tài chính.
Một nạn nhân đến gõ cửa một cơ sở lắng nghe của Giáo hội trước hết họ đi tìm sự tin tưởng, vì cơ bản đó là điều họ đã thiếu trong thời thơ ấu. Chúng tôi biết khi họ nói ra, họ đã không được lắng nghe, không được cha mẹ tin tưởng. Tôi thường nghe những chuyện, khi nạn nhân kể cho cha mẹ nghe điều ghê tởm của linh mục đã làm trên họ, cha mẹ không tin con, họ đứng về phía giáo sĩ để chống con mình, thậm chí còn tát con, đánh con hoặc đe dọa con vì họ không tin con mình. Và điều này là thảm kịch.
Điều đầu tiên cần phải làm là phải cực kỳ thông cảm với nạn nhân, họ tiết lộ tất cả những gì họ đã trải qua trong thời thơ ấu, lắng nghe, tin tưởng chứ không thách thức và đặt câu hỏi về những gì nạn nhân đã tiết lộ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn