Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres – Phần 7: Phát triển ở Hồng Kông và Việt Nam (1860–1883)

“Bước chân của các nữ tu Thánh Phaolô đã vượt qua đại dương, chạm đến những miền đất Á Đông. Tại Hồng Kông, Sài Gòn, và Bắc Kỳ, một mùa gặt ân sủng mới bắt đầu, dù phải đối diện với muôn vàn thử thách.”

Nhà đầu tiên thành lập tại miền Viễn Đông là nhà ở Hồng Kông. Những gia đình Trung Hoa không thích sinh con gái nên các bé gái thường bị cha mẹ bỏ rơi. Các em này sẽ chết nếu không được ai cứu vớt. Năm 1848, Đức Giám mục ở Hồng Kông kêu gọi các nữ tu đến chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi này. Người ta đem các em đến cho các chị nuôi dạy và rửa tội cho chúng nếu thấy không thể cứu sống được.

Nhưng các nữ tu còn phải lo nuôi mình và lo kiếm đủ tiền để nuôi các em cô nhi nữa. Các chị nhận làm hết mọi công việc: dạy dỗ, may mặc, v.v… Cuộc sống các chị rất vất vả và nhiều chị phải lìa đời khi tuổi còn khá trẻ. Dù vậy vẫn có những chị khác tình nguyện đến thay thế, số các chị vẫn tăng.

Thật khó mà làm vừa lòng mọi người ngay cả khi mình vẫn tận tâm làm tốt mọi công việc. Nhiều người ganh tỵ với các nữ tu vì các chị được người nghèo quý mến. Người ta đồn thổi rằng: các người ngoại quốc này giết chết các em nhỏ. Chính quyền ra lệnh điều tra. Nhà các chị bị lục soát. Dĩ nhiên là không tìm ra được gì theo những lời đồn thổi lố bịch trên.

Mặc dù gặp nhiều thử thách, các nữ tu vẫn tiếp tục nhiệm vụ tông đồ của mình. Mẹ Benjamin thấy đã đến lúc thuận tiện để bắt đầu một công trình mới. Mẹ gửi một nhóm các chị cùng vài em cô nhi qua Macao. Công việc tiến triển thuận lợi và một tập viện được thành lập tại đó.

Vào năm 1860, từ Hồng Kông, các nữ tu đến Nam Kỳ, ở tại Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Ở đây có nhiều người cùng khổ và trẻ em bị bỏ rơi. Chúng đi lang thang khắp nơi và trộm cắp để sống qua ngày. Đức Giám mục yêu cầu các nữ tu quy tụ các trẻ em đó vào những Cô Nhi viện.

Ngoài việc lo cho cô nhi, các nữ tu còn giúp các nhà truyền giáo. Các chị cùng đi với các ngài vào các làng mạc hẻo lánh. Các chị săn sóc những bệnh nhân, dạy giáo lý. Công việc của các chị thu được nhiều kết quả. Nhiều người dân xin được rửa tội.

Những người phong hủi bị xã hội ruồng bỏ, phải sống riêng rẽ trên một hòn đảo. Ở đây, luật rừng thống trị: kẻ mạnh áp bức người yếu. Nhiều bệnh nhân phải lén trốn đi. Các nữ tu đã đến ổn định lại trật tự. Sự hiền hòa, lòng tận tụy và các lời khuyên can của các chị đã đem lại an bình cho đảo. Dân chúng công khai tỏ lòng biết ơn về việc làm tốt của các chị.

Chiến tranh lan tới Bắc kỳ. Các nữ tu được mời đến Hà Nội vào năm 1883 để săn sóc thương binh trên chiến trường.

Đồng bào ca ngợi lòng tận tụy và khả năng làm việc của các chị nên xin các chị mở một bệnh viện cho dân chúng. Không bao lâu, bệnh viện, cô nhi viện, trường học mọc lên khắp Đông Dương. Giữa bao nguy hiểm khó khăn, các nữ tu chỉ biết có một luật đó là phải giúp đỡ những anh em đau khổ của mình.

“Giữa những xáo trộn của chiến tranh và đói khổ, các nữ tu vẫn âm thầm gieo trồng yêu thương, cứu giúp những linh hồn lạc lối. Hành trình của họ chưa dừng lại.”

Xem Thêm

Sa Mạc Huấn Luyện Huấn Luyện Viên Sơ Cấp...

Từ ngày 30/4 đến ngày 2/5, tại Giáo xứ Phương Quý – Giáo phận Kon Tum, đã...

SNLC – THỨ BA TUẦN V PHỤC SINH –...

https://youtu.be/GNYZSLEA73w Lời Chúa Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an...

Dấu Chỉ Hy Vọng Tái Sinh Sự Sống

Mùa Phục Sinh, mùa của Ánh Sáng và Sự Sống, không chỉ là ký ức về một...